Một vài ký ức về hoạt động cách mạng bị địch bắt và tù đày

6327
December 09, 2015
Các đồng chí có hỏi tôi về những ngày hoạt động cách mạng ở xã và những ngày chịu tù đày, những ngày tổ chức vượt ngục.
 
Trước tiên tôi xin nói: làng Đông Phù cũng như huyện Thanh Trì của chúng ta là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1930, nơi đây đã có chi bộ Đảng. Các đảng viên hoạt động bí mật hầu hết đều bị bắt, mãi đến năm 1938 - 1939 mới tự thành lập chi bộ mới - Chi bộ Đông Phù.
 
Chi bộ lúc đó có 5 người: đồng chí Phạm Gia, đồng chí Hùng, đồng chí Nhạc, đồng chí Thọ Chân và tôi. Đồng chí Phạm Gia là Bí thư chi bộ. Phạm vi hoạt động của chi bộ lúc này không chỉ ở xã mà còn hoạt động ra các xã khác, vùng khác như  Đông Trạch, Thường Tín, Văn Điển… Hàng ngày, các đồng chí lăn lộn khắp nơi, vừa kiếm sống vừa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng cơ sở.
 
Năm 1939 cũng là thời kì  mà các phong trào phản đế trong cả nước phát triển rộng. Do phong trào phản đế lan rộng cũng như các tổ chức cộng sản phát triển nên bọn thực dân Pháp ngày càng ráo riết truy lùng, bắt bớ những người cộng sản. Hoạt động của Chi bộ Đông Phù lúc này đã rơi vào tầm mắt của bọn mật thám.
 
Khi phong trào bị lộ, chi bộ phân công đồng chí Thọ Chân về hoạt động ở sở pháo Bình Đà (Thanh Oai), đồng chí Nhạc đi dạy học ở xã Giáp Nhị cùng huyện còn ông giáo Gia và tôi ở lại làm sơn mài để tiếp tục hoạt động và nối liên lạc với trên. Cấp trên thường về lúc đó có đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Bùi Quang Tạo, chị Châu, chị Ban, chị Trà, anh Chương, anh Phan Trọng Tuệ.
 
Một hôm, vào khoảng tháng 10 trời đã sang thu, chị Châu (tức Lê) về liên lạc với tôi tại nhà hộ sinh xã, nơi mà vợ tôi phụ trách nhà hộ sinh đó. Đêm ấy vì làm việc khuya, trời lại mưa to không đi được nên chị Châu nghỉ lại nhà hộ sinh, còn tôi thì nằm ngoài nhà để nghe ngóng tình hình. Không ngờ quá nửa đêm bọn mật thám đã bí mật ập vào, do quá mệt nên tôi đã ngủ thiếp đi, bị bọn chúng bắt ngay tại chỗ, còn chị Châu nằm trong nhà trong đã kịp thời mở cửa sau, luồn qua vườn trốn thoát được. Thế là tôi đã bị bắt. Hôm đó, tôi không nhớ rõ ngày nhưng cũng vào khoảng tháng 10 - 1942. Sau khi bị bắt, bọn mật thám đánh tôi ngay tại chỗ, chúng quay điện và tra hỏi: Con Lê ở đâu? (tức chị Châu). Tôi nói: Không biết chị Lê là ai cả, ở đây chỉ có người đến sinh đẻ. Sau đó, chúng lôi tôi đi tìm anh Chương, cũng đã kịp trốn thoát. Mấy hôm sau, chúng bắt luôn ông giáo Gia, chị Tam, chị Tứ, anh Xế (là em tôi).
 
Chúng dẫn tôi về Sở Mật thám Hà Nội, đây là cơ quan mật vụ khét tiếng. Những người bị giam ở Sở Mật thám thường không có thời gian nhất định nếu chưa lấy xong khẩu cung, chưa khai thác được tài liệu có thể bị giam từ năm hoặc sáu tháng, có khi lâu hơn nữa. Người bị bắt chúng nhốt trong xà lim riêng để tránh thông cung với nhau. Chế độ ăn uống ở Sở Mật thám rất kham khổ.
 
