Cựu tù binh phi công Mỹ Charles Chuck A. Jackson và vợ thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

1385
February 01, 2017
Qua sự giới thiệu của Hội Việt - Mỹ, ngày 11/01/2017, vợ chồng cựu Đại úy phi công Mỹ Charles Allen Jackson, tù binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Theo tài liệu của Cơ quan tìm kiếm quân nhân mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp: Máy bay do Charles Allen Jackson, cựu Đại úy phi công Mỹ điều khiển bị bắn rơi tại Sơn La, Việt Nam vào tháng 6/1972. Sau đó Charles Allen Jackson được đưa về tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Tại đây, ông đã nhận được sự đối xử khoan hồng, nhân đạo từ các cán bộ quản giáo trại giam. Đặc biệt Charles rất ấn tượng và biết ơn chiến sỹ quân đội có tên là Phạm Tiến Đông - người trực tiếp quản lý ông. Sau khi được trao trả về nước, Charles Allen Jackson luôn mong muốn được quay trở lại Việt Nam để tìm lại những ân nhân đã giúp đỡ và cứu sống mình.
Hội Việt - Mỹ đã đón tiếp và giúp thu xếp một số buổi làm việc, gặp gỡ giao lưu tại Hà Nội và Sơn La trong thời gian ông Charles và vợ, bà Marty Jackson vào du lịch Việt Nam từ ngày 25/12/2016  đến ngày 17/01/2017.
Vợ chồng cựu phi công Charles Allen Jackson bắt đầu đặt chân đến Việt Nam từ các tỉnh phía Nam, rồi ra thăm Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình và Sơn La từ ngày 07 đến 17/01/2017.  Ông bà Chuck và Marty Jackson đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cấp thị thực cho chuyến thăm này.
Ông Charles “Chuck” A. Jackson cho biết: Máy bay của ông bị bắn rơi vào ngày 24/6/1972 tại thôn Mương Dó (cũng gọi là Mường Gió), huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La (Mật danh vụ này là 1882) và ông bị bắt giữ tại đây. Khi nhảy dù xuống đất, Charles đã bị thương ở bàn tay trái và chảy máu, những người dân địa phương đã lấy một thứ lá thuốc đắp lên vết thương cho ông và chỉ sau 3 ngày, vết thương đó đã liền (Charles đã rất ngạc nhiên về thứ thuốc kỳ diệu đó). Sau đó, ông được chuyển về tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và được trao trả về Mỹ theo quy định của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào 27/01/1973.
 
Ông Allen Jackson tham quan phần trưng bày 
về cuộc sống của tù binh phi công Mỹ tại Nhà tù Hoả Lò
 
Trong thời gian là  tù binh, ông Allen Jackson đã nhận được sự sự chăm sóc chu đáo của nhân dân xã Mường Gió, sự đối xử bao dung của cán bộ quản giáo tại Nhà tù Hỏa Lò. Trở về Mỹ,  ông luôn tâm nguyện sẽ trở lại Việt Nam để gặp lại và nói lời tri ân tới một số cơ quan, cán bộ, chiến sỹ quản giáo và người dân Việt Nam, là những người ông luôn coi là ân nhân đã “cứu mạng sống cho mình”.
Trở lại Việt Nam lần này, ông Chuck Jackson có nguyện vọng được thăm lại Nhà tù Hỏa Lò; mong muốn được gặp gỡ các cựu cán bộ, quản giáo từng làm việc ở  đây những năm 1972-1973, trong đó có đồng chí Phạm Tiến Đông; thăm lại xã Mường Gió, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La với hy vọng  gặp lại một số người đã từng bắt giữ và đối xử tốt với ông, gồm:
1.     Ông Hà Văn Mần, cựu Chỉ huy Tiểu đội dân quân của Xã Mường Gió, người đã tham gia bắt giữ và gọi tên ông bằng tiếng Anh khi đó “JACKSON”.
2.     Ông Hà Văn Lẫy, cựu chiến sỹ dân quân Mường Gió, cùng tham gia với ông Hà Văn Mần
3.     Ông Hà Văn Yết, cựu Phó Chỉ huy Dân quân xã Mường Gió
4.     Ông Hà Văn Hồ, cựu Trưởng Công an xã Mường Gió
5.     Ông Hà Văn Chiền, Cựu Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Xã Mường Gió. 
 
Ông Allen Jackson đang kể về các các chiến dịch của Hoa kỳ 
đánh phá miền Bắc Việt Nam 
 
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cựu Đại úy phi công Charles Allen Jackson rất phấn khởi khi được biết đã có nhiều cựu tù binh phi công và thân nhân của họ đã quay trở lại thăm di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, đặc biệt sau những chuyến tham quan đó khi trở về Hoa Kỳ, các cá nhân và gia đình đã sưu tầm những tư liệu, hiện vật có liên quan đến phi công Mỹ khi họ bị bắt làm tù binh, giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò để trao tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày tại đây. Cá nhân ông cũng hứa sẽ giành tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò một số bức ảnh chụp về ông trong thời gian ông bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã gửi tặng vợ chồng cựu Đại úy phi công Charles Allen Jackson một món quà đặc biệt: Bài thơ chúc Tết năm 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (do tù binh phi công Mỹ dịch sang tiếng Anh) được khắc trên chiếc lá bàng - mà chính những chiếc lá bàng đơn sơ đó là liều thuốc quý đã cứu sống biết bao chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Vợ chồng ông bà Charles thực sự cảm động khi được nhận món quà ý nghĩa từ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...

Tiếp nối ngọn lửa truyền thống cha ông

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), Ban Giám hiệu trường tiểu học Điện Biên và trường tiểu học Bình Minh đã tổ chức chương trình tham quan,...