Chế độ giam giữ tù nhân chính trị

45765
June 30, 2015
Hệ thống các phòng giam tại Nhà tù Hỏa Lò có diện tích khác nhau nhưng đều theo một thiết kế chung: nhà lợp ngói, tường xây rất kiên cố, quét vôi màu xám, cửa sổ được trổ sát mái khiến các phòng giam tối tăm, ngột ngạt. Thùng phân lưu động được đặt ngay trong phòng giam, hàng ngày có hàng chục lượt người đi vệ sinh, nhiều ngày không được dọn, chất thải đầy, tràn cả ra ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Nhà tù Hỏa Lò còn có những khu giam “đặc biệt”, đó là cachot (ngục tối) và xà lim tử hình.
 
Tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò phải làm rất nhiều loại lao dịch, các công việc thường phải làm bao gồm: phục vụ các công sở bên ngoài, đi lao động đắp đê, duy tu đường xá, dọn bể chứa phân bên trong nhà tù… Tù nhân buộc phải lao động hết sức mình, vì hiệu suất công việc sẽ gắn với từng bữa ăn của họ, tù nhân sẽ không nhận được thức ăn nếu như không hoàn thành công việc được giao.
 
Tù nhân còn bị những hình phạt do nhà tù quy định như: bị giam vào ngục tối, bị xích bằng cùm đôi và nhốt lại sau bữa ăn tối, bị xích trong đêm, bị cưỡng chế lao động nặng nhọc…
 
Chế độ ăn của tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò được thực hiện theo phương thức đấu thầu, nhà thầu sẽ cung cấp bữa ăn cho tù nhân. Trên thực tế, các bữa ăn đều bị cắt xén về khẩu phần, chất lượng thức ăn không đảm bảo, nhà thầu thường sử dụng các loại lương thực, thực phẩm kém chất lượng: gạo mốc, thực phẩm ôi, thiu. Mỗi năm, tù nhân được phát 2 bộ quần áo và thêm 1 chiếc chăn chiên để dùng vào mùa đông.
 
Chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề, môi trường sống thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống kham khổ đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực của tù nhân, nhiều người đã chết tại Nhà tù khi chưa hết thời hạn bị giam giữ.

 Trại giam E
 
Nơi đây, thực dân Pháp giam nam tù chính trị với chế độ vô cùng hà khắc, nhằm giết dần, giết mòn những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam.
 
Những năm 1930 - 1931, Giám ngục Nhà tù Hỏa Lò thi hành quy chế nghiêm ngặt để ngăn chặn các chiến sĩ cộng sản tuyên truyền, tổ chức đấu tranh, tiêu diệt sự hình thành các tổ chức của tù nhân trong nhà tù. Tuy nhiên, những chiến sĩ cộng sản vẫn tìm mọi cách tiếp tục hoạt động và đoàn kết đấu tranh, yêu cầu Giám ngục phải thực hiện đúng chế độ đối với tù chính trị.
 
Những năm 1940 - 1945, tại trại giam, các lớp huấn luyện chính trị được tổ chức tương đối rầm rộ. Anh em học tập Nghị quyết, Chương trình, Điều lệ Việt Minh,… giúp nhau nâng cao hiểu biết, trình độ lý luận chính trị. Để có tài liệu phục vụ tuyên truyền cách mạng và học tập trong tù, họ thường chui xuống gầm sàn để biên soạn. Anh em còn cất giấu tài liệu bằng cách đục tường, rút gạch rồi ngụy trang lại như cũ, để tài liệu không bị lọt vào tay địch, dù Giám ngục thường xuyên tổ chức khám xét.
 
Giai đoạn 1946 - 1954, trại E thuộc Camp 1, là nơi giam giữ một bộ phận tù nhân mà thực dân Pháp gọi là tù binh chiến tranh. Chiến tranh lan rộng, tù nhân càng tăng, làm cho Camp 1 luôn chật ních người. 
 
Trong cảnh sống tù ngục với bao gian lao, thử thách, trước kẻ thù xảo quyệt và hung bạo, nhưng các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam không nản chí, nản lòng, giữ vững ý chí cách mạng, còn sống, còn chiến đấu

Khu ngục tối (Cachot) 
 
Cachot dùng để giam những người bị trừng phạt vì vi phạm nội quy của nhà tù. Cachot ở Hỏa Lò là “Địa ngục của địa ngục”, phòng giam chật hẹp, tối tăm. Tại đây, người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Người tù bị giam ở Cachot chỉ sau một thời gian ngắn là bị phù nề, mắt mờ, ghẻ lở đầy người do thiếu vệ sinh, ánh sáng và cả dưỡng khí. Năm 1932, đồng chí Trường Chinh - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị phạt giam tại đây sau khi đồng chí đã lãnh đạo tù chính trị tổ chức cuộc mít tinh trong tù để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5
 
Cùm sắt - thực dân Pháp sử dụng trong Nhà tù Hoả Lò 
 
 Đây là loại cùm chân, cấu tạo gồm 2 phần: Phần trên bằng sắt, phần dưới bằng gỗ. Loại cùm này được thực dân Pháp sử dụng trong các phòng giam của khu xà lim tử hình.
 
