Thông cáo báo chí Trưng bày chuyên đề: “Hà Nội ngày trở về”

1251
October 03, 2018
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hà Nội ngày trở về”. Trưng bày diễn ra từ ngày 05/10/2018 đến ngày 30/01/2019. 
Trưng bày chuyên đề giới thiệu những chặng đường gian nan của quân, dân Việt Nam của 9 năm trường kỳ kháng chiến để viết nên khúc khải hoàn Giải phóng Thủ đô và quay trở về khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng của mùa thu lịch sử 64 năm về trước, khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô; từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng.
Trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: Ra đi… Hẹn một ngày về và Hà Nội ngày trở về.
Phần nội dung thứ nhất Ra đi… Hẹn một ngày về là những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách, để biến lời thề sắt son đòi lại Thủ đô yêu dấu, giải phóng đất nước và đoàn tụ với gia đình trở thành hiện thực.
Tại không gian trưng bày này công chúng được biết đến một tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sỹ đứng lên đánh giặc cứu nước; một Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu của cả dân tộc; một Hà Nội thời tạm chiếm vừa đổi thay, vừa pha trộn, vừa tạm bợ và Chín năm làm một Điện Biên với biết bao gian nan, máu, xương đã đổ xuống cho ngày giải phóng Thủ đô.  
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Trong buổi đầu độc lập, chính quyền cách mạng đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bên trong “giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành, bên ngoài giặc ngoại xâm liên tục tấn công vận nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Tháng 9/1945, quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, sau đó đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, mở rộng chiến tranh ra Bắc Bộ. Tại Thủ đô, kẻ địch đã gây nhiều vụ xung đột, thảm sát người dân trên các tuyến phố. Trong thời điểm vô cùng khó khăn này, ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sử dụng như một vũ khí sắc bén để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến. Chính phủ Việt Nam chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ (06/3/1946), Tạm ước (14/9/1946) nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới. 
Để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, như lời hịch non sông, báo hiệu giờ cứu quốc đã điểm: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nộ lệ”. Cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc trường chinh, gian khổ với một niềm tin sắt đá: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. 
 
 
 
