Vài kỷ niệm về Nhà tù Hỏa Lò

3739
March 17, 2016
Tôi sinh năm 1917 trong một gia đình thuần nông ở làng Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Là con trai nên tôi cùng với người anh cả và 3 người em được đi học chữ ở trường làng, còn các chị và em gái đều không được đi học. Sau khi học hết lớp 3 và thi đỗ sơ học yếu lược, tôi được gia đình gửi lên Hà Nội học nghề in.
Ở Hà Nội, tôi học nghề sắp chữ ở các báo Đông phương, Thực nghiệp. Từ năm 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động phong trào đấu tranh công khai đòi quyền “Tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình”. Nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của các tầng lớp nhân dân đã diễn ra trên khắp các địa bàn trong cả nước. Công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt, đánh đập và đòi tự do nghiệp đoàn. Nông dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế, cải cách hương thôn. Đảng Cộng sản Đông Dương cũng chủ trương xuất bản báo chí công khai để tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Tôi tham gia hoạt động cách mạng năm 1938 trong tổ chức "Bắc kỳ ấn công Ái hữu", gia nhập đoàn đại biểu công nhân đòi "Tự do tổ chức nghiệp đoàn", đi tuyên truyền, tổ chức các cuộc đấu tranh. 
Ngày 01-5-1938, tôi tham gia ban tổ chức cuộc mít tinh của các tầng lớp nhân dân nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại nhà Đấu Xảo - Hà Nội (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị). Sau đó, thực dân Pháp phát hiện nên tôi đã bị đuổi việc và lần lượt phải chuyển qua các nhà in như: Ngọ Báo, Cậu Ấm, Đông Pháp, Văn Lâm, Tân Dân, cuối cùng phải xin làm khoán với 3 anh em thợ in khác ở nhà in Lê Văn Tân. Những lúc bị thất nghiệp, tôi phải ở trụ sở của Hội Ái hữu thợ in ở phố Phạm Phú Thứ, mỗi bữa chỉ ăn một cái bánh mì 2 xu do anh em giúp đỡ. Trong thời gian làm công nhân in từ năm 1930-1939, tôi đã ở nhiều xóm lao động các cửa ô Hà Nội và một số phố nhỏ trong nội thành. Chứng kiến sự cơ cực, nghèo đói của nhân dân lao động bị áp bức bóc lột càng làm cho tôi quyết tâm vững bước trên con đường hoạt động cách mạng mặc dù có phải hy sinh bản thân mình. 
Năm 1936, tôi được tham dự một lớp huấn luyện về chương trình "cách mạng dân tộc giải phóng" do đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tổ chức. Các học viên là công nhân bao gồm đồng chí Nghiêm Kinh, đồng chí Lâm và tôi. Người đến huấn luyện là đồng chí Trường Chinh khi đó là Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Phát xít Đức, Ý, Nhật tăng cường các hoạt động bành trướng và xâm lược. Tại Pháp, Mặt trận nhân dân bị tan vỡ, Đảng Cộng sản Pháp bị đặt ngoài vòng pháp luật. Ở Việt Nam, thực dân Pháp tăng cường vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân để phục vụ cho chiến tranh. Hàng ngàn đảng viên cộng sản và những người yêu nước bị bắt giam tại các trại tập trung và nhiều nhà tù trong cả nước. Hội "Bắc kỳ ấn công Ái hữu" và các hội ái hữu các ngành khác ở Hà Nội bị giải tán. Các báo chí công khai bị đóng cửa, bị tịch thu. Theo chỉ thị của tổ chức Đảng, tôi được lệnh rút vào hoạt động bí mật để tổ chức in báo Cờ giải phóng, có cơ sở đặt tại nhà một quần chúng ở làng Ngọc Trục (gọi Nôm là làng Giộc), xã Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ). Báo Cờ giải phóng in được 3, 4 số thì cơ sở bị lộ. Ngày 21- 2-1940, khi tôi đang tổ chức việc in báo thì tên tri phủ Hoài Đức đem lính đến vây bắt, tôi và đồng chí Lê Viên (tức Ngô Du) bị bắt cùng với các tang chứng là bàn đá và một số báo Cờ giải phóng. Chúng tôi bị giải về phủ lỵ, giam ở nhà tù Hà Đông và sau đó tên chánh mật thám Lanèque đưa chúng tôi ra Sở Mật thám Hà Nội.
