Đồng chí Hoàng Thị Ái - Nữ tù nhân dũng cảm, kiên cường nơi địa ngục trần gian

8716
April 20, 2016
Đồng chí Hoàng Thị Ái sinh ngày 3/2/1900 trong một gia đình Nho giáo ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thấu hiểu nỗi khổ của người dân lao động dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, năm 1927, đồng chí đã thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng.
Đồng chí tham gia “Hưng nghiệp hội xã” ở Quảng Trị, tổ chức các hoạt động kinh doanh nhằm quyên góp tài chính cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 5/1929, “Hưng nghiệp hội xã” bị lộ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Quảng Trị. 
Sau khi được trả tự do, thực hiện chủ trương “Vô sản hoá” của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí làm công nhân ở nhà máy chè Tu-ran (Đà Nẵng), đồng thời làm nhiệm vụ liên lạc bí mật giữa Tu-ran với Thừa Thiên và Quảng Trị. 
Cuối năm 1929, đồng chí đến thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An làm liên lạc cho Xứ ủy Trung kỳ, Xứ ủy Bắc kỳ và đảm trách việc in ấn tài liệu, truyền đơn; tìm các địa điểm hoạt động cách mạng, mua vật liệu, dụng cụ ấn loát cho các địa phương. 
Tháng 5/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam tại Sở Mật thám Vinh. Vững lòng tin theo Đảng, đồng chí kiên cường chịu đựng những trận đòn tra tấn tàn bạo nhất của kẻ thù. Hai tháng sau, chúng chuyển đồng chí về giam tại nhà lao Vinh. Tại đây, đồng chí đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi cải thiện khẩu phần ăn, chống đánh đập khủng bố, phản đối đưa tù chính trị đi phát vãng ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Kon Tum. Bên cạnh đó, đồng chí còn tham gia tuyên truyền, giác ngộ nữ tù kinh tế đi theo cách mạng. Sau đó, Toà án Nam triều kết án đồng chí 13 năm tù giam, qua quá trình xét duyệt tại Huế đã giảm án còn 7 năm tù giam.
Năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp lên cầm quyền, ban hành một số quyền tự do dân chủ trong đó có việc ân xá các chính trị phạm ở các nước thuộc địa. Sau khi được trả tự do, đồng chí tham gia phong trào bình dân bán công khai ở Quảng Trị. 
Tháng 5/1940, đồng chí bị mật thám Pháp bắt ở Tu-ran, Đà Nẵng. Do không tìm được chứng cứ nên Toà án địch tại Đà Nẵng kết án đồng chí 2 năm tù giam rồi đưa ra Hà Nội. Toà án binh của Hà Nội tăng án lên 5 năm tù và chuyển đồng chí về giam tại nhà tù Hoả Lò. 
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, được mệnh danh là “địa ngục trần gian” tại Hà Nội. Tại đây, đồng chí Hoàng Thị Ái bị giam tại phòng giam tập thể trong trại giam Nữ. Phòng giam khoảng 40 người. Do giam đông người lại chỉ có một cửa nên nữ tù nhân ở trong lúc nào cũng cảm thấy thiếu không khí, người rất mệt. Chế độ ăn dành cho tù nhân là gạo hẩm, cá mục, thịt trâu già, rau muống cả bè… Cuối năm 1940, thực dân Pháp ngày càng tăng cường, khủng bố phong trào cách mạng. Số người bị bắt càng đông. Theo chỉ thị của Thống sứ Bắc Kỳ, giám ngục nhà tù Hỏa Lò thẳng tay đàn áp, khủng bố tù nhân, cắt hết mọi quyền lợi của tù chính trị, thực hiện chế độ nhà tù khắc nghiệt.
 
