Giới thiệu nhà tù Hỏa Lò

74358
December 09, 2015
   Nhà tù Hỏa Lò (nay là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) ở địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội. Xưa, vùng đất này thuộc thôn Nam Phụ, tổng Tiền Nghiêm. Đến giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Nguyên Khánh thành thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Nam.
Phụ Khánh là một thôn chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hoả lò bằng đất (nung và để mộc), đem bán khắp kinh kỳ, nên địa danh này có tên là làng Hỏa Lò. Khi Pháp chiếm Hà Nội, chúng chuyển dân làng đi nơi khác, dỡ bỏ chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Hoạ để lấy đất xây toà án và nhà tù. Do ở trên đất thôn Hỏa Lò nên nhà tù được người dân gọi là “Nhà tù Hỏa Lò”.
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Vị trí mặt bằng của nhà tù nằm trọn trên mảnh đất hình thang thuộc thôn Phụ Khánh. Đối diện với nhà tù về phía đông là toà án, phía tây nam giáp phố Thợ Nhuộm, phía tây giáp phố Richaud (ngày nay là phố Quán Sứ), phía bắc giáp với đường Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng). “Tổng diện tích Nhà tù Trung ương và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908m2. Ước tính chi phí xây dựng toàn bộ công trình là 1.212.434 đồng Đông Dương”.
   Tại bản hồ sơ số 6692 hiện đang lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia, có ghi lại như sau: “Bản dự án và điều kiện đấu thầu gồm 41 điều khoản, do kiến trúc sư - Giám đốc Sở Xây dựng nhà cửa dân sự dự thảo, hoàn thành ngày 24/1/1896. Kỹ sư trưởng cầu đường - Giám đốc Nha Công chính đã kiểm tra và Toàn quyền Đông Dương duyệt ngày 27/2/1896. Do tính chất đặc biệt khẩn cấp, công trình xây dựng nhà tù Hỏa Lò được tiến hành ngay trong năm 1896”.
   Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp đặt vào vị trí quan trọng nhất trong mưu đồ trấn áp những người đối kháng chế độ thuộc địa. Vì vậy, chúng đã cho xây dựng nhà tù này với quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương. Theo thiết kế được duyệt năm 1896, nhà tù Hỏa Lò bao gồm các hạng mục công trình sau đây:
1.    Một nhà dùng cho việc canh gác
2.    Một nhà dùng làm bệnh xá
3.    Một nhà dùng làm nhà thương bố thí
4.    Hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án)
5.    Một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da
6.    Năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án
7.    Bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù.
   Bao quanh nhà tù là một bức tường xây kiên cố bằng đá cao 4m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai và chăng dây điện áp cao thế để ngăn cản tù nhân vượt ngục. Dưới chân tường phía trong là một vỉa hè rộng 3m dùng cho lính gác đi tuần tra xung quanh khu vực trại giam. Bốn góc có bốn tháp canh, có khả năng quan sát toàn bộ phía trong đường tuần tra và xung quanh phía ngoài nhà tù.
   Khu hành chính dành cho việc canh gác, gồm hai ngôi nhà. Tầng một có hành lang ở giữa, bên phải có trạm hiến binh, lối đi ra đường tuần tra, phòng lục sự, phòng tạm giam và phòng gác đêm, bên trái là trạm gác, lối đi ra đường tuần tra, phòng của giám thị trưởng. Tầng hai dùng làm nhà ở của lính gác với hai mái hiên, một phòng ăn, một phòng khách và bốn phòng ngủ. Một bên là bệnh xá, phía bên phải cầu thang là bếp, kho đồ và xưởng giặt, phía trái cầu thang là bệnh xá của người tù bản xứ, phòng khách, phòng bác sĩ, phòng thuốc và cửa hàng. Tầng hai của ngôi nhà này còn dành cho bị can và tù nhân người Âu. Bên phải có bốn phòng và một bệnh xá của nữ. Bên trái cũng có bốn phòng và một bệnh xá của nam giới.
   Các nhà khác chỉ có một tầng và tạo thành ba cụm: cụm bên phải gồm có bốn phòng tạm giam và nhà phụ của giám thị, một phân xưởng, một nhà thương bố thí, một nhà nội trú dùng cho khoảng 30 nữ, một phòng của giám thị cùng với phòng tắm và nhà tiêm, 12 phòng nhỏ (xà lim) dành cho tù nhân nguy hiểm, một trạm hiến binh, một nhà giam chung chứa được 100 bị can. Phía bên trái có 4 phòng giam và nhà phụ của giám thị trưởng, một nhà giam chung cho 40 bị can, một phòng giám thị. Ở phía cuối dãy có một phòng dành cho khoảng 20 bị can nữ, nhà tiêm, phân xưởng, một phòng giam chung cho 80 bị can, một phòng giám thị. Nước tắm và nước rửa do nhà máy nước của thành phố Hà Nội cấp.
