Hỏa Lò vọng tiếng thi ca
Phần 1: Bài thơ “Tạ từ” của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Chính từ thực tế khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, họ đã viết nên những vần thơ đầy nhiệt huyết cách mạng. Không có bút, giấy, những vần thơ thường được người tù chính trị viết xuống nền xi măng hoặc cùng nhau học thuộc lòng. Với mong muốn những vần thơ viết trong ngục tù thực dân của các chiến sỹ cách mạng mãi lưu truyền, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có sáng kiến khắc những vần thơ ấy trên lá cây Bàng - Một loại lá cây hữu ích và thân thuộc với người tù chính trị Hỏa Lò năm xưa.
Tháng 4 năm 1931, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình và giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Biết anh là một chiến sỹ cộng sản kiên trung nên trước khi chuyển giam về Nhà tù Hỏa Lò, mật thám Pháp đã dùng nhiều cực hình tra nhằm lấy lời khai của Nguyễn Đức Cảnh về tổ chức cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (ảnh do mật thám Pháp chụp năm 1931)
Không khai thác được gì từ Nguyễn Đức Cảnh, mật thám Pháp đã tìm về thôn Diêm Điền, xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tìm gặp mẹ của anh là bà Trần Thị Thủy. Chúng mua chuộc, dụ dỗ rồi đe dọa, yêu cầu bà Thủy lên Hà Nội gặp và khuyên con trai “hối cải” để không bị lĩnh án tử hình.
Tuy không hiểu về chuyện cộng sản hay vô sản, nhưng bằng trực giác của người mẹ, bà Thủy tin rằng con trai mình làm như thế là hợp với ý trời, thuận đạo làm người, điều mà khi nhắm mắt xuôi tay người chồng kính yêu của bà hằng gửi gắm, mong mỏi.
Thương con đang gặp nguy hiểm và biết đây có thể là lần cuối cùng được gặp mặt con nhưng lý trí đã mách bảo nếu bà đi là sẽ mắc mưu với địch, gây hại cho công việc con đang làm.
Từ chối đi với mật thám Pháp, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm của người mẹ, bà Thủy đã vượt mọi hiểm nguy, lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội, tìm mọi cách “chạy” cho được tờ giấy phép vào thăm nuôi người nhà đang bị giam trong xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò với tư cách là dì ruột của Nguyễn Đức Cảnh. Bọn Mật thám cũng phỏng đoán đây có thể là mẹ của Nguyễn Đức Cảnh, nhưng chúng cũng giả vờ không biết để đánh một đòn tâm lý cuối cùng.
Khi vào tới Nhà tù Hỏa Lò, nhìn thấy con trai mình với thân hình gầy gò, tiều tụy, nước mắt bà Thủy trào ra, bà muốn hét thật to, muốn gọi thật to nhưng cổ họng nghẹn đắng, cố lau nước mắt để nhìn con thật rõ, giọng bà lạc đi: “Mẹ cháu ốm…không thể đi thăm cháu được….nhân chuyến hàng ngược Thái Nguyên dì rẽ vào thăm cháu….Cháu cứ vững lòng không phải lo gì cho mẹ cháu cả…Mẹ cháu chỉ mong cháu giữ được chí khí, đừng làm hổ danh thầy một đời bôn ba cứu nước… ”.
Nguyễn Đức Cảnh đã hiểu điều mẹ muốn nói với anh qua những lời thăm hỏi bình thường ấy. Như thế là mẹ không hề mắc mưu kẻ địch, không vì tình thương của một người mẹ bình thường mà cản trở việc anh có thể hy sinh vì lý tưởng. Đó là điều anh đã rất lo, vì kẻ địch vô cùng xảo quyệt. Mẹ thương anh, kẻ địch lại đánh đòn trí mạng vào tình thương của mẹ cũng là chỗ yếu nhất trong lòng người.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ làm trái tim Nguyễn Đức Cảnh đau thắt. Anh nhận ra mẹ già đi quá nhanh, tóc mẹ đã bạc nhiều vì lo lắng cho anh. Suốt đêm đó, Nguyễn Đức Cảnh không thể nào chợp mắt được. Anh nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ vùng quê nghèo ven biển. Trong lòng Nguyễn Đức Cảnh cứ vang lên những lời ru ngọt ngào của mẹ thuở xưa và từ những lời ru ấy, anh đã ngân thành tiếng thơ tâm tình gửi mẹ:
“Lọt cửa sổ gió đông hiu hắt,
Ván xà lim lạnh ngắt như đồng
Não lòng cho khách anh hùng
Mơ màng thầm mộng tới trong quê nhà
Xót tình con trẻ mẹ già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Chốc đà bảy tám năm trời
Huyên đường nay đã da mồi tóc sương
Một mình trằn trọc canh trường
Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong
Ngổn ngang trăm mối bên lòng
Xông pha dông tố chi mong độ về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây
Tạ từ vĩnh quyết từ nay
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn”.
Bài thơ làm xong, Nguyễn Đức Cảnh muốn ghi luôn trên giấy, tìm cách gửi tận tay người mẹ yêu thương. Nhưng chợt nghĩ đến công sức và sự hy sinh của các đồng chí mình để có những tờ giấy bé nhỏ này, anh ngừng lại và tự nhủ mình sẽ làm một cách khác đưa bài thơ đến tận tay mẹ. Còn những trang giấy nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ấy anh dành để viết tác phẩm “Công nhân vận động” ghi lại những kinh nghiệm của đời hoạt động của mình để lại cho các đồng chí.
Máy chém, thực dân Pháp dùng xử chém hai chiến sỹ cách mạng
Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân tại Hải Phòng, tháng 7/1932
Nguyễn Đức Cảnh không chép bài thơ “Tạ từ” trên giấy nhưng chẳng mấy chốc những vần thơ mang đậm đà tình nghĩa mẹ con được truyền từ miệng người tù này qua người tù khác. Khi Nguyễn Đức Cảnh hy sinh, nhiều anh em tù nhân sắp mãn hạn tù cảm phục khí tiết của anh đã học thuộc lòng bài thơ và tự hứa khi ra tù sẽ chép bài thơ ra giấy để chuyển về cho mẹ anh.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ đã tạo ý tưởng để Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trân trọng khắc bài thơ “Tạ từ” trên lá cây Bàng - một loại lá cây đã giúp Nguyễn Đức Cảnh và đồng đội chữa lành những vết thương do đòn roi của kẻ địch, với mong muốn bài thơ mãi được lưu truyền.
Bài thơ “Tạ từ” của Nguyễn Đức Cảnh in trên lá cây Bàng
Hy vọng bài thơ “Tạ từ” sẽ là món quà lưu niệm ý nghĩa và được đông đảo du khách đặc biệt là thế hệ trẻ đến thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón nhận (Còn tiếp).
Đào Thị Huệ, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa
Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...
Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì
Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...