Đại tướng Mai Chí Thọ, vị tướng được tôi luyện trong nhà tù thực dân

6089
April 03, 2016
Đồng chí Mai Chí Thọ tên khai sinh là Phan Đình Đống, sinh ngày 15/07/1922 trong một gia đình bần nông tại làng Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã trải qua nhiều biến cố của gia đình như: cha mất sớm, hai anh bị bắt vì tội yêu nước và hoạt động cách mạng.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đồng chí Mai Chí Thọ đã sớm giác ngộ tư tưởng giải phóng dân tộc, năm 14 tuổi, khi đang học cấp II ở trường Lycée Khải Định (1936), đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống lại ách đô hộ tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến.
Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí Mai Chí Thọ tham gia: “Tổ chức Thanh niên Dân chủ”, “Thanh niên phản đế” ở trường học. Do hoạt động năng nổ, nhiệt tình, đồng chí được bầu làm Bí thư đoàn thanh niên phản đế tại Nam Định, lãnh đạo thanh, thiếu niên chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1939, đồng chí Mai Chí Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới vừa tròn 17 tuổi.
Cuối tháng 04/1940, đồng chí Mai Chí Thọ bị thực dân Pháp bắt, giam tại bốt làng Địch Lễ. Đêm hôm đó, bọn mật thám Pháp đem đồng chí ra tra hỏi. Song, không khai thác được gì, chúng lột trần truồng và quật đồng chí xuống sàn xi măng rồi bắt đầu tra tấn đồng chí từ chập tối đến tận khuya, bọn chúng hết đấm, đá rồi quay sang tra điện làm đồng chí chết đi sống lại nhiều lần. Sau gần 3 tháng bị giam ở bốt lính mà không khai thác được gì, bọn mật thám Pháp hoàn thành hồ sơ và chuyển đồng chí Mai Chí Thọ giam tại nhà tù Nam Định.
Tại nhà tù Nam Định, đồng chí Mai Chí Thọ tiếp tục bị cai ngục đánh đập hòng khai thác thông tin về tổ chức Đảng nhưng với ý chí kiên cường, căm thù giặc cướp nước, đồng chí đã cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn dã man, không hề khai về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình. Điên cuồng vì không moi được thông tin, bọn cai ngục liền phạt giam đồng chí vào khu xà lim tối trong gần một tháng. Sau khi ra khỏi xà lim, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng với anh em tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, phản đối bọn cai ngục tra tấn tù nhân.
 Đầu năm 1941, thực dân Pháp chuyển đồng chí Mai Chí Thọ lên Hà Nội, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Ngay sau khi phát bộ quần áo tù, bọn lính canh bắt đồng chí Mai Chí Thọ và những người tù khác ngồi xếp hàng và cạo trọc đầu từng người một. Sau đó, tống vào một trại giam hôi hám, bẩn thỉu.
Về chế độ ăn uống của tù nhân nhà tù Hỏa Lò, theo quy định của Thống sứ Bắc Kỳ thì bữa ăn tù nhân đủ lượng và chất nhưng trên thực tế bọn cai ngục thông đồng với chủ nhà bếp cắt xén khẩu phần ăn của tù nhân để kiếm lợi. Bữa ăn của đồng chí Mai Chí Thọ và anh em tù chính trị thường có: cơm nấu bằng gạo máy miền Nam, để lâu ngày; thức ăn là loại cá mè ươn, nhỏ xíu bằng hai ngón tay, tanh rình được luộc lên ăn hàng ngày với muối cục. Hàng tuần có được một bữa thịt trâu dai nhách, cắn không đứt mà đồng chí và anh em tù thường gọi đùa là “thịt cao su, thịt quai guốc”. Bị giam tại nhà tù Hỏa Lò được mấy tháng, thực dân Pháp đưa đồng chí Mai Chí Thọ ra tòa thượng thẩm Hà Nội xét xử, rồi đưa đi nhà tù Sơn La. 
