Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 2)

11305
April 18, 2017
Từ nhỏ, Lê Văn Nhuận đã tỏ ra là người thông minh, ham học, ông Hiệp đặt rất nhiều hy vọng vào con mình. Cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, công việc thợ mộc vất vả, nhưng ông cố gắng cho con ăn học. Gia đình họ Cao là hàng xóm nhà ông bà Hiệp thuê thầy về dạy riêng cho các con và rủ Lê Văn Nhuận sang cùng học cho vui. Ông Hiệp thấy thầy Tú Trạm là người mực thước, đồng ý cho con theo học. Thời gian này Lê Văn Nhuận vừa học chữ quốc ngữ, vừa học chữ Hán ở làng Hậu Kiên.
Năm 1914, Lê Văn Nhuận bảy tuổi. Khi đó ở phủ Triệu Phong đã có trường học. Nhuận cùng nhóm chuyển học ở trường phủ, cách chợ Sãi hơn một kilômét. Hồi ấy, học trò trường phủ hầu hết là con nhà khá giả. Lê Văn Nhuận là một trong số ít những học trò nghèo, nhưng cậu rất chăm học và quyết tâm học giỏi. Ngoài giờ học, Nhuận tận dụng thời gian rảnh rỗi dạy em gái học và phụ giúp công việc lặt vặt trong gia đình.
Năm 1920, Lê Văn Nhuận thi đỗ vào trường Tiểu học Pháp – Việt Quảng Trị. Ở trường, học sinh phải học các môn: toán, vạn vật, lịch sử, địa lý… những năm đầu bằng tiếng Việt, sau bằng tiếng Pháp. Trong năm đầu Nhuận học không giỏi, những năm sau khá dần. Anh chăm chỉ học tập tất cả các môn học, nhưng say mê hơn là môn lịch sử và văn học. Anh rất thích và thuộc nhiều thơ văn của Phan Bội Châu. Những vần thơ đầy hào khí và dạt dào tình yêu quê hương đất nước của cụ Phan đã để lại trong tâm trí anh những ấn tượng sâu sắc.
Năm 1923, sau khi thi đỗ tiểu học, Lê Văn Nhuận vào Huế chuẩn bị thi vào Trường Quốc học. Trong thời gian chuẩn bị thi, Lê Văn Nhuận mắc bệnh thương hàn, mọi người khuyên anh không nên đi thi nữa. Không nản chí, tuy mới ốm dậy, sức khoẻ còn kém, thời gian ôn thi không được nhiều, nhưng anh vẫn dự thi nên không đỗ chính thức và chỉ được học dự thính. Hết thời gian học dự thính, không được chuyển lên chính thức, anh tiếp tục ở lại Huế để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi sau.
 
 
Trường Quốc học Huế, nơi đồng chí Lê Duẩn theo học dự thính
 
Tháng 11/1925, thực dân Pháp mở phiên toà xử cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan bị toà tuyên án tử hình. Cả nước dấy lên phong trào đòi giảm án cho cụ Phan Bội Châu. Học sinh Huế tích cực hưởng ứng. Lê Văn Nhuận hoà mình vào phong trào chung của tuổi trẻ. Sau phong trào đấu tranh đòi giảm án cho cụ Phan Bội Châu, anh trở về quê để chuẩn bị cho những hoài bão lớn.
Tháng 5/1926, Lê Văn Nhuận với tấm bằng tiểu học loại khá, anh được tuyển vào làm ở xưởng Hỏa xa Đà Nẵng. Tại đây, anh Nhuận gặp nhiều thanh niên cũng như anh đang có chí hướng và hoài bão được góp sức mình làm thay đổi cuộc sống của những người dân lao động. Công việc ở xưởng Hỏa xa tuy mới mẻ nhưng vốn ham hiểu biết lại cần cù, chịu khó nên Lê Văn Nhuận nhanh chóng được mọi người quý mến. Người đầu tiên được anh Nhuận giác ngộ tinh thần yêu nước là Võ Nghiêm, tổ trưởng tổ kế toán của nhà ga Đà Nẵng. Từ đấy, anh Nhuận cùng với anh em khác thường xuyên đi vận động công nhân, móc nối kíp gác ghi, tuyên truyền cách mạng cho công nhân.
 
 
Xưởng Hỏa xa Đà Nẵng, nơi đồng chí Lê Duẩn được tuyển vào làm việc
 
Thời điểm đó, các nhóm ái quốc ở Đà Nẵng hoạt động mạnh. Ngoài những buổi trao đổi tình hình thời sự trong và ngoài nước qua sách báo, Lê Văn Nhuận cùng anh em thường kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra hàng ngày trong công nhân lái xe, nắm bắt tin tức hành khách ở các vùng khác đến, tin tức trong ngành xe lửa, nói về bọn chủ người Pháp và đồng bào ta. Vì thế anh em trong các nhóm ái quốc biết khá rõ về những diễn biến hằng ngày của đất nước.
Năm 1927, đoạn đường sắt Vinh - Đông Hà được khánh thành nối liền Đà Nẵng với Hà Nội. Lê Văn Nhuận được chủ nhà ga Đà Nẵng cử ra Hà Nội làm việc. Anh Nhuận coi đây là một dịp tốt để mở rộng tầm nhìn và hòa vào phong trào cách mạng sôi động của công nhân và các phong trào yêu nước ở Hà Nội. Để làm vui lòng cha mẹ, anh đồng ý xây dựng gia đình riêng với chị Lê Thị Sương, con gái một gia đình khá giả ở thôn Bích La Đông.
 
 
Đồng chí Lê Duẩn và người bạn đời Lê Thị Sương
 
Ở nhà được ba ngày, anh Nhuận xin phép gia đình trở lại Đà Nẵng để làm các thủ tục chuyển ra Hà Nội. Cũng vào thời điểm đó, anh lấy tên là Lê Duẩn.
* Tài liệu tham khảo:
Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb
 Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng 
Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.