Sự hy sinh thầm lặng

1299
August 31, 2016
Cả cuộc đời cha đi bộ đội
Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương
Là những vết thương trên ngực cha cứ trở gió lại đau nhức nhối
Chiếc ba lô gió sương đã gói gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi
Những ngày đầu thu này, chúng tôi lại có cơ hội gặp bà Phạm Thị Mậu - phu nhân của Thiếu tướng Trần Thế Môn. Được ngồi nói chuyện với bà, tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Mẹ” của tác giả Phan Long. Nội dung bài hát như một thước phim quay chậm như tô đậm hơn về cuộc đời vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những người vợ có chồng đi chiến trường như bà. Lần nào cũng vậy, đến thăm bà và thắp hương cho Thiếu tướng Trần Thế Môn, chúng tôi lại muốn ngồi cùng bà lâu hơn để được tâm sự với bà, được nghe bà kể những câu chuyện về ông - Thiếu tướng Trần Thế Môn, nguyên Chính ủy Binh chủng Công binh, Chính ủy Mặt trận B3 Tây Nguyên.
Ông sinh năm 1915, tròn mười tám tuổi, ông thoát ly gia đình, một mình xuống Hải Phòng, đi làm công nhân toa xe. Năm 1936, ông bắt đầu tham gia cách mạng ở Thành phố Hải Phòng. Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt trong lúc đang cùng anh em công nhân đấu tranh đòi tăng lương, giảm thuế; tháng 11/1940, ông được đồng chí Lương Khánh Thiện, Xứ ủy viên phụ trách miền duyên hải (Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) chính thức tuyên bố kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu tháng 01/1941, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, lần này, chúng đưa ông về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Trước Tòa án binh của thực dân Pháp, ông cùng các đồng chí của mình giữ vững khí tiết cách mạng, phản bác lại những lời cáo buộc của kẻ  địch. Tòa Đại hình Pháp kết án ông 10 năm tù khổ sai. Tháng 7/1941, ông bị đày lên Nhà tù Sơn La.
Sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân, ông được điều động đi nhiều đơn vị, làm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ. Tại đây, ngày 30/8/1945, ông tham gia thành lập Chi đội giải phóng quân Trần Quốc Toản (Phú Thọ) và trực tiếp làm Chi đội trưởng. Cả cuộc đời ông gắn bó với trận mạc, khi quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 -1968), ông được giao nhiệm vụ trở lại chiến trường. Tuy đã ở tuổi ngoài năm mươi, không còn khỏe mạnh như trước, để hành quân vào chiến trường, ông đã đi bộ, tập leo núi, đeo ba lô gạch, ròng rã rèn luyện đến quên ăn, quên ngủ. Cái lưng bị đau nặng từ khi ở trong tù, ông tự tìm đến bà con dân tộc, học hỏi bài thuốc dân gian, tìm cây thuốc, lá rừng về đắp, bệnh đau lưng từ đấy khỏi hẳn, ông như trở thành người khác, khỏe mạnh, dẻo dai không thua kém những chàng trai trẻ.
 
 
Thiếu tướng Trần Thế Môn thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò
 
Thời gian ông đi chiến trường, một tay bà chăm sóc, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Những lúc con đau ốm, bà cố gắng một mình lo liệu, không báo cho ông biết vì bà muốn ông toàn tâm, toàn ý: “Quyết tâm cùng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đánh thắng kẻ thù”.
Năm 1974, sau khi rời chiến trường, ông ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Lúc này, sức khỏe của ông rất yếu do bị ảnh hưởng bởi cuộc sống khắc nghiệt nơi chiến trường. Ông thường xuyên phải đi viện điều trị. Với bà, có lẽ đây là khoảng thời gian bà được gần gũi ông nhiều nhất, kể từ khi kết mối tơ duyên. Bà đã thu xếp để có nhiều thời gian chăm sóc ông trong điều kiện có thể, dù ông điều trị bệnh tại nhà hay nằm viện, bà luôn là người trực tiếp lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, với mong muốn ông nhanh bình phục, có sức khỏe để tiếp tục công tác. Bà chia sẻ với chúng tôi: “Chỉ có người vợ mới chăm chồng không nề hà bất kỳ việc gì!”.
Lật trang đầu cuốn hồi ký của ông, chúng tôi bắt gặp dòng chữ: “Thân tặng em Mậu, người bạn đời trăm năm, Hà Nội ngày 28/3/2003”. Chúng tôi nhận rõ cảm xúc của bà lúc này, đôi mắt ngấn lệ, trong bà đang trào dâng nỗi nhớ ông, người chồng rất mực yêu thương của mình.
 
Bà Phạm Thị Mậu nhớ về chồng khi đọc lại những dòng chữ thân thương ông viết tặng
 
Mỗi lần kể cho chúng tôi nghe về chồng mình, Thiếu tướng Trần Thế Môn, bà Phạm Thị Mậu chỉ nói đến tình thương dành cho chồng, chưa một lần bà kể về nỗi vất vả mà mình phải gánh chịu. Nhưng qua những câu chuyện của bà, chúng tôi thầm cảm ơn sự hy sinh cao cả đó để ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ cách mạng, góp phần công lao to lớn đó để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Tôi cũng hiểu, đằng sau những chiến công đó là cả những hy sinh, gian khổ của những người vợ như bà. Chợt nhận ra trên dải đất hình chữ S này, trên từng con phố nhỏ, từng ngôi nhà vẫn còn không ít những người vợ, người mẹ đại diện cho truyền thồng tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trên tất cả những hy sinh thầm lặng đó đã được kết tinh bằng tình cảm, ý chí của mỗi người dân Việt Nam quyết tâm vì nền độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân.

  Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Trưng bày Tuyên truyền
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đoàn VCBS tìm về giá trị lịch sử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Sáng ngày 10/4, đoàn cán bộ Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã có buổi tham quan, học tập ý nghĩa tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

"Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Hôm nay, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, là dịp để mỗi người con đất Việt cùng hướng về nguồn cội, khắc ghi công đức tổ tiên và bồi đắp thêm...