Trường học cuộc đời

5246
December 09, 2015
Đầu tháng 11 năm 1932, Toà Đại hình Hà Nội xử vụ Hải Phòng chúng tôi. Sau phần thẩm vấn bị cáo và phần bào chữa của các luật sư, Chánh án vờ trao đổi ý kiến với hai viên bồi thẩm rồi đứng lên trịnh trọng tuyên án:
         Ba người đầu: khổ sai chung thân,
         Người thứ tư: 10 năm khổ sai,
         Ba người thứ năm, thứ sáu, thứ bảy: 7 năm khổ sai,
         Hai người: 5 năm tù,
         Một người: 3 năm tù,
         Chị phụ nữ: 2 năm tù.
 
Tuyên án xong, chúng tôi ngạc nhiên thấy từ chánh án đến chưởng lý và dự thẩm lủi nhanh vào buồng không kịp đón nhận đội quân bồng súng chào.
 
Phiên tòa tan trong im lặng, vở hài kịch kết thúc. Sen đầm vội dẫn chúng tôi xuống hầm rồi đi cửa sau về Hỏa Lò. Vừa vào tới trại, anh em đã xúm lại hỏi. Tôi  nói đùa: "Ba anh ngồi ghế loge  khổ sai chung thân. Một anh ngồi ghế hạng nhì: 10 năm khổ sai. Ba anh ngồi ghế hạng ba, mỗi anh 7 năm khổ sai. Hai chúng tôi ngồi ghế hạng tư: 5 năm tù, còn 1 anh và một chị coi như xem đứng: 3 và 2 năm. "Vé xem" khá đắt nhưng học được nhiều điều: bộ máy tư pháp của đế quốc hoạt động như thế nào? Chắc ở trường luật giảng cũng thế thôi.
 
Chúng tôi được một bài học đầy đủ không thiếu một mục nào kể từ khi  qua sở mật thám và nhà lao Hải Phòng. Một đồng chí chen vào: “Các anh có ít người. Giữ tư thế như vậy cũng được, chứ phiên xử gần 100 anh em tại Hội đồng Đề hình cuối tháng 11 năm ngoái, anh em giấu được cả cờ đỏ khâu vào lưng, nó không phát hiện được. Đến lúc quan tòa vừa ngồi vào ghế, anh em rút chỉ ra, tung cờ lên, cùng hô to: “Phản đối Hội đồng Đề hình”, quan tòa phải ngừng một lát để sen đầm giữ trật tự. Khi tòa hỏi anh đeo kính trắng: Có phải anh là một trong những người sáng lập Đảng không? thì anh nêu lên trước tòa mục đích và cương lĩnh của Đảng. Phiên tòa ấy nhộn lắm! Chúng hỏi: ai cũng trả lời ngoài câu hỏi, chỉ đả kích chính sách của thực dân đế quốc. Chúng không giữ nổi trật tự...”. Một đồng chí kể: “Này! kỳ xử tại Hội đồng Đề hình tháng 11 năm ngoái, quan tòa vừa tuyên án xong thì tất cả đều hô vang: “Phản đối án tử hình! (Cả hai anh Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị án này)”. “Phản đối khủng bố trắng! Đả đảo đế quốc chủ nghĩa! Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”. Rồi anh em hát Quốc tế ca vang phòng xử. Quan tòa chạy như vịt vào buồng là vì thế đó. Năm nay nó phòng các anh hô khẩu hiệu nên lui sớm đấy”.
 
Tôi về chỗ, nằm suy nghĩ về phiên tòa xử và bản án của mình. Nhớ đến ngày còn bị tra hỏi tại Sở Mật thám Hải Phòng, tên thanh tra mật thám nói: Tội này đáng 5 hay 7 năm tù, nhưng nếu bảo gia đình cho tao 500đ thì tao có thể làm cho 3 hay 2 năm. Tôi càng xác định rõ tòa xét xử chỉ là hình thức, là đóng kịch, là cách bày trò cho có vẻ uy nghiêm.
  
Xử xong được vài hôm, đồng chí Bí thư chi bộ trại 9 gian đến nói với tôi: Chi ủy quyết định công nhận đồng chí được tham gia Chi bộ và Ban Tuyên huấn. Tôi ngập ngừng trả lời: Tôi còn ít tuổi, được đọc sách nhưng chưa làm nhiều, hiểu nhiều. Anh em ở đây bị bắt trước, lại qua cuộc bút chiến ngay từ đầu, có trình độ hơn tôi, nên để các anh đó tham gia.
 
