Người viết sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội (1930 - 1945)

2811
March 26, 2018
Nhân kỷ niệm 87 năm ngày Thành lập Đoàn Thanh niên (26/3/1931 – 26/3/2018) và cũng là tháng Thanh niên năm 2018 do Trung ương Đoàn phát động, chúng tôi tìm gặp ông Dương Tự Minh, một cựu học sinh kháng chiến Hà Nội , cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò. Ông cũng là người được Ban nghiên cứu lịch sử Đoàn Hà Nội giao nhiệm vụ viết “Tập tài liệu tham khảo lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội giai đoạn 1930 - 1945”.
Tiếp chúng tôi trong căn gác nhỏ trên phố Hàng Bông (Hà Nội), ông Dương Tự Minh bỗng trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày hoạt động sôi nổi của mình trong Đoàn học sinh Kháng chiến Hà Nội, sau đó là Đoàn Thanh niên cứu quốc.
Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội, ngay từ nhỏ ông đã được kế thừa truyền thống yêu nước, cách mạng từ người cha của mình là Giáo sư Dương Quảng Hàm. Từ khi còn là học sinh trường Chu Văn An, ông đã tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội với những hoạt động sôi nổi như: rải truyền đơn, tổ chức bãi khóa phản đối thực dân Pháp bắt bớ học sinh, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch giết chết trên đường phố Sài Gòn (ngày 20/01/1950)…
Tháng 12/1952, ông bị thực dân Pháp bắt vì tiếp tục tham gia hoạt động của Đoàn Học sinh kháng chiến Hà Nội. Sau hai tháng bị giam cầm, tra tấn tại Sở Mật thám Hà Nội, ông bị chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò, khi đó ông mới 17 tuổi. Tháng 10/1953, ông được thực dân Pháp cho tại ngoại hậu cứu. Sau khi ra vùng tự do, tham dự chỉnh huấn tại căn cứ của Thành đoàn ở Xích Thổ, Ninh Bình,  ông được bố trí trở lại hoạt động tại nội thành Hà Nội.
Sau khi Hòa bình lập lại (10/10/1954), ông được Thành đoàn Hà Nội phân công trở lại học tại trường Chu Văn An để làm nòng cốt cho phong trào vùng mới giải phóng và chỉ định làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên của trường Chu Văn An. 
Năm 1956 - 1976, ông công tác tại Thành đoàn Hà Nội, giữ các chức vụ Trưởng ban Thiếu niên Học sinh, Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn và sau đó Ủy viên Thường vụ Thành đoàn.
 
 
Kế hoạch hướng dẫn số 04 KH-TNLĐ/TW năm 1960 của Ban Chấp hành Trung ương
Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam về việc viết lịch sử Đoàn 
 
Nói về nhiệm vụ viết “Tập tài liệu tham khảo về lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội giai đoạn 1930 - 1945”, ông chậm rãi kể: “Từ ngày Đoàn Thanh niên được thành lập năm 1931, tổ chức Đoàn cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cách mạng Việt Nam, Đoàn cũng nhiều lần được đổi tên cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, chưa có một tài liệu chính thức nào viết về Đoàn trong những ngày đầu thành lập,  những đóng góp của Thanh niên các tỉnh, thành, trong đó có Thanh niên Hà Nội cho đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính vì vậy, đầu năm 1960 để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên (26/3/1931 - 26/3/1961) và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III. Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định thành lập Ban nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn, nhằm từng bước làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng trong lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên nước ta, trong đó có việc xác định một cách khách quan, khoa học thời điểm ra đời của Đoàn phù hợp với thực tiễn lịch sử. Từ hoàn cảnh đó, Ban nghiên cứu lịch sử Đoàn Hà Nội ra đời và là một tiểu ban của Ban nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Trung ương Đoàn. Do có thời gian hoạt động tích cực, sôi nổi trong phong trào Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và sau đó được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc,lại là người có trình độ nên tôi  được Ban Chấp hành Thành đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội tin tưởng giao cho việc tìm tài liệu, tập hợp và biên soạn “Tập tài liệu tham khảo về lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội từ năm 1930 -1945”.
 
 
Sổ phỏng vấn nhân chứng của ông Dượng Tự Minh sử dụng năm 1960
 
Để hoàn thành nhiệm vụ tìm tư liệu, tập hợp và biên soạn cuốn tài liệu này là một việc vô cùng khó khăn, vất vả do thời gian để hoàn thành là đến cuối tháng 7/1960 phải báo cáo về những tư liệu, hiện vật sưu tầm, giới thiệu cá nhân tiêu biểu cho Trung ương Đoàn để in thành sách; tiếp đó ông Dương Tự Minh đã tự lần mò gặp nhiều nhân chứng ở nhiều địa phương khác nhau từng tham gia các phong trào Thanh niên qua các thời kỳ để phỏng vấn, lấy tư liệu. Có những nhân chứng ở các tỉnh, thành rất xa như: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình ông cũng phải lặn lội hàng trăm cây số, mất 5 đến 7 ngày mới gặp được họ để tìm tư liệu mà đường đi lúc bấy giờ đâu có thuận tiện, tầu xe cũng ít, thường thì ông hay xin đi nhờ lúc thì xe ca chở đồ tiếp phẩm cho các tỉnh, lúc thì xe đạp thậm chí có lúc phải đi bộ hàng chục cây số. Hành trang bên người của ông chỉ là một ít tiền do cơ quan cấp, một chiếc túi nhỏ đựng đồ cá nhân còn lại là hàng xấp giấy, vài cây bút dùng ghi chép thông tin.
 
 
Tập tài liệu tham khảo về lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội
 (1930 -1945) của ông Dương Tự Minh sau khi hoàn thành năm 1961
 
Dù đã rất cố gắng, nỗ lực hết mình nhưng cũng phải đến đầu năm 1961, ông Minh mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau đó, tập tài liệu được gửi đến các cơ quan Trung ương, cơ quan Đảng, Thành phố Hà Nội, các Ban, ngành và một số báo, tạp chí để lấy ý kiến đóng góp chỉnh sửa.
 
 
Ông Dương Tự Minh (thứ 5 từ phải qua) trong một buổi giao lưu
tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
Tập tài liệu này sau đó được Trung ương Đoàn dùng làm tài liệu tham khảo cho cuốn sách giới thiệu về lịch sử Đoàn toàn quốc, mà cũng phải 10 năm sau mới ra mắt công chúng.
Giờ đây, ở vào tuổi 85, người cựu học sinh kháng chiến Hà Nội ngày nào vẫn miệt mài nghiên cứu sách, báo như một thói quen từ hồi đang công tác ở Thành đoàn. Ông quan niệm, tuổi già không hẳn là được nghỉ ngơi, sống an nhàn bên con cháu mà vẫn phải tích cực tham gia các công tác xã hội khác. Ông vẫn thường xuyên viết bài gửi đăng báo, trên trang thông tin điện tử của Di tích Nhà tù Hỏa Lò; tham gia Ban Liên lạc cựu tù chính trị Hỏa Lò; gặp gỡ, giao lưu với các lớp Đoàn viên Thanh niên.
 
 
Ông Dương Tự Minh giao lưu với các bạn trẻ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
Tạm biệt ông, chúng tôi ra về mà lòng đầy cảm phục với câu chuyện kể của ông, những đóng góp thiết thực của ông đối với Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ mà với sức trẻ, nhiệt huyết ngày nào ông đã truyền lửa cho lớp lớp thế hệ thanh niên sau này.
Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Phòng nghiên cứu- sưu tầm
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...