Hỏa Lò thời kháng chiến chống Pháp

3705
March 17, 2016
Thành lập Chi bộ trong nhà tù Hỏa Lò (trại J)
Tôi  không còn nghĩ gì nữa ngoài ý nghĩ mong muốn có một hớp nước, một hớp nước thôi, không mong gì nước chè hay nước vối. Mà chỉ được một hụm nước lã thôi, một hụm nước của vũng trâu đầm thôi cũng được, tôi tưởng tượng uống vào thì ngon ngọt biết mấy.
Sống trong hầm tối đã 15 hôm, hai chân suốt ngày đêm ở trong lỗ cùm, trước còn biết đau, sau tê dại không còn biết gì nữa. Lấy tay bấu vào hai bắp chân, có chỗ còn thấy hơi đau, có chỗ không còn cảm giác nữa, bấu vào như bấu miếng da bò. Người mệt lả, các đầu xương nhức buốt, giơ tay sờ lên mặt thấy má hóp, gò má dô lên. Đã mấy hôm nay tôi không ngủ được vì lạnh quá. Buồn ngủ nhưng đặt mình nằm xuống thì cái lạnh buốt của sàn xi măng lại làm tôi tỉnh lại, có lúc mệt quá nhắm mắt, dựa lưng vào tường chợp đi chừng mươi lăm phút thì lại tỉnh.
Sau hơn hai mươi ngày chúng giam tôi trong hầm tối, hôm nay, chúng lại đưa tôi ra toà để hỏi cung. Vẫn cái thằng hôm nọ, nó chỉ hỏi tôi phất phơ mấy câu rồi lại cho về vì hết giờ làm việc. Khi về nó không giam vào hầm nữa mà đưa tôi vào trại J (trại biệt giam). Khi tôi vào, trong đó đã có một số anh em gần chục người. Thấy tôi, anh em đều tỏ vẻ vui mừng, người thì thu xếp chỗ cho nằm, người thì lấy quần áo cho thay, người thì đi tìm bát đũa cho tôi.
Thấy anh em săn sóc như vậy tôi rất cảm động nhưng chưa biết anh em thế nào nên chỉ trả lời qua loa. Một anh mang đến cho tôi mấy quả quýt, mời tôi ăn. Thú thật mấy quả quýt đó với tôi lúc bấy giờ thật quý giá vô ngần. Vì sau hơn hai mươi ngày ăn cơm muối, ruột gan tôi cồn cào khó chịu, rất thèm các chất chua ngọt. Cảm ơn anh, tôi đưa tay cầm quýt nhưng hai cánh tay tôi đến bây giờ vẫn chưa cử động mạnh được. Ngón tay cái và chỏ như không còn cảm giác gì nữa. Cầm mấy quả quýt cũng không chặt nên rơi cả xuống đất. Anh thấy thế nhặt quýt rồi bóc bỏ vào mồm cho tôi ăn. Hơn một giờ sau chúng đưa Linh cùng vụ việc với tôi vào. Gặp nhau mừng mừng rỡ rỡ, tuy còn mệt nhưng tôi cũng tranh thủ dặn Linh về việc khai cung ở toà cho ăn khớp và thảo luận hoàn cảnh sống hiện nay ra sao. Buổi chiều, sau khi gặp gỡ nói chuyện với anh em thì biết rằng đều là những người kháng chiến cả.  Khi nói đến tôi thì anh em hỏi: 
- Có phải anh là anh Thế phải không?
Ngạc nhiên tôi hỏi sao các anh biết? Các anh kể là khi tôi bị bắt thì các anh cũng đang bị giam ở bên Sở Mật thám, lúc đó đã hỏi cung xong nên được ở trên Violon (buồng nhốt chung tù đã xong cung). Hàng ngày những lúc chúng mang tôi đi đánh, anh em đều rõ. Các anh cứ tưởng nó đánh như vậy thì tôi chết rồi. Anh Hải cho biết anh cùng vụ với anh Tư Coóng (tên thật là Phạm Hướng). Bây giờ anh ấy cũng đã được sang Hỏa Lò nhưng đang còn bị nhốt dưới hầm. Nghe đến tên Tư Coóng, tôi cũng có biết. Như vậy là yên trí rồi, có đồng chí cùng bàn bạc công việc không còn sợ lẻ loi nữa.
