Đồng chí Lê Duẩn và những ngày bị giam giữ trong ngục tù thực dân

10105
December 09, 2015
Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận sinh ngày 07 tháng 04 năm 1907 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Lê Duẩn đã là người chăm học và nổi tiếng về sự thông minh, nói tiếng Pháp thông thạo nên dân trong vùng quen gọi với cái tên gần gũi là cậu Thông Nhuận.
 
Năm 1927, đồng chí Lê Duẩn thoát ly gia đình vào Đà Nẵng xin làm kế toán ở Sở Hỏa xa. Năm 1928, đồng chí  tham gia nhóm Ái Quốc, cuối năm đó, đồng chí đ¬¬ược điều ra làm việc tại ga Hà Nội. Đầu năm 1930, đồng chí Lê Duẩn được kết nạp Đảng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Hội nghị Trung ương (tháng 10 năm 1930), đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn của Xứ ủy Bắc Kỳ.
 
Ngày 20 tháng 04 năm 1931, cơ quan xứ uỷ Bắc Kỳ tại nhà số 8, ngõ Quảng Lạc, Hải Phòng bị lộ, đồng chí Lê Duẩn bị bọn mật thám bắt và tra tấn dã man. Mặc dù không tìm ra manh mối, nhưng thực dân Pháp vẫn kết án đồng chí 20 năm tù cấm cố với tội danh âm mưu xúi giục quần chúng nổi loạn và đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò.
 
Tại nhà tù Hoả Lò, đồng chí Lê Duẩn cùng bị giam với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Tạo, Đặng Việt Châu và nhiều đồng chí khác đã thành án từ các địa phương chuyển về đợi ngày phát vãng đi các nhà tù: Sơn La, Côn Đảo, Lao Bảo. Đều là những đảng viên từng giữ vai trò lãnh đạo trong các chi bộ đảng bên ngoài  nên  khi vào nhà tù, đồng chí Lê Duẩn cùng anh em nghĩ ngay đến việc thành lập Chi bộ Đảng.
Khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, Chi bộ Đảng trong nhà tù Hỏa Lò được thành lập do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư. Chi bộ lãnh đạo tù chính trị  thông qua các tổ chức quần chúng như: Hội Lao tù, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Sự ra đời của Chi bộ Đảng trong nhà tù Hỏa Lò đã đưa các phong trào đấu tranh của tù nhân đi vào quy củ, chặt chẽ, hình thức từ thấp đến cao. Với vai trò Đảng viên, đồng chí Lê Duẩn đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ phát huy tinh thần, chí khí của người cách mạng, khắc phục tư tưởng bi quan, dao động  của một số anh em tù nhân.
 
Đầu năm 1932, tại nhà tù Hoả Lò diễn ra cuộc bút chiến sôi nổi giữa các chiến sỹ cộng sản với đảng viên Quốc dân đảng về các vấn đề: đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng; giai cấp và đấu tranh giai cấp; Tổ quốc và gia đình; chủ nghĩa tam dân và chủ nghĩa cộng sản... Đồng chí Lê Duẩn được Chi bộ tín nhiệm, phân công làm chủ bút tờ Đuốc đưa đường. Nội dung của tờ báo hướng đến việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng; vận động tù nhân đấu tranh, đi theo con đường cách mạng đúng đắn do Đảng lãnh đạo.
 
Thông qua các bài viết của mình, đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra nhiều luận điểm sắc bén để  bác bỏ quan điểm sai trái của đảng viên Quốc dân Đảng về giai cấp và đấu tranh giai cấp, vạch rõ những quan điểm mơ hồ, lý thuyết viển vông của tư tưởng quốc gia hẹp hòi. Đồng chí đã trình bày rõ mục tiêu lý tưởng của những người cộng sản là thực hiện cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới do giai cấp công nhân lãnh đạo, giải phóng người lao động, giành độc lập cho đất nước… Đồng chí Lê Duẩn còn bác bỏ sự vu cáo của Quốc dân Đảng cho rằng người cộng sản là những người theo chủ nghĩa vô tôn giáo, vô gia đình và vô Tổ quốc…
 
Bị đánh bại về mặt lý luận, bọn thủ lĩnh ngoan cố của Việt Nam Quốc dân Đảng quay sang dùng thủ đoạn “thiện chiến” và “huyết chiến” với anh em tù chính trị. Nhận định được vấn đề đó, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí đảng viên cốt cán đã thành lập Ủy ban đấu tranh trong nhà tù. Ủy ban này có trách nhiệm bảo vệ các đồng chí của mình và tranh thủ một số phần tử Việt nam Quốc dân Đảng có tinh thần chống đế quốc để kiên quyết phê phán và đánh bại những luận điệu và tư tưởng tư sản phản động của đảng viên Quốc dân Đảng ngoan cố, đồng thời tuyên truyền và giác ngộ những người bị nghi can hoặc bị án nhẹ trong Việt Nam Quốc dân Đảng để giúp họ chuyển báo và độc báo của tù cộng sản.
 
