Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 6)
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Từ năm 1932, sau khi tổ chức chi bộ được củng cố, phong trào học tập, đấu tranh trong Nhà tù Hoả Lò dần dần đi vào nền nếp và ngày càng phát triển mạnh. Chi bộ bắt tay xây dựng một số tổ chức quần chúng như Lao tù hội, Đoàn thanh niên, Đội hồng thập tự, Ban trật tự... để thông qua đó tập hợp quần chúng, tổ chức đấu tranh. Hình thức đấu tranh chủ yếu là hò la và tuyệt thực. Nhờ đoàn kết và có tổ chức, địch dần dần phải nhượng bộ. Chúng phải cho máy đến hút phân, phải cho người tù ra sân chơi, sưởi nắng, tù nhân bớt phải ăn gạo mục, cá mắm thối, khi ăn được tháo cùm.
Nhà tù Hỏa Lò (1896 – 1954)
Cùng với các đồng chí trong chi bộ Đảng, đồng chí Lê Duẩn hăng hái tham gia ý kiến tổ chức lãnh đạo đấu tranh và tuyên truyền, vận động quần chúng trong nhà tù. Từ những yêu sách để cải thiện chế độ lao tù, anh em tổ chức những cuộc đấu tranh mang ý nghĩa chính trị và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Mở đầu cho những phong trào như thế là cuộc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1932. Các đồng chí ta đã có kế hoạch tổ chức ngày lễ này từ rất sớm. Hình thức kỷ niệm chính là diễn thuyết, ca hát và diễn kịch về ngày truyền thống của những người lao động trên toàn thế giới.
Đồng chí Lê Duẩn đóng vai diễn trong vở kịch có nội dung ca ngợi giá trị cao quý của tầng lớp thợ thuyền, lên án bất công và bạo ngược, kêu gọi những người lao động đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi giai cấp. “Sau buổi diễn kịch trong nhà lao, đồng chí Lê Duẩn và một số anh em khác diễn kịch bị bọn cai ngục cho là cầm đầu, kiếm cớ bắt đem vào xà lim cùm một tháng" (Trích sách: Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr.44-45).
Do đã phán đoán được tình hình và được chuẩn bị từ trước, chi bộ kịp thời chuyển hướng lãnh đạo cuộc đấu tranh vận động bằng một cuộc hò la hô khẩu hiệu vang dội khắp các dãy phòng giam. Rút kinh nghiệm những cuộc đấu tranh trước, lực lượng đấu tranh được tổ chức khá chặt chẽ để đối phó với sự khủng bố của địch. Những người trẻ, khoẻ được bố trí đứng ngoài để đỡ đòn, bảo vệ cho các đồng chí già yếu. Cả trại giam thay nhau hò la, hô khẩu hiệu. Nếu giặc khủng bố trại này, trại kia lên tiếng hỗ trợ để phân tán lực lượng đàn áp.
Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1932 đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong đời sống lao tù, củng cố thêm niềm tin tất thắng đối với sự nghiệp cách mạng; thể hiện vai trò và năng lực tổ chức, lãnh đạo và sự đoàn kết nhất trí của các chiến sĩ cộng sản. Cuộc đấu tranh tuy bị địch đàn áp, nhưng buộc chúng phải cải thiện một phần chế độ lao tù và bữa ăn hàng ngày cho tù nhân.
Ra báo trong tù là nét đặc sắc trong cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản và cũng là nét đặc sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Trong Nhà tù Hoả Lò, những tờ Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Con đường chính... lần lượt ra đời. Các đồng chí Đặng Xuân Khu, Nguyễn Trọng Đàm là những cây bút xuất hiện thường xuyên trên các báo. Đồng chí Lê Duẩn cũng tham gia viết bài, cất giấu tài liệu và tổ chức tuyên truyền. Đồng chí đã cùng một số anh em khác cạy gạch ở góc tường phòng giam, khoét sâu thành "thư viện” để giấu tài liệu, báo chí.
Một tờ báo đăng bài viết về tính chất, đặc điểm và nguyên nhân thất bại của cuộc bạo động Yên Bái đã làm xôn xao dư luận trong số người tù Quốc dân Đảng. Bắt chước những chiến sĩ Cộng sản, họ cũng ra tờ Con đường cách mạng. Sau bài báo của đồng chí ta, một cuộc bút chiến sôi nổi và quyết liệt xảy ra giữa những người Cộng sản và Quốc dân Đảng. Ta có hai tờ báo tham gia cuộc bút chiến này là tờ Đuốc đưa đường do đồng chí Lê Duẩn làm chủ bút và tờ Con đường chính do đồng chí Trường Chinh làm chủ bút.
Bằng những bài viết của mình và trong những cuộc tranh luận sôi nổi, đồng chí Lê Duẩn đã đả phá chủ nghĩa tam dân nửa vời của những người cầm đầu Quốc dân Đảng, lên án tư tưởng dân tộc hẹp hòi và trình bày mục tiêu, lý tưởng của những người cộng sản là thực hiện cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới do giai cấp công nhân lãnh đạo, giải phóng người lao động, giành lại độc lập cho đất nước. Đồng chí bác bỏ sự vu cáo của Quốc dân Đảng, cho rằng cộng sản là những người theo chủ nghĩa tam vô: không tôn giáo, không gia đình và không tổ quốc.
Những cuộc bút chiến và tranh luận đó đã tạo nên sự phân hoá hàng ngũ tù nhân Quốc dân Đảng, nhiều người bắt đầu có cảm tình với những người cộng sản, một số đã gia nhập Đảng Cộng sản.
Bằng nhiệt tình cách mạng và khả năng phân tích, nhận định tình hình, đồng chí Lê Duẩn tích cực góp phần làm thất bại hệ tư tưởng tư sản đã lỗi thời của nhóm tù Quốc dân Đảng, khẳng định tính chất đúng đắn của chủ nghĩa cộng sản, bảo vệ đường lối cách mạng triệt để của Đảng.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo:
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 5)
Tại Nhà lao Hải Phòng, đêm 20/12/1931, đồng chí Lê Duẩn cùng các anh em khác tổ chức cho một đồng chí trốn thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù...
Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 4)
Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước và mang nặng nỗi đau đồng loại, đồng chí Lê Duẩn đã sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản.
Đồng chí Lê Duẩn và con đường đến với cách mạng (phần 3)
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và...