Đón Tết trong ngục Hỏa Lò (phần 2)

2248
February 19, 2018
Cụ Phạm Khắc Hoè khi bị giam ở Hỏa Lò từ tháng 12/1946 đến tháng 1/1947, còn nhớ một bài thơ “Ăn tết Hỏa Lò” được lưu truyền khi ấy: 
Phú quý phong lưu nếm đủ rồi
Năm nay ăn Tết Hỏa Lò chơi
Giao thừa pháo vắng tha hồ ngủ
Mồng một cơm chay mặc sức xơi
Bạn mới bốn anh nằm bốn góc
Lính hầu hai cửa đứng hai người
Cách tường nghe tiếng ai rên rỉ
Lửa bốc buồng gan sục sục sôi.
 
 
Ông Phạm Khắc Hoè và bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm, năm 1942
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Thụy, kể lại không khí đón xuân của anh em tù chính trị: “Cuối năm 1950 - 1951, gần tới Tết Nguyên đán, chủ trương của chi bộ căng tù binh lúc đó phải tổ chức cho anh em đoàn kết vui vẻ về tinh thần và vật chất, tham gia các hoạt động, qua đó giữ vững chí khí trong tù. Tôi tập hợp thành lập đội thơ ca, thể thao, các đồng chí có gia đình tiếp tế vào thì với tinh thần tự nguyện để đưa các món ăn, quà bánh vào mâm cơm của mình để cùng ăn với nhau. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Thụy, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò 
từ tháng 8/1950 - 9/1954 (ảnh chụp năm 1956)
 
Bữa cơm hai ngày Tết mùng Một và mùng Hai anh em ngồi thành từng hàng khác hẳn với những ngày thường, mỗi mâm 10 người, đồ ăn được sắp xếp đẹp đẽ. Sau những lời chúc để đón mừng năm mới, anh em đã hát tập thể những bài ca kháng chiến rất sôi nổi. Bọn cai ngục, đứng đầu là thằng Quản Tây đứng trên tầng hai la hét quát tháo, cấm chúng tôi không được hát, anh em ngồi dưới coi như không nghe thấy, nó vô cùng tức tối nhưng không dám đàn áp khủng bố vì nó cũng biết ngày Tết truyền thống là vô cùng thiêng liêng của mỗi dân tộc. Tinh thần anh em lên rất cao nên nó phải im lặng để anh em ăn uống vui chơi mấy ngày ở trong trại cũng như ra ngoài sân.
 
 
Cờ và khẩu hiệu tù chính trị tự làm để sử dụng trong các dịp Lễ, Tết
 
…Trong những ngày cuối năm 1952, để chuẩn bị đón giao thừa, các trại đều phải lấy xuất thịt hàng ngày của anh em để rán lấy mỡ đem cất dấu, không cho địch biết đề phòng bọn chúa ngục cắt điện thì mình dùng mỡ thắp sáng để mít tinh. Đến đêm giao thừa, các trại đều mít tinh hô khẩu hiệu vang động cả Hỏa Lò. Bọn chúa ngục và gác điêng tuần tra chỉ đứng bên ngoài cửa sắt đập khóa ầm ầm, dọa mở khóa bắt anh em đi cùm nhưng chúng không cắt điện. Một lúc sau chúng từ từ rút lui, còn chúng tôi chuẩn bị làm lễ chào cờ và mít tinh ăn mừng thắng lợi, đón lễ giao thừa.
Sáng mùng Một Tết chúng vào trại điểm danh, tên chúa ngục đến bất ngờ tát đồng chí phụ trách trại một cái. Tôi rất căm phẫn và chuẩn bị nếu nó còn hành động như thế nữa thì tôi sẽ vận động anh em đứng lên phản đối. Tối hôm đấy, anh em lại tổ chức mít tinh. Sáng ngày mùng Hai Tết bọn chúa ngục vào điểm danh có hỏi: Ai tổ chức mít tinh hôm qua? Tôi đứng ngay trước mặt tên chúa ngục và nhận mình đứng ra tổ chức. Ngoài ra, còn có một anh tù thường phạm cũng đứng ra nhận, thế là hai chúng tôi bị đưa vào cùm trong xà lim. 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...