Đoàn kết đấu tranh vượt qua sự đày đọa tàn khốc của kẻ thù

5879
March 17, 2016
Tháng 12 năm 1941, tôi  và cha tôi là Lê Thành Hữu bị địch bắt tại Hưng Yên trong vụ khủng bố trắng phong trào cách mạng Liên tỉnh B (Hưng Yên, Hải Dương). Sau bốn tháng địch tra tấn dã man tại Sở Mật thám Hải Dương, chúng không khai thác được gì. Tôi và cha tôi đã bị đưa về giam ở đề lao tỉnh Hưng Yên, tại đây bọn cầm quyền thực dân Pháp đã kết án tôi 3 năm tù giam. Vụ án lớn này gồm 50 Đảng viên và quần chúng bị bắt. Trong đó, có những cán bộ xứ hoạt động ở Liên tỉnh B như: đồng chí Thành Ngọc Quản (tức Đào Văn Trường), Lý Anh (tức Đức), Lý Kiểm, Khuất Thị Bưởi (tức Bẩy)… Chúng tôi đều chống án lên toà thượng thẩm Hà Nội.


Tháng 8-1942, địch đưa chúng tôi giam ở nhà lao Hoả Lò. Cuối năm 1943, xử lại tại toà án thượng thẩm, do không đủ chứng cứ buộc tội, địch buộc phải trả lại tự do cho tôi. Cha tôi khi bị bắt, địch phát hiện được quyển “Phan Bội Châu” tại trường dạy học, nên vẫn chịu 3 năm tù và bị đày đi Sơn La.
Nhà lao Hỏa Lò là trung tâm lớn ở Bắc kỳ tập trung tù chính trị để phân đi các nhà tù Sơn La, Côn Đảo… Đây là một trong 3 công cụ quan trọng của thực dân Pháp (Sở Mật thám, Toà án thượng thẩm, nhà lao Hỏa Lò) để đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam.
Với 3 công cụ đó, bất cứ lúc nào địch cũng có thể gieo tai họa lên những người tù chính trị bằng việc sử dụng bọn mật vụ dò xét và khai thác người mới bị bắt. Nếu chúng phát hiện người tù nào trốn cung, khai báo chưa “thành khẩn”  hay người cầm đầu hoạt động đấu tranh trong tù thì lập tức người đó bị tra tấn ngay tại chỗ hoặc đưa sang Sở Mật thám tra tấn để khai thác rồi dùng nhục hình trừng trị và tăng thêm hạn tù. Với thủ đoạn này, địch thường xuyên gây căng thẳng tinh thần người tù chính trị, tạo sự hoang mang, dao động với số người yếu tinh thần nhằm thực hiện âm mưu ly gián, chia rẽ của chúng.
Đi đôi với thủ đoạn tinh vi là sự dã man tàn khốc, như năm 1913 thực dân Pháp đã chặt đầu 07 chiến sĩ cách mạng ngay trước cửa nhà lao Hỏa Lò.
Hành động vô cùng tàn bạo thâm độc của kẻ thù hòng hủy diệt phong trào cách mạng nhưng chúng không dung dọa được ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày, càng khơi sâu thêm lòng căm thù quân cướp nước. Do đó, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao đầy uất hận:
“Ai đưa tôi đến chốn này,
Bên kia toà án, bên này đề lao”.
Nhà lao Hỏa Lò qua cánh cửa đen sì, bước vào trong là cả một bầu không khí lạnh lẽo, ảm đạm với những phòng biệt giam và xà lim kiên cố giam cầm tù chính trị. Trong đó, có các xà lim án tử hình (còn gọi là xà lim án chém) chỉ có một cửa sổ nhỏ, với căn buồng hẹp. Vì thế rất ngột ngạt, tối tăm (tại đây, địch đã giam cầm các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ uỷ, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Đăng Ninh, Bí thư  Xứ ủy Đảng ta). Ngoài ra là phòng tra tấn và khu máy chém.
