Liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944)

29305
December 09, 2015
Năm 1930, người con gái của làng Nhân Chính (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội), sinh tại thành phố Vinh, đang học tại trường Nữ học Đồng Khánh (Huế) thì bị thực dân Pháp bắt về ''tội'' tham gia lãnh đạo phong trào nữ sinh, kêu gọi ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, và bị kết án 3 năm tù giam. Đó là chị Quang Thái. Trong nhà lao Thừa phủ, chị Quang Thái đã nổi tiếng về bài thơ nói lên khí phách của một thiếu nữ anh hùng trước cảnh nước mất, thân mình bị tù đầy chỉ vì ủng hộ chính nghĩa. Bài thơ vô đề đó như sau:
 
            Mười sáu năm nay sống ở đời
            Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
            Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
            Thấy bạn cần lao dạ rối bời
            Quyết chí hy sinh thây kệ chết
            Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi
            Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
            Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
 
Quang Thái là em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai, là con một gia đình gia giáo yêu nước. Giúp đỡ chị mình trong hoạt động bí mật, đồng thời được chị dìu dắt, Quang Thái sớm tham gia hoạt động cách mạng (từ 1929). Cũng như Minh Khai, chị vào đảng Tân Việt cánh tả, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba đảng sau này hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Những trận bom của thực dân Pháp tàn sát hàng trăm công nông Nghệ - Tĩnh đi biểu tình đòi tự do dân chủ, tiếp theo là những trận đàn áp đẫm máu của Pháp đối với cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khiến cho cô nữ sinh 16 tuổi phải thốt lên những vần thơ đầy phẫn nộ đối với ách thực dân cai trị đất nước mình, đồng thời phản ánh khuynh hướng đúng đắn của bộ phận tiến bộ trong đảng Tân Việt là làm cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa.
 
Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, bạn học chị Quang Thái thời kỳ 1929-1930, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội (1954-1977), đã nhớ lại câu động viên của Quang Thái trong nhà tù Huế: ''Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai'' (nguyên văn chị Thái nói bằng tiếng Pháp để bọn lính gác không hiểu: ''Personne ne vous dénonce, ne dénoncez personne''). Cô gái mới 16 tuổi mà đã có khẩu khí sâu sắc, quả cảm biết bao!
 
Năm 1929, Quang Thái gặp anh Võ Nguyên Giáp, người sẽ gắn bó cuộc đời cùng chị bằng sự thiêng liêng của tình yêu và lý tưởng sống. Họ gặp nhau lần đầu trên chuyến tàu Hà Nội - Vinh - Huế, khi Quang Thái từ nhà vào Huế để nhập học tại trường nữ sinh Đồng Khánh, còn đồng chí Võ Nguyên Giáp đang trên đường công tác trở về Huế (nơi đồng chí đang học tại trường Quốc học), với tư cách là đại diện Tổng bộ đảng Tân Việt lúc đó đặt trụ sở tại Huế để bàn việc hợp nhất với các với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Việt Nam Cộng sản Đảng. Nhân dịp này, đồng chí cũng bàn với các chi bộ tổ chức cho chị Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát ly. Ở Huế, họ gặp lại nhau sau bao mong đợi khi Quang Thái đến điểm hẹn bí mật để liên hệ công tác với Ban lãnh đạo Hội học sinh cách mạng. Trong nhà lao Thừa Phủ, Quang Thái lại gặp Võ Nguyên Giáp, người yêu và là người lãnh đạo của mình, mối tình của họ càng trở nên thắm thiết.
 
Cuối năm 1931, Quang Thái cùng nhiều cán bộ của Tân Việt cũ (đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương) như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho… được trả tự do trước thời hạn nhưng bị trục xuất khỏi Huế và bị quản thúc ở địa phương.
 
