3 điều đặc biệt trong cuộc đời Trung tướng Lê Hiến Mai (phần 2)

6187
June 19, 2017
Phần 2: Vinh dự được Bác Hồ đặt tên
Trung tướng Lê Hiến Mai, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên giám đốc Học viện chính trị Quân sự, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội luôn được nhớ đến với 3 điều đặc biệt trong cuộc đời đó là: Người viết cuốn lược sử Đảng cộng sản Đông Dương trong tù; người vinh dự được Bác Hồ đặt tên và cũng là người được đồng chí Lê Đức Thọ - Nguyên trưởng ban Tổ chức trung ương làm mai mối.
Năm 1947-1949, đồng chí Nguyễn Văn Phường được cử giữ các chức vụ: Chính ủy Mặt trận Tây Tiến, Liên khu 1; Bộ Tư lệnh Nam bộ, kiêm phân liên khu miền Đông Nam Bộ.
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ Quân đội và tặng thưởng huân chương cho những người đã lập được chiến công lớn. Chủ trương này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh tại cuộc họp ngày 19/01/1948. Ngay sau đó một ngày, ngày 20/01/1948, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội. 
 
 
Điểm di tích Đồi phong tướng bên cánh đồng Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa Thái Nguyên
 
Theo sắc lệnh đó, đợt phong quân hàm đầu tiên có 12 đồng chí, trong đó đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, đồng chí Nguyễn Bình được phong Trung tướng và các Thiếu tướng: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Phường, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn. 
Trong số các vị tướng được phong đợt đó, duy nhất có đồng chí Phường bị răng hô, mọi người gọi đùa là "mái hiên". Biết chuyện, Bác Hồ đã cho gọi chú "mái hiên" lên rồi đặt tên cho đồng chí theo cách nói ngược lại của từ mái hiên là Hiến Mai. Nghe Bác nói xong, đồng chí thích quá. Đồng chí bảo, cái tên Bác đặt quý quá, thành ra cứ sử dụng nó cho đến cuối đời.
 
 
Thiếu tướng Lê Hiến Mai phát biểu tại hội nghị phong trào thi đua lập công giành danh hiệu
đơn vị quyết thắng và chiến sĩ quyết thắng, Thanh Chương - Nghệ An, năm 1966
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đồng chí được Đảng và Nhà nước tín nhiệm cử giữ nhiều cương vị quan trọng như: Bí thư Đảng Đoàn Bộ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp; Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ủy viên Thường trực Quân Quân ủy Trung ương, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng Đoàn Bộ (sau là Bộ Thương binh và xã hội).
Đồng chí được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948; Trung tướng năm 1971. Tháng 12/1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội, kiêm chủ nhiệm Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh xâm lược.
 
 
Từ trái sang: Trung tướng Lê Hiến Mai (thứ nhất từ trái sang), Đại tướng Văn Tiến Dũng,
Thượng tướng Song Hào tại kỳ họp Quốc hội hóa VI, ngày 1/7/1976
 
Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa III, V, VI, VII được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.
Dù đã qua nhiều cương vị công tác với những trọng trách khác nhau nhưng đồng chí Lê Hiến Mai luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí luôn yêu quý cái tên do Bác Hồ đặt và mong muốn được mọi người nhắc đến với tên Lê Hiến Mai. 
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...