Anh Chi, Bí thư chi bộ, nói với tôi: "Chi ủy đã xem xét và thảo luận rồi, qua Sở Mật thám anh đã không khai ra ai, vào tù có đấu tranh và ra toà gần đây  giữ được tư thế người cộng sản. Anh tham gia sinh hoạt để học tập và tiến bộ". Tôi nhận lời và tỏ ý hơi ngại về việc là thành viên của Ban Tuyên huấn. Đồng chí Bí thư khuyến khích: "Tôi biết anh có thể giải thích về chủ nghĩa cộng sản, về cách mạng tư sản dân quyền và quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội. Anh nhớ về Công xã Paris và có đọc về Quốc tế thứ nhất, thứ nhì và thứ ba. Những môn ấy anh em ở đây bị bắt trước, nhiều người chưa được đọc. Còn tài liệu bút chiến thì nhiều vấn đề về học thuyết, chủ nghĩa, sách lược... anh sẽ đọc để hiểu thêm. Anh có văn hóa nên đọc cũng chóng vào hơn anh em công nhân, anh nhận nhé!".
 
Nghe đồng chí Bí thư nói, tôi vừa sung sướng, vừa lo ngại. Phải ôn lại những điều mình đã đọc trước kia ở cơ quan và những vấn đề mà anh Trần Quang Tặng truyền cho. Phải nghiên cứu các tài liệu bút chiến và các văn kiện khác đã viết trong tù, vì mình chỉ là đảng viên mới. Một hứng thú lớn đến với tôi, hứng thú của một thanh niên đang tìm hiểu sâu các vấn đề, đang ham học. Thật tình lúc đó tôi không hề nghĩ đến thời gian ở tù của mình là bao nhiêu.
 
Trong những ngày chúng tôi đang được sống vui vẻ thì một chuyện bất ngờ xảy ra ở một buồng bên trại giam cứu: khoảng 250 anh em tù từ 7 năm khổ sai đến 20 năm cấm cố và 1 buồng giam anh em trừng giới (tù nhỏ tuổi), có trình diễn 1 vở kịch hay hát cải lương gì đó khá hay, được anh em nhiệt liệt tán thưởng. Diễn viên đóng các vai khá chuẩn, lại có nhạc đệm. Tổ nhạc có cây đàn tứ, một cái nhị làm bằng hộp ca cao và một cái gáo dừa bưng bằng màng sang lợn rất kêu. Kịch diễn mới nửa chừng, khoảng hơn 8 giờ tối một lũ Tây gác kéo đến bắt phải thôi. Chúng bảo: "Các anh làm ồn lắm, xếp tất cả lại". Mấy đồng chí đại diện anh em ra nói: “Mọi khi các ông cho chơi đến 21 giờ kia mà, bây giờ mới hơn 8 giờ, còn gần 50 phút nữa". Bọn Tây gác lại nói chúng theo lệnh của ông xếp, ra lệnh cho các anh phải thôi! Chúng tôi không muốn ồn ào để người đi ngoài đường cũng đứng lại nghe. Mấy anh đại biểu trả lời: "Các ông không muốn, nhưng chưa hết giờ được phép, chúng tôi tiếp tục chơi cho đến đúng giờ". Tức thì mấy tên Tây gác quay ra. Vài phút sau chúng lại vào với tên xếp ngục và đội lính Tây lưỡi lê tuốt trần. Hầm hầm nét mặt, chúng mở cửa trại, xông vào nơi đang diễn, giật phông xuống sàn, giằng lấy những đồ âm nhạc đập cho vỡ rồi đi ra, vừa đi vừa nói: "Tao đã ra lệnh thôi là phải thôi. Chúng mày sẽ biết tay ngày mai".
 
Hôm sau, chúng bắt mấy anh đại biểu đưa vào xà lim cùm và khủng bố. Anh em bàn kế hoạch đấu tranh: hò la thì bị nó cùm và có cớ đánh đập, hay tuyệt thực đòi tha đại biểu ra. Nhưng nếu chúng không nhượng bộ thì nhịn đến bao giờ?
Mười giờ, ăn cơm xong vào ngồi điểm số, Nghiêm Toản trịnh trọng nói với tên Tây gác: "Tôi muốn nói chuyện riêng với ông xếp ngục vài phút". Tên Tây gác gật đầu. Hắn ra một lát thì viên xếp ngục vào, đi theo là mấy tên Tây gác nữa, có súng lục bên hông.
 
