Tháng 7 - Nói “Lời tri ân”

2456
July 24, 2018
Để ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày để nhân dân thể hiện lòng "Hiếu nghĩa bác ái" và bày tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng.
71 năm đã trôi qua (27/7/1947 - 27/7/2018), ngày 27/7 hàng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng, người có công, các cựu tù chính trị… trở thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Với dân tộc Việt Nam, tháng 7 là “Tháng Tri ân” những người nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, cho nhân dân hạnh phúc. Tháng 7 - Nói Lời tri ân, tháng 7 - tháng linh thiêng, Trời - Đất cũng trùng xuống, bày tỏ lòng thương cảm với anh linh các liệt sĩ, có thể vì vậy mà tháng 7 thường mưa nhiều.
Có lẽ, không có quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam. Vào những ngày tháng 7 chở nặng nghĩa tình, hàng triệu ngọn nến được thắp lên, lung linh, huyền ảo bên hàng triệu nấm mộ trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Những ngọn nến của lòng tri ân, của niềm tin, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Những ngọn nến có sức lan tỏa mạnh mẽ, đánh thức những xúc cảm của mọi người dân Việt Nam. Họ đến với nấm mộ liệt sĩ bằng những bông hoa tươi thắm, nén tâm nhang và ngọn nến tri ân ấm áp. 
 
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò (1899 - 1954)
 
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã có hòa bình, độc lập, tự do nhưng những thế lực thù địch, bành trướng vẫn không ngừng lăm le xâm chiếm từng tấc đất, biển đảo, vùng trời quê hương...Vẫn có những người lính ngày đêm canh giữ đất trời phải hy sinh, máu của đồng bào ta vẫn đổ. Chúng ta tri ân những người anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống và cả những người còn sống: những thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần xương máu của mình trong các cuộc chiến tranh vệ quốc; các mẹ Việt Nam anh hùng; những lão thành cách mạng, người có công với đất nước; những cựu tù chính trị bị thực dân, đế quốc bắt giam trong các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Nước mắt của thân nhân liệt sĩ Phạm Hướng trước những kỷ vật được trưng bày trong chuyên đề “Lời Tri ân”
 
Vì sự trường tồn của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, nhiều người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi, họ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, để lại những trang sách, giảng đường đại học lên đường chiến đấu chống quân thù. Nhiều người đã hi sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường hay trong những nhà tù của thực dân, đế quốc vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
 
 
 
 
 
Những nén tâm nhang, những ngọn nến tri ân, những bông hoa tươi thắm được dâng lên các anh hùng, liệt sĩ
tại Đài Tưởng niệm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Chính vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò hôm nay luôn tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn tới những liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng, những người yêu nước bị bắt, giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, thương bệnh binh đã hi sinh tuổi xuân, một phần xương máu của mình cho Tổ quốc.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong tháng tri ân, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức đón tiếp chu đáo hàng chục nghìn lượt khách tới tham quan; phục vụ chu đáo cơ sở vật chất cho nhiều đoàn thể, cơ quan, gia đình các cựu tù chính trị tới dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trong khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Ban Quản lý Di tích còn là cầu nối giữa Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954) với một số cơ quan, doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân có tấm lòng thơm thảo, gửi tặng những món quà tri ân đến các cựu tù chính trị có hoàn cảnh khó khăn.
 
 
 
 
 
 
Những tấm lòng thảo thơm của các nhà hảo tâm gửi tới “Quỹ Tri ân” nhằm giúp đỡ các cựu tù chính trị Hỏa Lò có hoàn cảnh khó khăn
 
Phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, mỗi độ tháng 7 về, như lời nhắc nhở mỗi cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn coi đây là dịp để thể hiện “Lời tri ân”, đền ơn đáp nghĩa, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha, anh đi trước và cũng là thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, Người đã viết trong Di chúc: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta"; "Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét"; "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh".
              
Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
                                                                         Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...