Nhớ lại một thời không bao giờ quên

3789
December 09, 2015
Năm 1943, cách đây hơn nửa thế kỷ thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Nhiều chiến sĩ yêu nước trong đó có học sinh, công nhân, nhân viên công sở, thương nhân làm việc tại các hiệu buôn của Pháp ở Đà Nẵng bị bắt và đưa ra xét xử, có người bị kết án đưa đi tù đày ở nhà lao Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Hội An (thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam). Riêng tôi Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục An ninh, Bộ Công an. và một số người cùng tham gia đấu tranh bị bắt trên đất Đà Nẵng lúc đó là nhượng địa của Pháp (Concession Franỗaise de Tourane) nên bọn cầm quyền Pháp tại Đà Nẵng bác bỏ bản án do Tòa án Nam triều tuyên án và đưa chúng tôi ra xét xử ở Tòa án Quân sự Hà Nội.
 
Đợt đầu vào mùa đông năm 1943, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Đậu Tân và tôi đi trước vì chúng cho rằng chúng tôi là hai tên "nguy hiểm". Đây là một cuộc hành trình đầy gian nan thử thách mà không ai trong chúng tôi có thể đoán trước. Bọn mật thám, cảnh sát Pháp giữ bí mật hoàn toàn ngày giờ xuất phát và chuyến tàu hỏa chở chúng tôi nên bà con, anh em, bè bạn thành phố quê hương, không ai hay biết. Ở ga xe lửa Đà Nẵng, tôi thấy có một vài người quen vốn là bạn học người làng nhưng ai cũng làm ngơ, lảng tránh, do sợ bị tay sai Pháp rình mò, phát hiện sẽ bị liên lụy. Thực trạng của thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ là một bầu không khí khủng bố đàn áp dưới hai tròng (thực dân Pháp và phát xít Nhật) đang bao trùm. Pháp tuy bại trận ở chính quốc nhưng chúng vẫn rất tàn bạo ở Đông Dương. Khu vực nhà ga xe lửa chắc chắn có những tên mật thám Pháp đang rình mò cộng thêm những cặp mắt cú vọ của hiến binh Nhật, chúng nện gót giầy đinh, kéo lê ngọn kiếm, sẵn sàng chém ngã những ai có hành động chống đối, phản kháng. Dù sao chắc chắn cũng có người Việt Nam làm việc tại nhà ga xe lửa hoặc người buôn bán, hành khách đi tàu có cảm tình với hai chúng tôi nhưng nén lại trong lòng, không biểu lộ ra ngoài.
 
Trong cảnh hai chúng tôi chân bị xiềng, tay bị xích vào nhau, tay còn lại bị xích vào tay tên cảnh sát áp giải, đồng chí Tân do bị tra tấn dã man và thời gian bị giam ở xà lim mật thám Đà Nẵng bị mắc bệnh phù nề không đi được, tôi phải cõng, nhất là lúc lên tàu, xuống tàu, tình cảnh thật bi đát. Tuy nhiên, chúng tôi đều bình thản cố gắng giữ vững thái độ hiên ngang của người chiến sĩ yêu nước đang tạm thời bị xiềng xích, bị áp giải dẫu chưa rõ sẽ bị đưa về đồn nào, giam ở nhà tù nào.
 
Chuyến tàu chở chúng tôi là chuyến tàu suốt, vừa chở khách và hàng hóa trên cùng một toa nên khá lộn xộn, ồn ào, bẩn thỉu. Tàu xuất phát từ thành phố Sài Gòn, có dừng lại ở ga Đà Nẵng rồi tiếp tục hành trình ra Hà Nội. Bọn cảnh sát xích chân chúng tôi vào chân ghế toa tàu, chúng tháo tay của chúng ra khỏi tay tôi, nên hai tay của tôi vận động thoái mái, dễ chịu hơn trước, nhưng chân lại bị xích vào ghế toa xe nên không thể di chuyển bất cứ lúc nào. Trên xe nhiều hành khách tò mò nhìn chúng tôi, có người tỏ thái độ ái ngại, nhưng không hỏi han gì. Tôi thực sự không rõ tàu chạy bao nhiêu thời gian, nhưng qua hai đêm dài, chúng tôi rất cảm ơn tình cảm của những người xung quanh dù không biết gì về chúng tôi nhưng vẫn làm theo đúng câu ca dao của người Việt:
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
 
Có lúc có người nhét vào tay tôi gói xôi, chiếc bánh chưng nhỏ, qủa cam, quả quýt, làm chúng tôi cảm động vô cùng. Biết có người e ngại bị phát hiện, nên không công khai cho quà, hỏi thăm, nhưng vẫn thể hiện tình cảm đối với người lúc đó bị gọi là  tù cộng sản, phiến loạn như chúng tôi thì thật vô cùng xúc động. Điều này góp phần củng cố lòng tin cho chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thiếu thốn mọi bề, vì lý tưởng cộng sản.
 
Chúng tôi thầm cảm ơn họ, cầu chúc may mắn hạnh phúc cho những người tốt bụng này. Trên đường đày ải có khi bắt gặp những may mắn tốt đẹp hiếm hoi đó thật là đáng quý. Cũng có nhiều lần chúng tôi thoát chết vì bom đạn Mỹ ném phá các cầu cống trên tuyến xuyên Việt của không quân đồng minh Mỹ-Anh, nhằm ngăn chặn phá huỷ các đoàn tàu quân đội phát xít Nhật đang triển khai trên khắp chiến trường Đông Dương trong chiến thế giới lần thứ hai ở mặt trận Thái Bình Dương. Mỗi lần có báo động máy bay Mỹ đến, đoàn tàu dừng lại, mọi người từ nhân viên xe lửa, hành khách và cả hai tên cảnh sát cùng bỏ chạy, để lại trên toa xe hai chúng tôi, chân bị xích, tay bị xiềng. Lúc đó chỉ còn biết cầu trời, khấn Phật, hoàn toàn phó thác cho số mệnh…
 
Sau mấy ngày đêm tôi không nhớ rõ vì thực tế, trên chuyến tàu vất vưởng này khái niệm về thời gian cũng bị quên lãng mất vì chúng tôi đã có lúc phải đối mặt với cái chết. Chuyến tàu chở chúng tôi đến ga Hàng Cỏ-Hà Nội. Tàu vào đến ga, lại báo động máy bay Mỹ đến ném bom, đúng vào khu Đấu Xảo cũ (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị). Mọi người lại bỏ chạy, chỉ còn hai chúng tôi trơ trọi trên toa xe với “khoá tay, xích chân” không thay đổi. Nhưng rồi chúng tôi cũng thoát chết lần đó, vẫn còn nguyên vẹn và lại cùng nhau đi xuống tàu, bị đưa tới nhà giam Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam, Bệnh viện 108). Vì chúng tôi là dân đất nhượng địa Pháp Đà Nẵng, là sujet Franỗais (dân Pháp), thật mỉa mai...!
 
Chúng tôi đến đây vào ngày 22-11-1943 trước ngày Noởl. Chúng tôi bị nhốt trong một căn phòng khá rộng, sạch sẽ, có đệm cỏ, có đủ ánh sáng không khí tương đối dễ thở. Thì ra đây là nơi giam tù Tây, tù chống chính phủ Pétain, theo phe De Gaulle nên mới khác những nhà tù mà chúng tôi đã trải qua trước đó như Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng… Bên cạnh phòng chúng tôi có dãy phòng giam một số người Âu, họ nói cười vang lên, thấy chúng tôi đến họ liến thoắng hỏi: “Chúng mày là ai? Ở đâu đến? Vì sao bị bắt vào đây?”. Tôi trả lời chúng tôi là người Việt Nam, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, chúng tôi từ thành phố Đà Nẵng đến nay và hỏi lại: “Các anh là ai? Vì sao lại bị giam ở đây?”. Chúng tôi nghĩ chỉ có người Việt Nam mới bị thực dân Pháp giam thôi. Họ nói họ thuộc về phe De Gaulle, chống bọn đầu hàng Pétain, nên mới bị bắt vào đây. Tôi liền nói thêm: chúng ta là đồng minh rồi. Họ cũng nói to lên: Nous sommes des alliés - chúng ta là đồng minh.
 