Cửa phòng mở ra, Nghiêm Toản và bạn là Nguyễn Khắc Trạch phàn nàn về thái độ của xếp ngục hôm trước. Hắn không thèm trả lời mà ngoắt mặt đi. “Ông hãy để tôi trình bày thêm một tý", Nghiêm Toản nói như vậy. Viên xếp ngục quay lại, Nghiêm Toản cho y một cái tát. Những tên gác đi theo sợ anh em trong phòng ùa ra, chúng vội đẩy Nghiêm Toản và Nguyễn Khắc Trạch vào, đóng cửa phòng, cài then sắt ngang rồi một lát đi vào với hơn hai chục tên Tây gác và một đại đội lê dương lưỡi lê tuốt trần đứng đầy trước cửa và bố trí ở ngoài sân, chĩa súng vào trại. Chúng lôi Nghiêm Toản và Nguyễn Khắc Trạch ra, đưa đi xà lim và bắt toàn bộ anh em ở trại giam cứu lên cùm, kể cả những anh em ở phòng trừng giới. Sau đó chúng sang trại 9 gian và khu xà lim cũng làm như vậy. Cảm thấy bị nhục chung, vừa uất ức cho cá nhân mình, xếp già báo ngay lên Thống sứ Bắc kì. Chúng quyết định khủng bố. Sau khi đưa được toàn bộ anh em lên cùm rồi, chúng bắt đầu đàn áp cực kỳ dã man. Hơn hai chục tên Tây gác và độ mười tên giám thị dùng gậy song, cứ bàn chân anh em mà đánh. Chúng nện lên cổ, lên vai và ngực bất kể chỗ nào hở. Để bảo vệ lồng ngực và bụng mình, anh em phải giở mình nằm nghiêng, quay mình hết bên phải sang bên trái chịu đòn. Hai cánh tay và vai tím bầm những vết thương. Một vài tên Tây gác khét tiếng hung ác còn leo lên sàn đi ở sát đầu anh em dùng giầy “sang đá” đá vào đến bươu đầu sứt trán. Trong lũ ác ôn đó có một tên gọi là Lebon nổi tiếng dữ dằn. Hắn lôi Nghiêm Toản và Nguyễn Khắc Trạch vào xà lim cùm chặt rồi bốn tên Tây gác lực lưỡng thay nhau đánh đến hàng giờ, chúng dùng 4, 5 cái gậy song to bằng cổ tay đánh đến mức Nghiêm Toản mất chí khí phải thốt lên: "Tôi xin các ông tha lỗi". Bọn Tây gác chẳng thèm để ý lời kêu hèn nhát ấy. Chúng cứ tiếp tục đánh đến mỏi tay, dập gậy mới thôi.
 
Mười người chúng tôi mới ở Hải Phòng lên chẳng biết chuyện gì cũng chịu tai vạ như những anh em ở trại từ trước, nhất là những anh em có tham gia đấu tranh. Trận khủng bố đến bất ngờ, anh em còn bàng hoàng thì sáng hôm sau báo Lao tù đã từ trại giam cứu đưa sang tường thuật lại sự việc, rút ra kinh nghiệm về sự thiếu mềm dẻo của ta khi các tên gác ngục vào đêm hôm diễn kịch, bắt ngừng diễn, nhất là phê phán hành vi manh động của Nghiêm Toản. Báo nêu kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời cũng có bài thơ vui hài hước:
 
Nghiêm Toản giơ tay tát xếp già,
Xếp già bị tát khóc lu loa.
Vợ y đon đả: sao mình khóc?
Thằng Toản, tù nhân, dám tát ta.
 
Tát viên xếp ngục không chỉ là điều phạm đến cá nhân y mà là tát vào mặt bọn thống trị nên chúng ra lệnh khủng bố tàn nhẫn. Lần này nếu ta không biết tránh khiêu khích thì lại xảy ra trận đấu tranh lưu huyết như ở Hải Phòng năm trước.
 
