Tiếng hát át tiếng bom (Phần 2)

1230
November 10, 2018
Năm 1965, đồng chí Hoàng Quân Tạo nhận nhiệm vụ đưa đội xung kích của đoàn kịch Hà Nội vào phục vụ tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, nhiều lần biểu diễn dưới các địa đạo Vĩnh Hiền - Mỹ Tú (Vĩnh Tú), Vĩnh Giang - Vĩnh Linh, dọc sông Bến Hải. 
Với nhiệt huyết của mình, đồng chí cùng anh chị em diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn hăng hái vào chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Lúc đó, mỗi người chỉ vài bộ trang phục, nhạc cụ và sân khấu biểu diễn do thành viên trong đoàn tự thiết kế, cắt may. Các nghệ sĩ trong đoàn đều có chung một suy nghĩ và sẵn sàng chấp nhận gian khó, có thể hy sinh nơi tuyến lửa, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó, phục vụ nhân dân, bộ đội.
 
Biểu diễn văn nghệ trên trận địa
 
Trong đợt xung kích vào nơi tuyến lửa, đồng chí Hoàng Quân Tạo và các diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn đã nhiều lần đối mặt với mưa bom, bão đạn của địch nhưng mọi người đều động viên nhau, hăng say luyện tập và dàn dựng các tiết mục mới để phục vụ các chiến sỹ và đồng bào địa phương. Phục vụ trên chiến tuyến, sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ cũng thật đơn giản, chỉ một khu đất nhỏ. Hay trên đường hành quân, sân khấu được dựng ngay gốc cây trong rừng, dưới hầm, hay hát múa tại lán chỉ huy.
 
Đoàn văn công biểu diễn tại Quảng Trị
 
Qua các trận địa mà đoàn đi qua và biểu diễn như: Ngã ba Đồng Lộc, Bến phà Long Đại là những địa danh khét tiếng khi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá hòng ngăn chặn đường vận tải huyết mạch chi viện chiến trường miền Nam. Đồng chí cùng anh chị em nghệ sĩ đã chứng kiến sự quả cảm, kiên cường của bộ đội, thanh niên xung phong, trong đó có nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh nơi trận địa. Vì vậy khi đi đến đâu đồng chí cũng biểu diễn bằng cả trái tim, hóa thân vào nhân vật để xứng với sự hy sinh của các chiến sỹ.
Năm 1967, 1968, đồng chí được giao nhiệm vụ xung kích vào chiến trường phục vụ cán bộ chiến sĩ. Tiếp nối tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, bằng lời ca, tiếng hát sẵn sàng xung kích lên đường tới các chiến trường “Túi bom, vựa đạn”, phục vụ bộ đội truyền “ngọn lửa” sức mạnh đến với đồng bào. Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Với tinh thần đó, đồng chí Hoàng Quân Tạo cùng anh chị em diễn viên, nghệ sỹ trong đoàn kịch hăng hái vào chiến tuyến đường Thống Nhất (đường 16) vượt sông Sêmang, dọc tuyến đường Tây Trường Sơn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu Tổ quốc.
 
Tiếng hát trên đường hành quân
 
Tuyến đường Thống Nhất (đường 16), điểm đầu của đường 16 là xã Thạch Bàn, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là nơi đầu tiên cả nước vào Nam, là "yết hầu” nối hai miền Nam - Bắc, nơi được mệnh danh là túi bom trên đường Trường Sơn Đông (phía Đông) nối sang Làng Ho, trên đường Trường Sơn Tây (phía Tây), là con đường nằm gần nhất với Vĩ tuyến 17, một tuyến vận tải Trường Sơn quan trọng chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Với một trái tim đầy nhiệt huyết, đồng chí Hoàng Quân Tạo cùng nghệ sĩ trong đoàn đều có chung một suy nghĩ và sẵn sàng chấp nhận gian khó, có thể hy sinh nơi tuyến lửa, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Tiếng hát át tiếng bom
 
Đầu năm 1974, một lần nữa đồng chí lại đưa đoàn xung kích vào phục vụ nơi chiến tuyến. Trong đợt đưa đội xung kích của đoàn kịch Hà Nội lần này, đồng chí Hoàng Quân Tạo cùng các nghệ sĩ trong đoàn ngoài các điểm phục vụ trên suốt chặng đường Trường Sơn, Quảng Bình thì đoàn còn nhận một nhiệm vụ mới là  truyền “ngọn lửa” sức mạnh đến phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ tại nơi vùng mới giải phóng thuộc Quảng Trị, được coi là vùng giải phóng hoàn thiện nhất, nơi đặt trụ sở Chính phủ Lâm thời Cách mạng Miền Nam Việt Nam. 
Tại vùng mới giải phóng của Quảng Trị, địch thường xuyên tổ chức đánh phá chiếm lại các trận địa, địch bỏ lối đánh ồ ạt chuyển sang áp dụng chiến thuật "lấn dũi". Chúng hy vọng, với cách đánh "lấn dũi" cộng với bom,  pháo bắn vào trận địa ta. Mặc dù vậy đồng chí Hoàng Quân Tạo cùng các nghệ sỹ luôn có mặt tại nơi trận tuyến ác liệt nhất nhằm động viên tinh thần các chiến sỹ.
Năm 1975,  đồng chí Hoàng Quân Tạo được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà hát kịch Hà Nội. Tháng 5/1975, đồng chí Hoàng Quân Tạo đưa đoàn Nhà hát kịch Hà Nội vào biểu diễn tại các tỉnh, thành phố vừa được giải phóng, là đoàn kịch cách mạng đầu tiên vào biểu diễn tại các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.
 
Đồng chí Hoàng Quân Tạo
 
Ngày hôm nay, với đồng chí Hoàng Quân Tạo, ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, của những nghệ sỹ trên mặt trận văn nghệ, sáng tạo nghệ thuật giữa bom rơi đạn nổ, bền bỉ đưa lời ca, tiếng hát đến với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến lửa vẫn còn mãi trong tim của người tù chính trị năm xưa.
 
Dương Thanh Hùng - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm

Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...