Tiếng vọng hòa bình

1640
September 11, 2019
Cuộc đấu tranh anh dũng chống đế quốc  xâm lược của nhân dân Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có đất nước Venezuela. Hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất nhưng lại có sự “chia lửa” trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do. Ngày 9/10/1964, du kích quân Thủ đô Caracas (Venezuela) đã bắt cóc Trung tá Michael Smolen, Phó chỉ huy Lực lượng bảo vệ phái bộ Mỹ tại Caracas để đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Hành động này đã thể hiện tình hữu nghị lớn lao của nhân dân hai nước. 
“Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trỗi
Người công nhân Thành phố Sài Gòn
Mà lời anh trước súng giặc thù, vẫn cháy lửa chiến đấu.
Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về Venezuela,
Cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ Latinh...”.
Trích bài hát “Lời anh vọng mãi ngàn năm”, Vũ Thanh
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhân dân Venezuela rên xiết dưới sự cai trị của chế độ độc tài thân Mỹ, thời Tổng thống Raul Leoni. Chính vì thế phong trào đấu tranh du kích phát triển khắp mọi nơi. Toàn bộ lực lượng du kích đều trực thuộc tổ chức các lực lượng Vũ trang giải phóng Quốc gia (FALN). Với nhân dân Venezuela, đặc biệt là những du kích quân, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam có sức khích lệ, cổ vũ họ rất nhiều. 
Ngày 02/5/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đánh bom tại cầu Công Lý (nối giữa quận Phú Nhuận và Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) nhằm ám sát người dẫn đầu phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara khi đến Sài Gòn để hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam. Sự việc bất thành. Anh bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và kết án tử hình. 
 
 
Bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara và tướng Nguyễn Khánh ở Huế, 
tháng 3 năm 1964
 
 
Cầu Công Lý nơi anh Nguyễn Văn Trỗi tiến hành đặt bom nhằm ám sát 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara năm 1964
 
Để bày tỏ sự phản đối và ủng hộ nhân dân Việt Nam, ngày 9/10/1964, các du kích quân Thủ đô Caracas (Venezuela) đã bắt cóc Trung tá Michael Smolen, Phó chỉ huy lực lượng bảo vệ phái bộ Mỹ tại Caracas làm con tin, yêu cầu đổi tự do cho anh Trỗi. Sau khi bắt trung tá Smolen, đội du kích đưa vào giam trong một căn hầm bí mật ngay tại Caracas, bắt đầu thả những tờ rơi thông báo về sự kiện ấy. Đại sứ Mỹ tại Venezuela vô cùng hốt hoảng, tìm cách thương lượng với lực lượng du kích quân. Để đối phó, chính quyền thân Mỹ tại Venezuela thông báo cho lực lượng du kích rằng việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi đã được dừng lại. Giữ đúng lời hứa, du kích quân Caracas phóng thích trung tá Smolen. Nhưng ngay sau khi Smolen được thả, ngày 15/10/1964, Nguyễn Văn Trỗi đã bị chế độ Việt Nam Cộng hòa xử bắn. 12 du kích tham gia vụ bắt cóc Smolen, đều bị bắt và một người đã hy sinh.
Anh đã chết, Anh Trỗi ơi, có biết
Máu kêu máu, ở trên đời, tha thiết!
Du kích quân Caracas đã vì anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.
Trích bài thơ ‘‘Hãy nhớ lấy lời tôi’’, Tố Hữu, 23/10/1964
 
Trung tá Michael Smolen
 
Ông Carlos Argenis Martínez Villalta, cựu du kích quân Caracas từng tham gia chiến dịch bắt cóc Trung tá Michael Smolen, chia sẻ:
"Tôi rất buồn khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị tử hình, nhưng ông ấy không bao giờ chết. Ông ấy sống mãi. Khi biết tin ông ấy vẫn bị xử tử, tôi rất đau đớn vì thực sự chúng tôi đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình. Tất nhiên, nếu được làm lại tôi sẽ vẫn làm như vậy. Năm đó, tôi 20 tuổi, tôi có nghe về Việt Nam, về cuộc chiến của Việt Nam qua sách báo. Tôi tham gia du kích từ năm 1962, nhưng năm 1964 là năm đáng nhớ nhất”.
 
 
Ông Carlos Argenis Martínez Villalta, cựu du kích quân Caracas
 
Đánh giá về những đóng góp của các du kích Venezuela đối với cuộc cách mạng của Việt Nam khi tiến hành vụ bắt cóc sỹ quan quân sự Mỹ, ông Phạm Tiến Tư, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela, cựu Đại sứ Việt Nam tại Venezuela cho biết: "Đây là hành động đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong tình đoàn kết quốc tế đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Và đây cũng là một dấu mốc đánh dấu tình đoàn kết mạnh mẽ của nhân dân Venezuela nói chung và của Đảng Cộng sản Venezuela nói riêng với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta".
Câu chuyện về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Venezuela là nội dung được thể hiện trong trưng bày "Nhật ký hòa bình" tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Câu chuyện đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách tham quan, là thông điệp hòa bình cần được lan tỏa.
 
 
Du khách tìm hiểu câu chuyện về sự ủng hộ của nhân dân Venezuela 
dành cho Việt Nam 
 
Bài: Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông,
 tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...