Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)
Phần 3: Vượt lên cảnh tù đày
Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc sống dễ chịu, giầu lòng yêu thương hài hòa thống nhất vì lợi ích tập thể, lợi ích cách mạng.
Thành lập các tiểu ban
Trước hết chúng tôi bầu ra một ban phụ trách chung điều khiển mọi hoạt động của tập thể và lãnh đạo đấu tranh. Ban phụ trách chung gồm: Trần Thị Sinh, Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Quang Thái, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Thị Được, Nguyễn Thị Ban, Phạm Thị Hồng Vân.
Các chị từng là những cán bộ lãnh đạo ở ngoài nên được chị em tín nhiệm tuyệt đối. Chỉ khi có chị khuyết mới bổ sung thêm. Dưới ban này là các tiểu ban giúp việc, ban viên là các chị em luân phiên nhau đảm nhiệm (trừ ban đối ngoại).
Tiểu ban đối ngoại (hay ngoại giao): đại diện cho chị em quan hệ với xếp ngục, đầm gác, viên chức làm việc tại nhà tù để đưa ra đề nghị, thuyết phục họ chấp nhận. Tiểu ban gồm các chị có học vấn, biết tiếng Pháp, thái độ lịch sự, hòa nhã nhưng quan trọng là gắn bó với tập thể. Tiểu ban có chị Quang Thái, Chị Xuân (tù số chéo là cô giáo), hai chị dự bị là chị Bảo, chị Diệm. Linh hồn của ban này là chị Quang Thái.
Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái
Tiểu ban nội trợ: lo tổ chức bữa ăn hàng ngày, phân phối cơm, thức ăn cho từng nhóm, chế biến, dự trữ thức ăn, bảo quản các phương tiện đựng thức ăn, chất đốt. Công việc tuy không nhiều nhưng đòi hỏi phải là người làm việc cẩn thận, vô tư, chịu khó. Chị Hằng, chị Nhự, chị Phương nhiều lần được cử vào ban này.
Tiểu ban trật tự vệ sinh: kiểm soát việc giữ vệ sinh, cắt cử trực nhật, sắp xếp luân chuyển chỗ ở chỗ nằm, dàn xếp các vụ xích mích, nhắc nhở giờ giấc. Chị Ái, chị Huyền, chị Thóc (tức Tâm Dung) thường ở tiểu ban này.
Đồng chí Hoàng Thị Ái
Tiểu ban tương trợ cứu tế: chăm sóc cho chị em lúc ốm đau, giặt quần áo, trông nom người ốm ở trạm xá, bảo quản thuốc và các thứ bồi dưỡng cho người ốm. Các chị làm việc này phải khỏe và tận tình chu đáo để người ốm không có mặc cảm khi nhận sự giúp đỡ. Chị Hạnh, chị Được, chị Chính, chị Ngưỡng (người Thổ) thường tham gia công việc này.
Tiểu ban văn hóa khánh tiết: dạy chị em học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, tổ chức biểu diễn văn nghệ, trang trí cho những ngày kỷ niệm, ngày Tết. Do vậy cần có các chị hiểu nghệ thuật, khéo tay, kiên nhẫn như chị Hoa Ban, chị Hải, chị Nhạn, Chị Thái và chị Bảo cũng phải kiêm nhiệm một chân tiểu ban.
Ngoài ra còn có Tiểu ban dân vận, Tiểu ban công tác tư tưởng, bồi dưỡng chính trị.
Tổ chức đấu tranh
Tùy tình hình, chúng tôi đưa ra yêu cầu từ thấp đến cao, đôi khi phải sử dụng phương pháp thật mềm dẻo, kiên trì để đạt được yêu cầu, chưa nhất thiết sử dụng hình thức tuyệt thực.
Đại diện của chúng tôi đều biết tiếng Pháp, các chị em tiếp xúc với cai ngục đàng hoàng lịch sự, tôn trọng quyền hạn của họ, phát biểu dựa trên thực tế nên họ kiêng nể và phải chấp nhận yêu cầu của chúng tôi như: Thay những lập là đựng cơm bằng tôn đã han rỉ đến mức khi đổ cơm ra, lớp cơm bên dưới vàng như nghệ; Cho thêm giờ ở ngoài sân mỗi buổi 30 phút để đủ giờ lấy nước, làm vệ sinh; Cho ra lấy nước ở gần văn phòng đầm gác; Được cử người ra trạm xá săn sóc người ốm… Đổi lại một số chị biết đan thêu, đan cho đầm gác những đôi tất, áo khoác dua, thêu móc những bộ khăn ăn…
Trạm xá, Nhà tù Hỏa Lò
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đấu tranh tuyệt thực vì chế độ ăn quá tồi tệ khiến sức khỏe của chị em bị giảm sút nhiều. Qua nhiều lần đề nghị mà cai ngục vẫn tìm cách trì hoãn không giải quyết, chúng tôi phải phối hợp với bên tù nam cùng đấu tranh.