Thật vậy, chỉ ba ngày sau xảy ra chuyện cùm và đánh đập tàn nhẫn tù nhân, viên Trưởng phòng Chính trị tên là Grimald, giám đốc các nhà tù ở phủ thống sứ vào nhà lao và tuyên bố các hình phạt tiếp theo. Đàng hoàng trong bộ complê sang trọng, mặt ẩn sau đôi kính trắng gọng vàng, vào trại 9 gian, hắn tuyên bố: "Chính phủ đối với tù chính trị từ trước đến nay đã thi hành một chế độ rộng rãi, các anh đã được hưởng đủ mọi thứ quyền lợi mà nhà tù cho phép, nhưng các anh không biết tôn trọng kỉ luật. Từ nay tất cả mọi quyền lợi đều bãi bỏ đối với các anh. Không còn có người nhà vào thăm, không được hàng tuần mua "phiếu mua hàng", không được chơi kịch, ca hát hay làm bất cứ cái gì ồn ào. Phải tuân lệnh tuyệt đối của những người trông coi. Tù nhân các anh chỉ có bộ quần áo tù, một cái chăn, một cái chiếu. Ngoài ra không được có cái gì khác, kể cả cái kim sợi chỉ". Ra vẻ tự đắc, hắn nói thêm: "Các anh đã hiểu chưa? Đã hiểu kỉ luật là thế nào chưa?". Nói xong hắn lững thững bước đi, theo sau là đoàn Tây gác súng lục băng đạn ngang lưng.
 
Anh em trại 9 gian chúng tôi đã cử hai đại biểu (một Cộng sản, một Quốc dân Đảng) đón ở giáp đầu và cuối trại, khi hắn đi qua thì anh đại biểu Cộng sản nói: "Thưa ông giám đốc, chúng tôi đã nghe ông nói. Người ta trừng phạt những người vi phạm kỉ luật, nhưng ở trại chúng tôi đây không có chuyện xảy ra, các ông gác ngục chắc cũng biết. Thế mà chúng tôi bị lên cùm, bị đánh đập và thu hết đồ dùng. Chúng tôi nghĩ như thế có phải là công lý không?".
 
Grimald vênh mặt trả lời: "Tất cả 500 tù chính trị các anh đây là một khối. Phải trừng phạt tất cả mọi người để làm gương!”.
 
Đi đến phía cửa ra, anh đại biểu Quốc dân Đảng nói: "Nếu có việc gì đã xảy ra thì chúng tôi mong ông giải quyết tại nơi đó, không đẩy sự việc đi quá xa".
 
Grimald tuyên bố: "Những tên gây ra chuyện thì hai tháng cùm. Ở trại xảy ra chuyện thì một tháng, còn đối với trại này thì nửa tháng. Các chế độ phạt khác thì áp dụng chung". Nói đoạn hắn bảo lũ Tây gác: "Mệnh lệnh cứ thế mà làm. Tôi thay mặt quan thống sứ mà tuyên bố".
 
Grimald đi ra "oai vệ" và đắc thắng. Một lát sau, thấy yên lặng, biết là chúng đã về hết, anh em mới kêu nhau dậy, giữ trật tự và khẽ thảo luận. Đồng chí trưởng đoàn trật tự tuyên bố: "Quyền lợi nó cúp hết, bây giờ tính sao?". Một đồng chí đã nhiều tuổi nói: “Chỉ tại có người manh động! Muốn anh hùng mà chẳng giữ được tiếng anh hùng". Trật tự trưởng và một số anh em dẹp đi: "Bây giờ không kể lại chuyện đã qua, hãy tập trung vào việc nó cúp hết mọi quyền lợi, bây giờ nghĩ sao?".
 
Một thanh niên hăng hái nhưng ít suy nghĩ chín chắn tuyên bố: “Đối với đế quốc thì chỉ có đấu tranh, không đấu tranh là không giành được quyền lợi". Những đồng chí có kinh nghiệm hơn thì nói: "Chúng ta không sợ đấu tranh, nhưng đấu tranh trong lúc này là không có lợi. Nó có thể kiếm cớ khủng bố thêm. Vả lại tất cả anh em các trại đang bị cùm, khó đối phó. Hãy đợi đến khi hết đợt khủng bố này sẽ tính toán sau". Ý kiến này được đa số anh em tán thành. Tha cùm rồi chúng tôi bắt đầu đòi lại một vài quyền lợi bị cúp, nhưng bọn thống trị đâu có chịu trả lại, chúng trả lời: Cứ sống yên rồi sẽ được!
 
