Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

4708
October 03, 2016
Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. 
Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về trước như hiện hữu sống động trước mắt người đọc...
 
Phần 2: Cuộc sống nơi tù ngục
Sân trại giam nữ rộng 100m2, cuối sân có một nhà tắm rộng khoảng 10m2 là nhà tắm chung cho nữ phạm nhân. Trong nhà tắm chỉ có 1 vòi nước nhưng không bao giờ có nước. Chị em thường phạm hay tắm ở bể nước cạnh nhà vệ sinh, chỉ có chị em tù chính trị tắm ở nhà tắm và phân công xách nước ở ngoài vào. 
Hơn hai trăm người hoạt động trong một sân nhỏ, chị em thường phạm lại có nhiều người mang bệnh: Lao, giang mai, ghẻ lở. Giờ ra sân là giờ mà chúng tôi tiếp xúc với ánh nắng, hít thở không khí, chạy đi chạy lại cho chân tay khỏi tê liệt.
 
 
Sân trại giam Nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò
 
Chế độ ăn
Bọn cầm quyền giao khoán cho các chủ thầu nấu cơm cho tù nhân. Chủ thầu thường thông đồng với cai ngục bớt phần ăn của tù. Khi chia cơm và thức ăn, những người thường phạm làm tạp dịch trong nhà lao lại chia ưu tiên cho mình nên khẩu phần ăn đến người tù vừa ít vừa thiếu chất. 
Mỗi tuần, thức ăn của tù nhân thay đổi theo quy định: chủ nhật được ăn một bữa thịt lợn, thường lợn sề hay thịt bạc nhạc; ba bữa thịt trâu già luộc quá lửa dai như quai guốc, còn lại là những bữa cá mè ranh, cá dầu để cả ruột luộc với tương; đậu phụ luộc, cá khô đã bị ép hết dầu, phần nhiều bị mốc, có dòi. Rau thì tùy theo mùa: rau cần, cải củ, bầu bí luộc hay rau muống già dài như giải dút là chủ lực. 
Mỗi lập là cơm có một miếng cháy đựng muối cùng với thức ăn để trên mặt cơm. Cơm thường là cơm gạo tấm trắng của miền Nam để lâu, có sâu, mọt, ăn vừa nhạt vừa đắng. Ăn gạo đó lâu có người bị phù tim, có tháng chết 40 người. Năm 1942, các anh bị chết quá nhiều phải đấu tranh đòi đi Sơn La hay đi các nhà lao khác. Những tuần được ăn gạo đỏ, dù họ thổi nát để cân cho nặng, chúng tôi rất mừng mặc dù cơm rất ít. 
 
Máng, chậu (lập là) - Nhà bếp dùng đựng cơm và thức ăn cho tù nhân Nhà tù Hỏa Lò
 
Đến giờ ăn, các lập là cơm được để ở hành lang, chúng tôi ra lấy đổ vào các rổ rá của mình rồi phân công cho các chị em: người nhặt rau, người thái thịt, lấy nước rau, nước uống… Các chị trong ban nội trợ xem xét các món, nếu là cá luộc, thịt trâu hay đậu luộc thì cho ăn ngay; nếu là thịt lợn thì lọc lấy mỡ rán lên làm muối mỡ, cá khô bị mốc phải nhặt bỏ vẩy, chỗ mốc nhiều, sau đó rửa và rim lại để bữa ăn sau. 
Cá mè ranh, cá dầu luộc lúc đầu chúng tôi rất sợ, không dám ăn vì chưa ăn kiểu đó bao giờ. Nhưng sau lâu ngày thiếu chất tươi, người mệt mỏi, mắt bị mờ dần, chúng tôi đành phải động viên nhau cố ăn (bỏ đầu, bỏ ruột đi) để có chất nuôi cơ thể.
Các thứ đựng thức ăn, đựng nước thường là gáo dừa do gia đình gửi vào. Bát ăn cũng là mảnh gáo dừa chúng tôi mài nhẵn, đũa tre, đũa gỗ là những viên chức làm ở Hỏa Lò có cảm tình cho chị em. Họ còn mang cho cả cà mèn nhôm, ống bơ để rán mỡ hay rim cá. 
Khi có người ốm, chị em phải lấy cơm tù, đỗ xanh hột đã xiết rồi cho vào ống bơ nấu cháo ăn. Dao thái chúng tôi tự làm bằng cách tháo nẹp sắt ở nắp cống trong sân, ngoài việc dùng để thái thịt, cắt vải, chúng tôi dùng để khoét hố trong tường giấu tài liệu. Thứ để đun là vụn vải cũ, chăn cũ, lá bàng khô, rổ rá rách…
 
Mặc
Khác với các tỉnh, Hỏa Lò có quần áo riêng cho các tù nhân. Quần áo may bằng vải mộc trắng, trên có nhiều chữ MC mầu đen, mặc đến rách quần áo, các chữ đó không phai. Quần ngắn cũn cỡn chỉ đủ cho người cao 1m42 mặc vừa, áo mở ngực, chui đầu, không có túi.
Quần áo phát lúc đầu cũng như đổi hàng năm đều cũ mục, có cái đã rách. Chị em tù thường phạm bị giam giữ không lâu nên phát gì mặc nấy. Còn chúng tôi bị giam giữ lâu nên phải sửa sang lại quần áo cho phù hợp với mình: quần can dài ra, áo mở khuy và khâu thêm túi. 
Với tinh thần sẵn sàng san sẻ, chị em mới vào bị phát những bộ quần áo cũ, bẩn được các chị vào trước cho mượn quần áo mặc tạm rồi tìm những tù thường phạm sắp được trả tự do đổi lấy những bộ mới hơn để mặc. Hằng năm cứ làm đều đặn như thế nên quần áo được lành lặn, chăn, chiếu cũng lành lặn hơn. Vì thế đến kỳ đổi quần áo, chị em thường không đổi để khỏi phải lấy những bộ rách và bẩn hơn. Nhưng đối với tù nam giới thì vô cùng khó khăn, quần áo cũ, mục nát không không mấy lúc mà rách, vì thế phần đông tù nam phải ở trần, mùa hè đã khổ, mùa đông đến chịu sao nổi.
 
