Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

17095
May 06, 2017
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nội có thêm những nhân tố mới - chuẩn bị tiến tới cao trào cách mạng sôi động trong cả nước trong những năm 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đã tiếp nhận đồng chí Lê Duẩn về sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố. Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.
 
 
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930 (tranh vẽ)
 
Thời gian này đồng chí Lê Duẩn đã đưa vợ ra Hà Nội. Chị Sương vừa sinh con đầu lòng. Đồng chí đã chuyển về ở Ngõ Chợ Khâm Thiên. Bé trai mang tên Lê Hãn, để gợi nhớ con sông quê hương. Tuy mới chỉ hiểu biết qua về công việc của chồng, chị Sương cũng ráng sức làm tròn bổn phận người vợ để anh yên tâm hoạt động. Thấy anh đi về khi sớm, lúc muộn, có khi vắng nhà đến vài ngày, chị mong chờ, phấp phỏng, lo âu nhưng không bao giờ gạn hỏi. Hiểu và tin vợ, đôi khi đồng chí nhờ vợ cất hộ bọc truyền đơn, tập tài liệu, chuyển giúp lá thư. Ngõ Chợ Khâm Thiên chật hẹp nằm sâu hun hút trong dãy phố đầy rẫy tiệm hút, nhà hàng, cũng xác xơ, nghèo khó như xóm nghèo chợ Sãi, nơi đồng chí Lê Duẩn sinh ra, lớn lên rồi từ đó quyết chí ra đi. Bà con ở đây cũng quý đồng chí như mọi viên chức nghèo tốt bụng. Cơ sở quần chúng cách mạng trong xóm Chợ Khâm Thiên dần dần được gây dựng và lan rộng. Khi chị Sương mang thai lần thứ hai thì hai vợ chồng lại chuyển đến chỗ ở mới tại phố Huế.
 
 
Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng lãnh đạo 
 năm 1930 – 1931(tranh vẽ)
 
Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ I, tháng 10/1930, một số cơ quan chuyên môn của Trung ương và Xứ uỷ được củng cố lại. Đồng chí Lê Duẩn được phân công làm Uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ, do đồng chí Trịnh Đình Cửu phụ trách. Từ đó, đồng chí Lê Duẩn rời Sở Hoả xa Đông Dương và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đồng chí đưa gia đình về quê để có điều kiện cống hiến hết sức mình cho cách mạng.
 
 
Đồng chí Lê Duẩn năm 1930
 
Cơ quan tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt trụ sở hoạt động ở Hải Phòng. Phong trào cách mạng đang lên mạnh, công việc càng bề bộn. Đồng chí Lê Duẩn được phân công phổ biến Luận cương chính trị cho các địa phương, biên soạn tài liệu, phát hành báo chí, truyền đơn và vận động phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng. Đồng chí có nhiều dịp làm việc với các lãnh đạo của Đảng như: Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc. Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành một cán bộ cách mạng trẻ tuổi, gan góc dạn dày kinh nghiệm.
Tháng 4/1931, Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ chủ trương phát động phong trào quần chúng đấu tranh mạnh mẽ ở Hà Nội, Hải Phòng trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931. Cán bộ các Ban công tác của Trung ương như Tài chính, Công vận, Tuyên huấn khẩn trương chuẩn bị nội dung, phối hợp lực lượng phát động quần chúng đấu tranh. Đồng chí Lê Duẩn chịu trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức cuộc đấu tranh tại các xí nghiệp sản xuất công nghiệp và các khu lao động ở Hải Phòng.
Công việc đang tiến hành thuận lợi thì Nghiêm Thượng Biền, Quyền Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ bị bắt. Không chịu được đòn, Biền đã khai báo tất cả những đầu mối liên lạc do hắn phụ trách và biết rõ. Chiều ngày 20/4/1931, Sở Mật thám Pháp ở Hà Nội cho hai tên cẩm cáo già là Dugiôn và Rinê chỉ huy hai xe chở đầy cảnh sát và mật thám về Hải Phòng phối hợp với lực lượng tại chỗ lùng sục. Cuộc vây ráp kéo dài đến nửa đêm. Bảy cơ quan của Trung ương và Xứ uỷ tan vỡ, 36 đồng chí bị sa vào tay giặc. Đồng chí Lê Duẩn cùng với các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ như: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Lệ, Triệu Thị Đỉnh, bị bắt tại ngôi nhà số 8 ngõ Quảng Lạc, Hải Phòng. 
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo:
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 3)

Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và...