Năm 1935, Quang Thái kết hôn cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp. Họ ra Hà Nội sinh sống và tiếp tục cùng nhau hoạt động cách mạng. Chị hết lòng chăm sóc tới cuộc sống và tạo mọi điều kiện trong công việc giảng dạy tại trường tư thục Thăng Long, công việc lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ, làm báo cách mạng và học đại học luật… của chồng. Bản thân chị vẫn tiếp tục những hoạt động của mình, phụ trách phong trào nữ trí thức và công thương. Trước khi Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập, chị trực tiếp tham gia xây dựng Hội tuyên truyền vận động, tổ chức các lớp học từ những ngày đầu.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là Nguyễn Thị Quang Thái
 
Cuộc chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Từ đầu năm 1940, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức và đã dùng chính sách, biện pháp phát xít hóa để tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Các hoạt động cách mạng của Đảng ta phải rút vào bí mật. Lúc này, vì cháu Hồng Anh, con gái đầu lòng của anh chị, còn quá nhỏ, chị Thái không thể cùng chồng thoát ly như đã ước hẹn được. Theo chủ trương của Đảng, anh Giáp lên đường sang Trung Quốc để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận nhiệm vụ mới. Trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra" của mình, anh kể lại cuộc chia tay với vợ con bên Hồ Tây:
 
"Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Vũ, tôi thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở một gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát. Chúng tôi đang đứng nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:
 
- Thầy có đi xe không?
 
Quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi, tôi chia tay chị Thái, lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt”.
 
 
 Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh
 
Ở lại nhà, Quang Thái vừa nuôi con, vừa tiếp tục hoạt động. Thời gian này, chị đảm nhận thêm công tác thông tin  liên lạc cho Trung ương Đảng. Khi chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí lãnh đạo khác của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp bắt và bị xử tử hình, Quang Thái đã có mặt tại phiên tòa. Trong một buổi xét xử của phiên tòa này, Quang Thái đã khéo léo hủy được mảnh thư của chị Minh Khai ném cho đồng chí Lê Duẩn bị rơi ngay trước mặt bọn lính áp giải.1
 
Năm 1942, do một đồng chí tên là Duy khi bị mật thám bắt đã hèn nhát khai ra chị, Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Nhà cách mạng lão thành Hoàng Thị Ái (1900-2003), nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từng bị giam cầm tại nhà lao Hỏa Lò cùng thời gian với Quang Thái, đã viết về chị: "Trong tù, Nguyễn Thị Quang Thái hết lòng chăm sóc, ân cần động viên chị em đồng chí dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, chống đàn áp, chống chế độ tra tấn, giữ trọn khí tiết của người Đảng viên Cộng sản và đã hy sinh trong tù năm 1944".
 
Cụ Nguyễn Thị Tam, cán bộ lão thành cách mạng, cô ruột nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã kể trong hồi ký "Mười năm tù cấm cố trong Hỏa Lò":
 
"Tôi bị giam tại Hỏa Lò, được chị Nguyễn Thị Quang Thái là em chị Nguyễn Thị Minh Khai và là vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp, bị bắt cùng ngày với tôi (1-6-1942), bị kết án 16 năm tù giam, đã dạy văn hóa cho chúng tôi. Không có giấy bút, nên phải lấy gạch non viết xuống sàn xi măng, nếu để lộ ra con đầm giám ngục biết là chúng tôi bị nhốt vào xà lim. Tuy thiếu thốn như thế, nhưng chị em chúng tôi đều học khá, lại còn được học thêm cả tiếng Pháp nữa. Về chính trị, chúng tôi dựa vào giáo trình bên trại giam nam giới gửi sang để học tập...".
 
Bác cách mạng lão thành Nguyễn Thị Chính kể: "Gặp chị Quang Thái tôi thấy phục chị về mọi mặt và để ý thấy chị rất duy vật: ai nói điều gì duy tâm chị đả ngay, đả thật lực, hơn nữa chị nói tiếng Pháp rất giỏi, bọn giám ngục rất phục chị, không dám nói điều gì lỗ mãng".
 