Một điều kì lạ là sau trận khủng bố này, cố đạo hay vào thăm chúng tôi trong nhà tù, cố Ân (Dronet), kẻ trước kia đã tố giác với bọn thống trị về vụ Hà Thành đầu độc (năm 1908) tuần nào cũng vào mang một túi nặng ớt, tỏi gọi các con chiên ra xưng tội. Chúng tôi giải thích cho anh em cảnh giác, nhưng cũng có vài ông già nặng về tín ngưỡng vẫn ra để cha cầu Chúa ban phúc. Sợ hắn đi sâu có thể dụ dỗ được một vài người cả tin, chúng tôi tổ chức cho mấy anh thanh niên hăng hái không mê tín cũng ra yêu cầu xưng tội. Viên cố đạo chấp nhận, ông ta hỏi:
- Con có người nhà theo đạo không?
- Không.
- Thế con có tin Chúa không?
- Con chỉ nghe nói có trời, chẳng biết ông ấy thiện hay ác? Vậy có trời không cha?
- Trời là thượng đế, là Chúa sinh ra muôn loài.
- Thế ai sinh ra ông ấy?
- Con có học chữ không? Này con nghe cha giảng: Có số 9 thì phải có số 8, có số 8 thì có số 7, có số 7 thì phải có số 6, cứ như thế lần lên mãi thì phải đến số 0. Đến số ấy thì không có gì ở trên nữa. Chúa hay Thượng đế cũng vậy, đó là đấng chí tôn, chí kính, độc nhất vô nhị chi thuần thần.
 
Anh thanh niên chậm rãi suy nghĩ và nói: "Thế là con hiểu lời cha giảng rồi". Cố Ân mừng thầm: "Con hiểu rồi chứ, con tin rồi chứ?". Anh thanh niên đáp lớn: "Thế Chúa là số 0 hay không có Chúa?", rồi anh cảm ơn cha, đứng dậy vừa đi vừa nói: "Cha dạy Chúa là số 0 hay không có Chúa!!!”. Cố Ân bị nhiều vố như vậy, nhưng cũng khen cho hắn có tài kiên nhẫn, cứ nghe, cứ xách bị ớt, tỏi đi phát cho người này, người khác, bất kể có đạo hay không có đạo, ai giơ tay xin hắn cũng phát.
 
Sau khi 210 anh em bị phát vãng đi Sơn La (ngày 18-2-1933) được mười lăm hôm thì đầu tháng 3 năm đó, bọn gác ngục quay ra đe dọa, và khủng bố những người còn lại. Tên Grazzialo, Phó gác ngục mà chúng tôi đặt tên là Mã (ám chỉ Mã Giám Sinh trong truyện Kiều vì tính sỏ lá) nói với chúng tôi: “Những người cầm đầu đi hết rồi, bây giờ các anh phải phục tùng chúng tôi! Từ nay không còn giương vây được mà phải cụp đuôi xuống”. Miệng nói, tay giơ lên hạ xuống, nó làm điệu bộ khiến chúng tôi trông cái mặt khả ố ấy mà tức lộn ruột. Bọn gác ngục cũng bắt đầu giở quẻ. Một hôm anh em làm cỏ vê, có một đồng chí khênh thùng tônnô nước đi qua mặt thằng Tây gác không chào. Nó liền đánh anh này một cái tát suýt rơi thùng vào chân. Không khí căm hờn bọn gác ngục đang lan tràn trong anh em. Chi bộ nhà tù quyết định phải đấu tranh và đang bàn nên dùng hình thức nào và phương pháp tiến hành ra sao cho đạt kết quả. Lúc này tôi đã được tham gia chi ủy, qua nhiều lần thảo luận và rút kinh nghiệm cuộc tuyệt thực 7 ngày cách đó 3 tháng, chúng tôi nhận định rằng: lần trước ta phải tự rút lui giải tán vì gặp việc 7 anh trốn nên nó không những không giải quyết mà còn bắt lên cùm.       Lần này khác: nó đánh người đang làm việc, ta có lý do để đấu tranh. Nhưng nhịn bao nhiêu ngày để đạt thắng lợi? Chi ủy nhận định mức nhịn ăn kéo dài là 7 ngày, nhưng nếu lấy mức ấy mà vận động thì những anh em chịu được ngắn ngày hơn không dám tham gia, vậy làm thế nào kéo được số đông? Cuối cùng chi bộ quyết định: khi vận động phải hỏi thật từng anh: ai nhịn được 7 ngày, ai nhịn được 5, ai nhịn được chỉ 2 hay 3 ngày (biết được con số đó không những là biết được số người tham gia mà còn để chỉ đạo cho sát). Những người nhịn được 7 ngày tuyên bố đấu tranh trước, những người nhịn được 5 ngày tiếp theo, những người nhịn được 2, 3 ngày tham gia sau cùng. Như vậy làm cho chúng thấy cuộc đấu tranh ngày một mở rộng nên buộc chúng phải quan tâm giải quyết. Điều đáng chú ý là lần này vận động được một số anh em Quốc dân Đảng tham gia vào những ngày cuối. Khẩu hiệu đưa ra là: phản đối hành vi thô bạo của tên gác ngục (chỉ đích danh) đã đánh một anh em đang lúc khiêng thùng. Nhịn được đến ngày thứ 3 thì Grazzialo vào hỏi: “Tại sao đấu tranh?”. Ba đại diện là Đặng Việt Châu, Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Công Toan được cử ra trình bày cụ thể với Grazzialo, nhưng y không trả lời. Một lát sau hắn cho cai Thiện gọi ba người ra bàn giấy để xếp ngục khủng bố. Cái sỏ lá của cậu Mã là hắn không đánh, mà là để tên xếp già làm việc ấy. Xếp già vừa đánh vừa lên giọng: “Chúng mày cầm đầu đấu tranh phải không? Tao cho chúng mày vào xà lim. Chúng mày sẽ ở đó đến khi có lệnh mới”. Thế là ba chúng tôi vừa đói vừa bị đòn lại bị tống vào xà lim. Chúng tôi tiếp tục nhịn, nhưng không khỏi lo các đồng chí ngoài  trại đối phó thế nào trước sự khủng bố của địch. Hôm sau, chúng tôi mừng rỡ biết bao khi nhận được thư của anh em ngoài trại gửi vào cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đấu tranh theo kế hoạch. Số anh em tham gia đông thêm. Cậu Mã giở trò lừa phỉnh để phá đấu tranh. Ngày ngày hắn tự tay cầm xô cháo nóng đi lượn các trại hỏi anh em ai mệt thì ăn cháo nóng đi! Nhưng không ai thèm ngó đến”. Ngày nhịn thứ 5 thì chúng tôi nhận được tờ Lao tù tạp chí số đặc biệt cổ vũ đấu tranh, trong đó có bài ca trù nhại hai chữ “vây, cụp” của tên Phó ngục Grazzialo như sau:
 