Hà Nội trở thành mặt trận đầu tiên trong cuộc kháng chiến trường kỳ bằng những loạt đại bác rền vang từ Pháo đài Láng. Quân và dân Thủ đô với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, không quản ngại hi sinh, đã chiến đấu quả cảm, sáng tạo, giành giật với kẻ thù từng ngôi nhà, góc phố, với nghệ thuật quân sự tài tình “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ” đã kiên cường giam chân địch suốt 60 ngày đêm. 
Tạm xa “Thủ đô nắng Ba Đình”, căn cứ cách mạng chuyển lên chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn với những an toàn khu, các “lớp học i tờ” và những “bữa cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Việt Bắc trở thành nơi nuôi chí bền gan chiến đấu cho cả dân tộc “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Những người lính bộ đội Cụ Hồ, những đoàn binh hành quân không nghỉ đã trở thành linh hồn cho cuộc chiến, niềm tin và hy vọng của dân tộc. Theo tiếng gọi non sông, họ bỏ lại phía sau "giếng nước gốc đa", những căn nhà, góc phố và cả những người thương yêu nhất. Nhiều đêm trắng “ngủ ngoài rừng”, “trải lá cây làm chiếu”, “lấy manh áo làm chăn”, dùng sức người đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt càng tỏa sáng khí phách của những người lính kiên cường.
Lần thứ hai quay trở lại Hà Nội, thực dân Pháp ra sức thực thi chế độ quân quản, đàn áp phong trào kháng chiến. Chính quyền cai trị được thiết lập với những cơ quan trung ương về chính trị, quân sự của Liên bang Đông Dương và Bắc Việt Nam. Chế độ bóc lột của tư bản thực dân được tái lập trở lại thông qua các chính sách kinh tế. Bức tranh Hà Nội trong những năm tạm chiếm mang nhiều màu sắc đối lập. Ẩn sau vẻ hào nhoáng của những đường phố sầm uất là đầy rẫy trẻ em lang thang, những khuôn mặt thất thần vừa thoát chết sau cuộc chạy càn từ quê ra tỉnh. Ẩn sau vẻ bình yên, vẫn vang vọng âm thanh của những vũ khí sát thương. Cuộc sống vừa đổi thay, vừa pha trộn, vừa tạm bợ đúng với tên gọi Hà Nội tạm chiếm.
Thực dân Pháp chiếm được Hà Nội nhưng không chiếm được lòng người, sóng ngầm vẫn lan tỏa khắp Thủ đô. Cờ đỏ sao vàng luôn bất ngờ xuất hiện trong thành phố. Người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, tham gia hoạt động kháng chiến. Nhiều cán bộ, bộ đội, du kích đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở. Các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên vẫn bùng lên mạnh mẽ như; tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn tại chùa Quán Sứ, ngày 20/01/1950, xé khẩu hiệu tuyên truyền về Chính phủ Quốc gia do Bảo Đại đứng đầu….
Vươn lên bằng ý chí, tôi luyện sức mạnh qua từng chặng đường gian nan, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích chấn động địa cầu “Giải phóng Điện Biên bộ đôi ta tiến quân trở về”. Niềm vui vang dậy đất trời, nét rạng rỡ hiện trên từng khuôn mặt. Biết bao gian nan, xương máu đã đổ, biết bao anh hùng đã ngã xuống để xây đắp nên con đường tiến về giải phóng Thủ đô thênh thang, rộng mở. 
Phần nội dung trưng bày thứ hai Hà Nội ngày trở về là những câu chuyện của 64 năm về trước khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô; là sự vươn mình đổi thay của Thủ đô và đất nước trên con đường hội nhập và phát triển.
Hiệp định Geneva được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội mà nòng cốt là lực lượng công nhân, tự vệ đã kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng trở về.
Một thành phố trống rỗng xơ xác, thiếu thốn, rối loạn về trị an, căng thẳng về chính trị là âm mưu kẻ địch dốc sức thực hiện trước khi rút khỏi Hà Nội. Nhưng tất cả đều thất bại trước lòng yêu nước, khát khao tự do của nhân dân Thủ đô. Lực lượng tự vệ, công nhân với thái độ kiên quyết, đúng mực, có lý lẽ đã ngăn chặn hiệu quả sự phá hoại của địch. Đồng bào Hà Nội tin tưởng ở lại Thủ đô. Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Nhà Tiền, Thanh Liệt… với sự giúp sức của nhân dân Thủ đô đã chiến thắng âm mưu thủ tiêu người tù, buộc thực dân Pháp phải trao trả toàn bộ các chiến sỹ cách mạng theo tinh thần của Hiệp định Geneva. 
 Sau các Hiệp định về hành chính và quân sự, Hà Nội xôn xao, mừng rỡ, khẩn trương chuẩn bị công tác tiếp quản. Đầu tháng 10/1954, 422 cán bộ thuộc Đội Hành chính và 158 chiến sỹ công an thuộc Đội Trật tự cùng quân Pháp tiến hành bàn giao từng cơ quan, công sở, công trình công cộng. Ngày 08/10/1954, 214 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội cùng canh gác với binh lính Pháp tại 35 địa điểm trọng yếu như: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Dinh Quốc trưởng, Nha Công an Bắc Việt, Nha Bưu điện Bắc Việt, Ty Cảnh sát thành phố, Thư viện Trung ương Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà tù Hỏa Lò… Lực lượng tiếp quản đã giữ vững được phẩm chất của “những người kháng chiến” đảm bảo tính mạng, cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng. Không khí đã rất "nóng" khi những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội.
Lúc này ở trong thành phố lòng dân đã âm ỷ, sục sôi; người người, nhà nhà bàn về ngày chiến thắng. Các chị, các mẹ thức thâu đêm để cắt, may, khâu những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu. Thanh niên nam, nữ hăng hái học các bài hát cách mạng, chuẩn bị cổng chào, đèn, hoa. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày về chiến thắng.
