Trường học yêu nước - cách mạng

10142
June 30, 2015
Tại Nhà tù Hỏa Lò, phải trực tiếp đương đầu với bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, các chiến sỹ yêu nước, cách mạng, tiêu biểu là các chiến sỹ cộng sản đã nêu cao ý chí chiến đấu và tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh. Họ đã kiên quyết, khôn khéo, sáng tạo trong việc thành lập các tổ chức và tập hợp quần chúng đấu tranh phản đối chế độ giam giữ hà khắc, lao dịch nặng nề, sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn. Tận dụng những thời gian rảnh rỗi, anh em tù nhân tranh thủ học và dạy nhau học tập, nhiều lớp học được tổ chức ngay trong các phòng giam. Nhờ tinh thần tự giác học tập, rèn luyện và sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, đồng chí, của các tổ chức Đảng, đoàn thể, nhiều chiến sỹ cách mạng đã trưởng thành về lý luận chính trị, rèn luyện thêm về phẩm chất đạo đức và tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm đấu tranh.
 
Biến nhà tù thành trường học cách mạng 
 
Các chiến sỹ cách mạng Hỏa Lò, dù thân thể ở trong lao nhưng tinh thần ở ngoài lao. Tù nhân đã tận dụng mọi lúc, mọi nơi, để tự học tập và tổ chức lớp học. Phong trào học tập trong nhà tù diễn ra rất sôi nổi, với những hình thức học tập phong phú: khi thì giảng viên nêu lên dàn bài và giảng giải theo trình tự khi thì giảng viên nêu lên câu hỏi để cùng trao đổi, tranh luận.
 
Tranh thủ những lúc được ra sân, tù nhân nhặt những mẩu gạch non và than củi giấu trong người, đem về phòng giam dùng thay phấn để viết, lấy sàn nhà hay tường của phòng giam làm bảng. Họ còn tự tạo ra những chiếc bút mà quản bút được làm từ cành bàng khô, ngòi bút là nụ hoa ăng ti gôn, mực viết là thuốc xanhmêtilen xin ở trạm xá nhà tù. 
 
Những đồ dùng học tập tự tạo trong Nhà tù Hỏa Lò tuy giản dị, đơn sơ nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ văn hóa, chính trị cho tù nhân.
 
Bút - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò dùng viết trong các buổi học 
 Quản bút - Tù chính trị tự làm và sử dụng
 
  
 Gạch, than - Tù chính trị dùng viết xuống nền xi măng trong các buổi học
 
Sách -  Tù chính trị dùng để học ngoại ngữ
 
Đây là quyển sách song ngữ tiếng Anh và Pháp La pratique de L’anglais ,tù chính trị sử dụng để học tập ngoại ngữ trong Nhà tù Hỏa Lò thời kỳ 1950 - 1954. Sách gồm 438 trang, bìa màu nâu, in chữ vàng rõ nét.
 
Để tài liệu không lọt vào tay giám thị, anh em tù nhân thường đục tường, rút gạch, đào nền nhà tạo thành kho nhét tài liệu xuống rồi lấp lại như cũ, đến giờ học quy định lại bí mật lấy ra. Các lớp học được tổ chức rất quy củ theo nhóm, mỗi nhóm từ 10 - 15 người, có thầy giáo, có học sinh, đều là những người bạn cùng tù, thời gian học thường vào buổi trưa hoặc buổi tối theo phương châm: người biết ngoại ngữ dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Biết ngoại ngữ sẽ giúp anh, chị em tù nhân trực tiếp giao dịch với giám thị, giám ngục và thực sự có ích cho công việc của họ sau khi thoát khỏi nhà tù.
Quân cờ - Tù chính trị tự làm và sử dụng
 
 Nhẫn - Tù chính trị tự làm và sử dụng
 
Bộ cờ tướng do chính những người tù làm từ vỏ quả dừa, một bộ gồm 32 quân, các quân cờ được mài thành hình tròn, trên mặt có khắc ký hiệu của từng quân. Những lúc rảnh rỗi, anh em tù chính trị thường rủ nhau chơi cờ để giải trí, không những thế, cờ còn là nơi sáng tạo nghệ thuật bởi vì mỗi một đòn phối hợp là do sự bài binh bố trận khôn khéo, tài tình, mỗi một nước chiếu là một cú đột phá táo bạo thông minh.
 
