Một tình yêu lớn (Phần 3)

1591
February 07, 2018
Với mong muốn tri ân sự cống hiến, hy sinh của những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, sau thời gian dài nghiên cứu, lần đầu tiên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh, tài liệu về 5 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ được lựa chọn để trưng bày.
Xin được giới thiệu tới quý độc giả bài viết của Nhà văn Nguyệt Tú về chuyện tình yêu, tình đồng chí của 2 nhà cách mạng tiền bối: Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.
 
Phần 3: Vợ chồng - đồng chí
Cuối năm 1937, bà con lao động nghèo ở Bình Đông thường gặp một "thầy chú" ăn mặc kiểu công chức, áo vét-tông, đi giày da, đầu đội mũ cát, thủng thẳng đạp xe đi làm. Bà con trong vùng gọi người Hoa kiều là "thầy chú". Anh em cơ sở, bà con cô bác thường gọi anh là thầy Hai Lý.
Lê Hồng Phong cải trang làm người Hoa kiều và đóng vai một giáo sư dạy học tại một trường trung học ở Chợ Lớn. Nhưng đến tối, vào buồng kín viết tài liệu, trút bỏ vỏ "Hai Lý thầy chú", Lê Hồng Phong hiện ra với đôi tay vạm vỡ, rắn chắc của người lao động. Nhờ sự giúp đỡ hết lòng của các đồng chí cộng sản Hoa kiều nên anh có thể hoạt động hai năm liền giữa thành phố Sài Gòn.
 
 
Chợ Lớn - nơi đồng chí Lê Hồng Phong đóng giáo sự dạy học
 
Minh Khai về nước trước Lê Hồng Phong gần một năm. Vì nguyên tắc hoạt động bí mật nên vợ chồng Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai mỗi người phải ở một cơ sở khác nhau. Thỉnh thoảng, Minh Khai đến chỗ Lê Hồng Phong bàn bạc công việc rồi lại đi ngay.
Chiếc buồng con, nơi Lê Hồng Phong làm việc, chỉ đủ đặt một chiếc giường bố hẹp. Ban ngày anh xếp lại bên vách, tối đến mở ra làm giường nằm. Thời gian này, Minh Khai làm Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. 
Ngày 22 tháng 6 năm 1939, Lê Hồng Phong bị bắt. Bọn thực dân không tìm ra chứng cứ, nên sau sáu tháng tù giam, anh được trả tự do, nhưng bị trục xuất khỏi Sài Gòn và bị quản thúc tại Hưng Nguyên, Nghệ An. Ngày 20 tháng 1 năm 1940, Pháp bắt giam Lê Hồng Phong lần thứ hai. Khi bị bắt, anh làm thơ tặng vợ và kín đáo viết lên quạt giấy gửi ra cho chị.
 
 
Đ/c Lê Hồng Phong khi bị bắt năm 1939
 
Minh Khai nhờ chị Hai Sóc vào trại giam thăm và chuyển cho anh mảnh giấy con viết vội: "Em đã sinh con gái, mẹ con em khoẻ". Minh Khai lục tìm tấm ảnh căn cước nhỏ của Lê Hồng Phong mà chị vẫn giấu dưới đáy chiếc vali con. Chị vừa ngắm những nét thân yêu trong ảnh, vừa nhìn Hồng Minh. Vầng trán cao rộng và gương mặt kiên nghị của anh, cặp mắt trong sáng của con cũng giống anh. Minh Khai đặt tên con là Hồng Minh, ghép tên đệm của hai vợ chồng. Chị đặt họ con là Lê Nguyễn: họ anh và họ chị. Chị Hai Sóc đi thăm Hồng Phong về báo tin:
- Không vào thăm được. Bọn nó nói Hồng Phong không ở Khám Lớn nữa. Không biết chúng nó đem anh đi đâu.
Như vậy, tin Minh Khai sinh con không đến được anh. Chị lặng người, lo cho tính mạng của anh:
- Chúng âm mưu gì? Tại sao chúng cắt đứt mọi liên hệ giữa anh với bên ngoài?
Chị Hai Sóc thắc mắc:
- Chúng không có chứng cớ gì để kết án nặng, nhưng sao lại không cho thăm.
Minh Khai nói để chị Hai Sóc yên tâm:
- Nếu không ai làm phản khai ra ảnh thì không ngại lắm đâu.
 
