Tử tù vượt ngục Hỏa Lò, đêm Noel năm 1951

20680
December 24, 2017
Cuộc vượt ngục tuy không giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng đã làm chấn động dư luận trong nước và nước Pháp lúc đó. Cuộc vượt ngục thể hiện lòng yêu nước, trí thông minh, sáng tạo, tinh thần tổ chức, ý chí quyết chiến và quyết thắng kẻ thù của các chiến sỹ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò.
 
Cuối năm 1951, phần nhiều tù nhân trong trại tù tử hình đã gần tới thời gian bị thi hành án. Trước tình hình cấp bách đó, tổ Đảng của khu xà lim tử hình quyết định tổ chức vượt ngục tập thể. Ban lãnh đạo cuộc vượt ngục gồm các đồng chí: Đặng Đình Kỳ (tổ trưởng Tổ Đảng trại giam tử hình), Ngô Hùng Hậu (chi ủy viên chi bộ Nhà tù Hỏa Lò) và Trần Minh Việt (Đảng viên). Chủ trương vượt ngục được Chi ủy nhà tù Hỏa Lò báo cáo và nhận được sự giúp đỡ của Quận ủy nội thành.
 
 
Một góc khu xà lim tử hình - Nhà tù Hỏa Lò
 
Muốn vượt ngục, trước hết phải rút chân ra khỏi cùm, anh em đã dùng giẻ tẩm mỡ lợn và than củi đốt cháy phần gỗ, nới rộng lỗ cùm sau đó ngụy trang bằng muội đèn, nhào với dầu luyn, làm mất vết đốt của cùm. Khi lỗ cùm được nới rộng, anh em rút chân ra khỏi cùm, luyện tập sức khỏe, chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục.
 
 
Tù chính trị đốt, nới rộng lỗ cùm, rút chân ra ngoài, 
chuẩn bị vượt ngục
 
Điều quan trọng là phải lấy được mẫu chìa khóa cửa khu xà lim tử hình, thường nằm trong túi giám thị Busan. Busan vốn là tay mê bóng bàn, nên để thực hiện việc này, anh em tù tử hình đấu tranh, đòi tăng thời gian ra sân và được chơi thể thao. Đề xuất này được Chánh giám ngục đồng ý.
Một buổi sáng, kế hoạch lấy mẫu chìa khóa được thực hiện. Cửa khu xà lim vừa mở, hai đồng chí Phạm Đình Liên và Đặng Đình Kỳ đã lao vào trận đấu bóng bàn. Khi giám thị Busan đến, đồng chí Liên lịch sự nhường cho gã đấu với đồng chí Kỳ. Qua mấy “xéc” Busan thắng, nên rất phấn chấn. Nhân cơ hội này, đồng chí Ngô Hùng Hậu vào mượn Busan chùm chìa khóa, với lý do dùng để mở cửa phòng giam, đóng lại biển tên người tù bị bong ra. Busan vui vẻ đưa chùm chìa khóa, chỉ một loáng sau, đồng chí Ngô Hùng Hậu đã đưa trả ngay và Busan không hề nghi ngờ.
Nhiệm vụ chế tạo chìa khóa được giao cho đồng chí Vũ Đức Chính, vốn là một thợ nguội lành nghề. Sau mười ngày cặm cụi, đồng chí Chính đã làm xong 2 chiếc chìa khóa và khi thử, đều mở được cửa. Cũng trong thời gian này, Quận ủy nội thành đã gửi được bản đồ đường cống và lưỡi cưa, axít từ bên ngoài vào thông qua đường tiếp tế.
 
 
Làn, bà Nguyễn Thị Băng Tâm dùng tiếp tế lưỡi cưa 
và bản đồ đường cống ngầm vào bên trong nhà tù
 
Có lưỡi cưa trong tay, Ban Lãnh đạo quyết định cụ thể các công đoạn tiến hành, đồng chí Vũ Đức Chính được cử thực hiện cưa song sắt. Đầu tiên, phải cưa song sắt cửa sổ buồng giam, rồi đến cửa hành lang ra sân trại. Trong lúc Vũ Đức Chính cưa thì đồng chí Văn Hùng và Minh Việt đứng canh gác. Để át tiếng cưa, một số anh em được phân công mài vỏ ống bơ sữa xuống nền ximăng làm cốc uống nước, tạo nên những tiếng động lớn, át tiếng cưa. Với bàn tay điêu luyện của Vũ Đức Chính, những mạch cưa được thực hiện chuẩn xác, sau khi cưa xong, dấu vết cưa được ngụy trang, đinh chốt an toàn, để phòng trừ nếu giám thị kiểm tra, dùng tay lay các chấn song cũng không phát hiện được.
 