Để khám phá các tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản, bọn mật thám, không từ  một thủ đoạn nào: từ dụ dỗ, mua chuộc, truy hỏi, dọa nạt đến tra tấn dã man. Bọn mật thám thường dùng biện pháp đánh đập, tra tấn để lấy cung những người bị bắt. Chúng thường tra tấn các kiểu như: đánh trận phủ đầu, đi tàu bay (treo dây), đi tàu ngầm (dìm xuống nước), đấm đá, lộn mề gà (bẻ quặt tay ra phía sau), tra điện, bó giò…
 
Đối với tôi, chúng dùng hình thức đánh đập và tra điện. Vừa tới nơi, một thằng Tây to lớn liền đánh phủ đầu bằng những cú huých chân vào bụng làm tôi ngất xỉu. Chúng buộc chân vào hai ngón tay cái tôi rồi treo lên xà nhà, hai ngón chân chạm đất và tới tấp quay điện vào những chỗ hiểm. Chúng hỏi: Con Lê là ai, nó tuyên truyền mày cái gì? Tôi trả lời: Tôi chỉ biết người ta đến sinh để thôi và cũng chả ai tuyên truyền cho tôi cái gì. Chúng lại quay điện và hỏi tiếp: Giáo Gia là ai, chỗ làm sơn mài có phải là một tổ chức cộng sản không, nó tuyên truyền cho mày cái gì? Tôi một mực trả lời: Chúng tôi chỉ làm sơn mài thôi, không có tổ chức nào cả. Ông giáo Gia cũng không tuyên truyền cho tôi cái gì. Chúng lại tiếp tục tra tấn mấy lần ngất đi tỉnh lại. Chúng tra khảo mãi không được, ít ngày sau đành phải thả ông giáo ra, còn tôi thụ án 10 năm tù khổ sai và đưa về trại giam Hà Đông. Tại đây có anh Tý, anh Hà là đảng viên của làng Vạn Phúc và sau đó có thêm chị Tam, chị Tứ quê Đông Phù.
 
Ở trại giam Hà Đông được ba tháng, chúng tôi tuyệt thực đấu tranh để được ra nhà tù Hỏa Lò, vì ở đó có đông anh em tù nhân chính trị, có điều kiện được học tập và đấu tranh đòi quyền lợi. Rốt cuộc sau 5 ngày chúng phải chuyển chúng tôi ra nhà tù Hỏa Lò.
 
Hỏa Lò là một nhà tù lớn do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX để giam cầm các chiến sỹ cách mạng. Tại đây, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã bị chúng tra tấn nhục hình và giết hại. Chúng tôi về đây cũng là lúc nhà tù đã chật ních các tù nhân, phần lớn là tù chính trị.
 
Hệ thống các phòng giam của nhà tù Hỏa Lò tuy diện tích khác nhau nhưng đều xây dựng rất kiên cố, mỗi phòng chỉ có vài ô trống nhỏ trổ sát mái khiến các phòng rất tối tăm. Cạnh góc phòng là một thùng phân to tướng, gây ô nhiễm nặng. Anh em tù nhân phải chen chúc nhau trên xà lim chật chội, rệp, muỗi cắn đầy người, gãi nhiều thành ghẻ lở.
 
Khi vào tù, chúng cấm tuyệt đối tù nhân mang sách báo hoặc một vật dụng gì trong người. Hàng ngày, chúng chỉ mở cửa cho tù nhân ra sân một lúc. Thời gian đó là lúc chúng kiểm tra lại phòng giam và kiểm tra từng tù nhân xem có cất giấu vật dụng gì.
 