Thật là một cuộc hội ngộ bất ngờ, đầy thú vị! Thật ngẫu nhiên và cũng thật có ý nghĩa đối với chúng tôi vì lâu nay sự hiểu biết bên ngoài của chúng tôi còn rất hạn chế, lờ mờ, nay biết thêm có những người khác cũng đứng ra chống lại chính phủ của họ, có thể nói là đồng minh của cách mạng Việt Nam.
 
Đến đêm Noel (24-12-1943) chúng tôi được nhận khẩu phần ăn Noel của người Pháp theo đạo Thiên Chúa, có thịt gà Tây truyền thống. Không gì thú vị bằng… Sau những ngày ăn đói, nhịn khát trên chuyến tàu hoả hôi hám, nay có bữa ăn và không gian thoáng rộng lại có đồng minh nói chuyện bằng tiếng Pháp, trong lúc này chúng tôi cảm thấy thật không có gì vui hơn! Tuy cuộc hội ngộ này quá ngắn nhưng cũng để lại cho chúng tôi dấu ấn sâu đậm, cho chúng tôi thấy cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam không đơn độc; chúng tôi không lẻ loi ở đây mà có những đồng minh người nước ngoài đang chống lại chính phủ đầu hàng Pétain, chống phát xít Nhật, theo đồng minh Anh, Mỹ, Liên Xô! Ngày 26-11-1943, trời mùa đông rét đậm, hai tên sen đầm Pháp (thay cho hai cảnh sát người Việt) đến xích tay, xiềng chân chúng tôi đi một nơi khác, chúng không nói đó là địa điểm gì, ở đâu. Chúng tôi đi ra đột ngột, quá sớm không kịp chào các bạn đồng minh Pháp ở trại giam Đồn Thuỷ.
 
Bỗng chốc chiếc xe hòm màu đen đỗ lại, chúng lôi chúng tôi ra khỏi xe, đưa đến trước cổng nhà tù Hỏa Lò. Ngước nhìn lên hàng chữ MAISON CENTRALE, tôi nói thầm với đồng chí Nguyễn Đậu Tân: “Thật mỉa mai và cũng khen cho thực dân Pháp khéo chơi chữ, trại giam tù mà gọi là Maison, mà còn là Maison Centrale (dịch nguyên văn là “Nhà Trung ương”). Chúng muốn dùng một từ êm ái, xoa dịu ý thức phản kháng của người dân thuộc địa hòng che đậy tính chất đày đoạ dã man của thực dân Pháp đang đàn áp khủng bố nhân dân Việt Nam nổi dậy, chống lại đàn áp, bóc lột. Thực tế, đây là một trại giam lớn nhất Đông Dương, công cụ bạo lực của chế độ thực dân Pháp. Nghe nói trước đây nhà tù này có lúc được mang tên “Nhà tù dân chủ”. Và dù có dùng danh từ mỹ miều thế nào để nguỵ trang cũng không thể lừa mị được ai, không thể che đậy được bản chất của một trại giam được xây dựng rất kiên cố đã có được gần 100 năm, được đưa vào sử dụng từ năm 1899. Tôi chưa chấm dứt dòng suy nghĩ miên man thì hai tên sen đầm đã đẩy chúng tôi qua chiếc cổng sắt dày cộp, nặng nề của cái được gọi là Maison Centrale ấy. Nó bị bao vây bởi bốn bức tường cao vút khoảng trên 4m, được xây bằng đá hộc xám xịt, chưa kể đến hàng rào dây thép gai được gắn chặt trên những cột sắt và vô số những mảnh chai nhọn hoắt, gắn tua tủa trên bức tường dày 0,5m như thách thức, đe doạ ai đi qua khu vực này hay có ý đồ trốn trại!
 
