Vang mãi tên người con gái đất Thịnh Hào Phần 1: Từ nhà số 8 phố Ô Chợ Dừa đến nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên

6743
September 23, 2018
Thuộc dòng dõi con cháu Tam khoa Thám hoa Mai Anh Tuấn (1815 - 1851), theo gương cha mình là ông Mai Văn Giáo - người từng lên miền thượng du chống Pháp, hai anh em ông Mai Lập Đôn (1898 - 1946) và bà Mai Ngọc Thuyết (1908 - 28/3/1994) đã sớm đi theo cách mạng. 
Năm 1925 tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo những thanh niên Việt Nam ưu tú yêu nước. Đến cuối năm 1926, hội nghị thành lập chi hội đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội được tổ chức ở nhà ông Tạ Đình Tán (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Ông Mai Lập Đôn là một trong 11 hội viên đầu tiên của chi hội, do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư.
Đối diện ngôi nhà số 8 phố Ô Chợ Dừa (nay là nhà số 319 phố Tôn Đức Thắng- phố Hàng Bột cũ) nơi vợ chồng ông Mai Lập Đôn cùng em gái Mai Ngọc Thuyết sinh sống là hiệu Bối Thịnh - nhà số 5 phố Ô Chợ Dừa (nay là số 304 phố Tôn Đức Thắng). Cửa hàng hiệu Bối Thịnh do ông Nguyễn Quang Bật (1886-1935) làm chủ, chuyên sản xuất đột dập thủ công các loại nút chai, hộp dầu cù là, hộp sáp nẻ…nhưng cũng là địa điểm liên lạc của Đảng Tân Việt (1926 - 1927) và Đông Dương Cộng sản Đảng (1930 - 1934). Chính vì lý do đặc biệt này, nhà của ông Đôn trở thành địa điểm liên lạc hoặc chuyển tài liệu của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
 
 
Nhà số 8 phố Ô Chợ Dừa (nay là nhà số 319 phố Tôn Đức Thắng - phố Hàng Bột cũ)
 
 
Nhà số 5 phố Ô Chợ Dừa (nay là số 304 phố Tôn Đức Thắng )
 
Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, bà Mai Ngọc Thuyết được anh trai giao nhiệm vụ cũng như thử thách lòng gan dạ, trí thông minh nhanh nhẹn. Ngụy trang phía bên ngoài ngôi nhà của gia đình là cửa hàng bán hàng diêm, thuốc, nước…ông Đôn giao cho em gái Thuyết chịu trách nhiệm trông nom và cảnh giới. Khi các đồng chí trong tổ chức đến hội họp, đóng vai khách hàng vào uống nước, hút thuốc…cô gái Thuyết quan sát xung quanh, thấy “an toàn” mới cho các ông vào nhà. 
Cũng có lần các đồng chí trong tổ chức họp đến quá đêm, cô Thuyết cùng vợ ông Đôn bày việc đánh tổ tôm hòng che mắt. Ngồi ngoài cảnh giới, cô Thuyết kiên nhẫn chờ đợi, lòng ao ước được tham gia cách mạng. Sau một vài lần thử thách, bà Mai Thị Ngọc Thuyết đã được anh trai giới thiệu tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tháng 10 năm 1928, Đông Dương Cộng sản đảng năm 1929 và lấy bí danh là Mai Thị Vũ Trang. 
Nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc của Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, bà tiếp tục hàng bán diêm, thuốc, nước… che mắt địch và làm liên lạc, phân phát tài liệu, bảo vệ họp kín, rải truyền đơn, vận động quần chúng. Có lần, bà cải trang thành tiểu thư đi du lịch lên tàu ngồi ghế hạng sang cạnh quan tây, quan ta; chúng còn xách hộ valy mà không biết là bên trong có vũ khí.
Một lần, nhận nhiệm vụ do đồng chí Đỗ Ngọc Du - phụ trách công tác giao thông và tài chính của Xứ ủy Bắc kỳ giao, bà mượn cháu gái bộ quần áo lĩnh tía, ngoài phủ áo sa đen khuy vàng, giầy nhung, ô tím, lên toa hạng nhất - Première, chuyên dành cho quan Tây và công chức cao cấp để che mắt địch. Đáp tàu xuống Hải Phòng, bà đến nhà cơ sở nhận súng brô-ninh rồi lại lên toa xe hạng nhất trở về Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có nhiệm vụ đi theo để bảo vệ nhưng từ Hải Phòng về Hà Nội, đồng chí Cảnh chỉ lên toa “hạng bét” - Quatrième (toa hạng bốn). Khi tàu đến ga Gia Lâm thì mất hút bóng dáng kiều nữ Mai Ngọc Thuyết. 
Lo lắng vì không thấy người đồng chí của mình đâu, đồng chí Cảnh trở về cơ sở số 5D phố Hàm Long chờ đợi. Một lát sau, tiếng động của chiếc vali bên trong có khẩu súng brô-ninh xuống nền nhà khiến đồng chí Cảnh giật mình mừng quá: “Trang đã về đấy ơ?”. Thấy bà về an toàn cả người và súng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, ăn mừng thắng lợi bằng bữa cơm cá ngay tại nhà 5D phố Hàm Long. 
 
 
Nhà số 5D phố Hàm Long - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên 
 
Được tôi luyện qua khó khăn, thử thách, dần dần ý trí và lòng dũng cảm của người con gái đất Thịnh Hào đã khiến cho các đồng chí hoạt động cùng tổ chức càng thêm khâm phục.
 
Bài và ảnh: Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...