Về chế độ sinh hoạt trong nhà tù, mỗi tù nhân khi vào Hỏa Lò với mức án từ sáu tháng trở lên đều phải cạo trọc đầu và mặc quần áo tù bằng vải thô trắng, trên ngực đeo biển số tù. Quần áo thường quá ngắn so với khổ người, chất lượng may quá tồi tới mức có bộ chưa mặc đã tuột chỉ. Mỗi năm mỗi tù nhân được phát hai bộ, cũng có khi chỉ được một chiếc quần. Ngoài quần áo, mỗi tù nhân được nhận một chiếc chiếu, mùa đông thì được phát thêm một chiếc chăn Nam Định.
 
Về ăn uống trong tù là do một tay chủ thầu đảm nhiệm. Thường bọn giám ngục, cai ngục thông đồng với bọn chủ thầu để bớt xén khẩu phần ăn của tù nhân. Khẩu phần ăn hàng ngày của tù nhân, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có rau già, cá mắm, cá mè ranh, thịt trâu dai, đậu, mỗi ngày một thứ. Chủ thầu thường mua những loại thực phẩm kém chất lượng, gạo máy mục lại cân đong thiếu. Vì thiếu sinh tố, nhiều tù nhân bị mờ mắt, tay chân tê phù không đủ sức chống lại bệnh tật. Nghĩa là nhiều loại dịch bệnh chết người đều luôn diễn ra ở nhà tù Hỏa Lò. Hàng tháng có nhiều tù nhân bị chết. Thường khi có đồng chí chết, anh em làm lễ truy điệu ngay nhưng có khi đồng chí chết đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới làm lễ truy điệu được.
 
Với chế độ giam cầm hà khắc, ăn uống cực khổ lại sống trong môi trường mất vệ sinh đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực tù nhân. Nhiều người trong số họ đã chết trước khi mãn hạn. Nhưng, trong tình cảnh đầy ải, đàn áp dã man của chế độ nhà tù mà bọn thực dân đế quốc áp dụng, các chiến sĩ yêu nước và cách mạng vẫn biểu lộ tinh thần lạc quan, tin tưởng, biến nhà tù đế quốc thành trường học, tổ chức cuộc sống và đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, tiếp tục nhân hạt giống cách mạng.
 
Khi chúng tôi được đưa về nhà tù Hỏa Lò thì ở đây có ban quản lý sinh hoạt nhà tù. Ban quản lý sinh hoạt là một tổ chức do đại hội đại biểu của tù nhân bầu ra, bao gồm những đồng chí cốt cán của tù chính trị, có nhiệm vụ lãnh đạo, điều khiển các tiểu ban và mọi hoạt động trong tù. Các tiểu ban gồm có: Tiểu ban trật tự vệ sinh, tiểu ban này chuyên chăm lo trật tư chung của trại và trật tự vệ sinh hàng ngày, dàn xếp những bất hòa xích mích…; Tiểu ban giáo dục chuyên lo việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn cho anh em; Tiểu ban kinh tế - tài chính làm nhiệm vụ quyên góp tiền và quà của người nhà tù nhân gửi vào. Tiền thì để chi chung còn quà chia cho những anh em không có; Tiểu ban văn nghệ có trách nhiệm tổ chức các hoạt động văn nghệ như ca kịch, ngâm thơ… giải quyết cho anh em về đời sống tinh thần; Tiểu ban ngoại giao làm nhiệm vụ quan hệ với giám ngục, lính gác, viên chức làm việc trong nhà tù để kiến nghị, thuyết phục và đấu tranh để họ chấp nhận những yêu cầu của tập thể tù nhân.
 
Hàng tháng, các ban sinh hoạt đều đặn, sáu tháng lại họp toàn thể tù nhân một lần, để kiểm điểm công việc trong sáu tháng qua và đề ra nhiệm vụ cho sáu tháng tới. Cuối năm có tổng kết.
 
Trong tù, ban giáo dục là quan trọng nhất. Khẩu hiệu của anh em là biến nhà tù thành trường học. Ngoài việc học tập chính trị là chính, chúng tôi còn học văn hóa, khoa học kỹ thuật, kể cả học hát, tập diễn kịch, diễn thuyết. Giáo viên là các tù nhân chính trị có trình độ chính trị, văn hóa khá hơn anh em. Việc học tập chính trị của tù nhân là một nhiệm vụ thường xuyên. Anh em rất say mê và tự giác. Trong những năm 1940 - 1945, các lớp huấn luyện tiến hành tương đối rầm rộ, ngoài chương trình học tập văn hóa và chính trị thưởng thức, các đồng chí đảng viên còn tập trung học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (1939), lần thứ VII (1940), lần thứ VIII (1941), học về chương trình và điều lệ Việt Minh.
 