Tù nhân bị giam ở đây muốn vượt ngục thì việc đầu tiên phải tìm cách rút được chân ra khỏi cùm, họ đã sáng kiến dùng giẻ tẩm mỡ lợn bôi vào phần gỗ rồi dùng than đốt cháy để nới rộng lỗ cùm (thông thường họ chỉ bị cùm 1 chân, hàng ngày sẽ thay đổi chân bị cùm). Các lỗ cùm sau khi bị đốt cháy đã được anh em ngụy trang bằng cách phủ lên đó một lớp muội đèn nhào với dầu luyn, nên dù có kiểm tra nhưng giám thị cũng không phát hiện ra.
 
Khi đã rút được chân ra khỏi cùm, anh em tù nhân tích cực rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị vượt ngục. Đây là một hành động táo bạo, dũng cảm của những chiến sỹ bị giam trong xà lim tử hình, khẳng định niềm khao khát được tự do, được thoát khỏi chốn lao tù, tiếp tục trở về phục vụ cách mạng.

Quần áo - tù chính trị sử dụng trong Nhà tù Hỏa Lò
 
Đời lắm sự lạ lùng trái ngược
Áo quần trắng lại in luôn hắc ín
Dấu M.C như hoa gấm thêu đen
Người mặc vào kiêu hãnh, tự hào thêm
Đúng chiến sỹ hiên ngang cộng sản.
 
Bộ quần áo này giám thị nhà tù phát cho những người đã thành án sử dụng trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Quần, áo được may bằng vải thô, màu trắng đục. Trên thân áo có in 2 chữ M.C (2 chữ viết tắt của từ Maison Centrale: Nhà tù Trung ương), áo không có khuy, thay vào đó là những nút thắt. Quần được may theo kiểu quần ta, ống rộng, cạp quần có luồn dây rút, trên ống quần cũng in 2 chữ M.C.
 
Quần, áo tù nhân thường may quá ngắn so với khổ người. Chất lượng vải và đường may rất ẩu, thậm chí, nhiều bộ quần áo tù nhân chưa kịp mặc đã bị tuột chỉ. Quần áo quá ít nên khi mùa đông tới, tù nhân luôn phải tìm mọi cách để giữ ấm cơ thể, có bộ quần áo nào họ mặc hết vào người để tránh rét. Tù nhân nữ thường nhờ gia đình hoặc tranh thủ khi ra nhà thuốc đã xin thêm ít bông mang về, mỗi lần một ít góp lại khâu thành tấm nệm ủ vào ngực cho ấm.
Bát - tù chính trị sử dụng trong Nhà tù Hỏa Lò 
 
 
 Đĩa, thìa - tù chính trị sử dụng trong Nhà tù Hỏa Lò
 
Với lý do lo sợ tù nhân sử dụng bát, đũa, thìa làm vũ khí chống lại cai ngục, giám thị trong các cuộc đấu tranh, Giám ngục Hỏa Lò đã ra quy định cấm tù nhân sử dụng bát, đũa, thìa trong các bữa ăn hàng ngày. Đến bữa ăn, cơm và thức ăn của tù nhân được đựng trong các máng gỗ và chậu tôn (gọi là Lập là).
 
Để có được những đồ dùng sử dụng trong bữa ăn, tù nhân tranh thủ những khi đi lao động, làm các công việc tạp dịch hay khi được ra sân, họ tranh thủ nhặt những cành bàng thẳng, tạo thành những đôi đũa. Những miếng vỏ dừa mà binh lính nhà tù vứt bỏ đã được tù nhân đem về phòng giam, mài xuống sàn tạo thành những chiếc bát, đĩa, thìa để dùng trong các bữa ăn hàng ngày.
 
Găng tay đấm bốc - thực dân Pháp dùng tra tấn tù chính trị
 Can xăng - thực dân Pháp dùng tra tấn tù chính trị
Máy quay điện - thực dân Pháp dùng tra tấn nữ tù chính trị 
 
 
 
 
 Một trong hai máy chém thực dân Pháp dùng xử tử hình các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị bắt, giam ở Nhà tù Hỏa Lò: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính (1930); Nguyễn Hoàng Tôn (1931); Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân (ngày 31/7/1932)…
 
Đây là 1 trong 2 chiếc máy chém thực dân Pháp đưa sang Hà Nội từ những năm cuối của Thế kỷ XIX. Máy chém do Guilotane - một bác sĩ người Pháp sáng chế và được gọi là: Công cụ giết người mang tính nhân đạo nhằm thay thế các hình thức xử tử kiểu trung cổ như: tùng xẻo hay ngựa xé...
 
Máy chém gồm các bộ phận chính: Bàn chém là một mặt gỗ phẳng, tù nhân khi bị hành hình sẽ nằm xấp trên bàn, phần đầu tù nhân được đưa vào lỗ tròn trên thân máy chém. Giá chém là khung sắt, cao gần 4m, bên trong có lắp rãnh để dao chém hoạt động. Dao chém làm bằng thép, phần lưỡi vát chéo, dao được kéo lên cao, khi hành hình tù nhân, đao phủ nhấn chốt và kéo sợi dây thừng để dao chém từ trên cao phóng mạnh xuống, lực rơi của lưỡi dao tương đương 60kg. Khi hành hình, đầu của tù nhân rơi xuống thùng tôn đặt phía dưới, phần thân còn lại được chuyển vào trong sọt mây.
 
Đặc biệt, sau một số vụ xử tử hình, thực dân Pháp đặt phần đầu của tù nhân vào rọ rồi đem bêu tại những khu vực đông người qua lại nhằm uy hiếp, khủng bố tinh thần, hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hệ thống trưng bày thường xuyên

Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu...