Vang mãi tên người con gái đất Thịnh Hào Phần 2: Từ nhà máy tơ Nam Định đến những ngày hoạt động tại nhà lao Hỏa Lò

5218
September 26, 2018
Nhà máy tơ Nam Định hay còn gọi là Nhà máy Dệt lụa Nam Định, tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan dùng ngân sách Đông Dương lập ra. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có sáu lò đặt ngay tại thành phố.
Những năm 1928-1929, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ chủ trương đưa các hội viên là học sinh, trí thức ở thành thị đến các nhà máy, xí nghiệp… về các các tỉnh, vừa là để rèn luyện bản lĩnh cách mạng, vừa tuyên truyền giác ngộ, xây dựng cơ sở. Bà Mai Thị Vũ Trang được chỉ đạo đi “vô sản hóa” ở nhà máy tơ Nam Định. Vốn là con gái Hà Nội, cũng đã từng học nghề thêu ren nhưng khi về nhà máy, được cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt với anh chị em công nhân, bà càng hiểu rõ hơn về đời sống khổ cực của người lao động. Những người công nhân ở nhà máy tơ Nam Định cũng như những người công nhân ở các nhà máy khác đều bị bọn chủ bóc lột, ăn chặn đánh đập nhưng vẫn không đủ ăn. Trong gian nan, rèn luyện ý chí cách mạng, bà Mai Thị Vũ Trang từng bước gây dựng những hạt giống đỏ, chỉ đạo các phong trào bãi công, chống chủ đánh đập, cúp phạt, tăng lương và phụ cấp, thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ.
 
Nhà máy tơ Nam Định được thành lập năm 1898
 
Để xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong nhà máy, bà sáng tác thơ lục bát, dễ thuộc, dễ hiểu để tuyên truyền cách mạng. Xây dựng Hội tương tế trong phân xưởng guồng sợi, trích tiền quỹ hội để mua báo Phụ nữ Tân văn giúp mở mang kiến thức, đòi quyền lợi cho nữ giới. (Báo Phụ nữ Tân văn ra mắt tại Sài Gòn ngày 2/5/1929 do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm. Trong gần 6 năm tồn tại từ 1929-1935, báo Phụ nữ Tân văn đã đề xuất nhiều phong trào vận đông nữ quyền và giải phóng phụ nữ…)
Chính trong những ngày hoạt động bí mật, đó, bà Mai Thị Vũ Trang đã gặp và cảm mến người bạn đời, người đồng chí - ông Nguyễn Văn Mẫn. Không may trong một lần đi rải truyền đơn ở Ngã Sáu Nam Định, ông Mẫn bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Khi tiễn chồng cùng các đồng chí khác cùng bị lưu đày, bà đã nhắn gửi người bạn đời của mình đôi câu thơ hẹn ngày về:
Tàu quay mũi lệ đôi hàng
Càng nhìn khuất bạn, lệ càng tuôn rơi
Sương che lấp bạn xa rồi
Bạn ơi thấu nỗi lòng người này chăng?
Gạt đi nước mắt, quên đi mối thù cá nhân, bà ôm con gái nhỏ về Bắc Giang, tiếp tục hoạt động bí mật. Những năm 1936-1939, bà và các đồng chí cơ sở thị xã Bắc Giang đã nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và xứ ủy Bắc kỳ như: Hạ Bá Cang, Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn…tạo thuận lợi cho công tác xây dựng an toàn khu của Đảng.
 
 
Bà Mai Thị Vũ Trang khi bị bắt tại Nhà lao Hỏa Lò tháng 4/1941
 
Tháng 4/1941, bà bị địch bắt, đưa về giam tại nhà lao Hỏa Lò với số tù 258750. Suốt 1 năm 4 tháng bị tra tấn, bị ép cung, đối chất 7 lần với người đã khai và dẫn địch về bắt mình, bà vẫn một mực không khai, kiên trung bảo vệ Đảng. Đồng chí Trần Đăng Ninh lúc đó là Bí thư Chi bộ nhà tù, đã có sự chỉ đạo đấu tranh với địch để bảo vệ bà. Đặc biệt, luật sư Phan Anh đã bảo vệ bà suốt hai tiếng đồng hồ tại phiên tòa. 
Tháng 8/1942 địch phải thả bà ra nhưng quản thúc vô thời hạn. Tháng 4/1945, hoạt động chuẩn bị cho giành chính quyền, Cách mạng tháng 8 thành công, bà được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cộng sản, Bí thư Phụ nữ tỉnh, phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ Liên khu 1. Năm 1960, bà về công tác tại Tòa án nhân dân Tối cao, đến tháng 3/1963 bà nghỉ hưu. Ngày 28/3/1994, bà mất tại Hà Nội và được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng 2.
Bà Mai Thị Vũ Trang cũng như nhiều tấm gương nữ chiến sỹ cách mạng bị giam cầm trong nhà lao Hỏa Lò là đại diện cho hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Người con gái đất Thịnh Hào và ngôi nhà số 8 phố Ô Chợ Dừa mãi mãi là niềm tự hào của những người dân đang sinh sống nơi đây.
 
Bài và ảnh: Hoàng Thúy Hạnh - Phòng Giáo dục Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...