Nhờ việc học tập lý luận, văn hóa, phương pháp công tác… mà trình độ, phẩm chất chính trị của các chiến sĩ cộng sản ngày càng được nâng cao. Học để tự đấu tranh và giúp nhau đấu tranh gạt bỏ tư tưởng sai trái, học để nâng cao trình độ chuẩn bị khi thoát khỏi ngục tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
 
Những người cộng sản vốn có tinh thần cách mạng tiến công, vào tù vẫn tiếp tục đấu tranh cách mạng. Ở nhà tù Hỏa Lò, dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo nhà tù thường diễn ra nhiều cuộc đấu tranh: đấu tranh đòi bỏ khoanh tay (thường khi giám ngục đến, bắt tù nhân phải khoanh tay), đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, đấu tranh đòi giải quyết quần áo, đấu tranh cho người nhà được vào thăm, đấu tranh đòi có sách báo đọc, nếu chúng không cho thì dùng con đường bất hợp pháp để có sách báo đọc… Hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đình thực đến tuyệt thực (đình thực là hình thức ngừng ăn bắt phải đổi cơm tốt hơn, thức ăn tốt hơn. Tuyệt thực là hình thức đấu tranh nhịn ăn ít nhất ba ngày đòi nhà tù phải đảm bảo cơm và thức ăn đủ lượng, đủ chất, đòi cho tù nhân được ra cân đong lấy). Mỗi khi tiến hành đấu tranh đều có sự chuẩn bị chu đáo theo kế hoạch đã định, sắp xếp lực lượng, đề ra khẩu hiệu tối đa và tối thiểu, kết hợp kinh tế với chính trị, biết giành thắng lợi từng bước, biết tuyên truyền giáo dục thuyết phục mọi người tham gia. Vì vậy những cuộc đấu tranh thường giành được thắng lợi. Nhưng cũng có cuộc đấu tranh không thực hiện được như cuộc đấu tranh bỏ khoanh tay. Sau cuộc đấu tranh này, bọn giám ngục lại đánh đập, cùm kẹp anh em hàng tháng liền.
 
Các đồng chí có hỏi tôi về tổ chức vượt ngục như thế nào?
 
Phải nói rằng: mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường của địa ngục Hoả Lò, nhưng anh em tù cộng sản vẫn tìm cách có báo đọc, vẫn theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài: Tin quân đội Liên Xô đã giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Đông Âu; tin phát xít Đức sắp đến ngày tận số; tin phát xít Nhật đang lung lay tận gốc… do nắm được tình hình nên càng làm cho anh em phấn khởi và tin vào cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cách mạng càng phát triển thì vấn đề vượt ngục của các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò lại càng trở nên cấp bách. Chúng tôi ngày đêm chuẩn bị mọi mặt để khi có thời cơ là nhanh chóng trở về với Đảng, với nhân dân.
 
May thay, ngày chờ đợi đã đến! Tối mùng 9-3-1945, súng nổ vang trời, đèn điện thành phố vụt tắt, ngoài sân nhà tù tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Anh em tù nhân đập vào tường gọi nhau: Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Nhật, Pháp bắn nhau rồi!
 
Lập tức ở các buồng giam, đều có những cuộc trao đổi ý kiến giữa các đảng viên cộng sản với anh em kiên trung để nhận định tình hình và xác định tình hình của mình.
 
Tất cả đều thống nhất: Triệt để tranh thủ tình hình còn rối ren, Nhật chưa đứng vững chân, mọi tổ chức của chúng còn rời rạc, lỏng lẻo phải khẩn trương tạo cơ hội để vượt ngục. Đây là cơ hội có một không hai.
 
