Cuộc trò chuyện trong đêm Nô en năm 1972 ở “Hà Nội Hilton”

9998
March 16, 2017
Đêm Nôen năm 1972, nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Tuân được cử vào trại giam Hoả Lò (Hà Nội Hilton) “chơi với giặc lái”. Đó cũng là một công việc của các nhà văn, nhà báo trong thời chiến: “Nôen thăm Tết tù binh”. 
“Với người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn đêm Nôen có món thịt gà tây, giống  như ở ta Tết ông táo cúng cá chép. Thời Pháp, Tây đem gà tây sang gây giống nhưng thỏ và gà tây vẫn chưa được người Việt ưa chuộng như gà ta… Và ở Việt Nam khi ấy cũng không mấy ai nuôi gà tây. Nhưng trong những năm chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ, nhiều làng hai bên sông Đuống chuyên nuôi gà tây. Đến gần dịp Nôen, hàng đoàn xe tải của quân đội về lấy gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết” - Nhà văn Tô Hoài nhớ lại.
 
 
Bữa ăn ngày lễ Nôen của tù binh phi công Mỹ
 
Theo ghi chép của nhà văn Tô Hoài thì nhiệm vụ của 2 nhà văn hôm đó là thẩm vấn Trung úy Giôn, 26 tuổi chưa vợ, người bang Ôhiô, lái máy bay A4, bị trúng pháo cao xạ. Giôn cố lái máy bay quay ra phía biển, cách bờ khoảng 2 km thì buộc phải nhảy dù xuống, đó là vùng biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh, vào một ngày tháng 3, năm 1966. Cho đến thời điểm bị bắt, Giôn đã 20 lần lái máy bay đi ném bom, trong đó 8 trận ra đánh miền Bắc. Tàu sân bay của anh ta đậu ngoài biển Đông, Giôn chưa đặt chân xuống đất liền Việt Nam lần nào.
Hai nhà văn và người phiên dịch cùng với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ Đô bao bạc và một đĩa kẹo. Chiếc ghế đẩu của Giôn thấp, không cao như ghế của khách, nhưng Giôn vẫn cao lêu đêu ngang với mọi người.
 
 
Tù binh phi công Mỹ được tiếp xúc với các nhà báo
 
Giôn mặc chiếc áo rộng ống tay, màu lá trầu, có số 31 in trước ngực và lưng áo. Bắt đầu vào cuộc thẩm vấn, Giôn thành khẩn khai báo: “Tôi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sưng không cựa quậy được. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh. Không một máy bay tới cứu. Tôi chưa kịp mở điện đài. Bị bắt hơn một tháng, không bị sút cân. Thưa các ông, lúc nào cũng thèm thịt bò. Thèm mãi không có rồi quên đi. Bây giờ đã hơn ba năm, ba năm hai tháng, một ngày rồi”.
Dừng một lúc, rồi Giôn lại tiếp lời: “Tôi bị bắt lúc khoảng 2h trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo một quãng rồi xe camiông đem đi. Một mình tôi trong thùng xe, với một người gác. Cảm giác đầu tiên: Thế là cuộc đời đánh dấu chấm hết. Nhưng đến chặp tối, được khai giấy tờ, có bác sĩ đến khám, cho thuốc bó cái đầu gối sưng, tôi thoáng nghĩ như tôi đang chờ đợi cái gì, cái gì không rõ, nhưng không phải là cái chết. Cho đến hôm nay, tôi còn sống, thế là tốt. Và cái tôi chờ đợi đã rõ. Tôi hy vọng một ngày kia được trở về. Bằng cách nào? Chỉ có Thượng Đế biết được. Còn tôi, tôi cầu mong Chính phủ Mỹ có suy xét đúng về cuộc chiến tranh này. Hai bên thương lượng, cuộc đổ máu sẽ đi vào quá khứ. Nhưng bây giờ thì tôi đương ở trong tay các ông. Tôi được sống hay tôi phải chết, không phải do tôi”.
Mặc dù có một thân hình khá lực lưỡng nhưng chiếc ao bà ba của Giôn vẫn rộng thùng thình, áo không có túi. Nhà văn Nguyễn Tuân cầm bao thuốc Thủ Đô, kéo một điếu mời, Giôn cảm ơn. Cầm bao diêm nhà văn Nguyễn Tuân đưa, Giôn rút một que đánh lửa, nhưng đã nhanh tay thó hai que diêm khác, cong ngón tay, gảy vào giấu trong ống tay áo. 
 
 
Bộ quần áo tù binh phi công  Mỹ được cấp phát, mặc trong trại giam
 
Mỗi khi nghe xong câu hỏi, Giôn trả lời ngay, lúc gần kết thúc buổi thẩm vấn, Giôn đã nói: “Thưa, các ông là nhà báo. Ông hỏi tôi có cảm tưởng thế nào, khi gặp các ông. Tôi ít đọc báo lắm, chỉ xem phim. Tôi nghĩ là các ông muốn biết ý kiến một tù binh Mỹ về chiến tranh và hoà bình. Tôi xin nói: Hoà bình tốt, chiến tranh xấu. Nhưng một ngày kia không còn chiến tranh nhân dân thế giới sẽ đối với nhau như người một nhà”. 
Và rồi anh ta còn liến thoắng bao biện rằng chỉ đánh phá những nơi có thể tiếp tế súng đạn và lương thực của miền Bắc cho miền Nam. Anh ta biết Việt Nam qua báo chí và những điều cấp trên cho biết. Anh ta phải thi hành lệnh cấp trên, vì anh ta là lính. Giôn chỉ biết Việt Nam trên bản đồ, đây là lần đầu tiên anh ta rơi xuống đất liền…
Sau cùng, nhà văn Nguyễn Tuân rút hai điếu thuốc Thủ Đô đưa cho trung uý Giôn, mặt anh ta lúc đỏ, lúc tái, tay run rẩy cầm thuốc: “Cảm ơn, cảm ơn. Các ông có phải…”.
Nhà văn Nguyễn Tuân không giải thích hay an ủi, ông lặng lẽ bước ra phía cửa, mặc kệ câu nói dang dở sau lưng. Nguyễn Tuân vốn là người trầm mặc, nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, đặc biệt khi tiếp xúc với người nước ngoài, thì ông là một người đầy lý lẽ và cứng rắn.
 
 
Tù binh phi công Mỹ xin dép cao su, điếu cày về làm kỷ niệm
 
Theo trí nhớ của nhà văn Tô Hoài, khi tù binh phi công Mỹ được trao trả ở sân bay Gia Lâm, ông đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá, cổ đeo chuỗi hạt gọt bằng mắt tre, gộc tre, trong cái túi lưới đeo vai đựng bộ quần áo cánh có số và đôi dép râu, giống hệt bộ quần áo và đôi dép của trung uý Giôn mà ông đã nhìn thấy khi vào trại giam Hỏa Lò. Họ xin đem những kỷ vật ấy về nước để làm kỷ niệm.
Nguyễn Khánh Hồng, tổng hợp và biên soạn
Tài liệu tham khảo: Hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài, Nxb Hội nhà văn.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Người nhạc sỹ và bức ảnh năm xưa

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về” đã được khai mạc vào ngày mùng 5/10/2018 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Trong nhiều bức ảnh lịch sử của ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), khách tham quan rất...

Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì

Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ...

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận...