Nhà tù Hỏa Lò-Hà Nội (Maison Centrale) trong những năm 1930

6209
December 09, 2015
Cuối năm 1931, kẻ thù ra tay đàn áp, khủng bố, truy lùng bắt được các anh Nguyễn Văn Hiếu, Tuý (Tuý đen), Vưu, Trác. Tôi  và các bạn Vĩnh, Tuỳ, Liễn, Thọ cùng một số bạn học sinh khác cũng bị bắt ngay tại trường học.
 
Sau khi tra khảo, lấy cung xong, Sở Mật thám Hồng Gai thả một số còn giữ lại 5 người là tôi, các bạn Vĩnh, Tuỳ, Liên và Thọ. Cuối năm 1931 (đúng ngày 23 Tết ông Táo), địch tức tốc giải chúng tôi về giam tại nhà tù Hải Phòng, vài ngày sau lại chuyển thẳng sang Sở Mật thám Hà Nội rồi cuối cùng chúng chuyến chúng tôi về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đợi ngày xử án. Tại nhà tù Hỏa Lò, tôi gặp các anh Nguyễn Văn Hiếu, Quý đen, Vưu, Trác và nhiều người khác bị bắt từ khắp các địa phương như Hải Phòng, Kiến An, Tiền Hải, Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Nội cũng bị giam tại đây từ trước, lúc đó đông hàng nghìn đồng chí.
 
Năm 1932, thực dân Pháp lập Toà án đặc biệt gọi là Hội đồng đề hình để xét xử các tù chính trị. Chúng mở nhiều phiên toà, mỗi phiên xét xử khoảng trên 100 chiến sĩ. Phiên nào cũng có án tử hình, khổ sai chung thân, phát lưu chung thân, cấm cố. Trong phiên xét xử chúng tôi, địch kết án anh Tô Chấn  khổ sai chung thân, anh Nguyễn Văn Hiếu và một số anh khác bị kết án phát lưu chung thân. Tôi bị kết án 6 năm tù, bạn Thọ 5 năm tù, bạn Vĩnh 3 năm tù, bạn Tuỳ 3 năm tù, bạn Liễn 3 năm tù, anh Trác 10 năm tù, anh Vưu 8 năm tù. Sau xử án một thời gian, số tù chính trị tại nhà tù Hoả Lò trở nên quá đông làm địch e ngại, hoảng sợ. Chúng tìm cách chuyển tù chính trị đã thành án đi các nhà tù khác như Sơn La, Côn Đảo. Anh Nguyễn Văn Hiếu, anh Tô Chấn đi Côn Đảo, các anh Vĩnh, Tuỳ, Liễn, Vưu, Trác đi Sơn La. Tôi và anh Thọ bị giam tại trại 1 Hỏa Lò - Hà Nội. Trong trại 1 nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, tôi đã gặp và bị giam chung với các anh lớn tuổi như Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Khuất Duy Tiến, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Tạo (Tạo cuội), Đặng Việt Châu, Đào Gia Lựu, Mai Lập Đôn, Nguyễn Đạt Phác, Đặng Châu Tuệ và nhiều đồng chí khác đã thành án từ các địa phương chuyển về đợi ngày phát vãng đi các nhà tù khác ở Sơn La, Côn Đảo, Lao Bảo v.v…
 
Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, nơi mà dân ta gọi là địa ngục trần gian giữa lòng thủ đô văn hiến của người Hà Nội, được thực dân Pháp thiết lập từ cuối thế kỷ XIX để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước của ta như các chiến sĩ phong trào Đề Thám, Đông Kinh nghĩa thục, Quốc dân đảng và sau này hầu hết các chiến sĩ cộng sản. 29 nhà cách mạng Quốc dân đảng cùng lãnh tụ Nguyễn Thái Học đã bị kết án tử hình và giam tại đây. Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải cũng bị địch giam giữ tại nhà tù này.
 
Từ sau năm 1930, số người bị giam trong nhà tù Hoả Lò-Hà Nội trở nên ngày càng đông, chật ních các tù chính trị bị bắt từ các phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh, Vinh, Bến Thủy, Tiền Hải, Thái Bình, Phú Riềng, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai và một số vùng khác bị địch đồn về đợi ngày xét xử và sau đó chuyển đi giam giữ cố định tại Côn Đảo, Sơn La, Lao Bảo…
 
Trong trại tù Hỏa Lò - Hà Nội, các đồng chí ta thiết lập một trật tự sinh hoạt nội bộ chặt chẽ để củng cố và đề cao tư thế của người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc, lập ra Ban trật tự để quản lý sinh hoạt hàng ngày của anh em cho ngăn nắp, sạch sẽ, ổn định và giúp đỡ nhau lúc ốm đau hoặc cử người đại diện của mình để giao thiệp với chúa ngục khi có việc cần thiết.
 
Chi bộ Đảng Cộng sản nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội được thành lập để lãnh đạo các phong trào đấu tranh và để nhằm củng cố, phát huy tinh thần, chí khí của các chiến sĩ cách mạng, khắc phục tư tưởng bi quan, dao động trong bước thoái trào đồng thời bình tĩnh tổng kết những bài học đã qua và xác định con đường cách mạng sắp tới. Và kỳ diệu thay, các đồng chí ta đã biến nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội thành trường học cách mạng, nơi tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, nơi đầu mối liên hệ với các cơ sở bên ngoài và tiếp tục tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cho mọi người. Trong thời gian ấy, nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội là một trong các nhà tù chính trị có những hoạt động sôi nổi. Các lớp học tập lý luận chính trị, quân sự, hoạt động văn hoá nghệ thuật tạo nên một không khí nhộn nhịp, một cuộc sống tinh thần lạc quan tin tưởng chuẩn bị hành trang khi ra tù , hoặc trốn khỏi nhà tù để tiếp tục hoạt động. Những hoạt động ngày ấy tuy đã lùi xa trong dĩ vãng, ít ai nói đến nhưng với tôi, nó vẫn khắc sâu trong tâm trí và tôi cảm thấy như mình có lỗi nếu như không kể lại những câu chuyện về các đồng chí của mình trong nhà tù Hỏa Lò. Những hoạt động thời đó thực sự phong phú, đa dạng và sáng tạo:
 
- Về chính trị, các đồng chí ta viết các tài liệu tổng kết về đường lối chính trị, tổ chức các phương pháp vận động cách mạng, tổng kết các công tác công vận, nông vận, phụ vận, thanh vận, binh vận, tổng kết các phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, phong trào công nhân, nông dân ở các khu mỏ Hồng Gai, Vinh, Bến Thủy, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đồn điền Phú Riềng.
 
- Về lý luận, các đồng chí: Trịnh Đình Cửu viết các tài liệu tuyên truyền huấn luyện về chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết về Cách mạng tháng Mười Nga và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô; đồng chí Trịnh Đình Cửu và Trường Chinh viết Chủ nghĩa cộng sản sơ giải…
 
Lúc đó, đồng chí Cảnh bị giam trong xà lim án chém, nhưng vẫn cố gắng viết các tài liệu trên đưa qua chi bộ nhà tù để chuyển cho tổ ghi chép tài liệu của chúng tôi chép lại thành nhiều bản. Tổ ghi chép tài liệu chúng tôi lúc đó gồm có những học sinh trẻ tuổi như: Truy đen (quê Thái Bình), Sách (Hải Dương), Cầu (Kim Lủ-Hà Đông), Đán (Phủ Lý-Hà Nam) và tôi: Chi con (Hồng Gai). Chúng tôi viết trên giấy cuốn thuốc lá những dòng chữ nhỏ li ti bằng bút chì đen Niger vót nhọn, chép các tài liệu nói trên rồi cuộn nhỏ, luồn vào gấu áo, gấu quần khâu kín lại để các anh mang đi được trót lọt. Các bản còn lại và các tài liệu khác thì chúng tôi giấu vào hầm bí mật ở dưới chân tường gầm sàn có ngụy trang cẩn thận, nên dù bọn cai ngục có vào lục soát cũng không phát hiện được gì. Còn giấy, bút mực để viết cũng được đưa vào từ các cơ sở bên ngoài do những người tù thường phạm và bọn cai ngục người Việt có cảm tình do ta giác ngộ mang vào, ngoài ra ta còn dùng cả kinh bổn Công giáo làm giấy viết nháp trên các đường giấy trắng giữa 2 dòng chữ in trong các sách kinh bổn do cố đạo Dronet  mang vào hàng tháng cấp phát cho tù chính trị để dụ dỗ anh em theo đạo. Các sách bổn đạo này còn có tác dụng rất tốt dùng để viết các tài liệu quan trọng và bí mật bằng nước cơm, nước cháo viết trên các dòng giấy trắng, khi cần đọc, chỉ phết một lớp hóa chất i-ốt lên mặt giấy là các dòng chữ sẽ hiện ra.
 
Trong các năm 1932 - 1934, trong tù nổ ra các cuộc bút chiến giữa các đồng chí ta với các tù chính trị quốc dân Đảng về triết học duy vật, duy tâm, về đường lối cách mạng Việt Nam, về chiến lược, sách lược đấu tranh giải phóng dân tộc. Tù Quốc dân đảng ra tờ báo ''Tiêu sầu'' để tuyên truyền chủ nghĩa tam dân - dân tộc, dân quyền, dân sinh, xuyên tạc bài xích đường lối của Đảng Cộng sản.
 
Để đập lại giọng điệu sai lầm của họ và tuyên truyền giác ngộ họ theo chính nghĩa, chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo ''Con đường chính'', ''Đuốc Việt Nam'', ''Báo lao tù''… do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tổ chép tài liệu chép thành nhiều bản gửi các nơi cần thiết. Ngoài ra, Đoàn thanh niên trong tù gồm các đồng chí Giáo Thẩm, Giáo Sần, Nguyễn Văn Nhu do tôi làm chủ bút, để tuyên truyên giác ngộ các tù quốc dân Đảng trẻ tuổi và các quần chúng khác trong tù.
 
Khi thực dân Pháp đưa các đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Văn Tình ra trước cổng nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) đã đặt sẵn máy chém để hành hình, thì các đồng chí trong các trại tù đã đồng loạt hô khẩu hiệu ''Đả đảo khủng bố trắng của đế quốc'' và sau đó tiến hành đấu tranh tuyệt thực để truy điệu các đồng chí bị hành hình và phản đối tội ác man rợ của bọn đế quốc.
 
Các cuộc đấu tranh tuyệt thực của các đồng chí ta còn diễn ra nhiều lần để chống lại chế độ đối xử hà khắc trong nhà tù như cơm hẩm, gạo mục, thịt trâu dai như cao su, rau muống to dài như chão, cá mè tương mắm thối, chống thủ đoạn bớt xén tiêu chuẩn ăn uống trong tù và thái độ đối xử hà khắc của bọn sếp ngục đối với tù chính trị.
 
Cuối năm 1932, nổ ra một cuộc trốn tù nổi tiếng mạo hiểm khiến kẻ thù khiếp phục. Cuộc trốn tù do đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ) chuẩn bị dẫn đầu. Đồng chí Nguyễn Tạo (Tạo cuội), Nguyễn Trọng Đàm, Lê Đình Tuyển, Bùi Xuân Mẫn, Hào Lịch giả vờ ốm, đòi ra nằm điều trị ở nhà thương Phủ Doãn (bệnh viện Việt Đức) trong phòng dành riêng cho tù chính trị ốm chữa bệnh. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Võ Duy Cương phải lập mưu, địch mới chịu nhượng bộ cho ra nhà thương. Sau khi cưa song cửa sổ, đợi ban đêm, chớp thời cơ, các đồng chí trốn thoát ra ngoài, mỗi người về một phương, tiếp tục hoạt động. Từ sau cuộc trốn tù này, bọn thực dân điên cuồng sục sạo, tăng cường canh gác với thái độ hung hãn, xiết chặt các chế độ đối xử với tù chính trị.
 
Trước cảnh khó khăn thiếu thốn của nhà tù lúc đó, các đồng chí ta vẫn giữ vững khí tiết, chí khí cách mạng, kiên trì hoạt động tạo ra nhịp sống cao đẹp trong nhà tù đế quốc, như trong các dịp tết dân tộc hoặc kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ngày sinh Lênin, ngày Quốc tế Lao động 1-5, các đồng chí ta cũng tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ như diễn kịch, ca hát, ngâm thơ.
 
Về kịch thì diễn vở ''Phạm Hồng Thái ném bom ở Sa Diện'' (Quảng Châu- Trung Quốc), miêu tả chuyện đồng chí Phạm Hồng Thái sang hoạt động ở Trung Quốc tìm cách giả trang tiếp cận kẻ thù, ném bom để trừng trị toàn quyền Méc-lanh, là tên thực dân cai trị gian ác khét tiếng khi hắn đi Trung Quốc và Nam Dương (Inđônêxia), thuộc địa của Hà Lan, mưu toan áp dụng kinh nghiệm, thủ đoạn độc ác của bọn thực dân và kí thoả ước liên minh chống cộng để chống phá cách mạng Việt Nam. Trong vở này, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đóng vai Phạm Hồng Thái, đồng chí Ba Liêm đóng vai Méc-lanh.
 
Về ca hát, nghệ thuật, trong dịp tết và các ngày kỷ niệm, các đồng chí ca hát hoặc tổ chức thi thơ, hoặc ngâm vịnh các bài thơ cách mạng yêu nước ''Chiêu hồn nước'' của Phạm Tất Đắc, bài ''Hỏa Lò oán'' của Thẩm Chi, bài ''Anh Khóa'' của Á Nam Trần Tuấn Khải, hoặc bài ''Xà lim oán'' của Vũ Cao.
 
Về độc tấu, đơn ca có đồng chí Nguyễn Văn Nhất hát xẩm, hát chèo (đồng chí Nhất bị tật lác mắt, là công nhân nhà máy dệt Nam Định), có giọng hát hay, đồng chí Lưu đánh đàn bầu, vừa đàn vừa hát cải lương (đàn bầu làm bằng ống bơ, đoạn tre chẻ đôi và sợi tơ tạo thành). Trước những buổi sinh hoạt về thời sự, chính trị hàng tuần của cả tập thể trong trại hoặc từng tổ 10 người, các đồng chí cũng hay hát bài ''Cùng nhau đi Hồng binh'' để khởi động khí thế hào hùng. Trong các dịp Tết Nguyên đán, các đồng chí tổ chức liên hoan văn nghệ, những quà bánh của các đồng chí có gia đình vào thăm đem chia đều để đồng chí nào cũng có quà ăn tết và ngâm thơ. Có một tết, đồng chí Hào Lịch (một phú hào của tỉnh Thái Bình, bị án 20 năm tù, từng nhiệt tình ủng hộ nhiều tiền cho cách mạng) đã mua hàng trăm chiếc bánh chưng to ủng hộ toàn thể anh em tù chính trị ăn tết mừng xuân.
 
Về thi thơ, có nhiều bài cảm tác hoặc châm biếm rất vui. Trong số đó, anh em thường ngâm mấy câu trào phúng của đồng chí Trần Cung:
 
“Nghinh xuân lễ mễ khênh ti nét
 
Bái tuế lom khom đặt lập là'' .
 
Để giễu cợt cảnh sống lao lung nhưng vẫn lạc quan tin tưởng, an nhàn tự tại của các tù chính trị trước những ngày mừng xuân của đất nước trong thời kỳ cách mạng thoái trào.
 
Các phong trào tập võ, tập thể dục đồng đội, học lý luận cách mạng, văn học đọc sách cũng rất sôi nổi.
 
Cứ mỗi sáng tinh mơ, mọi người đều được đánh thức dậy tập thể dục đồng đội theo tiếng vỗ tay và tiếng kèn bu-dích  của đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) thổi qua bàn tay phát ra thành tiếng vù vù giống âm thanh kèn của lính kèn thúc giục mọi người vùng dậy, anh em nghe theo và trừu mến gọi anh là ''Khải cai kèn''.
 
Tập võ Tàu, tập quân sự do đồng chí Trung võ sĩ (Nam Định) phụ trách cũng được anh em hưởng ứng tham gia sôi nổi và chuyên cần vì có kết hợp cả học lý luận quân sự cách mạng.
 
Học tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ Hán cũng phát triển. Tiếng Pháp, tiếng Anh do anh Nghiêm Toản và nhiều anh lớn tuổi khác từng là giáo viên giảng dạy.
 
Học chữ Hán do anh Khóa Toan (Thái Bình) và anh Nguyễn Danh Hoàn (tức Phượng cụt tay, do thử bom tự chế tạo nên bị nạn thành tật khi anh còn hoạt động cách mạng trước khi bị bắt ở địa phương. Anh quê ở Nhâm Lang - Thái Bình) hướng dẫn. Học chữ Hán phải tập viết mới nhớ được mặt chữ. Tôi cũng học chữ Hán và tập viết bằng cách cuốn vải mềm vào đầu đũa giống như bút lông rồi chấm nước lã làm mực để viết tập trên mặt sàn gỗ các chữ cần học. Học chữ Hán không có giáo trình, chủ yếu dùng các cuốn sách Kinh thánh in chữ Hán như ''Thánh giáo yếu lý'', ''Minh giáo xích độc'' do cố đạo Dronet mang vào truyền đạo. Tôi dùng cuốn ''Thánh giáo yếu lý'' để học chữ Hán, bằng cách ghi âm, dịch nghĩa theo lời giảng của anh Nguyễn Danh Hoàn. Khi học xong thì các trang sách chữ Hán cũng đen ngòm các dòng chữ ghi ở bìa sách. Bằng cách học như vậy, dần dần tôi đã học được các sách chữ Hán, cả cổ văn lẫn bạch thoại, trong đó có cuốn ''Ẩm băng thấp'' của Lương Khải Siêu viết theo lối cổ văn.
 
Anh Trường Chinh cũng học chữ Hán nhưng học theo cách học có phê phán, chọn lọc chứ không học một chiều, thời gian học chữ Hán khi anh đang bị giam ở xà lim do lãnh đạo cuộc đấu tranh tuyệt thực chống bọn cai ngục. Anh Trường Chinh đọc cuốn ''Thánh giáo yếu lý'' và đánh dấu vào những chữ cần dịch nghĩa, gửi qua lỗ thoát nước dưới gầm xà lim cho anh Khóa Toan ghi âm dịch nghĩa. Một hôm, tôi gửi cho anh cuốn ''Minh giáo xích độc'' (những bức thư làm sáng đạo) để anh có sách học tiếp. Anh gửi cho tôi cuốn ''Thánh giáo yếu lý'' thì trên bìa các trang sách đó ghi chi chít nhưng dòng chữ ghi chú, nhận xét bằng chữ Hán như duy tâm hữu thần, phiếm thần, ngụy biện, ảo giác trên những đoạn văn lý luận của cuốn sách. Tôi hỏi thì anh bảo học theo cách ấy mới nhớ lâu.
 
Trong nhà tù đế quốc cũng có thư viện, nhưng đều là sách báo của nhóm Phạm Quỳnh như tạp chí Nam phong, tủ sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, ''Đông Dương xưa và nay'' và lèo tèo một vài cuốn sách khác chống cộng, nói xấu cách mạng.
 
Ở trong tù tôi cũng học tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán như các bạn trẻ khác. Học rất chuyên cần, bền bỉ, nhẫn nại, quyết đi sâu vào vùng bao la, rộng lớn của học tập để khám phá những mới lạ mà mình chưa biết. Dần dần qua mấy năm trình độ được nâng cao lên, hiểu biết được mở rộng thêm, tôi tiến lên đọc các tác phẩm văn học Pháp thế kỷ 17, 18, các giáo trình triết học tiếng Pháp như ''Philosophie Scientiphique et Philosophie morale'' của Félicien Challaye, ''Les leỗons de Philosophie-Psychologique'' của Edmond Roustan, ''Discours de la méthode'' của Descartes, ''La Recherche de la vérité'' của Malebranche, ''Les leỗons de Philosophie positive''  của Auguste Compte do từ ngoài gửi vào. Ngoài ra còn nghiên cứu cuốn ''Nho giáo'' của Trần Trọng Kim và say mê đọc “Truyện Kiều”,  “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”…
 
Ngoài việc học như trên, việc chính của tôi cũng như các bạn trẻ khác là thực hiện các việc chi bộ nhà tù giao cho:
    
- Tham gia nhóm viết, chép tài liệu của chi bộ nhà tù.
 