Bước qua khỏi cổng sắt, đi vào khu vực hành chính của bộ máy cai quản tù nhân cao hai tầng, chúng tôi thấy ở đây có nhiều tên sen đầm cao to nai nịt súng lục to bự, đội kê pi, mang dùi cui đi lại trông thật hung dữ, ngoài ra có một số tên cai ngục người Âu, nói tiếng Pháp rất nặng, chữ “r” kéo dài, sau này hỏi ra chúng tôi mới biết đó là dân đảo Corse thuộc Pháp; chuyên làm việc cai quản các nhà tù Pháp. Tên Chánh cai quản nhà tù Hỏa Lò lúc chúng tôi đến là Clémenti, một tên thực dân cáo già, khét tiếng tàn bạo nhưng rất ranh ma, nham hiểm.
 
Từ cuối năm 1943, lúc chúng tôi đến nhà tù Hoả Lò, số tù nhân chính trị ở các trại giam đã lên quá năm trăm người, nên ăn ở rất chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Thiếu không khí, ăn uống theo chế độ thường được tù nhân chính trị gọi là mắm, mè, trâu, đậu, thực tế là cá mắm khô thối, cá mè ranh ươn, thịt trâu già, đậu khuôn bị ôi, rau muống vẫn còn đỉa dù đã luộc qua nước sôi mà chưa chết, thỉnh thoảng có những cọng rau dài có thể dùng làm dây thừng phơi quần áo…
 
Do chế độ ăn uống kham khổ và không gian chật hẹp, môi trường ẩm thấp mất vệ sinh, lượng tù nhân bị ốm khá đông, bị nhiều thứ bệnh (thương hàn, kiết lỵ, tê phù, thổ tả, sưng phổi); số lượng tù nhân bị suy nhược thần kinh trầm trọng lên tới hàng chục, hàng trăm người, và chắc chắn có rất nhiều người đã chết vì bệnh tật, chết vì gió lạnh mùa đông và quá nóng đúng với tên gọi Hoả Lò!
 
Sau khi hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận, bọn giám thị người Việt đưa chúng tôi đến chỗ thay quần áo và cạo trọc đầu. Chúng tôi mặc một bộ quần áo vải Nam Định màu trắng, cũn cỡn. Trên vải có nhiều chỗ có đóng 2 chữ màu đen MC (viết tắt của Maison Centrale). Ở  phía trước ngực có đính một mảnh vải màu xanh đậm hình chữ nhật bằng ngón tay, để phân biệt tù chính trị cộng sản Việt Minh với tù thân Nhật, hoặc theo đảng phái do Nhật dựng lên (số này ít nhưng có nhiều tên rất phản động) chống cộng sản quyết liệt.
 
Sau khi đưa chúng tôi lòng vòng qua nhiều cổng sắt nhỏ phân chia các khu vực khác nhau, chúng tôi đến trại giam tù chính trị. Mọi người ở đây đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt như đón người nhà ở xa đến, thể hiện tình đồng chí, tình anh em cùng cảnh lao tù, niềm nở bắt tay, xoa đầu hỏi chuyện. Thấy đồng chí Nguyễn Đậu Tân không đi được phải dìu, anh em chạy đến cõng vào trại giam, đưa nước uống, chăm sóc nhiệt tình. Chúng tôi vô cùng sung sướng, như đã qua được con đường đầy khổ ải, nay được hòa nhập cùng anh em, cùng lý tưởng, cùng mình chiến đấu mặc dù tạm thời bị giam cầm tại đây, thấy mình không còn lẻ loi đơn độc nữa.
 