 
Đồng chí Vũ Đức Chính - Người được phân công cưa song sắt ở cửa phòng giam và cửa cống ngầm
 
Sau khi hoàn tất việc cưa song sắt cửa phòng giam và hành lang ra sân, hai đồng chí Minh Việt và Văn Hùng thay nhau mở cửa buồng giam để  đồng chí Vũ Đức Chính chui xuống cống cưa các song sắt. Mỗi khi Vũ Đức Chính ra khỏi buồng giam, đồng chí Ngô Hùng Hậu có nhiệm vụ ngụy trang bằng chăn, quần áo tạo nên hình đồng chí Vũ Đức Chính đang ngủ. Một số anh em khác được phân công ở trong buồng giam của mình, nếu có động tĩnh thì đổ cho nước theo lỗ thoát ở chân tường, chảy ra cống, báo cho đồng chí Vũ Đức Chính biết ngừng cưa, chờ yên mới lên. Việc cưa các song sắt ở cửa cống ngầm mất 10 ngày liền.
Thời gian thực hiện vượt ngục được ấn định vào ngày 29/12/1951, đột nhiên ngày 20/12/1951, chúa ngục ra lệnh tăng cường kiểm tra và đưa cố đạo Păngcôlê vào thăm tử tù sớm hơn thường lệ. Ban chỉ huy vượt ngục hội ý, phân tích tình hình và quyết định vượt ngục sớm hơn vào ngày 19h ngày 24/12/1951.
Đúng thời điểm đã định, sau khi giám thị đi kiểm tra lần đầu, mười bẩy tử tù lần lượt ra khỏi xà lim, chui xuống cống, theo 3 nhóm. Nhóm đầu là các đồng chí: Vũ Đức Chính, Nguyễn Văn Thế, Minh Việt, Vũ Đình Khôi, Nguyễn Gia Thiết; rồi đến Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hữu Tài, Phạm Văn Đang, Chế Lý TSình (tù thường phạm), Nguyễn Văn Lung, Nguyễn Văn Lợi, Trịnh Đình Tăng, Phạm Văn Vân, Phạm Đình Liên, Vũ Đình Quang, Đặng Văn Chuyết và người xuống cuối cùng là Đặng  Đình Kỳ. 
Lòng cống sâu, tối tăm, ngập đầy phân, nước tiểu và rác thải hôi thối. Giữa đêm đông giá rét như cắt da, cắt thịt, cả đoàn tù cố gắng bám, dìu nhau tới miệng cống và lần lượt chui lên mặt đường phố Quán sứ. 
 
 
Cửa cống ngầm trước sân trại tù tử hình, nơi 17 tử tù vượt ngục, đêm 24/12/1951
 
Khi chui hết lên mặt cống, thấy còi cảnh sát rú ầm, anh em cố chạy về phía Nhà Đấu xảo (nay là Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô). Xe zíp ở bốn phía ập đến, đội lính Tây đen, tây trắng nhảy xuống, dùng dùi cui liên tiếp đánh vào người tù. Anh em dũng cảm, che chở cho nhau, chống trả quyết liệt, nhưng do bị cùm lâu ngày, lại phải đối phó với lính gác đông gấp bội nên 12 người bị bắt lại, chỉ có 5 người thoát được là: Vũ Đức Chính, Nguyễn Gia Thiết, Vũ Đình Quang, Vũ Đình Khôi và Nguyễn Văn Hùng. Thực dân Pháp tra tấn dã man mười hai tử tù bị bắt lại, vài ngày sau đó chúng đưa đồng chí Phạm Văn Đang và một tù thường phạm là Chế Lý T.Sình đi hành quyết. Mười người còn lại bị đày đi Nhà tù Côn Đảo và được trả tự do vào tháng 9/1954. 
Hiện vật cửa cống ngầm nơi các chiến sỹ cách mạng vượt ngục vào đêm 24/12/1951 đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Mỗi ngày, có trên 1000 lượt du khách dừng lại rất lâu bên cửa cống, để tìm hiểu về sự thông minh, sáng tạo, tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của các chiến sỹ cách mạng tham gia cuộc vượt ngục “thần kỳ” năm xưa.
 
Một số hình ảnh khách tham quan cửa cống ngầm, nơi tử tù Hỏa Lò vượt ngục, đêm Noel, năm 1951:
 
 
 
 
 
 
 
 
                                                          Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ
                                                          Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...