Vây, cụp!
Vây vây, cụp cụp! 
Cụp rồi vây, vây cụp biết bao lần.
Đã từng phen hăng hái tỏ tinh thần!
Trường tranh đấu quyết giành phần thắng lợi.
Nay gặp lúc cơm ít, rau già cùng cá thối,
Thịt dai, đậu nát với tương chua.
Xỏ xiên thay quân đế quốc khéo lọc lừa,
Thấy mình nhụt, nó mới thừa cơ mà đánh ép.
Hoàn cảnh ấy, khá giương vây đâu lẽ cụp?
Bạn tù ơi, mau góp sức nhau vào,
Ngẩng đầu, vây thử xem sao!
 
Đọc bài ca trù tôi thấy quyết tâm đấu tranh của các anh em ở ngoài trại và khen anh nào đói mèm mà còn sáng tác được bài ca đó. Nhịn đến ngày thứ 7 thì thấy Grazzialo vào bảo chúng tôi: “Các anh ăn đi, ngoài kia bạn các anh ăn hết rồi! Ông xếp đã nhắc các người gác không được hành hung tù nhân nếu họ không gây chuyện với mình”. Nghe vậy nhưng chúng tôi vẫn đợi tin chính thức của chi ủy mới ăn. Cuộc đấu tranh lần này kéo dài 6 ngày rưỡi và tiến hành có kế hoạch nên giành được thắng lợi.
 
Sau vụ 7 anh em tù trốn khỏi nhà thương Phủ Doãn, Pháp xây cao thêm tường quanh Hỏa Lò hơn 1m. Non nửa tháng sau cuộc tuyệt thực, có hai người tù mới được đưa vào xà lim: đó là anh Bùi Xuân Mẫn và Vũ Duy Cương bị bắt lại. Anh Mẫn cho biết Nguyễn Trọng Đàm cùng anh trốn được về Nghĩa Hưng (Nam Định), cơ sở rất tốt, nhưng bọn cường hào báo cho mật thám về bắt lại. Anh bị tra khảo để chúng tìm ra những bạn tù cùng trốn. Hai cụ thân sinh ra anh bị mật thám đưa đến dự cuộc tra khảo anh, hai vị chỉ ôm mặt khóc. Anh Nguyễn Trọng Đàm  trốn về Nghĩa Hưng với anh cùng bị bắt lại thì bị đưa lên Hà Nội tra khảo và nghe tin anh đã tự sát. Anh Cương cho biết anh trốn cùng anh Nguyễn Lương Bằng đến núi Đanh vùng Tam Đảo thì chia tay nhau.
 