Quần, áo - Tù nhân mặc trong Nhà tù Hỏa Lò
 
Mỗi năm rét đến, chúng tôi phải chống đỡ sao cho không bị cảm lạnh, không bị sưng phổi. Ban ngày, có quần áo mặc được, chị em mặc hết vào người. Ban đêm, chị em nằm xít và ôm chặt lấy nhau, lồng chăn, chiếu đắp hết lên người, may phần đông chị em còn trẻ, dễ ngủ nên cũng qua được hết đêm.
Sáng ra đầm gác bắt tất cả tù ra xếp hàng để điểm người, có chị rét quá, run lập cập, phải khoác cả chăn chiên lên người như kiểu các hiệp sỹ thời xưa. Đầm gác không cho các chị em khoác chăn lúc điểm số, chúng tôi phải đề nghị nhiều lần và bằng việc làm có lợi riêng cho họ, họ mới lờ đi. 
Dần dần chị em còn thuyết phục được đầm gác cho mang áo rét vào cùng với việc tự tạo những đồ chống rét như: đi nhà thuốc xin bông về, mỗi lần một ít, khâu lại thành tấm nệm ủ vào ngực, hoặc khi họ đưa quần áo tù cho chị em khâu cúc, chị em đã dùng những con dao tự tạo cắt những rẻo thừa rộng ở đường may phía trong, sau đó gỡ ra, lấy những sợi vải dài nối lại rồi chập 5 đến 7 sợi lại với nhau đan thành áo ghi lê, tất chân, khăn đội đầu, khăn rửa mặt… Cháu bé con chị Ba tên là Minh Các được các bác, các cô đan cho đủ áo, mũ, tất, quần… bằng thứ sợi đó.
 
Điều kiện sinh hoạt
Hàng tháng, chúng tôi được phát nửa bánh xà phòng nhưng sau giảm xuống chỉ còn 1/4 bánh. Hàng ngày 2 lần mở cửa phòng cho tù nhân ra làm vệ sinh. Nước ít, trên dưới 200 tù nhân nữ chỉ có một vòi nước chảy rất nhỏ, có khi không chảy, chị em thường phạm tắm giặt cả ở bể nước cạnh nhà vệ sinh.
Có ngày căng quá, chị em chúng tôi cũng phải lấy nước ở ngoài, mùa nóng có khi phải tranh nhau lấy nước với chị em thường phạm là một khổ tâm lớn. Chúng tôi phải mời 2 đầm gác vào chứng kiến cảnh chờ nước, phải gặp cả sếp ngục để yêu cầu, họ mới giải quyết cho chị em ra vòi nước trước văn phòng đầm gác lấy nước. 
Họ không cho tù lấy thùng đựng nước riêng, chị em phải dùng những thùng vệ sinh đã được cọ rửa sạch để lấy nước, cứ 2 người khiêng một thùng, khiêng liên tục cũng chỉ đủ tắm gội. Quần áo ngoài phải luân phiên nhau hàng tuần mới giặt một lần. 
 
 
Khu vệ sinh của trại giam Nữ, Nhà tù Hỏa Lò
 
Mùa đông, tắm giặt cũng phải hạn chế. Mùa hè, chị em đặt ra quy định: ai tắm  ngày 1 lần được một gáo (gáo dừa to), tắm 2 ngày 1 lần thì được 2 gáo. Khi tắm, chị em dùng nước giặt quần áo để kỳ cọ, sau đó dùng gáo nước sạch để dội lại. Chỉ với một phòng tắm tập thể với số nước ít ỏi, dù xấu hổ đến đâu chị em cũng phải tắm trần như cháu bé. 
 
Tiếp tế
Hàng tháng, nhà tù cho người nhà gửi quà cho tù nhân, song chỉ có mấy chị bên số chéo được gia đình thăm gửi thường xuyên. Số vuông có bốn chị vài tháng một lần được nhận quà, các chị khác thì một năm, hai năm mới có một lần. Rất nhiều chị khác trong mấy năm tù không có ai tiếp tế. 
Các chị có phép thường dành ra một phần nhỏ cho người ốm và cháu bé. Để quà phép sử dụng được lâu, chúng tôi nhắn gia đình mang những thứ: vừng, lạc, đậu xanh hột để ngâm giá.
Các chị nghiện trầu thuốc, được người nhà gửi trầu cau, vỏ vào, phải phơi khô để ăn dần. Có lúc thiếu quá, các chị lấy lá bàng quệt vôi ăn với vỏ cho đỡ thèm (điều đó nghe vô lý mà đúng như vậy). (Còn tiếp)
 
Trích dẫn: Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Ảnh: Hoàng Cao Tiến
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...

Đoàn kết đấu tranh vượt qua sự đày đọa tàn khốc của kẻ thù

Tháng 12 năm 1941, tôi và cha tôi là Lê Thành Hữu bị địch bắt tại Hưng Yên trong vụ khủng bố trắng phong trào cách mạng Liên tỉnh B (Hưng Yên, Hải Dương). Sau bốn tháng địch tra tấn dã man tại Sở Mật...