Khi chúng tôi đang trong giờ ra sân thì tên gác-điêng dẫn một người vào. Người anh gầy gò, vai dô lên, mắt lồi và xếch nom ghê rợn. Má hóp, lưng đi hơi còng còng. Anh mặc một cái quần đã bạc màu, chân đi đôi giầy cũ. Hai tay cứng đờ, duỗi thẳng. Anh lê bước đi vào. Nom thấy tôi, anh hơi nhếch mép cười. Tôi không nhận ra anh là ai cả. Khi tên gác-điêng vừa đi khỏi, anh lại gần tôi khẽ hỏi:
- Hùng Hậu phải không?
Nghe vậy tôi giật mình không hiểu anh là ai thì anh đã tiếp:
- Tư Coóng đây, cậu quên mình rồi sao?
Anh Tư Coóng! Thật tôi không ngờ người đứng trước mặt tôi lại là anh Tư Coóng. Sự dã man, tàn bạo của đế quốc đã biến người bạn mạnh khoẻ, gân guốc của tôi trước kia thành ra một người lưng còng, má hóp, tiều tụy, yếu đuối như ngày nay. Thông cảm nỗi đau khổ của đồng chí mình, tôi ôm chầm lấy anh. Anh không ôm tôi vì tay anh không giơ lên được nữa mà anh áp vào má tôi. Một lúc lâu, anh nói:
- Mình tưởng cậu bị tiêu rồi, mình vẫn dõi theo cậu bên Sở Mật thám, nay còn sống thì tốt rồi.
- Mình cũng tưởng không gặp cậu nữa, nghe Hải nói mười phần cậu sống lấy một phần.
Vừa lúc đó Hải ở trong bước ra reo lên: “Anh Tư còn sống, Tài, Dĩnh ơi!”. Họ ôm chầm lấy anh rồi đưa anh vào trong nhà lấy dầu xoa bóp cho anh. Đến bữa ăn, anh không cầm đũa được nên phải dùng thìa, xúc cơm vào mồm như đứa trẻ mới tập ăn. Thường thường chúng tôi cứ phải gắp rau cuộn vào thìa cho anh ăn. Người yếu nhưng anh rất ham tập thể dục, sáng nào anh cũng cố ngồi dậy để hít, thở, tập giơ tay lên xuống nên ít lâu sau đã có thể cầm đũa được. 
Việc đầu tiên tôi đưa ra bàn với anh là làm sao cho ở đây có một đời sống tập thể. Vì anh em tuy là sống chung nhưng cứ đến bữa ăn thì lại chia nhóm, chỗ thì hai ba người, chỗ thì ba bốn người. Anh rất tán thành rồi thảo luận kế hoạch vận động. Chúng tôi phân công nhau đi sát từng người, giải thích sự ích lợi của việc đoàn kết giữa những người kháng chiến trong tay giặc. Đến bữa ăn, anh em xếp thành từng mâm ngồi ăn rất vui vẻ, trật tự, ai có cái gì thì đều bỏ ra ăn chung. Tình hình bước đầu là tốt nhưng rồi trong anh em luôn có nhiều diễn biến tư tưởng. Chúng tôi thấy cần phải có sự lãnh đạo của Đảng nên đã thảo luận và quyết định sẽ thành lập chi bộ trong nhà tù. Chúng tôi điều tra và xét lại lý lịch của anh em ở ngoài và trong khi bị bắt thì thấy một số đồng chí còn có thể coi là Đảng viên. Chi bộ đã thành lập, tôi được các đồng chí bầu là Bí thư. Thấy anh em ngồi rỗi, không có việc gì làm hay buồn. Có anh thường ngồi gục đầu vào hai đầu gối để nghĩ ngợi. Có anh chỉ lủi thủi một mình chả chơi với ai. Chúng tôi tìm cách cho anh em giải trí. Chúng tôi lấy quai dép cao su cắt làm quả cầu cho anh em đá. Cứ đến giờ ra sân, chúng tôi chia làm hai bên, cách một cái dây ở giữa, đá qua lại tính điểm. Đá rất ham, vừa khoẻ người, vừa không nghĩ ngợi gì. Chúng tôi còn làm bàn cờ người, vẽ bàn cờ xuống sàn gỗ, lấy gạch mài  ra làm quân. 