Những chiếc nhẫn dừa, nhẫn đá được chế tác khéo léo, tinh xảo bởi bàn tay của những tù nhân, đó những vật kỷ niệm dành tặng cho người thân và cũng tạo cho họ những phút giây thư thái trong chốn lao tù.

Túi - Bà Trần Thị Tuệ thêu trong thời gian bị giam năm 1953
 
Đây là chiếc túi của bà Trần Thị Tuệ, sinh năm 1925 tại Tam Đảo, Vĩnh Phú, bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1952 - 1954. Chiếc túi được bà thêu trong Nhà tù Hỏa Lò và gửi tặng người mẹ kính yêu của mình vào năm 1953. Hàng ngày, khi nhận hàng thêu do nhà thầu giao khoán, bà lén dành lại một ít chỉ và những mảnh vải nhỏ, tận dụng khoảng thời gian vào buổi tối khi lính canh không để ý, nhờ ánh đèn nhỏ hắt ra từ phía ngoài hành lang, bà đã cặm cụi thêu chiếc túi. Bà gửi gắm vào đó nhiều tình cảm: lẵng hoa được thêu ở chính giữa cùng dòng chữ: Kính dâng mẹ hiền là tình cảm chân thành nhất bà dành cho người mẹ của mình cùng với ước mơ: chiến tranh nhanh kết thúc, bà được trở về gặp lại gia đình và người mẹ kính yêu sau những năm dài miệt mài trên con đường cách mạng.
 
Đấu tranh trực diện với quân thù để bảo vệ khí tiết, bảo vệ cuộc sống và vượt ngục trở về với  nhân dân
 
 Hai cửa cống ngầm, nơi các chiến sĩ cách mạng vượt ngục
 
Một cửa cống ngầm trước đây thuộc sân trại J và một của cống của sân trại tù tử hình. Cống được xây bằng gạch, hình ống, phía trên có nắp bằng xi măng hình vuông
 
Tại cửa cống trước sân trại J, vào tháng 3/1945, lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp, nhận định đây là thời cơ có một không hai để thoát ra khỏi nhà tù, hơn 100 tù chính trị đã tìm cách chui qua cửa cống để vượt ngục. Sau khi trốn thoát, họ đã nhanh chóng tỏa về khắp các địa phương trong cả nước, bắt liên lạc lại với tổ chức, tham gia và lãnh đạo nhân dân kháng Nhật và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945. Trong số tù chính trị tham gia cuộc vượt ngục này, nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước như: đồng chí Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Tử Bình - Nguyên Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân; đồng chí Lê Tất Đắc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ…
 
Tại cửa cống ngầm trước sân trại tù tử hình, vào đêm 24/12/951, 16 chiến sỹ bị kết án tù chung thân và tử hình đã theo đường cống này tìm cách vượt ngục.
 
Để thực hiện cuộc vượt ngục này, tù nhân đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, họ đã bí mật lấy mẫu và làm chìa khóa buồng giam, nhờ người nhà gửi lưỡi cưa và a xít, bí mật cưa song sắt cửa buồng giam và song sắt chắn cống ngầm… Đêm Noel 24/12/1951, sau khi giám ngục đi kiểm tra lần đầu, mỗi người được nhận lệnh chỉ mặc quần lót, mang theo 1 bộ quần áo được gói kín trong nilon. Lần lượt 16 tù nhân bị kết án tử hình chia làm 3 nhóm lặng lẽ chui xuống đường cống ngầm, vượt ngục Hỏa Lò. Nhưng do kế hoạch vượt ngục sớm hơn dự kiến, bên ngoài không kịp bố trí người đón nên địch đã phát hiện và tổ chức truy bắt. Các chiến sỹ đã chiến đấu rất dũng cảm nhưng do bị cùm kẹp lâu ngày, sức khỏe yếu, lực lượng địch lại đông đông nên chỉ 5 người thoát được, 11 người bị bắt trở lại và sau đó bị đày ra Nhà tù Côn Đảo.
 
Năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, 11 chiến sỹ cách mạng đã được trao trả theo tinh thần của Hiệp định Giơ ne vơ tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Hiện nay, một số tù nhân từng tham gia cuộc vượt ngục này vẫn còn sống tại Hà Nội và một số địa phương miền Bắc.
 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hệ thống trưng bày thường xuyên

Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu...