Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)
“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù.
Ẩn sau bức tường đá, thực tế cuộc sống gian khổ cũng như tinh thần đấu tranh kiên cường của nữ tù nhân sẽ dần được tái hiện qua từng trang hồi ký được giới thiệu sau đây.
Phần 1: Tập trung ở Hỏa Lò
Năm 1939, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng đối với phong trào cách mạng ở Việt Nam. Chúng tổ chức lùng bắt những người yêu nước nhất là các Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Chúng tôi bị bắt ở những địa phương khác nhau trong thời gian đó. Sau khi bị tra tấn, kết án, hầu hết chúng tôi ở 14 tỉnh, thành phố chống án về tập trung ở Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Về tuổi đời, có 6 chị trên 40 tuổi còn lại từ 17 đến 30 (tính theo năm Dương lịch). Hầu hết các chị em chưa có chồng, một chị có cháu bé hơn một tuổi phải theo mẹ vào tù. Một số chị là lãnh đạo của Đảng, còn đa số là cán bộ vận động tổ chức các đoàn thể yêu nước, vận động binh lính, giao thông, công tác đội của Xứ ủy hoặc Trung ương. Chúng tôi phần đông chưa biết nhau, khi vào tù mới quen nhau.
Bước vào Hỏa Lò, rẽ tay trái độ 50m là những dãy nhà làm việc cao hai tầng, cạnh đó là đường hành lang rộng 1,5m đi vào trại giam nữ. Để vào trại giam nữ phải bước qua cửa sắt nặng nề, sơn hắc ín.
Sân trại nữ rộng khoảng 100m2, ở giữa có một cây bàng, bốn mặt sân là nhà và tường cao khép kín. Bên trái của sân (tính từ cửa đi vào) là phòng giam chị em thường phạm, rộng trên 100m2, cuối phòng có dãy nhà vệ sinh và bể nước.
Hai bên cửa ra vào sân trại là hai phòng giam “nữ chính trị phạm”. Phòng chỉ có một mặt cửa trông ra sân, cửa ra vào cao 2m, bằng sắt. Phòng lớn rộng trên 25m2, phòng nhỏ khoảng 15m2.
Lối đi vào trại giam nữ tù nhân, Nhà tù Hỏa Lò
Trong mỗi phòng giam “nữ chính trị phạm” có một sàn gỗ lim đen thẫm chạy dài theo phòng, đóng vít vào nẹp sắt sát tường làm chỗ nằm. Phòng không có hố vệ sinh, không có nước. Mỗi phòng có một thùng sắt, nắp gỗ để ở góc phòng phía ngoài, ban đêm vào giờ đóng cửa, nữ tù nhân vệ sinh vào đấy. Đến giờ mở cửa phòng, chị em trực nhật khiêng thùng đi đổ, rửa thùng ở khu nữ tù thường phạm.
Trong phòng, bốn mặt tường sơn hắc ín cao ngang ngực người đứng, phía trên và trần quét vôi trắng toát, hai màu đen trắng tương phản đến ghê người, mùa đông hai mầu làm nên cái lạnh thấm thía, mùa nóng phòng hẹp người đông thêm hôi nồng của hắc ín và cái chói chang của màu trắng tập hợp lại hun đốt con người. Ai đó đã đặt tên cho nhà tù là Hỏa Lò thật chính xác.
Một phòng giam tù chính trị tại trại giam nữ, Nhà tù Hỏa Lò
Chúng tôi kể cả chị em thường phạm khi vào trại phải đến chỗ đầm gác thay quần áo của mình, sau đó gói gọn lại để vào trong kho. Thay vào đó họ phát cho mỗi người hai bộ quần áo, một chăn chiên, một chiếu, không có quần áo ấm và màn. Hằng năm lại phát cho mỗi người hai bộ, đổi trả bộ cũ, còn chăn, chiếu không quy định mấy năm nên không phát thêm.
Phòng lớn nhất nhốt hơn 30 chị em số vuông (tù cộng sản), phòng nhỏ giam 8 chị em số chéo (tù quốc gia). Phòng lớn chật quá nên chúng tôi yêu cầu mãi những người đến gác mới đưa bớt 4 chị em sang phòng nhỏ.
Phòng chỉ có một cửa nên lúc nào trong phòng cũng thiếu không khí, mọi người đến mệt. Để không cản không khí vào phòng, chị em quy ước không ai được để thứ gì trước cửa, ai khó thở được đưa ra đứng cạnh cửa ra vào (cửa sắt nhưng ngang ngực trở lên là chấn song) hít thở mấy phút rồi vào cho chị khác ra. Giờ mở cửa, trừ người ốm nặng, tất cả phải ra sân để không khí trong phòng thoát ra. (Còn tiếp)
Trích dẫn: Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Ảnh: Hoàng Cao Tiến
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)
Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...
Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)
Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần.
Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...
Đoàn kết đấu tranh vượt qua sự đày đọa tàn khốc của kẻ thù
Tháng 12 năm 1941, tôi và cha tôi là Lê Thành Hữu bị địch bắt tại Hưng Yên trong vụ khủng bố trắng phong trào cách mạng Liên tỉnh B (Hưng Yên, Hải Dương). Sau bốn tháng địch tra tấn dã man tại Sở Mật...