Tiếp đó, Chi bộ quyết biến nhà tù đế quốc thành trường học nên đã cử ra một ban học tập chính trị gồm: tôi, anh Thương, anh Hải để tìm phương pháp học tập và soạn tài liệu. Bộ mặt của trại J ngày càng đổi mới.
 20-1-1950
Đang trò chuyện thì tự nhiên đèn phụt tắt, không những đèn ở trại chúng tôi mà các trại đèn cũng tắt cả. Tiếng chân người dẫm trên sỏi, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, tiếng la hét, tiếng chửi nhau giữa bọn coi tù. 10 phút, 15 phút, nửa giờ rồi một giờ, đèn vẫn cứ tắt. Cố nhìn ra ngoài đường xem đèn có tắt không, tôi và Thương công kênh nhau lên, nhòm qua tấm lưới mắt cáo thấy ngoài đường tối om om, không nghe thấy tiếng xe cộ đi lại gì cả.
Tôi kéo Thương lại gần, rỉ tai: “Cậu ạ, có lẽ ở ngoài phá bốt điện rồi”.  Tôi hồi hộp nhắm mắt để hình dung việc anh em vào phá. Tôi thấy phấn khởi như chính tôi được dự trận phá này. Tuy tôi bị bắt nhưng ở ngoài, các đồng chí vẫn tiếp tục hoàn thành xong nhiệm vụ.
Chuyển sang trại P
Chúng tôi đã chuyển từ tòa án của bọn bù nhìn bán nước sang tòa án của bọn nhà binh Pháp. Trại P là một trại chuyên dùng để giam những người chưa thành án. Có một anh nom quen quá, à, anh Chuyết, một cơ sở ở 41 Hàng Giấy, sao lại bị bắt vào đây? Tôi định đứng dậy đi theo để hỏi thì anh dừng lại đến bên tôi nói khẽ: “Tôi nhìn thấy anh ngay từ chiều, nhưng lúc khác nói chuyện anh nhé, trong này còn nhiều chó lắm, nói ngay không tiện”. Hiểu ý anh, tôi khẽ gật đầu. Anh bị bắt sau, chắc biết nhiều chuyện. Và tình hình hiện tại trong trại ra sao tôi cũng cần biết ngay để định cách đối phó. Tôi bảo anh:  “Chúng ta ra chuồng xí trao đổi vài thứ cần thiết”. Tôi ra ngoài chuồng xí được một phút thì anh ra. Anh kể: . 
  - Ở đây chả có tổ chức gì cả, hàng ngày hay xảy ra đánh nhau, mất trộm luôn, có cái gì cũng phải để ở đầu giường chỗ mình nằm, thế mà sáng ra cũng mất, nhất là các thức ăn.
          - Tôi nghe nói ở đây trước kia có học cơ mà!
          -  Có, một dạo anh em tự tổ chức học lấy, sau bị chúng nó tố, một số đi cùm thế là phong trào học lại xẹp xuống.
          - Sao không đánh cho chúng nó một trận?
          - Đánh, anh bảo ai đánh, chúng nó đông, lại có quan thầy là thằng Mác-canh, vả lại nó ném đá giấu tay, biết là nó tố nhưng cũng chưa chắc bắt được quả tang.
          - Thuốc phiện ở đâu nó hút? Nhà tù có lệnh cấm hút thuốc phiện cơ mà!
          - Vâng, ở đây có lệnh cấm hút thuốc phiện, nhưng riêng bọn tay chân của chúng thì tha hồ hút, thuốc thằng Mác-canh gửi cho đấy. Cứ tố được một vụ thì có được một ít thuốc. Rồi chúng cũng bắt người khác mua thuốc cho chúng hút nữa...
Họp chi bộ 
Chúng tôi sáu, bảy người quây quần xung quanh một bàn cờ tướng ở một góc sân. Bên ngoài cũng có 3 đồng chí cũng ngồi đánh cờ làm nhiệm vụ canh phòng và cản người ngoài vào. Ngoài sân, anh em vẫn vui chơi các môn như đá cầu, đánh cờ, hoặc túm năm, tụm ba dưới các các gốc cây bàng. Vào cuộc họp đồng chí Lê Đình Cầu, Bí thư chi bộ đầu tiên của Hỏa Lò thời kháng chiến, báo cáo và nhận định:  
          - Tình hình hiện nay ở đề lao sắp có chuyển biến lớn, sau hai vụ vượt ngục của anh em ở nhà thương, rồi sau vụ cưa chấn song bị bại lộ của chúng tôi, bọn giám ngục ở đây rất bực tức, dùng chính sách khủng bố, khám xét trắng trợn lại sửa soạn để đưa một số tù đi Côn Đảo. Đồng chí đề ra 3 việc phải làm, đó là: Chuẩn bị cho anh em đi Côn Đảo, thảo luận phương pháp tổ chức quần chúng và bầu lại chi ủy.
Việc đầu tiên sau khi thảo luận, các đồng chí đều nhận định: chưa thể tổ chức một cuộc chống đi Côn Đảo vì chưa nắm vững quần chúng, chưa đưa quần chúng ra đấu tranh bao giờ. Hiện nay chỉ có thể vận động quần chúng tương trợ quần áo cho anh em đi, đồng thời viết truyền đơn phản đối để rải ở đường. Chi bộ giao nhiệm vụ thu nhận quần áo, viết truyền đơn, tổ chức việc đi, chuẩn bị tư tưởng cho anh em cho trại thành án. Quyên góp được bao nhiêu sẽ mang sang tập trung bên trại O (trại thành án). Còn việc học tập, để có thể trở thành một phong trào tập thể, bây giờ cần vận động cá nhân tự học, không biết thì đi hỏi người khác, như vậy dần dần sẽ biến thành phong trào chung.  Bầu lại chi ủy thì tôi được trúng vào chi ủy, rồi lại được sự tín nhiệm của chi ủy cử làm Bí thư chi bộ. Nhận nhiệm vụ do Đảng giao cho, tôi thấy lo lắng, nhưng với lòng quyết tâm, tin tưởng ở sự giúp đỡ của các đồng chí và quần chúng, tôi lại thấy phấn khởi. 
Tổ chức các cuộc đấu tranh
Buổi tối hôm đó, riêng trại P đã quyên được hơn 60 chiếc vừa quần, vừa áo. Các thứ lặt vặt như xà phòng, bàn chải, khăn mặt cũng được rất nhiều. Đêm đó, chúng tôi cho chuyển ngay sang trại O. Vì trại O và trại P ở gần nhau, chỉ cách nhau hai tấm cửa bằng chấn song sắt chừng bốn thước. Chúng tôi cho người công kênh nhau lên để giám sát địch, rồi buộc cuộn giẻ vào một sợi dây  dài ném sang bên trại O, khi bên kia đã nắm được đầu dây rồi, chúng tôi cứ việc buộc quần áo vào mà kéo sang. Sang tới nơi, anh em bên trại thành án phân phối luôn cho mọi người giữ đề phòng ngày mai nhà tù vào khám.
Sáng hôm sau trời còn sớm, bọn giám ngục đã kéo vào mở cửa đưa anh em đi. Tiếng chìa khóa vừa mở chiếc xích sắt kêu đánh cạch thì anh em các trại cũng đều thức dậy cả. Anh em công kênh nhau lên nhòm qua cửa sổ, có người ngồi trèo cả lên trên. Bọn giám ngục la hét, anh em vẫn phớt đều, chúng nó lấy đá ném, lấy nước bẩn té. Anh em tụt xuống rồi lại trèo lên. Ai nấy đều muốn được nhìn những người thân yêu của mình một lần nữa trước khi đi ra cái đảo xa xăm, nơi mà chỉ có đi mà ít khi trở lại.
Nhà tù lại có sự thay đổi, tên chúa ngục Minicôni phải về Pháp chữa bệnh. Bọn Pháp cử tên Tút-tu (Toustou) thay. Mới đến vài hôm nó đã dùng thủ đoạn đàn áp phủ đầu, nó bắt tất cả các trại ra ngoài sắp hàng để chúng ráp . Lần này nó khám rất kỹ, nắm từng gấu quần sờ từng đường chỉ, cắt đôi hộp thuốc đánh răng, bánh xà phòng để tìm ngòi bút, lưỡi dao cạo mặt. Nó áp dụng lối khám ngoài Côn Đảo, bắt anh em há mồm ra để xem trong cuống họng.  Sau trận ráp này, anh em rút kinh nghiệm, không giấu đồ vật tài liệu vào trong người nữa mà cho vào ống đậy nắp lại tìm chỗ kín trên mái nhà, đào ở gốc cây ngoài sân để giấu. 
