Đồng chí Đặng Việt Châu và những vần thơ viết trong Nhà tù Hỏa Lò

8820
April 28, 2016
Đồng chí Đặng Hữu Rạng, tên thường gọi là Đặng Việt Châu sinh ngày 02/7/1914, tại làng Bách Tính (nay là xã Nam Trung), huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ngay từ khi là học sinh, đồng chí đã tham gia các phong trào yêu nước như: kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga; vận động học sinh bãi khoá… Cuối năm 1930, đồng chí Đặng Việt Châu thôi học đi“vô sản hoá”, làm công nhân ở nhà máy Xi măng Hải Phòng. Tháng 3/1931, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng đồng chí Đặng Việt Châu luôn thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, tin tưởng vào con đường đã chọn qua bài thơ:
Khắp nước đang bùng lửa đấu tranh
Giận quân phản động phá tan tành
Xót xa đồng chí sa tù ngục,
Lo ngại thân mình bước tử sinh.
Dấn bước đi lên vui lẽ sống, 
Dừng chân đứng lại thẹn tâm tình.
Đường đi khúc khuỷu không lùi bước,
Mục đích mai sau cùng phải thành.
Tháng 5/1931
Tháng 9/1931, Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ điều động đồng chí về làm biên tập báo Tiến lên, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ tại Hải Phòng. Ngày 4/2/1932, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại cơ quan báo chí của Xứ uỷ và đưa về Sở Mật thám để tra khảo, sau đó chuyển về giam tại nhà lao Hải Phòng. Sau 8 tháng, đồng chí tiếp tục bị chuyển lên Hà Nội, giam tại nhà tù Hoả Lò. Tháng 11/1932, toà đại hình Hà Nội kết án đồng chí 5 năm tù giam. 
Trong giai đoạn bị giam cầm ở các nhà tù hà khắc và tàn ác của chính quyền thực dân, đồng chí đã sáng tác nhiều bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu của mình, đặc biệt là những bài thơ sáng tác trong ngục tù Hoả Lò từ đầu tháng 11/1932 đến tháng 5/1935.
Bằng bút pháp hài hước lãng mạn và lạc quan cách mạng đồng chí Đặng Việt Châu đã miêu tả chân thực hình ảnh của những tên cai ngục luôn dùng cực hình nhằm khuất phục ý chí của những chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam qua bài thơ “Những tên tàn ác ở Nhà Pha Hỏa Lò Hà Nội”:
Quái lạ ra tên một lũ người, 
Đầu trâu mặt ngựa tả không sai.
Lê Bon, tên gọi, sao tàn ác?
Văn Sĩ, mang danh cũng đánh người.
Một mấu, Mắm tôm chuyên thét mắng, 
Mèo già, Tây trẻ giỏi tìm soi.
Đầu trò, Cậu Mã tay lừa gạt.
Cai Thiện gian thâm nhếch miệng cười.
Những bộ mặt miêu tả trong bài thơ là những tên gác ngục ở Nhà tù Hỏa Lò năm 1932 - 1935. Đầu trâu (đồng chí không nhớ tên chữ tiếng Pháp), khi hắn đi nghênh cái đầu, đúng như con trâu. Mặt ngựa (tên chữ tiếng Pháp là Tresvaneck), mặt giống như mặt ngựa. Văn Sỹ (Garien), lúc nào cũng cầm quyển sách. Một mẩu, người bé lùn. Mắm tôm (Drené), hay la hét quát tháo. Mèo già (Chesmeentisad), Tây trẻ (Christiani), giỏi lục soát. Cậu Mã (Mã Giám Sinh là Grazialo), phó giám đốc nhà tù Hỏa Lò khéo lừa gạt. Le Bon, giám thị người Pháp và cai Thiện người Nghệ An là những kẻ rất gian ác và sảo quyệt.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc liên tục nổ ra tiêu biểu như cuộc tuyệt thực 7 ngày để phản đối sự đàn áp, tra tấn của cai ngục và đòi quyền lợi cho anh em tù nhân được đồng chí Đặng Việt Châu diễn tả qua bài thơ:
“Cảnh lao tù biết bao đau khổ, 
Anh em tù biết rõ hơn ai.
Sống đã qua mấy năm rồi, 
Bao người bị mất tại nơi giam cầm.
Nếu ta cứ âm thầm chịu mãi,
Tháng ngày trôi có hại cho ta.
Nay xem cảnh đã bày ra,
Bao nhiêu quyền lợi, nay đà mất trơn
Mới năm ngoái ta còn được phép, 
Nhà vào thăm nơi tiếp hẳn hoi.
Nay lưới sắt, đứng bên ngoài,
Ồn ào tiếng gọi, nhìn người về không.
Cả đến mua “bông” cũng xúp,
Còn nói chi ca hát cho vui.
Ra sân khoác cánh bá  vai,
Lầm lừ theo dõi, ra oai quát liền.
Người tắm cũng không yên đến nỗi
Chút ướt mình đã đuổi ngay vào.
Tiếng la, tiếng thét, tiếng gào, 
Có khi đuổi đánh ào ào ngoài sân.
Tệ hơn nữa mức ăn giảm bớt.