 
Trại giam Nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò 
 
Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Hoàng Thị Ái vẫn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Để tổ chức cuộc sống và giúp đỡ lẫn nhau, nữ tù nhân nhà tù Hoả Lò đã bầu ra một ban phụ trách chung và dưới ban này có các tiểu ban giúp việc như tiểu ban đối ngoại, nội trợ, trật tự, cứu tế. Tại trại Nữ, đồng chí được tín nhiệm cử vào ban phụ trách chung cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân), Trương Thị Viếng… có nhiệm vụ lãnh đạo các tiểu ban và mọi hoạt động của tập thể nữ tù nhân. Ngoài ra, đồng chí còn được cử vào tiểu ban Trật tự, chịu trách nhiệm chăm lo trật tự chung của trại và trật tự vệ sinh. 
Với vai trò của mình, đồng chí Hoàng Thị Ái thường xuyên vận động chị em tham gia đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, đồng thời giác ngộ cách mạng đối với nữ tù thân Nhật và nữ tù thường phạm. Với dáng người nhỏ, tóc búi tó, giọng nói Quảng Trị ấm áp, luôn gần gũi, hòa đồng với chị em nên trong tù, đồng chí được nữ tù nhân quý mến, gọi bằng tên thân mật là “chú Ái”.
Năm 1944, khi được tin đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái mất tại “Nhà thương làm phúc” (bệnh viện Bạch Mai hiện nay), các chị em tù nhân trào nước mắt tiếc thương  và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về đồng chí, về những lần đồng chí đứng lên bênh vực đòi quyền lợi cho chị em, đối đáp từng câu với bọn giám thị. Cả phòng giam làm lễ tưởng niệm đồng chí. Nén nỗi đau thương, đồng chí Hoàng Thị Ái động viên, an ủi chị em: “Chúng mình thương chị Thái thì phải cố lên sau này ai được ra tù sẽ trở lại hoạt động trả thù cho chị và các chị khác”.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, vào chiếm nhà tù. Lợi dụng sự canh gác còn nhiều sơ hở của quân Nhật, đồng chí Hoàng Thị Ái cùng một số nữ tù chính trị tổ chức vượt ngục bằng cách trèo tường. Số lượng người vượt ngục được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 7 người, đồng chí được bố trí ở nhóm thứ nhất. Khi đồng chí và một số nữ tù nhân đã thoát khỏi trại giam bằng cách trèo lên mái nhà, chuẩn bị vượt qua tường rào để trốn thoát nhưng không may bị quân Nhật phát hiện. Trang 101, hồi ký cách mạng “Một lòng với Đảng” của đồng chí Hoàng Thị Ái, Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 1964 có đoạn viết như sau: “Chúng tôi nhanh nhẹn dùng thang dây tụt xuống tường nội. Mới được sáu đứa từ trên tường nội nhảy xuống đường. “Bịch, bịch”, tiếng chân người chạm xuống đường, phát ra tiếng động. Nghe tiếng động, bọn lính Nhật dừng lại, chúng tôi cũng nhanh như cắt nép vào dưới vọng gác. Thấy yên yên, chúng tôi tưởng chúng nó đi rồi. Tất cả sáu đứa chúng tôi nhanh nhẹn chạy lên trên vọng gác. Một cô công kênh cô Nhạn lên, cô Chính thì đỡ ở đít để cho cô Nhạn buộc cái thang bằng chăn vào cột điện và vắt chăn lên dây điện để khỏi chạm phải điện. Vừa lúc Nhạn buộc xong thang dây vào cột điện đang đứng lom khom ngất nghểu trên tường chưa kịp tụt xuống thì hai thằng Nhật đã huýt còi…”. Lính Nhật định lấy lưỡi lê đâm tù vượt ngục nhưng nhờ sự khôn khéo của đồng chí, chúng mới để cho các nữ tù nhân khác trèo tường xuống.
Tháng 6/1945, được trả tự do, đồng chí Hoàng Thị Ái trở về quê hương tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí được cử làm Tỉnh ủy viên và Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Trị đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Phụ nữ cứu quốc của tỉnh.
Cuối năm 1945 cho đến năm 1948, đồng chí giữ các chức vụ: Bí thư Phụ vận Trung bộ và Xứ uỷ viên Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Trị; Khu ủy viên và Bí thư Phụ vận khu 4.
Năm 1949, đồng chí công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương. Năm 1950 - 1963, đồng chí giữ chức vụ: Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 10/1963, đồng chí được nghỉ hưu. Đồng chí Hoàng Thị Ái mất ngày 02/01/2004 tại Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn

Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (1899 - 1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Một lòng với Đảng (Hồi ký của đồng chí Hoàng Thị Ái), Ngọc Tự, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1964.
- Những năm tháng khó quên (truyện nữ tù chính trị Hỏa Lò - Hà Nội trước năm 1945), Bích Thuận, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2002.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.