   Yêu cầu về xây dựng, nguyên vật liệu rất cao và hết sức nghiêm ngặt. Điều 17 trong các điều kiện đấu thầu ghi rõ: “Tất cả kim loại được dùng phải nhập từ Pháp và có chất lượng hàng đầu. Các ổ khoá bản lề, ke cửa, đinh móc và các góc cửa phải là những loại có chất lượng hàng đầu và được kiến trúc sư chấp nhận. Tất cả các khoá và đồ kim loại phải được đặt cẩn thận và phải khớp trong các khe và rãnh soi để sẵn”. Điều 19 quy định “Kính tấm được sử dụng phải là kính được chuyển từ Pháp sang, kính phải rất rõ và không có bọt”. Điều 30 quy định “Kiểm tra thổ nhưỡng móng: ngay sau khi đào đất xong, người thầu khoán phải mời kiến trúc sư đến để kiểm nghiệm đất móng và nếu được, kiến trúc sư sẽ cấp giấy phép bắt đầu xây dựng”. Điều 8 quy định “Vật liệu xây bằng gạch: gạch phải được thấm nước trước khi xây để dễ bám vữa. Những chỗ xây nối không dày quá từ 0,007m đến 0,008m…”.
   Nhà tù Hỏa Lò xây dựng chưa hoàn thiện, nhưng từ năm 1899 đã phải đưa vào sử dụng ngay vì việc thực dân Pháp bắt hàng loạt người đấu tranh chống lại chúng. Những năm sau đó, nhà tù thường xuyên được cải tạo, sửa chữa, tăng thêm diện tích các phòng giam, tăng cường bố phòng, chống vượt ngục, nhất là khu xà lim cho “Bọc tôn hai lần các cửa, thay khoá bằng các xà bảo hiểm” (hồ sơ 114, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I). Năm 1912, sửa chữa nhà kho thành nơi giam tù nhân là trẻ em. Năm 1917, làm lại các công trình vệ sinh và hố lọc. Năm 1945, cho nâng cao bức tường bao quanh nhà tù ở mặt phố Hỏa Lò xây cao thêm 1,5m; còn lại ba mặt phố Hai Bà Trưng, Quán Sứ, Thợ Nhuộm xây cao thêm 2m… Thiết kế ban đầu, thực dân Pháp định nhốt 450 tù nhân, nhưng trên thực tế đã giam đến 2.000 người. Thậm chí trong kháng chiến, họ giành 1/4 nhà tù làm Trại tù binh số 1.
   Nhà tù Hỏa Lò là nơi thực dân Pháp đã từng giam cầm hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam ở khắp các tỉnh thuộc xứ Bắc kỳ và nhượng địa Đà Nẵng. Ngoài ra, ở đây còn giam cả tù thường phạm và tù ngoại kiều. Tù nhân với những người bị án đến 5 năm hoặc tử hình thì thực dân Pháp cho giam giữ ở Hỏa Lò, còn những người bị án 5 năm trở lên chúng chuyển đi nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo và một số nhà tù khác.
   Với tính chất là nhà giam, nhà pháp lý, nhà trừng giới, nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp trang bị hết sức tối tân với các công cụ dùng cho các hình phạt nặng nề và hiểm độc nhất với tù nhân, đặc biệt các tù nhân là những chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Tại đây, nhà cầm quyền thực dân cho áp dụng một chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, đánh đập dã man, nhiều nhà cách mạng đã phải hy sinh, nhưng ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước không hề khuất phục. Họ đã biến nhà tù thành trường học, nơi giác ngộ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.
   Từ sau ngày hoà bình lập lại (10/10/1954), nhà tù được đổi tên là “Trại tạm giam phạm nhân Hà Nội” và giao cho Ủy ban Quân quản Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố. Trong những năm 1964 đến năm 1973, nhà tù Hỏa Lò còn là nơi giam giữ những phi công Mỹ.
   Năm 1993, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, Nhà nước Việt Nam quyết định: một phần của nhà tù Hỏa Lò được sử dụng để xây dựng “Tháp trung tâm” dùng làm khách sạn, văn phòng cho thuê; một phần tiếp giáp đường phố Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành Khu Lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò. Tại khu di tích này có đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò, mô hình tái tạo hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong lao tù, chiếc máy chém mà thực dân Pháp đã dùng để hành quyết các chiến sĩ yêu nước, cách mạng và hệ thống trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý.
   Nhà tù Hỏa Lò vừa là minh chứng về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, vừa là bản án tố cáo chế độ nhà tù man rợ của chế độ thực dân Pháp trong thời kỳ đô hộ ở Việt Nam.
Nhà tù Hỏa Lò được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1543-QĐ/VH ngày 18/6/1997 công nhận là di tích lịch sử. Hiện nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô;  nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập./.

               Ban Biên tập sách “Nhà tù Hoả Lò Trường học
           yêu  nước và cách mạng (1896 - 1954)  

                
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...