Cùng với việc phụ trách phát hành các tờ báo trong tù, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí  Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Trọng Đàm, Lương Khánh Thiện là những người tích cực hướng dẫn anh em tù nhân học tập chính trị, văn hóa, trau rồi lý tưởng cách mạng. Các tài liệu đã được truyền cho nhau học trong nhà tù là: Luận cương chính trị, Cộng sản vấn đáp, Lao nông chủ nghĩa, Cách mạng thế giới….
 
Cuối năm 1932, phong trào cách mạng dần dần được phục hồi, nhiều cơ sở được dựng lại. Tình thế cách mạng lúc này đang rất cần cán bộ để khôi phục phong trào, chính vì vậy đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Nguyễn Tuấn Thức… đã bí mật bàn kế hoạch vượt ngục. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đồng chí Lê Duẩn và đồng đội khẳng định: muốn vượt khỏi nhà tù Hoả Lò, chỉ có cách  là làm sao ra nằm ở nhà thương Phủ Doãn, rồi từ đó tìm cách ra khỏi nhà tù. Khi ra được nhà thương phải cưa song sắt cửa sổ phòng ở rồi tìm cách thoát ra ngoài.
 
Lúc đầu anh em dự kiến có 10 đồng chí được chọn đi, trong đó có đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Tuấn Thức  nhưng bất ngờ địch lại tống giam đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Tuấn Thức sang xóm xà lim, vì chúng nghi các đồng chí đã tổ chức diễn kịch nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và lãnh đạo tù nhân đấu tranh, do vậy đồng chí Lê Duẩn không thể tham gia cuộc vượt ngục cùng đồng đội.
 
Tháng 2 năm 1933, nhằm cách ly các tù nhân “nguy hiểm” với tù nhân mới vào nhà tù, đồng chí Lê Duẩn cùng 210 tù chính trị khác bị thực dân Pháp đưa đi đày tại nhà tù Sơn La. Cuối năm 1933, thực dân Pháp chuyển đồng chí Lê Duẩn cùng nhiều tù chính trị về lại nhà tù Hoả Lò rồi đày đi nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục tham gia đấu tranh, duy trì nề nếp sinh hoạt, học tập trong lao tù.
 
Năm 1936, Mặt trận dân chủ nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, ban hành một số quyền tự do dân chủ trong đó có việc ân xá các chính trị phạm ở các nước thuộc địa. Nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cũng buộc phải thả một số tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo và một số nhà tù khác, đồng chí Lê Duẩn được trả tự do trong đợt này.
 
Từ nhà tù Côn Đảo trở về, đồng chí Lê Duẩn tích cực hoạt động, xây dựng phong  trào ở các tỉnh miền Trung. Năm 1937, đồng chí Lê Duẩn tham gia thành lập Xứ uỷ lâm thời Trung kỳ. Tháng 3/1938, đồng chí Lê Duẩn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ. Tháng 11/1939, đồng chí Lê Duẩn, được Trung ương Đảng phân công ở lại Sài Gòn để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Bộ. Mặc dù đã được trả tự do nhưng mọi hoạt động của đồng chí Lê Duẩn và một số đồng chí Đảng viên kiên trung khác vẫn luôn nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền thực dân.
 
Ngày 18 tháng 01 năm 1940, mật thám Pháp bất ngờ khám xét nơi ở và bắt giam đồng chí Lê Duẩn vào Khám lớn Sài Gòn. Đồng chí Lê Duẩn bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1941, tại nhà tù Côn Đảo, theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ, tên chúa đảo đã thi hành một chế độ giam cầm tàn bạo nhất trong lịch sử giam giữ ở nhà tù Côn Đảo. Kẻ thù vô cùng hiểm độc, chúng muốn giết dần giết mòn các chiến sỹ cộng sản bằng cách bắt lao động khổ sai hay giam cầm cố trong các xà lim tối tăm, bẩn thỉu. Tới bữa ăn, chúng lùa anh em tù chính trị ra thành hàng ba, cai ngục đứng chắn ngang cửa dùng roi mây quất liên tục lên đầu, lên lưng tù nhân, máu tuôn xối xả. Đồng chí Lê Duẩn và anh em thường phải ăn cơm trộn máu đồng đội.
 
Trong điều kiện sống cực khổ và chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù Côn Đảo, phần lớn anh em cùng giam chung phòng với đồng chí Lê Duẩn bị chết do bệnh tật và kiệt sức. Tuy nhiên sự khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo không khuất phục được ý chí kiên cường của người cộng sản, sự hy sinh của các đồng đội càng thêm tạo động lực để đồng chí Lê Duẩn tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ thù.
 
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chính phủ đón về đất liền tăng cường cho Đảng bộ Nam Bộ và tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

                                                Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
- Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

- Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1977.
- Tổng Bí thư  Lê Duẩn, Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2014.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.