Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)

11373
May 12, 2017
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Sau khi bị bắt, đồng chí Lê Duẩn bị tạm giam ở Sở Mật thám Đông Dương. Tại đây, bọn mật thám Pháp triệt để khai thác những người mới bị bắt với hy vọng lần thêm được những đầu mối của tổ chức cách mạng. Địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man để lung lạc tinh thần và ý chí chiến đấu của các đồng chí ta. Mácty, trùm mật thám Pháp ở Đông Dương, rồi Ácnu, Chánh Mật thám Pháp ở Bắc Kỳ thay nhau hỏi cung đồng chí Lê Duẩn. Bị bắt giữa lúc đang họp nên địch biết khá rõ về công việc đồng chí làm. Trước sau như một, đồng chí Lê Duẩn chỉ trả lời chúng bằng sự im lặng. Không tìm được manh mối, thực dân Pháp chuyển đồng chí Lê Duẩn về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
 
 
Nhà tù Hỏa Lò (1896 – 1954)
 
Nhà tù Hoả Lò cũng như Khám Lớn ở Sài Gòn và Nhà lao Thừa Phủ ở Huế là nơi tạm giam những tù nhân chưa thành án và cũng là nơi luân chuyển người tù. Nhà tù Hoả Lò ra đời cùng với sự thiết lập ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhà tù có các dãy phòng giam tù chính trị, tù thường phạm, phụ nữ và trẻ em. Sức giam giữ của Nhà tù Hoả Lò trên thiết kế là 500 người tù. 
Tại đây, đồng chí Lê Duẩn gặp lại nhiều đồng chí, bạn bè đã từng gắn bó trong buổi đầu đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người như các đồng chí: Nguyễn Tạo, Nguyễn Tuấn Thức, Ngô Đình Mẫn, Trần Học Hải và các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu, Khuất Duy Tiến, Đặng Xuân Khu, Trần Văn Cung, Bùi Vũ Trụ, Nguyễn Trọng  Đàm, Phạm Quang Lịch, Vũ Thiện Chân… Mấy tháng sau có thêm đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp bắt từ Trung Quốc đưa về.
Cùng với toà án và bộ máy cảnh sát đồ sộ, chúng muốn dùng nhà tù để làm công cụ nô dịch nhân dân ta. Người tù phải nằm chen chúc trên sàn ximăng. Mùa đông lạnh thấu xương, mùa hè thì oi nồng, ngột ngạt. Thức ăn chủ yếu là gạo mục và cá mắm thối. Tuy nằm giữa phố phường đô hội mà trong lao tù cách biệt hẳn với bên ngoài. Thân nhân đến thăm phải đứng bên hàng rào sắt cách người tù một khoảng sân hẹp, nên cứ phải gào to lên mới nghe được nhau. Hằng tuần, người tù phải thay phiên nhau lội xuống thùng vệ sinh múc phân chuyển lên xe. Nhiều người yếu quá có khi ngã gục dưới thùng phân. Bọn cai ngục mặc sức đánh đập, ức hiếp người tù.
Không tìm được chứng cứ luận tội, ngày 15/11/1931, Hội đồng đề hình thực dân Pháp kết án 102 tù nhân, trong số đó có 86 chiến sĩ cộng sản. Phiên toà kéo dài suốt ba ngày. Khu vực xét xử nằm kề bên Nhà tù Hoả Lò. Tù nhân bị đánh thức dậy từ sáng sớm, bị xích tay và do lính Pháp áp giải sang toà án. Bọn sen đầm súng cắm lưỡi lê đứng gác thành hai hàng ngay giữa sân. Tên thực dân Busê, Giám đốc chính trị Đông Dương làm chánh án. Đốc lý là Ghilơmanh, chưởng lý là Môrô, bồi thẩm là đại uý Buốcgiao. Phiên toà chỉ có kẻ xét xử và những người bị xử. Vài nhà báo được đến đưa tin theo ý của nhà cầm quyền. Lính Pháp canh giữ nghiêm ngặt cả vòng trong, vòng ngoài. Trong số người bị đưa ra xét xử có các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trọng Đàm, Lê Duẩn, Vũ Thiện Chân, Phạm Quang Lịch... Bọn quan toà cho gọi từng người lên để luận tội. 