Nhận định tình hình ta và địch, chi bộ thấy phải nhân lúc tên chúa ngục mới tới phải nổ ra một cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em chủ yếu là cải thiện đời sống và chống khám xét trần truồng. Quả nhiên cách hai hôm sau, chúng cho người vào trại K để khám xét, anh em ra ngoài nhưng không cởi quần áo. Chúng khủng bố, một số tù tư pháp sợ sệt phải cởi quần áo cho chúng khám, còn đa số anh em tù chính trị không chịu để khám truồng. Đến bữa cơm, theo chủ trương đã định, anh em để lại, không ăn, yêu cầu gặp tên chúa ngục để phản đối. Tên này không dám vào, chỉ để những tên giám ngục vào giải quyết. Chúng vào la hét chán rồi lại dỗ dành, anh em vẫn kiên quyết không ăn và tuyên bố nhịn ăn một bữa để phản đối. Không làm sao được, chúng đành phải lùa anh em vào trong trại, đóng cửa lại, sau đó chúng khủng bố bộ phận lãnh đạo trại. (Đồng chí Trần Văn Tân tức Trần Vân tổ trưởng Đảng, đồng chí Kỳ Sơn - đảng viên và đồng chí Đặng Trần Chấn - quần chúng tích cực bị đưa đi cùm xà lim, sau đó bị nhốt ở trại cách ly) .  
Nhân đà thắng lợi này, các trại lại tổ chức học văn hóa. Bọn cai trại tuy sợ sệt nhưng lại không dám làm gì. Rồi với sự đấu tranh khéo léo của ta, cuối cùng nhà tù đã phải đồng ý để một số anh em được gửi sách học tập văn hóa vào, còn giấy bút thì gửi theo đường bí mật. 
Trừng trị bọn tay sai
Bọn cai tù được tên Mác-canh nâng đỡ lại ngóc đầu hoạt động, chúng bắt đầu tìm cách tố lén lút. Những vụ mất trộm thức ăn lại xuất hiện. Bên trại O, tên cai Hồng càng tỏ vẻ hống hách với anh em, nó thường chửi đổng, nói cạnh khoé. Đã đến hôm ăn thịt, quen như mọi khi, một thằng tay sai của thằng Hồng mang một cái liễn đến để lấy thịt. Anh Dần, người của mình không cho:
- Một suất hai miếng rưỡi, anh xẻ như vậy thì anh em mất phần.
- Anh Hồng bảo lấy đấy, anh không cho thì ra bảo anh Hồng.
- Anh Hồng thì cũng có suất thôi, phần của anh em không ai lấy được.
          Điều qua tiếng lại, anh em xúm đông, anh Dần nói với mọi người:
- Các anh xem, mỗi lần ăn thịt chỉ được vài miếng, anh này lại xẻ nửa liễn thì còn gì mà ăn.
Anh em mỗi người nói một câu, tên lấy thịt ấp úng không nói được gì, chạy đi bảo thằng Hồng. Thằng này vừa ở ngoài “ghép”  vào, chạy đến sừng sộ:
- Thằng nào không cho lấy thịt, được rồi, đ. cần nói với chúng nó. Rồi chúng mày biết tay ông.
 Anh em mặc kệ, cứ yên lặng chia thức ăn, vì biết đánh nó bên ngoài trại không lợi, bọn giám ngục sẽ can thiệp.
Cơm xong vào trại, tên Hồng tụ tập một số tay sai lại, huênh hoang:
- Chúng mày xuống lôi thằng Dần lên đây, nó không biết ông là chúa ở cái trại này à? Ông đã ngơ đi nhiều lần mà còn vuốt râu hùm, gọi nó lên đánh, nhét cứt vào miệng nó cho tao.
Vừa lúc đó anh Dần lững thững đi lên, nom thấy anh, nó đổi giọng:
- À, anh Dần, ngồi chơi, lúc nãy đàn em nó lấy ít thịt vào để hút thuốc chơi, sao anh lại cản nó?
Anh chưa kịp trả lời, nó chửi đổng luôn:
- Ở đây thằng nào bướng thì ăn đòn, đi xà lim. Đây là nhà tù, đừng có bướng bỉnh.