Tại Sở Mật thám Hà Nội, tôi và đồng chí Lê Viên bị giam ở hai buồng khác nhau để tránh chúng tôi thảo luận trước những điều khai báo. Nhưng ngay khi bị bắt, chúng tôi đã có dịp dặn dò nhau thống nhất việc khai cung cho hợp lý, chủ yếu khai không quen biết ai, không biết cơ quan ở đâu, nhất mực chỉ nói do thất nghiệp phải đi làm nghề in để kiếm sống. Tôi và đồng chí Lê Viên bị tra tấn ở hai buồng khác nhau. Kẻ địch sử dụng nhiều loại dụng cụ để tra tấn tôi từ thanh củi, dùi cui, matraque (dùi cui có lõi thép bọc cao su) đánh vào đầu gối, khuỷu tay, sống lưng, bả vai… Dùi cui này có tác dụng đánh vào đâu thì đau sâu vào trong nhưng mặt ngoài da thì không có vết bầm tím hay trầy xước. Vì vậy, khi chúng đưa ra xử trước toà án không hiện rõ thương tật. Cuối cùng, chúng dùng đến đòn tra điện (bấy giờ dùng điện đèn, những năm sau này chúng dùng điện ma-nhê-tô). Cách tra điện tuy không gây chết người (điện 110V) nhưng rất nguy hiểm ở chỗ chúng dí vào những nơi tập trung thần kinh của cơ thể, kể cả bộ phận sinh dục và đầu răng, gan bàn chân…
Có lần chúng tra tấn tôi từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau khiến tôi bất tỉnh. Sau đó chúng phun nước vào người và dùng kim đâm vào đầu ngón tay, ngón chân nhưng tôi vẫn bất động. Người tôi vốn gầy yếu (lúc đó chỉ nặng 36kg), nên bọn mật thám sợ quá tay bèn đưa tôi đi cấp cứu ở bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức). Mấy hôm sau, chúng lại đưa tôi về tra tấn nhưng tôi vẫn khai như cũ.
Ba tháng sau (khoảng tháng 5-1940), thực dân Pháp đưa tôi ra toà án xét xử, kết án 10 năm tù khổ sai và chuyển tôi về giam tại nhà tù Hoả Lò, chờ ngày đưa đi phát vãng lên nhà ngục Sơn La. Tại trại giam tù chính trị Hoả Lò, tôi và anh Lê Viên gặp nhiều đồng chí bị bắt thời gian trước. Giai đoạn này, địch ngày càng tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng nên số tù chính trị bị bắt giam vào nhà tù Hoả Lò khá đông. Chúng phân loại, lựa chọn những người chúng cho là nguy hiểm đi Côn Đảo và Sơn La. Mỗi năm đưa đi một, hai chuyến. Những chuyến đi Sơn La thường là 30 hoặc 40 người, chúng giữ bí mật về ngày xuất phát, không cho người nhà biết tin và không gây náo động nhân dân.
Trại giam chúng tôi ở tầng hai gần một kho quần áo, tầng dưới là buồng y tế, đối diện là trại giam tù binh Pháp (gọi là Pháp De Gaulle), bên cạnh sân là trại giam chị em phụ nữ (chính trị), chúng tôi muốn liên lạc để báo tin cho nhau nhưng không được. Mỗi ngày giám thị cho chúng tôi xuống sân ăn cơm hai lần, mỗi lần 10 phút. Thời gian ăn quá nhanh nên nhiều khi chúng tôi không kịp rửa tay, uống nước. Chế độ ăn nhà tù cho tư nhân thầu nên bị bớt xén nhiều và rất tồi tệ. Chúng tôi đã có câu tổng kết rất đầy đủ về chế độ ăn ở nhà tù Hoả Lò là “chế độ mắm, mè, trâu, đậu” - nghĩa là hàng tuần thay đổi các món ăn là mắm thối có dòi; cá mè gầy, nhỏ, nát; thịt trâu già, dai như giẻ rách hoặc đậu tương nát, đã ép hết chất chỉ còn xác. Ngoài chế độ mắm, mè, trâu, đậu, hàng tuần cũng có thêm rau muống, họ mua rau muống thả ao, cắt cả dây, rễ bám theo, cân để lấy tiền. Khi ăn, chúng tôi phải vứt đi phần lớn, chỉ còn độ 2/10. Giờ giải lao mọi người tranh thủ đi lại vận động nên chúng tôi ít có cơ hội để bàn bạc, trò chuyện.
Trong tù, tôi đã tham gia các lớp học chính trị, văn hoá. Nhiều người khi vào tù không biết chữ, nay đã biết chữ, nhiều người khi ở ngoài chỉ là quần chúng bình thường nhưng sau một thời gian ở tù đã có trình độ để làm cán bộ, nhiều đồng chí đã được học chính trị, chiến lược, chiến thuật quân sự. Sau này họ đã trở thành cán bộ tham gia lãnh đạo trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. 
Tháng 7-1940, chúng đưa một đoàn tù khoảng gần 30 người từ nhà tù Hoả Lò đày lên Sơn La trong đó có tôi và đồng chí Lê Viên. Đây cũng là đoàn tù thứ hai của Hoả Lò bị đày lên Sơn La. Ngày 3-8-1943, chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức cho tôi và ba đồng chí là: Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Lưu Đức Hiểu vượt ngục. Sau khi thoát khỏi nhà tù Sơn La, tôi  tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Người ta thường nói “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, tuy bị giam ở nhà tù Hoả Lò chỉ một thời gian ngắn nhưng đó cũng chính là thời gian tôi được học tập, rèn luyện thêm ý chí đấu tranh. Nhà tù Hoả Lò thực sự trở thành trường đào tạo và rèn luyện cách mạng và hiện nay là “địa chỉ đỏ”, điểm tham quan để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của Thủ đô./.
Nguyễn Văn Trân
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...