Điều gây cho chúng tôi ấn tượng rất mạnh là được các đồng chí cho ăn mấy quả bàng chín, vừa nhặt được ở sân nhà tù. Chúng tôi ngạc nhiên lắm, hỏi ra mới biết trong không gian nhà tù có một số cây bàng vừa che nắng mùa hè, vừa cho quả chín mùa đông, làm thuốc trị bệnh suy dinh dưỡng cho anh em tù nhân mới ốm dậy; và cũng chính là quà đãi các tù nhân mới đến... Thật cảm động! Chính những cây bàng, quả bàng này đã góp phần giúp tôi sớm hồi phục một cơn bệnh sốt chấy rận trầm trọng suýt bỏ mạng, nằm liệt ở bệnh xá nhà tù hơn 3 tháng. Viết đến đây tôi càng quý trọng những cây bàng và những quả bàng chín mọng ở nhà tù Hoả Lò, thực sự đã để lại cho tôi ký ức sâu đậm về tình đồng chí, đồng hương trong những năm tháng không thể nào quên tại nhà tù Hoả Lò.
 
Tôi nhắc đến tình đồng hương ở đây là lúc vào đến nhà tù Hoả Lò, ngoài những anh em đồng chí quê ở mọi miền của Tổ quốc, có một số ở Đà Nẵng bị bắt trước chúng tôi một năm (1942) trong vụ Hồ Tỵ, Nguyễn Như Đãi, Nguyễn Như Hạnh ở Thanh Khê - Đà Nẵng, các anh Ấm, Cơ, Thành Long, Văn Hiển rất biết anh trai tôi Nguyễn Sỹ Huân, nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học tư thực Thành Chung, nơi anh Nguyễn Như Hạnh, Nguyễn Như Đãi đã từng dạy học và cùng với hiệu sách Việt Quảng của anh Nguyễn Sơn Trà phối hợp hoạt động trong phong trào công khai 1936-1939 ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
 
Do biết tôi là em anh Nguyễn Sỹ Huân, nên anh em rất mừng vì không những gặp lại người Đà Nẵng, mà chính là các anh mừng vì thấy phong trào cách mạng Đà Nẵng không bị gián đoạn, vẫn kế tiếp nhau phát triển liên tục. Ngay từ sau vụ khủng bố cuối năm 1939, các anh Trần Tống, Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Đức Thiệu thuộc đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng bị bắt đưa đi tù ở Buôn Ma Thuột. Trường Thành Chung bị đóng cửa, các anh Hồ Tỵ, Nguyễn Như Đãi đã gây dựng lại phong trào và đã bị dập tắt. Nhưng ngay một năm sau đó, phong trào cách mạng ở Quảng Nam- Đà Nẵng đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ liên tục.
 
Gặp nhau lại trong nhà tù, anh em vừa vui mừng, nhưng cũng vừa lo, không biết tại chốn quê nhà, anh em bà con ra sao? Có còn ai sẽ nối tiếp, gây dựng phong trào lại đây? Nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau, hãy vững lòng tin, theo quy luật phát triển nói tiếp của cách mạng, thế nào cũng có người thay thế và chân lý đã được chứng minh bằng Cách mạng tháng Tám hào hùng, thành công rực rỡ. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng là những tỉnh, thành cướp chính quyền sớm ở miền Nam Trung Bộ. (Hội An ngày 18-8-1945; Đà Nẵng 26-8-1945).
 
Sở dĩ tôi có kí ức sâu sắc về các cây bàng và những quả bằng chín ở trại giam Hoả Lò vì sau khi trải qua một trận ốm nặng do bệnh thương hàn, bị cảm lạnh do phải đi tắm từ 5 giờ sáng hàng ngày trong mùa đông giá rét để giữ phần nước mà bọn cai tù đã phân phát cho chúng tôi qua các cuộc đấu tranh đòi được tăng lượng nước cho tù nhân. Ở Hỏa Lò, thời gian đầu năm 1943 trở đi, do số lượng tù nhân đông trên 500 người, nước sinh hoạt bị hạn chế, mỗi người chỉ có 3 gáo dừa nước, làm sao đủ tắm giặt? Vì vậy phải đấu tranh đòi tăng số lượng nước, nhưng bọn cai quản tù nhân rất đểu và cũng rất dã man, đồng ý cho tăng nước nhưng buộc tù nhân phải đi tắm vào lúc 5 giờ sáng trong điều kiện giá rét mùa đông trên dưới 10oC . Nếu không đi tắm thì chúng cắt nước. Ban Sinh hoạt nhà tù quyết định phải giữ lấy thành quả này bằng cách chọn những anh em tù nhân khỏe, trẻ, chịu đựng được rét cóng tận xương, đi tắm đúng giờ qui định. Tôi cũng được chọn vào số đó.
 
Qua một thời gian, do không quen thời tiết khí hậu lại tắm vào mùa đông giá rét ở giữa trời, tôi bị cảm lạnh, sốt cao liên tục trong nhiều ngày. Anh em phải đưa tôi ra bệnh xá nhà tù. Ở đây một y sĩ người Pháp xác định tôi bị bệnh sốt chấy rận nặng, phải nằm ở bệnh xá điều trị. Thực tế cũng chẳng điều trị gì đáng kể ngoài một số viên thuốc gì đó, không nhớ rõ; tôi vẫn bị sốt triền miên, bất tỉnh. Nhiều anh em nằm cùng giường với tôi (một giường nằm hai người) hoặc ở giường bên cạnh lần lượt ra đi không một lời trăn trối khiến tôi rất lo ngại, cảm thấy khó có ngày trở về.
 
Không rõ sức đề kháng của tôi lúc đó thế nào, mà vẫn nằm kéo dài một thời gian ngắc ngoải, chưa chết. Anh em trong trại giam sốt ruột hỏi thăm, cho người đi khám bệnh ở trạm xá, chuyển cho tôi một ít thuốc B1 dành dụm được. Tôi sống trong tình trạng hôn mê đó, bỗng một hôm viên y sĩ người Pháp cùng hai viên giám thị đi kiểm tra bệnh xá vì người chết mỗi ngày một tăng lên. Nó cầm tay tôi và nói bằng tiếng Pháp tôi nghe loáng thoáng "C'est un cas désespéré" (Trường hợp này hết hi vọng sống) và ra lệnh đưa tôi xuống nhà xác, chờ đưa chôn như anh em tù nhân xấu số khác!
 
Nhưng rồi thần chết cũng chưa đến cướp tôi đi. Tôi vẫn sống ngắc ngoải, lúc sốt cao miên man trên 40- 42oC, có lúc hơi tỉnh lại nghe loáng thoáng được tiếng nói xung quanh. Có đêm chuột đến cắn tai, máu chảy cũng không biết đau, sáng dậy sờ thấy máu, la lên; những người bên cạnh đã đi rồi, người bên giường khác tình trạng cũng chẳng kém gì tôi. Một tuần sau cũng tên y sĩ này với hai giám thị đến nhà xác điểm danh, xem ai chết ai còn sống. Chúng cầm tay tôi và tên y sĩ lại  nói "Il respire encore" (nó còn thở). Sau đó chúng đưa tôi trở lại bệnh xá và qua được cơn hiểm nghèo. Đúng là từ cõi chết trở về. Anh em trong trại được tin, tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại "thuốc bổ hồi sinh", giúp tôi hồi phục dần dần. Theo quy định của Ban Sinh hoạt, anh em nhặt, rửa sạch những quả bàng, chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng bệnh nhận ốm yếu. Tôi được liệt vào loại đó, ngày ngày, có từ 4 đến 5 quả bàng chín, ăn cả vỏ lẫn nhân bên trong để bổ sung cho khẩu phần hàng ngày.
 
Tôi được hai đồng chí giúp đỡ, đi lại ăn uống, giặt quần áo. Đó là đồng chí Trình (Trình gia) người Bình Đà, Thanh Oai, Hà Đông sau này là Chính trị viên một tiểu đoàn Nam tiến, (năm 2001 vừa đúng 100 tuổi), ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có dịp đến thăm. Mặc dù tuổi đã già, sức yếu nhưng anh Trình rất lạc quan, yêu đời!
 
Đồng chí thứ hai là người dân tộc Tày (xin lỗi vì lâu ngày nên quên mất tên), rất giỏi khoa đấm bóp, đánh gió kiểu Đông y. Cũng như đồng chí Nguyễn Đậu Tân, người cùng với tôi ra đợt đầu ở nhà tù Hỏa Lò, bị tê phù, không đi lại được, đã nhờ anh em chăm sóc, bằng rau giá làm từ đỗ xanh, quả bàng, đã dần dần hồi phục đi lại bình thường. Thật không sao kể xiết những tình cảm quý báu, sự chăm sóc nhiệt tình, tận tụy của các đồng chí tù nhân cùng cảnh lao tù ở Hỏa Lò Hà Nội.
 
Thực sự, cuộc sống ở trại giam Hỏa Lò chính là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp; ở đây không có một sự cải thiện nào đối với tù nhân mà không phải trải qua những cuộc đấu tranh bất chấp bị đánh đập bằng dùi cui, dẫu biết rằng phải đối mặt với chết chóc, thương tích khắp cơ thể. Từ gáo nước, khẩu phần ăn đến việc chúng bắt tù nhân khoanh tay khi giám thị đi điểm danh, việc bị cùm chân vì đấu tranh đòi được phát thêm chiếc chăn chống rét v.v... đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt! Có khi thất bại vì chúng tôi chưa có kinh nghiệm tổ chức, nhưng phần lớn đều làm cho bọn cai quản tù nhân phải chùn tay, giải quyết yêu sách của chúng tôi.
 
Cuộc đấu tranh khiến tôi nhớ nhất và cũng là điều khiến các anh em tù đau buồn nhất là cuộc đấu tranh phản đối giặc Pháp xử tử đồng chí Hoàng Văn Thụ. Toàn thể tù chính trị đồng thanh hò la:
 
"Phản đối xử tử Hoàng Văn Thụ".
"Phản đối chính sách đàn áp dã man của Thực dân Pháp".
 
Ngày 24-5-1944, anh Hoàng Văn Thụ vĩnh viễn ra đi với tư thế hiên ngang, khí phách kiên cường theo lời kể lại của một tên giám thị, người trực tiếp chứng kiến cũng phải thốt lên: "Thật là một người gang thép."
Suốt ngày 24-5-1944, toàn thể tù nhân nhà tù Hỏa Lò tuyệt thực để tưởng nhớ anh Hoàng Văn Thụ. Mọi người đều buồn bã, thương tiếc, bọn giám thị cũng phải khâm phục tình đoàn kết chiến đấu của các tù nhân chính trị. Không ai nói với ai nhưng ai cũng đau buồn về sự mất mát này. Các cuộc đấu tranh nổ ra ở nhà tù Hỏa Lò, sự hi sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ và làn sóng phản đối, tuyệt thực của anh em tù chính trị cộng sản Việt Minh đã phần nào chuyển hóa thái độ phản động của một số tù nhân thân Nhật, tham gia tổ chức phản động tay sai của Nhật như Đảng Phục quốc đồng minh, Đại Việt quốc gia liên minh...
 
Vào cuối năm 1942 trước sự tấn công xâm lược của phát xít Đức đến gần Mascơva một số anh em tù chính trị đã dao động, hoài nghi, hô khẩu hiệu "Adieu Moscou" (Vĩnh biệt Mascơva). Sau ngày anh Hoàng Văn Thụ bị xử tử và được biết các cuộc phản công chiến lược mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô và Đồng minh mở mặt trận thứ hai tại Pháp, anh em đã hồi tỉnh, tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù được Ban Sinh hoạt do đồng chí Trần Tử Bình đứng đầu lãnh đạo. Không khí đấu tranh với bọn cai quản trại giam của thực dân Pháp và đấu tranh, thuyết phục cảm hóa bọn tay sai Nhật diễn ra khá sôi nổi và quyết liệt. Các buổi học tập chính trị, học tiếng Pháp, hoạt động văn nghệ được tổ chức thường xuyên và có nhiều anh em tham gia, trừ những anh em bị bệnh phải nằm tại chỗ.
 