Bọn tay sai bên ngoài xun xoe, dáng điệu vênh vang. Anh em trong trại biết có chuyện sắp xảy ra, yên lặng chờ đợi, ai cũng muốn biết câu chuyện sẽ giải quyết ra sao. Anh Dần nghe tên cai chửi đổng trầm tĩnh nói:
- Anh không nên chửi, suất thịt của anh em đã ít, bây giờ anh còn lấy đi thì anh em lấy gì mà ăn.
Nó giở mặt:
- À, chúng mày cấm tao lấy thịt phải không? Tao là chúa ở trại này, ai dám cấm. Vào đây đừng có hoạt động chính trị.
Lúc đó lực lượng của ta đã bố trí sẵn sàng, anh Tư, người chỉ huy cuộc đánh giơ tay làm hiệu. Anh B tay vớ ngay lấy cái liễn của bọn chúng dùng đựng nước chè để bên cạnh giáng ngay một cái vào đầu tên này, nó né tránh nhưng cũng bị trúng cạnh đầu, chiếc liễn kêu choang một tiếng vỡ làm đôi. Thằng cai ngã gục xuống, mồm còn cố gọi bọn đàn em:
- À, giỏi, chúng mày đâu, đánh chết chúng nó đi cho tao.
Anh Dần nhảy xổ lên người hắn, một tay bóp cổ, một tay đấm như mưa vào đầu, vào mặt. Anh B lúc này đã vứt mảnh liễn trong tay đi vì sợ đánh nhầm phải bạn, chồm lên nện gót chân vào ngực, vào bụng, nó cố kêu:
- Ối,  xếp… ơi…ối xếp…!
Tiếng kêu bị đứt quãng trong tiếng đấm, máu chảy lênh láng ra sàn, phun cả vào người hai anh. Anh em trong trại im phăng phắc, yên lặng đứng nhìn, ai nấy như mở cờ trong bụng. Bọn tay sai thấy thằng trùm bị đánh, cuống lên, mặt tái mét, nhưng nom thấy lực lượng của ta mạnh quá, không có thằng nào dám xông vào cả. Một thằng chạy ra cửa trèo lên chấn song vừa cất mồm kêu: “Ối xếp ơi!” thì bị ngay một quả đấm vào mạng sườn, giật ngã sóng xoài dưới đất. Những thằng khác nom thấy vậy, ngồi im thin thít không dám nhúc nhích. Tên cai Hồng trước còn lảm nhảm chửi bới, sau không thấy ai vào cứu, máu chảy mỗi lúc một nhiều, nó sợ bị đánh chết, hoảng hốt lạy van:
- Em lạy các anh, em biết tội rồi, các anh tha chết cho em.
Anh Dần quát:
- Mày biết tội thế nào?
- Em biết là ăn chặn thịt của các anh là có tội, các anh tha cho em, đừng giết em.
Thái độ của nó bây giờ thật là qụy lụy, mặt mày nhợt nhạt, đầu bê bết máu, quần áo rách mướp, người run bắn lên. Anh Tư bảo hai anh cho nó ngồi dậy. Nó ngồi gục mặt xuống, không dám ngước mắt nhìn ai. Anh đứng giữa trại tuyên bố tội trạng của nó: hành hạ, đánh đập anh em, ăn chặn tiếp tế, thức ăn hàng ngày của mọi người, tố giác với nhà tù đưa anh em đi cùm nên hôm nay anh em quyết định đánh cảnh cáo. Anh em hỏi tội nó, nó nhận hết, và một mực xin tha chết. Anh Tư thay mặt anh em tuyên bố tha tội chết cho nó và nói rõ chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với những kẻ lầm đường. Anh gọi bọn tay sai lại để nói cho chúng biết sự sai lầm và khuyên chúng không nên làm như thế nữa. Khi được gọi lên, thằng nào thằng nấy run như rẽ. Lúc này, tiếng kêu, tiếng người đánh đã lọt sang trại bên. Bọn cai trại trèo lên gọi bọn giám ngục. Bọn này ra báo với chúa ngục, tên Tút-tu đang nghỉ trưa choàng dậy, quấn vội cái sà-rông chạy vào. Cửa mở, nó thấy tên Hồng người đầy máu, quần áo rách mướp chạy ra, không nói câu nào. Nó bảo tên này thu xếp quần áo mang ra nhà thương, đóng cửa lại. Một giờ sau, nó cho gọi mấy anh Tư, B, Dần ra ngoài hỏi tại sao lại đánh cai. Các anh trả lời:
- Cai ăn chặn thịt của anh em, chúng tôi không cho, cai định đánh chúng tôi nên chúng tôi đánh.
