Mùa xuân năm ấy

1001
February 16, 2019
Chúng ta đang sống trong không khí nhộn nhịp đón mùa xuân sang. Mùa xuân của nền hòa bình ấm no, nhớ về những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, ta càng thấm thía lòng biết ơn sâu sắc. Chúng ta cùng tìm hiểu những chiến sỹ yêu nước cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò ngày ấy, họ ăn tết như thế nào? Để hiểu hơn về những khó khăn mà các bác đã phải trải qua. Mặc dù bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò nhưng các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, tìm mọi cách để tổ chức cuộc sống trong tù được tốt hơn. Chính bởi lẽ đó, nhiều ban đã được thành lập như: Ban Sinh hoạt, Ban Trật tự, Ban Ngoại giao và Ban Văn nghệ. Để kịp thời cổ vũ động viên anh chị em trong các trại giam, Ban Văn nghệ được thành lập và hoạt động rất sôi nổi, thường xuyên tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú nhân dịp các ngày Lễ, Tết Nguyên Đán như: hát chèo, diễn tuồng, diễn kịch, thi thơ, bình thơ, đá cầu, dạy hát cho anh chị em tù nhân. Nhiều bài ca cách mạng đã được truyền đi từ trại nam sang trại nữ: “Cùng nhau đi hồng binh”, “Đón gió xuân”, “Đừng khóc nữa”, “Giữ trọn lòng thành”.
 
 

Mặc dù điều kiện trong tù rất thiếu thốn, nhưng Ban Văn nghệ vẫn tổ chức được những buổi diễn kịch khá quy mô. Nội dung các vở kịch thường dựa vào các tích lịch sử hoặc do anh chị em tự biên soạn với những lời lẽ châm biếm, đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội, ca ngợi cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân… Năm 1931-1932, tại trại giam nam anh em đã tổ chức diễn vở kịch “Anh hà tiện”, “Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái”.
Tại trại nữ, đêm giao thừa năm 1944 có vở “Táo quân lên thiên đình”. Năm 1952, diễn vở kịch “Táo quân với Ngọc Hoàng”.
Để chuẩn bị cho buổi diễn, các chị đã nhờ người nhà gửi vào những vật dụng cần thiết: giấy màu các loại, giấy trang kim, hồ dán, ống giang... những thứ đó, chị em phải giấu như giấu tài liệu. Ban ngày, các chị phải lấy chăn, quần áo chặn lên để tránh bị lính canh phát hiện. Buổi tối, chị em phân công nhau làm thành áo dài, mũ táo quân... và tập các đoạn thoại, đoạn thơ đọc trong vở diễn. Đúng vào tối giao thừa, sân khấu đã được dàn dựng ngay trong phòng giam lớn, chị em đã tập trung đông đủ tại đây. Tuy nhiên, do số lượng chị em quá đông nên nhiều chị phải ngồi dưới gầm sàn. Một số chị em khác phải đứng sát vào nhau nhằm che kín cửa ra vào để tránh bị đầm gác phát hiện. Vở kịch với nội dung đả kích chế độ nhà tù khắc nghiệt, mượn các đoạn thơ, đoạn hội thoại để châm biếm toàn quyền Đờ-cu, vua Bảo Đại...
Buổi diễn kịch đã tạo không khí vui vẻ, gắn chặt tình đoàn kết giữa những tù nhân trong Nhà tù Hoả Lò, xua tan đi nỗi buồn và vơi bớt nỗi nhớ người thân, tiếp thêm sức mạnh cho các nữ chiến sỹ cách mạng trong chốn lao tù.
Vào dịp Tết Nguyên đán, để tạo thêm không khí trong các trại giam, anh chị em tổ chức treo cờ đỏ sao vàng, chân dung Bác Hồ do họ vẽ và khẩu hiệu “Mạnh khoẻ, tin tưởng, chiến thắng”. Phút giao thừa, mọi người quây quần bên nhau trò chuyện, hát, đọc thơ mừng xuân. Những hoạt động này được diễn ra thường niên, khiến cho giám ngục rất hoang mang, lo sợ, luôn phải tìm cách đối phó với tù nhân mỗi khi tết đến, xuân về.
 
Khẩu hiệu - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
tự tạo dùng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952
 
Xuân  Nhâm Thìn 1952, ông Đỗ Đăng Long và các thành viên trong Ban lãnh đạo trại O họp bàn để tổ chức cho anh em một cái Tết thật đầm ấm. Anh em thống nhất chủ trương: Những người được gia đình hoặc cơ sở tiếp tế đồ ăn, bánh kẹo, thuốc lá… sẽ góp lại để cùng liên hoan đón Xuân. Phút giao thừa, anh em trang trọng treo một lá cờ Tổ quốc lên bức tường trại giam, thực hiện nghi lễ chào cờ, rồi quây quần bên nhau trò chuyện, ca hát, ngâm thơ.
    Nhớ về Xuân Nhâm Thìn 1952, đồng chí Đỗ Đăng Long kể lại: “ Ở Hỏa Lò, tôi lấy chiếc chăn đỏ làm cờ, cùng trại trưởng tổ chức cho anh em chào cờ, hát Quốc ca vào đêm 30 Tết Nhâm Thìn (1952). Sáng mùng Một, Giám thị bắt cả trại ngồi xếp hàng rồi cho lính dùng dùi cui phang tới tấp vào đầu, vào người anh em. Toàn bộ tù nhân bị phạt cắt tiếp tế ngày Tết vì các trại cùng chào cờ, hát Quốc ca. Giám thị Hoả Lò còn cho tiến hành lục soát toàn trại, lá cờ làm bằng chăn được tôi gấp gọn lại, bỏ vào trong một chiếc túi vải và đặt ngay ngắn phía đầu phản gỗ chỗ tôi nằm, vậy mà may mắn thế nào địch lại không phát hiện ra...”.
 
Cờ - tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tự tạo
dùng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952
 
Những hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đầy ý nghĩa của tù nhân trong Nhà tù Hoả Lò vào dịp Lễ Tết đã giúp họ có thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đây cũng là thông điệp gửi tới thế hệ trẻ hôm nay hãy luôn lạc quan, yêu đời đó sẽ là động lực giúp chúng ta vượt qua khó khăn, làm chủ cuộc sống và có những đóng góp hữu ích cho xã hội.

                    Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...