Hỏa Lò - Nhà tù thực dân (1896 - 1954) (phần cuối)

2644
September 09, 2016
Phần cuối: Lao dịch nặng nề
Theo Nghị định của Phủ Toàn quyền Đông Dương ngày 1-3-1898 thì "Tất cả những người bản xứ bị các toà án ghép vào tội bị giam giữ ở các nhà tù hàng tỉnh thuộc xứ Bắc Kỳ bắt buộc phải lao động hàng ngày. Những tù nhân ấy phải làm các công việc: Xây dựng, bảo dưỡng, rải đá, quét dọn đường sá, vận chuyển nước, đổ thùng, dọn dẹp vườn tược, công viên...”.
Với chế độ lao dịch bên ngoài nhà tù: Tù nhân thường bị bắt đi làm những công việc nặng nhọc như: đắp đường, khuân vác vật liệu, xây lô cốt và hàng rào kẽm gai... Một số tù nhân phải đi phục vụ cho quân đội, mỗi lần có các cuộc hành quân bọn lính Pháp thường bắt tù nhân đi trước, làm bia đỡ đạn cho chúng.
Năm 1921, tù nhân Nhà tù Hoả Lò bị huy động phục vụ rộng rãi cho các công sở bên ngoài nhà tù, hàng ngày có từ 130 đến 250 người làm các công việc ở khu vực vườn ươm, sở cảnh binh, sở căn cước...
Ngoài việc thực hiện chế độ lao dịch bên ngoài, tù nhân phải làm các công việc bên trong nhà tù. Mỗi ngày có hàng trăm tù nhân làm trong xưởng may nhà tù, 12 người làm vệ sinh, 20 tù nhân làm công việc giã gạo, 8 tù nhân giúp việc cho thư ký, một người giúp việc cho y tá, một người dọn kho và làm các công việc nặng nhọc khác.
 
 
Tù chính trị thực hiện lao dịch “đổ thùng” trong Nhà tù Hỏa Lò
 
Ngoài ra, tù nhân còn phải làm phục vụ trong các gia đình giám thị, giám ngục. Số tù nhân mà mỗi giám thị, giám ngục được lấy quy định như sau: "Giám ngục được lấy 3 người giúp việc, giám thị có gia đình được lấy 02, giám thị độc thân được lấy 01 người giúp việc là tù nhân". Người tù phải làm tất cả mọi công việc trong tư gia của giám ngục, giám thị, đôi khi họ bị đối xử tàn nhẫn không bằng những con vật nuôi trong nhà chủ.
Hình thức lao dịch nặng nề nhất đối với người tù đó là họ bị đày đi các nơi xa xôi, hẻo lánh để lao động khổ sai. Từ năm 1916, tù nhân Nhà tù Hoả Lò bị xếp thành các đoàn gửi đi lao động đắp đê, duy tu đường sá và bị chuyển tới các nhà tù và trại giam khác nhau để sử dụng vào các công việc nặng nhọc. Chỉ tính riêng năm 1919 đã có 800 tù nhân ở Nhà tù Hoả Lò bị chuyển đi lao dịch tại các nhà tù và trại giam khác.
Có thể nói những tù nhân ở Nhà tù Hoả Lò buộc phải làm rất nhiều loại lao dịch dưới roi vọt của cai tù. Họ luôn phải lao động hết sức mình vì hiệu suất công việc gắn với từng bữa ăn của họ. Không một người tù nào có thể nhận được thức ăn nếu họ không hoàn thành một khối lượng công việc theo tuổi tác không loại trừ một lý do nào. Có tù nhân đã chết vì bị đánh đập, đói khát hoặc rét và kiệt sức ngay tại nơi lao động.
 
                 Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ, phòng Nghiên cứu Sưu tầm 
                  
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...