 
Tấm lót gối - kỷ vật của đồng chí Minh Khai
 
Tháng 7 năm 1940, Minh Khai bị bắt khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chưa nổ ra. Thực dân Pháp biết rõ Lê Hồng Phong là một lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương và là Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Giam giữ gần một năm mà chúng chưa tìm được cớ gì để khép Lê Hồng Phong vào tội tử hình. Thực dân Pháp bố trí để Lê Hồng Phong gặp Minh Khai ở sở cảnh sát. Bọn mật thám soi mói nhìn hai vợ chồng lãnh tụ cách mạng. Cố giữ vẻ bên ngoài bình thản, Lê Hồng Phong xót xa nhìn vợ. Minh Khai gầy xanh, mặt tím bầm những vết đánh. Vừa sinh con xong lại bị tù đày. Thằng Tây lai nói tiếng Việt rất sõi:
- Đây là vợ anh phải không?
Lê Hồng Phong lạnh lùng trả lời tên mật thám:
- Tôi không quen chị ấy.
Lê Hồng Phong lo lắng: "Không biết bây giờ con ở với ai?". Lần chia tay cuối cùng ở Hóc Môn, Minh Khai đang có mang. Vừa tan cuộc họp, Lê Hồng Phong rủ Minh Khai ra đứng dưới vòm trầu râm mát, xanh um. Anh chỉ cho chị xem một cây cau nhỏ mọc gần hè nhà. Thân cau nhỏ bé tưởng chừng như không mang nổi cả buồng cau trĩu quả to mập. Hồng Phong băn khoăn hỏi:
- Rồi đây em sinh nở ở đâu ?
- Anh đừng lo, bà con cô bác sẽ giúp em.
Anh dặn chị:
- Sinh xong nhớ viết cho anh mấy chữ.
Thư Minh Khai gửi không đến được tay anh. Nhưng tình cờ, trong phòng hỏi cung, cô Trinh, bà mụ đỡ cháu Hồng Minh đã kín đáo thông báo cho anh: "Minh Khai sinh con gái".
Im lặng. Không khí phòng hỏi cung càng trở nên căng thẳng. Bọn mật thám chăm chú theo dõi nét mặt Minh Khai. Chị nhìn anh, cố nén mình với cái vẻ vô tình của người chưa hề quen biết.
- Tôi không biết người này.
Miệng Minh Khai nói, mắt nhìn anh không chớp. Tim chị thắt lại. Bị tra tấn nhiều, anh ốm quá. Liệu anh đã biết mình có con gái chưa. Khi Lê Hồng Phong bị địch bắt, Minh Khai đang có mang. Mấy tháng sau, Minh Khai sinh con gái trong nhà hộ sinh ở đường Mắcmahông gần chợ Bến Thành. Mật thám Pháp không ngờ trong lúc chúng đang truy lùng Minh Khai ráo riết, chị đã vượt tường nhà thương Sài Gòn giữa 12 giờ trưa, về sinh con ở nhà cô mụ Trinh, một bà đỡ giỏi và là cơ sở cách mạng của Đảng.
Hồng Minh chưa đầy tháng, Minh Khai phải gửi con cho bà con cô bác nuôi. Tối hôm ấy, bọc con vào chiếc tã dày, trao cho chị bạn ẵm, Minh Khai đứng trong nhà nhìn mãi chiếc xe thổ mộ từ Bà Điểm đến đón Hồng Minh đem đi gửi. Tiếng chân ngựa gõ xuống nền đường đá xa dần…
Thằng Tây lai tức giận, chồm lên bàn hỏi cung:
- Sao vợ chồng chúng mày không nhận nhau đi? Bọn tao sẽ cho phép đưa con vào thăm.
Bọn mật thám chán nản, bất lực nhìn hai người tù mặt lạnh như băng.
 
 
Hầm đá - Sở Muối Nhà tù Côn Đảo, nơi Thực dân Pháp giam đ/c Lê Hồng Phong 
 
Thực dân Pháp không có chứng cứ để buộc Lê Hồng Phong tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong phiên xử ngày 27 tháng 8 năm 1940, toà tiểu hình Sài Gòn của Pháp đã kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc với lời buộc tội là chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa đó. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị đày ra nhà tù Côn Đảo.
(còn tiếp) 
Nhà văn Nguyệt Tú
(Nguyễn Thị Khánh Hồng trích đăng)
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Chiều 28/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Chiều cùng ngày,...