Vào đông xuân 1943-1944, do điều kiện sống quá khắc nghiệt, tại nhà lao Hỏa Lò xảy ra dịch thương hàn . Với những kiến thức y học đã có được trong thời gian ngắn học tại khoa sản Đại học Y Hà Nội (chị đã thi đỗ xuất sắc vào trường Y nhưng sau đã bị đuổi học vì những hoạt động cách mạng trong giới học sinh- sinh viên) và với tình thương yêu chị em đồng chí bạn tù, chị Thái đã hết lòng chăm sóc các bệnh nhân, không quản ngại vất vả, hiểm nguy. Cuối cùng, chị kiệt sức và lâm bệnh. Do sự đấu tranh quyết liệt của cả nhà tù Hỏa Lò, bọn quản ngục buộc phải đưa chị vào "Nhà thương làm phúc" (khoa lây của bệnh viện Bạch Mai hiện nay) nhưng chị Quang Thái không còn gượng dậy được nữa. Chị hy sinh ở tuổi đời 29, khi thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng Tổ quốc mình đã gần kề.
 
Chồng chị, đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện chỉ thị của Bác Hồ trở về nước để cùng các đồng chí lãnh đạo khác triển khai hoạt động bí mật, xây dựng chiến khu Cao - Bắc - Lạng... sau một thời gian mới biết tin vợ của mình đã hy sinh. Trong tập hồi ký: "Những chặng đường lịch sử" (phần tác phẩm "Từ nhân dân mà ra"). Đồng chí Giáp viết: "Mãi đến giữa tháng 4 năm 1945, trong Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), anh Trường Chinh thông báo: "Chị Thái vì chưa gửi được cháu, đi bí mật chưa kịp, thì bị chúng bắt.. Cũng không ngờ chị lại mất ở trong tù". Tôi lặng người đi, lát sau tôi hỏi:
 
- Anh nói sao? Thái mất rồi ư?
 
Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:
 
- Anh chưa biết tin à?
 
Khi ở Cao Bằng, các anh cũng đã có lần nghe tin đâu như chị Thái bị bắt, nhưng vẫn giấu chưa cho tôi biết. Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật.
 
Tôi nằm nhớ lại ngày chúng tôi mới gặp nhau ở Huế trong khi cùng nhau hoạt động bí mật, nhớ những lời hứa hẹn cùng nhau phấn đấu suốt đời cho chủ nghĩa cộng sản, nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay, nghĩ đến Hồng Anh. Sau này tôi mới biết trong thời gian tôi đi xa, Thái vẫn tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho Trung ương. Sau chuyến đi Sài Gòn để gặp chị Minh Khai lần cuối cùng trước khi chị bị đế quốc đem xử bắn, trở về nhà ít lâu thì bị bắt. Trong nhà tù, bọn đế quốc đã dùng mọi cực hình tra tấn để truy tìm mối dây liên lạc với anh Hoàng Văn Thụ, Thái đã quyết không khai một lời, giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản, và đã mất tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội.
 
Vào dịp nhà tù Hỏa Lò được mở cửa, chuẩn bị xây dựng phần được bảo tồn làm Khu di tích này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cháu Võ Hồng Anh đã cùng Ban Liên lạc và nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Hỏa Lò, đã đến thăm Khu di tích, đặt vòng hoa tại trại nữ tù, nơi đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã bị giam cầm và anh dũng hy sinh.
Xin kết thúc bài viết ngắn này bằng lời bình của nhà cách mạng lão thành Hoàng Thị Ái: "Trong cuộc đời trong sáng và tấm gương hy sinh vì cách mạng, vì dân tộc của Nguyễn Thị Quang Thái đáng để các thế hệ mai sau mãi mãi nâng niu, gìn giữ”./.

                                                                                Trần Vân
(Bài viết này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 và Tiến sỹ Võ Hồng Anh giúp đỡ và góp ý)








Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...