Tổng Bí thư Trường Chinh – Nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của Cách mạng Việt Nam (phần 2)

9362
February 12, 2017
Sau ngày đất nước thống nhất, trên các cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nhà nước kiểu mới, một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Khi đó, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đồng chí sớm nhận ra con đường tất yếu phải đi của đất nước là đổi mới. Theo đồng chí, đổi mới là xu thế của thời đại, là đòi hỏi tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa sống còn với đất nước và dân tộc.
 
 
Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc
và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn đại biểu miền Nam tại Lễ ký các văn kiện chính thức
của Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975
 
Ngày 14/7/1986, tại phiên họp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh đã được bầu lại làm Tổng Bí thư. Với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén, bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở địa phương, cơ sở, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đạo toàn Đảng “phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp”.
 
 
Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
lần thứ 11, khóa V, ngày 17/11/1986
 
Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”.
Đồng chí Trường Chinh đã tỏ rõ thái độ của đổi mới là: “dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”; thật sự, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, không giấu diếm khuyết điểm. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng tự phê bình của Người và thực hành tư tưởng đó hiệu quả.
Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, trong đó đồng chí Trường Chinh với trọng trách Tổng Bí thư, là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới, đã có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị văn kiện và tổ chức thành công Đại hội.
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị cử làm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh. Đồng chí Trường Chinh đã dồn hết tâm trí và sức lực, tích cực đóng góp xây dựng Cương lĩnh, Chiến lược kinh tế - xã hội và chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.
 
 
Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng  Trường Chinh cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh,
Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, tháng 6/1987
 
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã nêu tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đồng chí là một nhà lãnh đạo mẫu mực, kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam về tính nghiêm túc, thái độ tôn trọng nguyên tắc làm việc, chu đáo, cẩn thận đến từng chi tiết; đặc biệt để lại dấu son chói lọi về thái độ tự phê bình và phê bình.
 
 
Quốc hội khóa VIII tuyên dương công trạng các đồng chí Trường Chinh,
Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, ngày 17/6/1987
 
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam. Chúng ta nguyện học tập và noi gương Tổng Bí thư Trường Chinh giữ vững sự đoàn kết thống nhất, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới mà đồng chí là một trong những người tiên phong khởi xướng tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.