Đúng như vậy, hai giờ sau bọn Nhật vào tiếp quản nhà tù trong lúc còn hỗn quân, hỗn quan, mọi người trao đổi ý kến với nhau là phải tìm cách trốn ra thật nhanh, càng nhanh càng tốt. Cũng trong thời gian này, nhân bọn Nhật vào mở cửa trại giam, đồng chí Trần Đăng Ninh và tám đồng chí khác đã nhanh chóng trà trộn vào đám tù thường và tìm cách trèo tường vượt ngục đêm hôm đó. Cuộc vượt ngục bằng nhảy tường chỉ thực hiện được một số đồng chí. Đến lượt đồng chí Trần Đăng Ninh thì bị lộ, may mà đồng chí ấy đã thoát khỏi.
 
Kế hoạch trèo tường vượt ngục bị lộ, anh em chúng tôi suy nghĩ là dù có phải vất vả phải hi sinh cũng phải tìm mọi cách để thoát ra cho bằng được. Cũng may, bọn Nhật vào tiếp quản bọn Pháp, việc quản lý còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo nên anh em chúng tôi đã kịp thời trà trộn vào đám tù thường, tìm cách trốn. Chúng tôi tìm quần áo của tù nhân gửi trong kho mặc vào, lấy vải che đầu và đi tìm chỗ để vượt ngục. Trong lúc đang nhốn nháo, đồng chí Trần Tử Bình, tôi, đồng chí Quang, đồng chí Hoà, đồng chí Đàm và một số đồng chí khác lẻn sang trại J (trại giam trẻ em) để tìm đường trốn. Đến đây, anh em liền nhìn thấy một nắp cống, chúng tôi bàn nhau: Cần xem có thể trốn lối này được không? Chúng tôi cử đồng chí Hoà và đồng chí Quang chui xuống thăm dò, anh em chúng tôi còn lại đứng trên canh phòng. Độ 30 phút sau hai đồng chí lên cho biết là ở dưới ấy tối lắm nhưng cũng tìm thấy được lối ra rồi, chúng tôi liền chia thành hai tốp chui xuống cống. Tốp đồng chí Trần Tử Bình và đồng chí Hoà… đi trước, còn tôi, anh Quang, anh Cao Đàm đi sau. Nước trong cống đen đặc, hôi thối, đầy rác rưởi, có đoạn bị thu hẹp lại, chúng tôi phải lách mình mới qua được. Hôm ấy là ngày 12-3-1945.
 
Lên khỏi cống, nhóm chúng tôi đi nhanh ra phía bờ sông, băng qua bãi pháo của Nhật, men theo đường đê, một mạch đi về nhà tôi ở Đông Phù, Thanh Trì. Tại đây chúng tôi chuẩn bị và phân nhau để tìm liên lạc với Đảng. Còn tôi tìm về làng Vạn Phúc để bắt liên lạc với cơ quan Xứ ủy. Tại đó, tôi đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Trân.
 
Biết được các đồng chí bị tù đã vượt ngục, Xứ ủy Bắc kỳ cử người đi tìm đón. Hai ngày sau, tất cả 30 đồng chí vượt ngục đợt đầu, kể cả nhóm đồng chí Trần Đăng Ninh đều ra khỏi tù trót lọt và đã bắt liên lạc được với Đảng. Những ngày sau đó số anh em còn lại tiếp tục vượt ngục cũng bằng đường chui cống. Ước tính anh em tù chính trị Hỏa Lò vượt ngục trong thời gian này có đến 100 đồng chí. Cuối tháng 3-1945, Nhật thả khoảng 200 tù chính trị, có 30 đồng chí nữ. Số còn lại, đến ngày 17-8-1945 chúng thả ra hết.
 
Thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò, được Đảng phân công, chúng tôi tỏa về các địa phương để tuyên truyền vận động quần chúng và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945.

                                                      Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư
                                                    BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam kể,
                                                       Phạm Tuấn Phách ghi
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...