Sống ở xà lim mấy tháng, chúng tôi giáp mặt và thuộc gần hết tên bọn Tây gác và hiểu được tính cách của từng đứa. Ngoài xếp già và cậu Mã (Grazzialo), còn những tên mà anh em ghép cho biệt hiệu như: Mặt mèo (Clémentie), Mặt ngựa (Trévanoeck), Đầu trâu, Mắm tôm (Dronet tức cố Ân), Một mẩu (Tây lùn và nhỏ) Benoit, Le Bon (tên hay mà rất ác), Tây Nam Định (Pinelli), Tây văn sĩ (Garien), Tây chán đời (không soi mói tù nhân), Tây cụ lớn (thích được gọi là cụ lớn) v.v...
 
Tháng 11 năm 1933, số anh em còn sống trong 210 anh em bị phát vãng lên Sơn La ngày 18-2 năm ấy được đưa trở về Hỏa Lò để đày ra Côn Đảo. Hơn 8 tháng bị đày ải, giam cầm nơi rừng xanh nước độc và bệnh sốt rét rừng đã cướp đi 29 anh, chỉ còn 181. Pháp định vét thêm 69 tù ở Hỏa Lò để thành một chuyến phát vãng 250 người đi Côn Đảo. Nhưng Thống đốc Nam kỳ trả lời chỉ chứa thêm được 150 người. Thành ra hơn 30 người ốm yếu được để lại, trong số đó có anh Trần Văn Lan tức Ba Giám, Thường vụ Trung ương Đảng và đồng chí Đặng Xuân Khu.
 
Kiểm điểm lại tình hình năm 1933, Chi bộ nhất trí nhận định so với năm trước thì sau cuộc tuyệt thực 6,5 ngày thắng lợi, tình hình có tốt hơn, gác ngục ít gây chuyện, anh em biết đoàn kết, bảo nhau tránh được khiêu khích nên sống tương đối yên ổn. Nhìn lại 1 năm bị tra tấn, khổ cực, bệnh tật đã cướp đi 25 anh em trong cả 3 trại giam cứu; nếu so về tỉ lệ thì chẳng kém gì 29 trong số 210 anh em bị án nặng đi Sơn La. Phần lớn những anh em chết là do bệnh đái ra máu gây ra tức thở (dyspnée), ai được cứu kịp thời bằng cách rất đơn giản là ăn rau muống sống trộn với chanh tươi là sống lại. Trong số 60 anh em Sơn La qua Hỏa Lò có 24 người bị phù, 6 người bị đái ra máu, 3 người bị sốt rét da vàng bủng, sưng lá lách. Về Hà Nội chưa đầy 2 tháng mà thần sốt rét đã cướp đi mấy người trong đó có anh Trần Văn Lan, anh Giang Đức Cường- người đã đốt cổng chào tên toàn quyền Nam Dương sang bàn với toàn quyền Đông Dương kế hoạch liên kết chống cộng sản - vốn là một thanh niên cường tráng bị đày lên Sơn La có 9 tháng đã gầy còm, tóc lơ thơ da vàng, khoác cái chăn vừa đi vừa run trông rất thương tâm. Khi hết cơn sốt, cần bồi dưỡng, nhưng có cái gì để ăn? Bữa cơm đến anh Cường đành phải vác bát đi xin bạn tù cái đầu cá mè đã gỡ hết nạc để nhai cho người có thêm chất đạm. Ấy thế mà mấy tháng sau khoẻ lại, anh vẫn tham gia đấu tranh. Tôi cũng không quên hai anh Đinh Xuân Nhạ và Bùi Vũ Trụ bị sốt đái ra máu, nằm thở, ruồi bâu cũng chẳng thèm đuổi. Ấy thế mà vừa khỏi cơn sốt hai anh lại tích cực tham gia Ban chép tài liệu và Ban Cứu tế nhà tù. Cả hai anh lại bị phát vãng đi Sơn La lần thứ hai.
 