Trước đó, chi bộ Đảng trong Nhà tù Hoả Lò đã đề ra chủ trương biến toà án đế quốc thành diễn đàn đấu tranh. Một đồng chí có trách nhiệm phải lên án chế độ thực dân, bênh vực quyền lợi cho giai cấp, cho đồng bào mình. Đồng chí nào xuất thân từ học sinh thì tố cáo chính sách giáo dục ngu dân, đồng chí nào là nông dân thì phản đối chế độ sưu cao thuế nặng. Đến lượt mình, đồng chí Lê Duẩn vạch trần những thủ đoạn áp bức, bóc lột của bọn chủ Pháp đối với thợ thuyền ngành đường sắt và nói lên cuộc sống cực nhọc của anh chị em công nhân các bến tàu, xưởng thợ. Bọn quan toà kết tội chung đối với các chiến sĩ cộng sản là đã âm mưu "xúi giục dân nổi loạn" và tuyên án hàng loạt mức phạt tù. Đồng chí Lê Duẩn bị kết án 20 năm cầm cố. Các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân bị tử hình. 
Tháng 12/1931, thực dân Pháp chở 75 tù nhân, phần lớn là những chiến sĩ cộng sản, xuống Hải Phòng để đày ra Côn Đảo. Đồng chí Lê Duẩn cùng đi với các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Thanh Nghị, Trần Quý Kiên, Nguyễn Tuấn Thức. Khi anh em đến Hải Phòng, địch đưa cả đoàn tù vào giam trong Nhà lao Hải Phòng. 
Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác  tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù nhân. Anh em bàn nhau phải tổ chức đấu tranh phản đối. Đồng chí Lê Duẩn đề nghị tuyệt thực để chống lệnh cùm chân. Các đồng chí Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuấn Thức, Vũ Thiện Chân... cũng chủ trương không nên manh động, nhưng số tù Quốc dân Đảng muốn tỏ ra hăng hái, đề nghị phải dùng vũ lực để đánh cả bọn cai ngục. Gạch đá, thanh sắt, gậy gộc được chuẩn bị. Sau giờ ăn cơm chiều ngày 21/12/1931, bọn cai ngục và lính gác xông vào các phòng giam đe doạ khủng bố. Những người khỏe mạnh như Trần Quý Kiên, Trần Bảo, Lê Thanh Nghị... cầm gậy đứng trấn giữ cửa ra vào; đồng chí Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân Thức, Vũ Thiện Chân đứng hỗ trợ phía sau. Bọn cai ngục và lính gác không sao vào được. Tiếng hò la phản đối khủng bố, phản đối cùm chân càng dữ dội. Địch hoảng sợ cho xe phun nước tới đàn áp. Các đồng chí ta vẫn giữ chặt cửa ra vào. Đến lúc đó, số tù Quốc dân Đảng hoảng sợ đã lùi cả lại phía sau, chỉ còn một mình anh Dương vẫn sát cánh cùng những người tù cộng sản chiến đấu đến cùng. Một đơn vị lính khố xanh được tăng cường tới đàn áp nhưng binh lính không chịu nổ súng vào những người tù. Địch phải dùng một trung đội lính Pháp đến xả trung liên bắn vô hồi về phía trại giam. Bảy chiến sĩ cộng sản hy sinh. Anh Dương, một tù nhân Quốc dân Đảng rất có cảm tình với các đồng chí ta, cũng trúng đạn tử thương. Chưa có tàu đi Côn Đảo, cả đoàn tù bị cùm chân suốt một tháng, rồi lại bị đưa về Hoả Lò.
Sau cuộc đấu tranh lưu huyết tại Hải Phòng, chi bộ nhà tù tổ chức rút kinh nghiệm về phương pháp đấu tranh. Đồng chí Lê Duẩn phân tích tác hại của tư tưởng manh động của những người tù Quốc dân Đảng.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn

* Tài liệu tham khảo:
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)

Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất...

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)

Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 3)

Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và...