Những câu chuyện tình yêu nơi ngục tù (phần cuối)

2879
July 29, 2016
3. Mãi mãi một tình yêu
Khi nhắc đến nhà tù, tưởng chừng như chúng ta chỉ nhắc đến sự đau khổ và hi sinh. Nhưng cũng chính tại nơi đây, một tình yêu đẹp giữa đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Phạm Thị Vân cũng đã được vẽ lên.  
Tình yêu của họ xuất phát từ sự cảm phục khi tham gia hoạt động cách mạng. Trái tim cô bé 16 - 17 tuổi thổn thức trước chàng trai thông minh, trong chỉ đạo sát sao, quyết đoán khi được giao nhiệm vụ. Còn chàng trai gần 30 tuổi, rung động trước người thiếu nữ xinh đẹp, sớm giác ngộ cách mạng, có ý chí, giàu nghị lực, có biệt tài thuyết phục và vận động tầng lớp trí thức, tư sản. Tình yêu của họ thật dung dị biết nhường nào.
Họ đã có một ngày ăn hỏi, làm lễ đính ước bí mật giữa hai bên gia đình, và chỉ gặp nhau được có 20 - 30 phút rồi phải đi làm nhiệm vụ. Năm 1941, đồng chí Phạm Thị Vân đã bị kết án 12 năm tù và bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Cùng thời gian đó, Hoàng Văn Thụ cũng bị bắt và kết án tử hình.
Trong thời gian giam giữ, Phạm Thị Vân đã tranh thủ giờ lao động ngoài sân, tự tay đan cho Hoàng Văn Thụ chiếc áo len cao cổ giúp đồng chí giữ ấm. Tháo từ chiếc áo len được em gái của mình mang vào để rồi đan lại thành chiếc áo tặng người mình yêu, dường như đồng chí gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua từng mũi đan lên xuống. Nó cũng như con đường tình yêu gập ghềnh mà họ đã và đang phải trải qua.
 
 
Bài thơ đồng chí Hoàng Văn Thụ gửi tới đồng chí Phạm Thị Vân
 
Trước ngày Hoàng Văn Thụ bị đưa ra pháp trường xử bắn, đồng chí đã viết một lá thư gửi tới người vợ của mình động viên giữ gìn sức khỏe, cùng anh em chiến sĩ tiếp tục thực hiện con đường cách mạng còn đang dang dở của mình. 
Một lòng chung thủy với tình yêu của mình, sau khi Hoàng Văn Thụ mất, gia đình Phạm Thị Vân có giục đồng chí lập gia đình, nhưng đồng chí đã tâm sự với em gái của mình rằng: “ Cứ nghĩ tới anh Thụ là mình không thể nhận lời ai được”.
Tình yêu và dũng khí cách mạng của Hoàng Văn Thụ sẽ mãi ngân vang, đây cũng chính là ý nghĩa của việc đổi tên thành Hoàng Ngân của đồng chí Phạm Thị Vân.
Tình yêu đó sẽ mãi trường tồn với thời gian và với mong muốn họ sẽ mãi được ở bên nhau, Chính phủ Việt Nam đã đưa mộ đồng chí Hoàng  Ngân quy tập về cùng phần mộ của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
 
 
 Ngôi mộ của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại nghĩa trang Mai Dịch
 
Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân, họ thực sự là biểu tượng về một tình yêu tuyệt đẹp trong đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Khi nhắc tới nhà tù, ít ai ngờ được, ngoài tình yêu thiêng liêng với tổ quốc còn hiện hữu những tình yêu quá đỗi dung dị như vậy! Tình yêu đã giúp họ vượt qua được tất cả những khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư thậm chí cả tính mạng vì nền độc lập nước nhà. 
Vũ Thúy Hà - phòng Trưng bày tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đoàn VCBS tìm về giá trị lịch sử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Sáng ngày 10/4, đoàn cán bộ Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã có buổi tham quan, học tập ý nghĩa tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

"Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Hôm nay, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, là dịp để mỗi người con đất Việt cùng hướng về nguồn cội, khắc ghi công đức tổ tiên và bồi đắp thêm...