Chi ủy thấy có nhiều anh em mới cần phải tăng cường hoạt động. Chúng tôi chủ trương ngoài Lao tù tạp chí cần ra thêm tạp chí Vô sản để nâng trình độ đảng viên mới vào tù. Tạp chí tập trung vào việc định nghĩa giai cấp công nhân, đặc thù, vai trò lãnh đạo của nó; phân tích cảnh khổ của nông dân, khả năng và tính chất chưa triệt để của nông dân, sự cần thiết phải được công nhân và đội tiên phong vô sản lãnh đạo; phân tích tiểu tư sản dễ giác ngộ, dễ tiếp thu cái mới, có tinh thần hăng hái nhưng không kiên định; phân tích tính chất binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, chỉ rõ nguồn gốc của họ và mâu thuẫn giữa sĩ quan và binh lính, và tính chất manh động của họ; phân tích các tầng lớp xã hội khác: tư sản, quan lại địa chủ, cường hào và tính chất phản cách mạng của họ. Những cây bút chính viết cho tạp chí này là các anh Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Năng, Trần Đức Sẳn, Đặng Việt Châu, Phạm Quang Thẩm và Nguyễn    Công Toan, cùng một số cộng tác viên nữa. Bộ biên tập đóng ở trại 3 thuần khiết là tù chính trị đáng tin cậy.
 
Mùa xuân 1935 Chánh mật thám Fleutot trực tiếp chỉ huy trận tổng khám xét trại giam cứu. Chúng khám từ 7 giờ đến 10 giờ sáng, nắn túi, sờ lưng, vuốt họng, vuốt đùi, giũ từng manh chiếu, cái chăn, soi từng cửa sổ, khe cùm, dùng đèn pin soi và gõ búa từng khúc tường dưới sàn. Cuối cùng chúng phát hiện được nhiều chỗ cất giấu tài liệu, moi ra một rổ to sách báo. Khám xong chúng rút không nói một lời... Hết tết - một cái tết căng thẳng, người nhà không được thăm nuôi, thi thơ và cờ không tổ chức được, báo phải đình bản, các lớp huấn luyện phải ngừng, học văn hoá và tập kịch cũng vậy. Tôi và anh Bùi Vũ Trụ bị gọi ra Sở Mật thám tra hỏi. Ở xà lim, anh Đặng Xuân Khu cũng bị gọi. Còn anh Phạm Quang Thẩm và Nguyễn Công Toan bị tách sang trại trẻ con. Tất nhiên phải có chỉ điểm thì chúng mới khám xét trúng sách báo và những người có liên quan như vậy.
 
Chúng tôi vừa đến Sở Mật thám đã bị Chánh mật thám đích thân hỏi cung, sau đó chúng biệt giam mỗi người một xà lim cách xa nhau và có mật thám ngồi canh suốt ngày. Nhưng rồi chúng tôi vẫn liên lạc được và được biết anh Đặng Xuân Khu đã bị ba trận tra, anh cương quyết không nhận. Tôi bị bốn trận, Bùi Vũ Trụ bị ba trận. Tôi bị nhân viên căn cước thử dạng chữ, nhưng tôi đã viết khác chữ thường của tôi nên chúng không làm gì được. Tra khảo mãi không xong, Fleutot nện cho mỗi người một trận cuối cùng rồi đành phải trả về Hỏa Lò. Anh em thấy tôi gầy rộc đi, mặt mũi nhem nhuốc, quần áo gần một tháng không giặt giũ nên hôi hám, ghẻ lở bắt đầu mọc ra.
 
Độ một tháng sau, Toàn quyền Robin vào thăm trại. Vài tuần sau, các anh Đặng Xuân Khu, Nguyễn Lương Bằng, Hào Lịch, Nguyễn Tạo bị dồn ra trại con. Sau đó chúng phát vãng khoảng 50 tù nhân trong đó có Cây Xoan, Sao Đỏ, Đặng Việt Châu, Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Công Toan và hầu hết những người bị coi là nguy hiểm đi Sơn La.
 
Tháng 3 năm 1935, tôi bị phát vãng lên Sơn La. Sau 14 tháng chính phủ Mặt trận Bình dân của Pháp ân xá, tôi trở về gia đình vào cuối tháng 7 năm 1936. Trong thời gian ở nhà tù Sơn La, tôi được cử làm Tổng thư kí Hội đồng thống nhất để tự quản./.

                                                 Đặng Việt Châu
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...