Hỏa Lò - Nhà tù thực dân (1896 - 1954) (phần 2)

2713
September 06, 2016
Phần 2: Chế độ ăn uống kham khổ, thiếu vệ sinh.
Theo Văn bản quy định về chế độ ăn uống của tù nhân do phủ Thống sứ Bắc Kỳ phê duyệt thì hàng ngày mỗi suất ăn của người tù Châu Á gồm: "Gạo ngon:  0,750 kg, Muối: 0,015 kg, Rau xanh:  0,100 kg, Tương: 0,010 kg, Chè: 0,015 kg. Ngoài ra mỗi bữa phải có: Thịt tươi 0,060kg, cá tươi 0,050kg hoặc cá muối 0,050kg hay cá khô 0,030kg, đậu phụ. Thịt tươi (lợn, bò, trâu) ít nhất 2 ngày phải có một bữa, trong một tuần nhất thiết phải có một lần bữa thịt lợn".
Qua quy định khẩu phần ăn cho tù nhân, thoáng nhìn người ta có thể lầm tưởng rằng nhà tù Hoả Lò đã đảm bảo đời sống cho tù nhân nhưng trên thực tế thì không! Chế độ ăn uống của tù nhân nhà tù Hoả Lò thực hiện theo cách đấu thầu trong thời hạn một hoặc vài năm. Người trúng thầu đứng ra tổ chức các bữa ăn cho tù nhân. Để thu được nhiều lời chủ thầu thường thông đồng với ban kiểm tra bớt xén tiêu chuẩn trong khẩu phần ăn của tù nhân. Chúng thường mua các loại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh để chế biến cho bữa ăn của tù nhân. Đoạn thơ dưới đây do tù chính trị nhà tù Hỏa Lò sáng tác những năm 1930 - 1935 đã khắc họa rõ nét khẩu phần ăn hàng ngày của họ:
“…Bữa ăn nào có chút gì!
Sáng thì  cá  mắm, tối thì  mè ươn,
Rau thì sâu gặm cả lườn,
Cố nhai cho được, nó dưỡn dườn cổ ra.
Thịt trâu  những da là da,
Trẻ nhai chẳng được, người già nuốt sao?
Lại còn  đậu phụ nhạt phèo.
Chủ nhật vài miếng những bì
Dai dai như thịt lợn sề...
Đồ dùng sử dụng  trong bữa ăn của tù nhân là máng tôn hoặc gỗ và chậu tôn (tù nhân gọi là Lập là). Trong Hồi ký của 45 nữ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930 - 1954) có viết:  "Những Lập là đựng cơm bằng tôn đều đã han gỉ đến mức khi đổ cơm ra, lớp cơm bên dưới bị vàng như nhuộm nghệ rất mất vệ sinh". Vào bữa ăn cứ 6 đến 8 người ăn chung một "Lập là". Trên "Lập là" thường có một miếng cháy đựng muối cùng với thức ăn để trên mặt cơm, kèm theo một chậu tôn đựng canh. Khi ăn tù nhân chỉ được ăn trong vòng 5 phút, nếu ai không nhanh tay nhanh miệng thì sẽ bị đói, trong  khi đó thức ăn thừa lại bị đổ đi.
 
Máng, chậu - Nhà bếp dùng đựng cơm và thức ăn cho tù nhân Nhà tù Hỏa Lò
 
Nước uống là thứ nước nửa nước lã, nửa nước sôi nhiều gỉ sắt tạo nên mùi tanh khi uống. Có lúc, nhà bếp đun thêm lá vối già vào nước để át đi mùi tanh. Tuy nhiên, uống thứ nước mất vệ sinh đó nhiều tù nhân bị đau bụng, đi ngoài. Với một chế độ ăn uống tồi tệ, không đảm bảo vệ sinh, nhiều tù nhân bị mắc các bệnh như kiết lỵ, thiếu máu, phù nề và những bệnh nguy hiểm khác, nhiều người chết trước khi mãn hạn tù do bệnh tật.

 Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ, phòng Nghiên cứu Sưu tầm 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...