Nhà tù Sơn La được xây dựng ở nơi rừng thiêng nước độc, cộng thêm phải đi lao dịch nặng nề, đồng chí Mai Chí Thọ bị căn bệnh sốt rét hành hạ một tháng vài ba lần. Vượt lên những khó khăn gian khổ, bệnh tật hiểm nghèo, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn cùng anh em tù nhân học tập chính trị và văn hóa. Chương trình học bao gồm các vấn đề: Lý luận cơ bản Mác - Lênin, xã hội Việt Nam, Lịch sử cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Công vận, Phụ vận, Nông vận,  Thanh vận, Binh vận…tất cả các tài liệu này đều do đồng chí Tô Hiệu nhớ và soạn thảo cho anh em học.
Cuối năm 1943, thực dân Pháp quyết định chuyển tù chính trị Nhà tù Sơn La về các căng Bắc Mê, Nghĩa Lộ, nhà tù Hòa Bình tùy theo các án nặng, nhẹ. Riêng những người có án 10 năm trở lên bị chuyển về Hà Nội, sau đó đưa đi giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Đồng chí Mai Chí Thọ bị giam tại Khám Lớn - Sài Gòn hơn một tháng.
Năm 1944, đồng chí Mai Chí Thọ bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Tại đây, đồng chí chí bị giam ở Khám số 3, đó là Khám tập trung tù chính trị. Trong tù, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng anh em tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt cho tù nhân, cũng như tranh thủ thời gian rảnh rỗi để học tập văn hóa, chính trị. Tận dụng những lúc đi lao động đập đá, đồng chí Mai Chí Thọ cùng anh em tù nhân kiếm những mảnh san hô để làm phấn viết, vẽ bàn cờ, vẽ bản đồ cho anh em học…Tuy bị giam cầm tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi tin tức đều bị phong tỏa nghiêm ngặt, cuộc sống tù đày gian khổ nhưng đồng chí Mai Chí Thọ với ý chí của một người cộng sản, với tinh thần lạc quan vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cuối tháng 4/1945 đến tháng 8/1945, phát xít Nhật chiếm đảo, trước khi rút đi, quân Nhật điều một đại đội lính Việt ra tăng cường cho Côn Đảo. Ngày 2/9/1945, sau khi nghe được thông tin về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng anh em tù chính trị đã quyết định đấu tranh, dùng bạo lực lật đổ bọn thống trị. Giải phóng xong Côn Đảo, đồng chí Mai Chí Thọ cùng với 170 tù chính trị lên tàu trở về đất liền.
Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, tháng 9/1945, đồng chí Mai Chí Thọ được phân công về công tác tại tỉnh Cần Thơ, tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 Đồng chí Mai Chí Thọ lần lượt giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ; Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ; Chính ủy quân khu miền Đông Nam Bộ; Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn – Gia Định; Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Nội vụ… Năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Mai Chí Thọ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; Năm 1987, đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương; Năm 1989, đồng chí được Nhà nước phong hàm Đại tướng An ninh nhân dân; đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.
Năm 1991, Đại tướng Mai Chí Thọ về nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian nghỉ hưu, đại tướng viết hồi ký và tham gia các hoạt động xã hội.
Trong suốt 71 năm hoạt động cách mạng và 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đại tướng Mai Chí Thọ đã trải qua bao gian khổ từ ngục tù thực dân Pháp với những trận đòn tra tấn khốc liệt đến chiến trường chống đế quốc Mỹ khó khăn, ác liệt và đẫm máu. Dù ở bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào đồng chí luôn có ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí thực sự là cán bộ mẫu mực về mọi mặt, được cấp trên cũng như cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kính trọng, tin yêu, quý mến.
 Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đại tướng Mai Chí Thọ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng khác của Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế trao tặng.
                                                          Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Hồi ức Mai Chí Thọ, Nxb Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, tập 1, 2001.
- Tài liệu lưu tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.