Tổng bí thư Đỗ Mười và cuộc vượt ngục lịch sử

11846
October 06, 2018
Nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ hàng ngàn chiến sỹ yêu nước cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cuộc sống tù đày gian khổ không làm lung lay ý trí của những người con ưu tú mà càng hun đúc thêm ngọn lửa cách mạng giúp họ vượt qua mọi thử thách. Nhiều người khi ra tù tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước và được tín nhiệm cử giữ nhiều vị trí quan trọng. Trong số đó xin được nhắc tên đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Chúng ta đều biết đến đồng chí Đỗ Mười với những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhưng chắc hẳn ít ai biết đến những năm tháng gian khổ đồng chí phải trải qua khi sống trong ngục tù đế quốc. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt tháng 10/1939, sau đó chúng đưa đồng chí về trại giam Hà Đông sau 3 tháng đồng chí được đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Trong Nhà tù Hỏa Lò đồng chí Đỗ Mười phải trải qua những ngày tháng gian khổ, với chế độ ăn uống thiếu thốn, giam cầm hà khắc cộng với môi trường mất vệ sinh. Nhưng vượt lên trên tất cả, đồng chí Đỗ Mười cùng anh em tù nhân Nhà tù Hỏa Lò luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tổ chức cuộc sống và đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Đỉnh cao của những cuộc đấu tranh đó là vượt ngục trở về với dân, với Đảng để tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Tháng 3/ năm 1945, tại cửa cống ngầm sân trại J, đã diễn ra cuộc vượt ngục của hàng trăm tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, trong đó có đồng chí Đỗ Mười.
 
Cửa cống ngầm trước sân trại J (Hiện đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)
nơi đồng chí Đỗ Mười và hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục thành công, tháng 3/1945
 
Ngày 9/3/1945, tận dụng cơ hội Nhật Đảo chính Pháp, khi tiếng súng nổ vang trời, điện đèn thành phố vụt tắt, ngoài sân Nhà tù Hỏa Lò tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Anh em tù nhân đập vào tường gọi nhau: Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Nhật Pháp bắn nhau rồi.
Ngay lập tức tại các trại giam anh em tù nhân trao đổi ý kiến và quyết định tìm mọi cách đề vượt ngục càng nhanh, càng tốt. Khi Nhật mở cửa các trại giam đồng chí Đỗ Mười đã cùng anh em tù nhân lấy vải che đầu và đi tìm chỗ để vượt ngục. Trong lúc đó đồng chí Đỗ Mười, Trần Tử Bình và một số tù nhân khác đã phát hiện ra một nắp cống tại sân trại J. Ngay lập tức hai đồng chí được cử xuống thăm dò, đồng chí Đỗ Mười cùng số anh em tù nhân còn lại đứng canh phòng. Khoảng 30 phút sau hai đồng chí lên và cho biết dưới đó lòng cống tối tăm, cùng với vô vàn chất thải và mùi xú uế. Nhưng họ cũng đã tìm thấy đường ra, đồng chí Đỗ Mười và anh em đã chia thành hai tốp chui xuống cống. Tốp đồng chí Trần Tử Bình đi trước, tốp đồng chí Đỗ Mười đi sau. Nước cống đen đặc, mùi hôi thối, đầy rác rưởi, có đoạn thu hẹp đồng chí Đỗ Mười và anh em phải lách mình mới qua được.
Lên khỏi cống, nhóm đồng chí Đỗ Mười đi nhanh ra bờ sông, băng qua bãi pháo của Nhật, ven theo đường đê, một mạch đi về nhà đồng chí ở Đông Mỹ, Thanh Trì. Tại đây các đồng chí phân nhau tìm cách liên lạc với Đảng, riêng đồng chí Đỗ Mười tìm về làng Vạn Phúc để bắt liên lạc với cơ quan Xứ ủy. Trở về với dân, với Đảng đồng chí Đỗ Mười đã cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
 
 
Đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng chí tham gia cuộc vượt ngục tháng 3/1945
thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2001
 
 
Đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng chí lão thành cách mạng tham gia cuộc vượt ngục ngày 12/3/1945
thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, năm 2003
 
Còn đó biết bao những câu chuyện, kỷ vật, ký ức hào hùng của hàng triệu triệu chiến sỹ yêu nước cách mạng Việt Nam gắn liền với vận mệnh dân tộc. Đó là ngọn lửa cách mạng sáng mãi cho thế hệ sau học tập và trưởng thành.
Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười, người con trung hiếu của cách mạng Việt Nam. Với Tổ quốc, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với nhân dân, đồng chí mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyệt cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...