Nó cho người vào trại hỏi, anh em đều nói như vậy. Biết bọn tay sai làm bậy, không biết bênh vực bằng cách nào, nó đánh các anh một trận rồi tuyên bố bỏ hầm 7 ngày vì tội làm mất trật tự nhà lao. Anh em cử đại biểu ra tranh đấu, 4 ngày sau nó phải thả về. Sau trận đánh tên Hồng, các cai trại nhụt hẳn đi. Nhân dịp này, các trại tổ chức các ban Trật tự để lãnh đạo mọi công việc trong trại. Hình thức cai trại cũng vẫn còn để lại, dùng nó che mắt nhà tù.
Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ
Săp đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, chi bộ họp và quyết định  sẽ tổ chức trước một ngày để che mắt bọn giám ngục. Các trại đều cử hành lễ sinh nhật Bác, công khai và thống nhất theo giờ đã định. Vừa điểm danh xong, bọn giám ngục quay ra đóng cửa lại là chúng tôi làm lễ. Chúng tôi đã nghiên cứu biết chắc chắn trong khoảng thời gian này chúng còn phải cộng sổ.  Cuộc hành lễ diễn ra trong một không khí trang nghiêm. Anh em đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất, đứng sắp hàng hai dãy sát tường. Một đồng chí trong ban tổ chức ra nói lý do và hô chào cờ. Tất cả đều quay về phía Bắc, im phăng phắc để tỏ lòng luôn tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu đang cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và mang lại quyền lợi cho giai cấp cần lao. Một đồng chí nói về tiểu sử của Người, nêu lên sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người và đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đến phần phát biểu cảm tưởng, anh em đều nói lên lòng quyết tâm, tin tưởng ở lãnh tụ, hứa đoàn kết đấu tranh để góp phần vào sự nghiệp cách mạng ở bên ngoài. Sau lễ kỷ niệm này không xảy ra tố giác gì cả vì bài học tên Hồng hãy còn in sâu trong đầu óc bọn tay sai còn lại.
Toà án binh của bọn cướp nước
Ít ngày sau, chúng tôi có giấy báo của toà án binh cho biết ngày đem xử. Buổi tối trước hôm chúng tôi ra toà, anh em tổ chức một buổi liên hoan. Mọi người khuyến khích chúng tôi biểu lộ được tinh thần người cách mạng trước mặt quân thù. Chúng tôi cử đại diện lên trình bày cảm tưởng và hứa hẹn với anh em. Tôi có cảm giác như sắp lao vào một cuộc chiến đấu và đây là hạ quyết tâm trước đơn vị.
Sáng hôm sau, trời mờ sáng, tên giám ngục đã vào mở cửa dẫn chúng tôi ra toà. Bước vào phiên toà, sau một thời gian nghe chúng nó vòng vo kể tội, tôi nhìn thẳng vào bọn quan toà dằn giọng nói:
- Chúng tôi không chối cãi việc chúng tôi là những người kháng chiến. Không một người Việt Nam yêu nước nào lại muốn để dân tộc mình bị nước ngoài đô hộ. Ngay các ông, trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai vừa rồi, nếu các ông là người Pháp yêu nước Pháp thì các ông cũng sẽ không muốn để đất nước các ông trong tay phát xít Đức. Chúng tôi cũng vậy, người Việt Nam nhất định kháng chiến đến khi không còn một bóng tên thực dân Pháp nào trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi nhất định thắng. Hiện nay tôi bị các ông bắt, tôi không công nhận việc các ông đưa tôi ra toà. Tôi yêu cầu đưa tôi về trại tù binh.
Nghe tôi nói, tên chánh án cau mặt nhìn. Cuối cùng chúng biên giấy hội ý với nhau, tuyên bố toà nghỉ 10 phút. Khi ra, trông chúng như bọn vua quan thời phong kiến, trịnh trọng ngồi xuống ghế. Một tên đứng dậy, đưa tay lên sửa lại đôi kính gọng vàng đeo trên mắt, rôi tuyên bố: 
“Nguyễn Văn Thế, tử hình. Lê Tuấn Linh, 10 năm tù”.
                                                         Ngô Hùng Hậu 
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...