Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 1)

10847
April 16, 2017
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907 tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Quảng Trị, miền quê nghèo khó nhưng nặng nghĩa tình, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng thuộc Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và ngoảnh mặt ra biển Đông. Mảnh đất miền Trung này được tụ khí thiêng bởi địa hình đa dạng, đồi núi, sông ngòi dầy đặc với dải đồng bằng và bãi biển chạy dài.
Trong lịch sử tồn tại và phát triển, Quảng Trị đã từng được coi là trọng trấn, là trấn biên phía Nam của Tổ quốc, là chiến trường ác liệt của các cuộc kháng chiến chống xâm lăng; là thủ phủ chính trị và cũng từng là ranh giới của cuộc chia cắt Bắc – Nam. Ít có mảnh đất nào phải chịu nhiều biến động, chia cắt, phân ly và là chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh cũng như phải đương đầu với bao cơn đại hạn, đại hồng thủy như ở đây.
Chính điều kiện sống đã hình thành trong con người Quảng Trị truyền thống cần cù, bất khuất, không chịu lùi bước trước khó khăn, gian khổ, sẵn sang vượt lên, chiến thắng thiên tai, địch họa. Quá trình tồn tại và phát triển của Quảng Trị là quá trình con người tự chinh phục, đấu tranh và sáng tạo để khẳng định mình.
 
 
Khu di tích đình làng Bích La
 
Làng Bích La, quê hương đồng chí Lê Duẩn là một làng có lịch sử lâu đời. Tộc họ Lê Văn là một trong 15 tộc họ đồng khai khẩn đã góp phần không nhỏ vào truyền thống tốt đẹp trong lịch sử dựng nghiệp ở làng ngay từ buổi ban đầu. Gần 5 thế kỷ, kể từ ngày khai hoang lập làng, lập xã, vừa chống chọi với thiên tai địch họa, vừa tạo dựng cơ đồ, người dân Bích La nói chung, các thế hệ con cháu trong tộc họ Lê Văn nói riêng đã vun đắp nên nhiều truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và phát triển từ đời này qua đời khác. Đặc biệt, nổi bật là truyền thống trọng nghĩa trọng tình, đoàn kết tương ái, tương thân, yêu nước, thương dân. Nền tảng của truyền thống đó là cái tâm, cái đức được các thế hệ luôn luôn gìn giữ và phát triển.
 
 
Ngôi nhà đồng chí Lê Duẩn sống thời thơ ấu tại làng Hậu Kiên,
xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
 
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, con cháu tộc họ Lê Văn đã tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương và các phong trào chống Pháp khác ở Quảng Trị. Năm 1882, nhiều con cháu của tộc họ Lê Văn cùng bà con trong làng theo Lê Hữu Thường - Thượng thư Bộ Công của triều đình, ra xây dựng Sơn Phòng (vùng Cùa - Quảng Trị) theo chủ trương của Tôn Thất Thuyết để chuẩn bị chống Pháp. Điển hình có cụ Chánh Vệ uý Lê Văn Thống, cụ Đề đốc Lê Văn Tặng. Các cụ đã từng cùng với cụ Suất đội Phan Cư (làng Nại Cửu) đem quân đánh chiếm thành Quảng Trị.
 
 
Đình làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
 
Ông nội đồng chí Lê Duẩn là cụ Lê Văn Thống có 9 người con. Thân phụ đồng chí, ông Lê Văn Hiệp là con út. Ông Hiệp học chữ nho và đỗ khoá sinh. Thấy làng Hậu Kiên là nơi có vị trí làm ăn thuận lợi, ông chuyển cả gia đình sang chợ Sãi làng Hậu Kín làm nghề thợ mộc. Thân mẫu đồng chí Lê Duẩn, bà Võ Thị Đạo, quê ở xã Đầu Kênh, làng Bích La. Gia đình bà làm ruộng. Bà Khoá Hiệp được nhiều người yêu quý vì hiền lành, phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo.
 
 
Cụ Lê Văn Hiệp, thân sinh đồng chí Lê Duẩn
 
Ông Hiệp và bà Đạo sinh được năm người con. Sau khi hai người con đầu bị bệnh chết sớm, bà Đạo sinh người con thứ tư là con trai cả nhà đều mừng. Năm 1907 là năm nhuận, cậu bé được đặt tên là Lê Văn Nhuận.
(còn tiếp) 
 
* Tài liệu tham khảo:
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.