Chúng tôi còn có cuộc tuyệt thực một ngày yêu cầu đưa chị Quang Thái đi bệnh viện vì chị bị thương hàn nặng, bệnh xá không chữa được. Ngoài ra chúng tôi còn tuyệt thực một bữa khi truy điệu một đồng chí bị chết.
Năm 1943 - 1944, các anh bị chết quá nhiều, chúng tôi phải để một tháng mới truy điệu và tuyệt thực một lần. Mỗi lần truy điệu chúng tôi vạch ra tội ác của bọn thống trị để nâng cao tinh thần đấu tranh.
Tổ chức học tập
Về chính trị, chúng tôi chia ra làm 2 trình độ: một lớp bồi dưỡng đường lối của Đảng, chính sách mặt trận thông qua giai đoạn hiện tại; một lớp nghiên cứu lý luận chính trị Mác - Lênin, kinh tế học. Về chính trị phổ thông kết hợp với văn hóa (khi viết chính tả) hoặc giảng cho nhau trong nhóm 3 người. Lớp nghiên cứu chuyển tài liệu cho từng người đọc, đoạn nào không hiểu thì các chị phụ trách giải đáp.
Văn hóa cũng chia làm 2 loại trình độ: một lớp yêu cầu đọc viết được và làm bốn phép tính; một lớp học viết văn và tiếng Pháp. Thuận lợi của chúng tôi là tinh thần ham học hỏi, lại có rất nhiều thời gian nhưng lại có khó khăn về giấy bút, giáo trình… Người dạy vừa soạn bài vừa giảng, người học lấy nền nhà làm giấy, gạch non làm bút. Hết một đoạn lại lau nền viết đoạn khác. Người dạy tận tình dìu dắt, người học chịu khó, chăm chỉ nên chúng tôi đã đạt được yêu cầu đề ra.
Sinh hoạt văn hóa
Hằng năm, vào những ngày Tết, tình cảm gia đình, quê hương lại trỗi dậy, nỗi buồn thấm thía vào cuộc sống giam cầm. Ban phụ trách phải đưa ra yêu cầu chuẩn bị đón xuân, tổ chức vui chơi, tạo cho chị em niềm tin, hy vọng…
Các tiểu ban được động viên toàn lực lo vật chất, tinh thần cho ngày Tết: người soạn kịch, người đóng vai tập diễn, tập hát, người lo vật liệu trang trí, người chuẩn bị lo cho bữa liên hoan… Tất cả đêu rộn ràng đón năm mới.
Ngoài ra chị em còn dạy nhau những bài hát, bài thơ hay. Thơ rất nhiều, chúng tôi chỉ còn nhớ được vài bài mà nội dung nhạc điệu đã thấm vào tâm hồn như Đón gió xuân:
Dưới gốc bàng vui đón gió xuânVề đông an ủi khách phong trầnĐường xưa ngoảnh lại say lưu luyếnBạn cũ trông vời nặng mến thânBúp non điểm tươi cành cổ thụÁnh hồng viền thắm lớp phù vânLòng son dào dạt nguồn tin tưởngTrở lại xa trường với cố nhân!...
Tối 30 Tết năm 1943 sang 1944, chúng tôi đã diễn nội bộ một kịch thơ: Táo quân lên thiên đình. Chị Thái, Được, Vân xây dựng kịch bản và đạo diễn. Chúng tôi nhờ các viên chức có cảm tình mua giúp các thứ, nhắn gia đình gửi đồ vào với mấy áo dài, giấy mầu các loại, giấy trang kim… Chị em làm đủ giầy, mũ xiêm y cho Ngọc Hoàng, Tiên nữ, Táo quân, có cả cá chép cho hai táo quân cưỡi lên thiên đình.
Trích dẫn: Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)
Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần.
Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...
Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)
“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù.
Ẩn...
Đoàn kết đấu tranh vượt qua sự đày đọa tàn khốc của kẻ thù
Tháng 12 năm 1941, tôi và cha tôi là Lê Thành Hữu bị địch bắt tại Hưng Yên trong vụ khủng bố trắng phong trào cách mạng Liên tỉnh B (Hưng Yên, Hải Dương). Sau bốn tháng địch tra tấn dã man tại Sở Mật...