Trường học trong lao tù (phần 2)

4838
September 16, 2018
Nhà tù Hỏa Lò là nơi thể hiện tinh thần "Kiên trung, bất khuất" của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Việt Nam, họ đã biến nhà tù đế quốc thành “Trường học cách mạng”, thành “Lò tôi luyện” về ý chí và tinh thần của người chiến sỹ cộng sản, sẵn sàng xả thân hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
 
2. Trường học trong lao tù (tiếp)
Bên cạnh việc tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị Chi bộ Đảng đã chú trọng đến việc biên soạn tài liệu để tuyên truyền, giáo dục, học tập cho tù nhân. Tài liệu dùng trong học tập chính trị do các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn... nhớ và biên soạn lại bằng cách viết bằng nước cơm lên các quyển kinh thánh hay dùng bút chì viết lên vỏ bao thuốc đóng lại thành quyển. Tất cả đều được cất giữ hết sức cẩn thận, các đồng chí thường đào nền nhà lên, nhét tài liệu xuống hoặc cho tài liệu vào ống bơ đặt trong thùng vệ sinh hay cất giấu tài liệu trong cạp quần... Bên cạnh các hình thức cất giấu tài liệu trên, tù nhân còn rất sáng tạo, tận dụng những cây bàng quanh Nhà tù Hoả Lò làm thành những địa điểm giấu tài liệu và trao đổi thông tin rất hiệu quả.
 
 
Gốc bàng – hòm thư bí mật, nơi các tù chính trị cất dấu tài liệu 
 
3. “Vũ khí” sắc bén
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong tù, Chi bộ Nhà tù Hỏa Lò đã chủ trương ra báo, tạp chí. Đây là những “vũ khí” sắc bén trong việc tuyên truyền cách mạng. Tờ Lao tù đỏ về sau đổi thành Lao tù tạp chí ra đời nhằm mục đích giáo dục, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng và ý thức tổ chức kỉ luật cho tù nhân, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng đấu tranh. Cùng với việc ra đời và tuyên truyền của các báo trong nhà tù Hỏa Lò còn có nhiều cuốn sách, tài liệu bí mật khác cũng được tù chính trị biên soạn để tuyên truyền, giáo dục và phục vụ cho việc học tập của tù nhân.
Nhận xét về quá trình đấu tranh biến nhà tù thành trường học cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng vàng thêm cứng rắn.” 
Nhờ được học tập lý luận, văn hóa, chính trị nên các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng, tố cáo chế độ nhà tù; kêu gọi tù nhân đấu tranh, tuyên truyền vận động các tù thường và nhân viên làm việc trong tù đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức và ý thức tổ chức kỷ luật của các chiến sĩ cách mạng. Họ học để tự đấu tranh và giúp nhau đấu tranh gạt bỏ những tư tưởng sai trái, những tình cảm yếu đuối trong những năm tháng tù đày, bằng sức mạnh ý chí tiếp tục hoạt động cho cách mạng.
 
Bài: Mai Thị Huyền, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn
Ảnh tư liệu: Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...