Hiến trọn tuổi xuân cho cách mạng

944
July 19, 2018
"Nước mắt Mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng. Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…". Chiến tranh không chỉ lấy đi nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con mà để lại vết thương cho cả dân tộc Việt Nam. Những ngày tháng 7 này, mỗi người chúng ta như lắng lại tưởng nhớ tới các anh, những người con ưu tú của dân tộc đã ra đi, để lại sau lưng bao hoài bão ước mơ của tuổi trẻ. Tên tuổi của các anh sẽ mãi còn đó trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, trong bài viết này xin được nhắc đến anh: Đặng Hồng Sơn, một tấm gương về tinh thần lạc quan, sự dũng cảm trước những đòn tra tấn của kẻ thù. Anh đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ với 9 chiếc đinh bị đóng trên khắp cơ thể.
Đặng Hồng Sơn tên thật là Đặng Thái Lập sinh ngày 5 tháng 4 năm 1945, là con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Khi còn đi học, Đặng Hồng Sơn nhiều năm liền được bầu làm lớp trưởng, luôn đứng đầu về thành tích học tập và tham gia tích cực mọi hoạt động của trường.
Năm 1962, khi đang theo học tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác, Đặng Hồng Sơn đi theo tiếng gọi của tổ quốc, nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân.
 Năm 1963, Đặng Hồng Sơn tham gia lớp huấn luyện Đặc công ở Đoàn 8, Đặc công Hải quân, tại Hải phòng, sau đó anh tình nguyện đi B vào chiến trường miền Nam, tại Trung đoàn Gia Định B.
Đặng Hồng Sơn khi là chiến sĩ hải quân
 
Năm 1968,  đơn vị của Đặng Hồng Sơn hoạt động ở Sài Gòn, anh được giao nhiệm vụ đánh tàu chiến Mỹ, nhưng bị lộ và bị nước ròng không chạy thoát và rơi vào tay địch. Anh bị giam giữ tại trại giam tù binh trên dảo Phú Quốc, mang số tù 3278, qua các phân khu giam A4, D5, D3…
Tại trại giam Phú Quốc, với sức trẻ, lòng quả cảm và sự nhiệt tình, Đặng Hồng Sơn được Chi ủy trại giam giao cho nhiệm vụ đào hầm vượt ngục. Dự kiến việc đào hầm sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, tuy nhiên đến ngày thứ 6, khi công việc đã gần hoàn tất, tổ chức đang bố trí chọn người để vượt ngục thì có một tên chiêu hồi đã báo cho bọn quân cảnh và giám thị trại giam biết việc các tù nhân trong phân khu D3 đào hầm. Hắn còn đọc rõ số tù của Đặng Hồng Sơn là 3278 cho bọn địch. Nhận được thông tin này, địch điên cuồng tìm cách khủng bố anh em tù nhân. Sáng ngày 20/02/1971, chúng lùng sục vào trại bắt anh em ngồi điểm danh và yêu cầu những ai tham gia đào hầm đứng lên và đi ra ngoài, nếu không làm theo lệnh của chúng thì ngay lập tức chúng sẽ cho đàn áp toàn trại giam.
 
Đặng Hồng Sơn và anh trai trước ngày lên đường nhập ngũ.
 
Lúc này, Đặng Hồng Sơn đã định đứng lên đi ra khỏi hàng, tuy nhiên anh em trong trại đã giữ anh lại, sau đó anh em yêu cầu nhà bếp nấu ăn sớm hơn thường ngày và chia cơm cho anh em ăn. Tuy nhiên, ngay sau đó địch đã ráo riết bắt những người tham gia đào hầm phải tự giác đi ra ngoài. Đặng Hồng Sơn đã đứng lên và bước ra đầu tiên, tiếp theo sau là các anh Kính, Ninh, Cát, Biện, Dung, tất cả là 6 người. Các anh đã đứng ra nhận tội để bảo vệ đồng đội, bảo vệ tổ chức, tránh việc địch khủng bố tập thể. Địch đưa các đồng chí về văn phòng của phân khu D3 và tiến hành tra khảo, đánh đập. Cả 6 người bị đánh tơi tả, quần áo rách nát, cơ thể bê bết máu.
 
Trại giam tù binh Phú Quốc, nơi từng giam Đặng Hồng Sơn từ năm 1968 -1971.
 
Tên sĩ quan địch đến nắm tóc Đặng Hồng Sơn, kéo đầu và hét lên “Mày chỉ huy đào hầm? Chi bộ, Đảng ủy chúng mày là những thằng nào? Không khai hả…”. Anh liếc nhìn sang đồng đội của mình, họ cũng đều bị tra tấn đến bất tỉnh, như ý muốn chào anh em, rồi dồn sức hét rất to: “Chính tao đào hầm, chúng mày là bọn quỷ tàn bạo, kẻ giết người là chúng mày”. Bất giác, anh đã dồn hết sức lực còn lại với lòng căm thù sôi sục, bật dậy đánh lại bọn ác ôn, quật ngã một tên sỹ quan, một tên giám thị, một tên trật tự. Chúng ngã ngửa, ngã chúi xuống đất, chạy quanh sân. Mấy tên sĩ quan ngụy còn lại là trung úy Dốc, trung úy Ngọc, thiếu úy Hùng bất thần, mặt cắt không còn một giọt máu chạy dạt về một bên sân. Nhưng rồi theo lệnh tên sĩ quan chỉ huy, tất cả mấy chục tên lại ùa vào, dồn lại và đè anh xuống.  Chúng quây lấy anh, đè chân tay, bóp cổ, dẫm đạp lên người anh. Đặng Hồng Sơn vẫn cương quyết giữ bí mật cho tổ chức, giữ vững phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng, người đảng viên kiên trung, không mảy may khuất phục.  Rồi chúng đem ra đinh 10 phân, 2 mũi đóng ngập hai mu bàn chân, hai mũi đóng vào hai đầu gối, hai mũi đóng vào hai bàn tay, hai mũi đóng vào hai bả vai. Đặng Hồng Sơn không ngẩng đầu lên được nữa, nhưng miệng vẫn hô vang “đả đảo, đả đảo”, đến mũi thứ 9 đóng vào cổ, Đặng Hồng Sơn không còn cựa quậy được nữa.
Sự hy sinh của Đặng Hồng Sơn nhanh chóng được tin truyền đi khắp các khu giam trên đảo. Những tên sát hại anh cũng khiếp sợ xen lẫn sự nể phục phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Tấm gương gan dạ, kiên trung, sự hy sinh cao cả của Đặng Hồng Sơn, cho lý tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc mãi mãi là “Ngọn lửa sáng” tiếp bước cho thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

    Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...