Việc tổ chức học tập chính trị, văn hóa được lãnh đạo trong nhà tù rất quan tâm. Đồng chí Trương Công Cẩn dạy tiếng Pháp theo kiểu đối thoại. Đồng chí Tiêm tức Nguyễn Xuân Phương dạy văn học qua các bài thơ cách mạng của Tố Hữu và các bài thơ mới thuộc trường phái lãng mạn của Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử...
 
Do có vốn tiếng Pháp khá và được sự đồng ý của Ban Sinh hoạt, tôi cùng với đồng chí Bùi Lâm lân la bắt chuyện với một số tên cai quản tù nhân người đảo Corse của Pháp để moi tin, tìm hiểu tình hình. Nhất là vào cuối năm 1944, tình hình thế giới có những biến chuyển tích cực cho phong trào cách mạng toàn thế giới, nên thái độ  của bọn cai quản tù nhân có vẻ cởi mở hơn, sẵn sàng bắt chuyện, trao đổi với tù nhân. Chúng tỏ ra khâm phục tù chính trị, cho rằng trong số các tù nhân này có nhiều trí thức am hiểu văn học Pháp. Tôi mượn sách trong thư viện nhà tù Hỏa Lò (dành cho nhân viên cai quản nhà tù) loại sách viết truyện cảnh sát hình sự xem để giải trí khá tốt và kể lại cho anh em nghe rất thích thú. Thỉnh thoảng tôi cũng mượn được sách loại quý của văn học Pháp như Les Misérables của Victor Hugo, Germinal của Emile Zola... Qua các câu chuyện tầm phào, tôi cũng moi được một số tin tức về tình hình chiến sự ở Châu Âu, ở Thái Bình Dương, bổ sung cho các nguồn tin khác từ bên ngoài đưa vào bằng nhiều con đường bí mật cho các đồng chí ở Ban Sinh hoạt. Nhờ đó, chúng tôi cũng biết được những diễn biến tình hình bên ngoài, giúp chúng tôi suy nghĩ, tính toán các kế hoạch khi có những tình huống có lợi cho chúng tôi.
 
Tôi xin viết thêm về đồng chí Bùi Lâm; chúng tôi coi như người anh cả đã từng là thủy thủ tàu buôn viễn dương Pháp, đã được gặp Bác Hồ ở Pháp và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Anh nói tiếng Pháp kiểu bình dân khá thạo biết nhiều tiếng lóng, thổ ngữ Pháp. Anh nói lưu loát nên bọn cai tù nể phục. Anh là kho chuyện kể không bao giờ hết, thâu đêm suốt sáng. Có lúc, chúng tôi đi quanh các cây bàng, nghe anh kể chuyện tiếng nói sang sảng giúp chúng tôi hiểu được nhiều điều thú vị, bổ ích quên bớt nhọc nhằn, cảnh rét lạnh trong nhà tù.
 
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, anh được Đảng, Chính phủ giao cho nhiều trọng trách. Khi là lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, anh Bùi Lâm nổi tiếng là cán bộ vô cùng liêm khiết và thật sự chí công vô tư.
 
Đầu năm 1944, các anh Lê Đào, Lê Đoan, Nguyễn Tiệm, Trương Công Cẩn, Hoàng Châu Ký v.v... cũng bị nhà cầm quyền Pháp ở Đà Nẵng đưa ra Hỏa Lò và bị tòa án quân sự xét xử lại. Không thể nào kể hết trong bài viết này những gì đã diễn ra trong nhà tù Hỏa Lò.

                                                                                  Nguyễn Sỹ Huynh
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...