- Cất giấu tài liệu bí mật của chi bộ nhà tù.
 
- Tuyên truyền giác ngộ các tù thường phạm.
 
Các năm 1933-1934, do các trại trong nhà tù Hỏa Lò ngày càng đông chật ních người, bọn thực dân phải tổ chức nhiều chuyến phát vãng  đưa các đồng chí ta đi các nhà tù khác kiên cố, hẻo lánh như Côn Đảo, Sơn La, Lao Bảo, Tri Cụ. Việc đó đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt độngcủa các đồng chí ta ở nhà tù Hỏa Lò-Hà Nội. Nhưng cũng chỉ một thời gian độ nửa năm chúng lại chuyển anh em về Hà Nội, vì ở các nhà tù đó cũng đông đúc, chật chội, không ổn định.
 
Trong thời gian này, tình hình thế giới bắt đầu căng thẳng do bọn quốc xã Đức cấu kết với phát xít Ý, quân phiệt Nhật kết thành trục xâm lược, mưu toan đẩy loài người đến bờ vực của chiến tranh thế giới. Ở trong nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, đồng chí Trường Chinh viết cuốn ''La guerre impérialiste mondiale'' (Chiến tranh đế quốc thế giới) bằng tiếng Pháp, với nội dung vạch trần tội ác gây chiến tranh thế giới của bọn phát xít, kêu gọi nhân dân lao động thế giới, các nước thuộc địa trong đó có các lính Âu Phi đang cầm súng đánh thuê cho thực dân Pháp, phải vùng dậy đấu tranh tự cứu lấy mình, kiên quyết chống lại chiến tranh đế quốc xâm lược thành chiến tranh giải phóng dân tộc. Tôi và bạn Truy đen (Thái Bình) trong tổ chép tài liệu của nhà tù, học thuộc nội dung tài liệu ấy, rồi trèo lên cửa sổ trại cạnh chòi canh có lính Âu Phi đứng gác để tuyên truyền giác ngộ họ. Lúc đầu, họ xua đuổi, chối từ nhưng chúng tôi kiên trì, nhẫn nại, lâu dần họ hiểu ra và tỏ ý đồng tình. Sau này, họ có cảm tình với chúng tôi, mỗi khi chúng tôi nhảy lên nói chuyện, họ tỏ vẻ tán thành, đôi lúc còn tặng chúng tôi thuốc lá và bánh mì đen nữa.
 
Đối với các tù thường phạm mà bọn cai ngục sai mang cơm nước hàng ngày cho tù chính trị, chúng tôi cũng gần gũi tuyên truyền giác ngộ họ, một vài người trong số họ được ta cảm hóa, đồng tình ủng hộ ta trong việc mua giấy bút và liên hệ với các sở bên ngoài nhà tù.
 
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế lên cầm quyền, do Léon Blum, lãnh tụ Đảng xã hội Pháp làm Thủ tướng, có chủ trương liên kết với các lực lượng dân chủ ở hải ngoại để chống chủ nghĩa phát xít và bảo vệ hòa bình, nên Chính phủ Pháp đã quyết định giảm án và ân xá các tù chính trị ở Đông Dương. Do đó, các đồng chí Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Văn Hiếu, Đào Gia Lựu, Mai Lập Đôn và nhiều đồng chí khác đều được trả tự do đã tạo thành một nguồn lực đáng kể cho phong trào dân chủ Đông Dương sau này. Tôi cũng được trả lại tự do vào dịp này./.
    
Nguyễn Văn Chi
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...