Đúng 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà. Người người mặc quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. 
Khoảng 8 giờ sáng, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng", đẹp như lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sỹ Văn Cao, sáng tác từ năm 1949: 
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố.
Thủ đô lại trở về với Tổ quốc độc lập, kết thúc một chặng đường lịch sử gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang. 15h00 chiều ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ mừng chiến thắng. Giây phút linh thiêng ấy đã được nhân dân mong chờ suốt 9 năm sống trong vùng tạm chiếm. Khi còi ở Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, đoàn quân nhạc cử quốc thiều, toàn quân và dân Hà Nội hướng lên lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính, lặng đi vì xúc động.
Hơn sáu thập kỷ qua đi, thành phố đã có nhiều đổi thay, nhưng hoài niệm của ngày về chiến thắng vẫn khiến những trái tim yêu Hà Nội xao xuyến, bồi hồi:
Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công
Đường thênh thang Ba Đình lịch sử
Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân.
…Thủ đô Hà Nội của ta là một bài ca vinh quang!
Sau ngày giải phóng, nhân dân Hà Nội tiếp tục vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới. Những thăng trầm của thời kỳ vừa dựng xây Thủ đô, vừa kháng chiến chống Mỹ lại bắt đầu nhưng người Hà Nội vẫn vươn lên bằng niềm tin son sắt vào Đảng, vào chân lý bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 
Tổ hợp chính của trưng bày được thể hiện thành hai không gian đối lập. Một bên là hình ảnh Hà Nội đổ nát, hỗn loạn, ngổn ngang nhưng đậm chất anh hùng trong 60 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1946; một bên là Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô mùa thu năm 1954.
Cuộc chiến giam chân địch trong 60 ngày đêm hiện ra với các vật dụng, đồ dùng trong nhà được người dân mang ra làm vật cản ngăn bước tiến của kẻ thù; tường của các ngôi nhà được đục thông nhau tạo thành trận đồ bát quái để chủ động đánh địch; hình ảnh những chiến sĩ quyết tử Thủ đô ôm bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch…. Trên những bức tường đổ nát của Thủ đô ngày ấy còn tái hiện lời thề sắt son của những chàng trai, cô gái tạm xa Thủ đô yêu dấu: Ra đi hẹn một ngày về! Ta thề thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!
Đối lập với hình ảnh hoang tàn, đổ nát trong những ngày chiến tranh vệ quốc là hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng với rực rỡ cờ hoa, đèn lồng, băng rôn, cổng chào trên khắp các con đường, ngõ phố Hà Thành. Hà Nội như bừng tỉnh, mới lạ, rực rỡ và hân hoan. Dưới quốc kỳ, hàng triệu trái tim rực lửa thay mặt cho quân và dân cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Sự trang nghiêm, nghẹn ngào, xúc động, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng, tất cả đã vẽ nên bức tranh Hà Nội hòa quyện những gam màu trong buổi đầu giải phóng.
Trong trưng bày chuyên đề Hà Nội ngày trở về, lần đầu tiên hơn 20 hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô được giới thiệu tới công chúng như:
Tập thơ “Gặt mùa” (tập I, II), ông Lê Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sáng tác trong thời gian phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến và bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1953.
Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô), ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần), cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội tham gia viết bài, tổ chức in ấn, tháng 10/1954.
Chứng minh thư, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp cho ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954.
Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô như: Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò, Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, Đại tá Doãn Thạch Khôi tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ, Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao, Trung tá Lê Văn Hữu tiếp quản Thư viện quốc gia… cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã cống hiến, bảo vệ Thủ đô trong những ngày tạm chiếm như: ông Đỗ Đăng Long, Lê Văn Ba, Dương Tự Minh, Trung tướng Phạm Hồng Cư…. 
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh và phỏng vấn được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô. Đạn bom, chia cắt và đau thương đã lùi về quá khứ, cuộc sống mới ở Thủ đô tiếp tục được dựng xây và phát triển. Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành Di sản văn hóa “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Điều đó khẳng định ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Góp phần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm động lực, ý chí phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Chương trình khai mạc diễn ra vào 8h30 ngày 5/10/2018 (Thứ Sáu).
Tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. 
                                                                                              BAN TỔ CHỨC
                                                                                                        
  *  Liên hệ với với số điện thoại của BTC để được trợ giúp khi cần:  
Phạm Thị Hoàng My - Phòng Hành chính - Tổng hợp
ĐT: 0915.020.105

          
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...