Nữ anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân - Người hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc (phần 3)

3367
July 26, 2017
Phần 3: Hiến trọn tuổi Xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc
 
Mặc dù sức khỏe còn yếu do di chứng của những trận đòn tra tấn trong tù, và nỗi nhớ anh Hoàng Văn Thụ chưa bao giờ nguôi ngoai, nhưng Hoàng Ngân vẫn lao vào công việc, miệt mài không quản ngày đêm. Sau ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, chị được bầu là Thành ủy viên, kiêm Bí thư đoàn Phụ nữ cứu Quốc thành phố Hà Nội. Giữa năm 1946, chị về Hải Dương tham gia tỉnh ủy và làm Bí thư Tỉnh đoàn phụ nữ cứu quốc rồi đảm nhận cương vị là Ủy viên khu Ba, phụ trách công tác dân vận, phụ vận.  
Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan di chuyển lên An toàn khu (ATK) của Trung ương ở Đại Từ - Thái Nguyên. Tháng 10/1947, chị được bầu làm Bí thư Trung ương đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Năm 1948, trước yêu cầu của việc tuyên truyền vận động đoàn kết phụ nữ kháng chiến, kiến quốc, Hoàng Ngân sáng lập và làm chủ nhiệm tờ báo “Phụ nữ cứu quốc Việt Nam”, ra số báo đầu tiên vào ngày 8/3/1946 tại Việt Bắc.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc
(chị Phạm Thị Vân, hàng đứng, thứ hai từ phải sang) 
 
Là lãnh đạo trẻ, xông xáo, dày dặn kinh nghiệm, giỏi giang, Hoàng Ngân đã đưa hoạt động của Phụ nữ cứu quốc Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Năm 1949, Hoàng Ngân đi dự hội nghị Phụ nữ tại Trung Quốc, trên đường về bị địch phục kích, bắn bị thương nặng, nhưng chị vẫn không chịu rời công việc để chữa trị dứt điểm. Do công việc quá bận rộn, cộng thêm vết thương tái phát, sức khỏe yếu dần, chị bị sốt rét rừng hành hạ. Chị em trong cơ quan cáng chị sang trạm y tế Trần Quốc Toản tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (cách địa điểm làm việc 15 cây số) để điều trị nhưng không kịp, chị trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17h ngày 17/7/1949.   
Thương tiếc người con gái hy sinh khi mới 28 tuổi xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cho đổi tên quả đồi Pù Ngạm Ngà, tỉnh Thái Nguyên (nơi Trung ương đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam làm việc) thành đồi Hoàng Ngân. Nhiều đội du kích ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình xin được mang tên anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân. Ngày 14/7/2003, Đảng, Nhà nước truy tặng liệt sỹ Hoàng Ngân Huân chương Độc lập. Ngày 5/12/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 1481/2007/QĐ-CNT truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Hoàng Ngân - Bí thư Trung ương đoàn phụ  nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên.
 Thực hiện đạo lý “Uống  nước nhớ nguồn”, từ ngày 4/7/2017 đến ngày 30/9/2017, Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” nhằm tri ân, tôn vinh tấm gương các liệt sỹ đã từng bị giam cầm trong các nhà tù thực dân trong đó có anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân. Những hình ảnh về chị được trưng bày trong triển lãm sẽ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu và khâm phục tinh thần anh dũng, kiên cường và sức mạnh bền bỉ của nữ anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân - người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của đất nước.  
 
Khách tham quan nội dung trưng bày về chị Hoàng Ngân
tại trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa”
       
                            Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
                              Ảnh: Dương Thanh Hùng
        
            
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...