Suất cơm thì nhão nhoét hơn xưa,
Gân bò, đậu nát, tương chua,
Lợn sề, cá thối, muống vừa thắt lưng.
Cảnh sống ấy đã từng chịu đựng
Mấy tháng qua những tưởng nhất thời
Ngờ đâu, chúng quyết kéo dài, 
Biến thành chế độ, cuộc đời sống sao?
Thiếu dinh dưỡng tiêu hao sức khỏe, 
Bệnh lao phổi ắt sẽ lan truyền, 
Phù thũng là bệnh trước tiên
Gây ra tức thở, chết liền rất mau.
Phải đứng dậy cùng nhau yêu sách, 
Chế độ tù cải cách đòi ngay.
Mức ăn trở lại trước đây.
Mua “bông” được phép không gây phiền hà.
Được tắm giặt trong giờ quy định,
Được di dời yên tĩnh ngoài sân.
Không thỏa mãn, quyết không ăn.
Đến khi nhượng bộ rành  rành mới thôi!
Điểm hàng ngũ những người nhịn trước,
Mở rộng dần mỗi bước đấu tranh, 
Quân thù tỏ vẻ hung hăng, 
Phải thi gan dạ phải tăng kết đoàn.
Gặp thủ đoạn mưu toan chia rẽ, 
Cả trăm người, ta chỉ một câu:
Các ông gây chuyện bấy lâu,
Chế độ khi trước phải mau phục hồi!
                      Tháng 4/1933, đăng trên báo Lao tù
Tháng 11/1933, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù Hoả Lò và cũng là một trong những bí thư chi bộ trẻ nhất. Với nhiệm vụ phụ trách Lao tù tạp chí và công tác huấn luyện nội bộ, qua Chi ủy, đồng chí và một số đảng viên khác còn ra thêm Tạp chí Vô sản để tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao trình độ cho những đảng viên mới bị bắt giam. Hai tờ báo ra đúng thời gian và phục vụ kịp thời các lớp huấn luyện, vì thế hoạt động đấu tranh chính trị thời gian này diễn ra rất sôi nổi. Cuộc sống và sinh hoạt của anh em tù chính trị được bảo đảm, những rắc rối và những chuyện lôi thôi đối với cai ngục ít xảy ra.
Với vai trò lãnh đạo trong Chi bộ, đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và tài năng của mình không chỉ đấu tranh cho đời sống, sinh hoạt của anh em tù chính trị mà còn vẽ lên bức chân dung người mẹ đầy xúc cảm, sẵn lòng phục vụ, mục đích lý tưởng của cách mạng qua bài thơ “Nhớ mẹ”: 
 Nhớ mẹ vào thăm tại Hỏa Lò
Tóc đã hoa râm, mắt đã mờ.
Lưới sắt nhìn qua trông thấy Mẹ.
Rổ quà bưng nặng tiếng gào to:
- Con ơi! Được khỏe hay đau ốm?
Mẹ những ngày đêm đủ mối lo…
- Con ở trong này vui khỏe lắm,
Học càng thêm giỏi, vóc thêm to.
                                      1932 - 1935
Bài thơ không chỉ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng mà còn tỏ rõ ý chí, bản lĩnh của người chiến sỹ cách mạng luôn xem chốn lao tù là nơi rèn luyện.
Tháng 2/1935, diễn ra cuộc tổng khám xét toàn trại giam, do Chánh mật thám Pháp chỉ huy, chúng phát hiện được nhiều chỗ cất giấu tài liệu, moi ra một rổ lớn sách báo kể cả những cuốn viết nhỏ, cuộn tròn đút vào từng mạch vữa khoét sâu. Ngay sau đó, đồng chí Đặng Việt Châu cùng đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và Bùi Vũ Trụ bị giải đến Sở Mật thám để hỏi cung, rồi biệt giam trong xà lim. Tuy bị nhốt biệt giam và tra tấn nhiều lần nhưng đồng chí không khai báo, không công nhận số tài liệu cai ngục thu được mà thể hiện sự thông minh, trong việc viết giả chữ để qua mặt bọn mật thám “Tôi viết mấy câu thơ chữ Pháp trong vở kịch Le Cid của Corneille, viết khác dạng chữ hàng ngày, chữ P quặp vào, chữ b và chữ 1 viết béo hơn chữ thường viết” (Trích sách: Trường học cuộc đời (Hồi ký), Đặng Việt Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.231). Do không phát hiện được bằng chứng cụ thể, bọn mật thám buộc phải trả các đồng chí về nhà tù Hỏa Lò. 
Bị coi là phần tử nguy hiểm, cuối tháng 5/1935, đồng chí bị thực dân Pháp phát vãng đến nhà tù Sơn La. Tháng 8/1936, đồng chí được trả tự do, tiếp tục con đường hoạt động cách mạng. Đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong lĩnh vực kinh tế như: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách khối Tài mậu, Trưởng ban Kế hoạch Tài chính Trung ương… Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn đó, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lại Thị Minh Thu tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (1896-1954), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nxb Hà Nội, 2009.
- Trường học cuộc đời (Hồi ký), Đặng Việt Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
- Đồng chí Đặng Việt Châu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Bộ Tài chính, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2014.
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.