Tôi đã bị giam ở phòng biệt giam nữ tù chính trị. Phòng này diện tích nhỏ, tường xây đá kiên cố rất dày, trên cao là cửa chấn song sắt có lưới thép. Phòng 2 dãy sàn gỗ lim gần 20 người nằm chen chúc, giữa là một lối đi hẹp, cuối phòng để thùng vệ sinh chung (thùng Tinét). Do đó, phòng giam nữ rất thiếu không khí, thiếu ánh sáng, luôn ẩm ướt, hôi hám, ngột ngạt.
Hàng ngày, trừ lúc 4 giờ sáng mở cửa phòng để thay thùng vệ sinh và ít phút được ra nhận cơm, hầu như suốt ngày đêm người tù bị giam hãm trong bốn bức tường.
Cơm tù thì gạo hẩm, cá khô mục, thịt trâu già, rau muống cả bè, khi ăn chúng tôi phải vớt bè rau nhặt ra từng ngọn. Dây rau còn lại treo thành búi lòng thòng. Chúng tôi thường gọi là “rau muống dải rút”.
Cuộc sống đoạ đày, khiến chúng tôi người nào cũng xanh xao, gầy yếu. Một số đồng chí bệnh tim, huyết áp cao, ho lao. Có trường hợp chết đột ngột ngay trong lúc ngủ, sáng dậy người nằm cạnh thấy bạn đã lạnh cứng.
Nhà lao Hỏa Lò thường có dịch (bệnh phù thũng do thiếu sinh tố, bệnh sốt rét vàng da, chấy rận phát triển). Năm 1943, dịch chấy rận đã cướp đi nhiều sinh mạng. Trong đó, có chị Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp), đồng chí Đảng viên cùng hoạt động với tôi quê ở Khang Phụ, Kim Động, Hưng Yên. Trong khi đó, bọn cai ngục không từ một thủ đoạn nào để bóc lột sức lao động người tù. Chị Lê Thị Ban khéo khâu may, thêu thùa hàng ngày bị điều ra nhà gác điêng để khâu may cho chúng.
Kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, làm nhục người tù chính trị. Các buổi sáng mụ đầm gác điêng bắt chúng tôi đứng xếp hàng cúi đầu, khoanh tay để mụ lấy dùi cui gõ lên đầu từng người gọi tên, điểm số tù. Trong lúc đó, nếu ai gãi người hoặc nhúc nhích là mụ đánh túi bụi, phạt quỳ…
Hàng ngày mụ gác điêng bất thình lình xông vào lục soát chỗ nằm của chúng tôi, nếu phát hiện một mẩu bút chì, mảnh giấy hay viên thuốc… thì lập tức người tù bị tra tấn, giam xà lim, phạt ăn cơm muối uống nước lã.
Chế độ tàn bạo thâm độc của nhà lao Hỏa Lò đã đặt vị thế các chiến sĩ bị địch bắt tù đày thường xuyên đối mặt với kẻ thù. Do đó, đoàn kết đấu tranh để bảo vệ quyền sống, bảo vệ sự trường tồn của sự nghiệp cách mạng, trở thành lẽ sống của các chiến sĩ ta.
Nhà lao Hoả Lò đã liên tục nổ các cuộc đấu tranh của anh chị em tù chính trị chống sự tàn bạo dã man của địch trong đó có những cuộc đình thực chống rau già, cá thối. Đòi cải thiện bữa ăn, tù chính trị được cử đại diện xem xét việc giao nhận thực phẩm, tham gia nấu ăn, chia cơm và tăng thêm giờ mở cửa lúc nhận cơm. Đòi thực hiện đều chế độ gia đình người tù thăm nuôi người thân. Đấu tranh hò la chống cúi đầu, khoanh tay lúc điểm danh…
Trong các cuộc đấu tranh này, các chiến sỹ tù chính trị đã bị bọn cai ngục đàn áp hết sức dã man. Trước đòn thù, chiến sỹ ta đã kiên cường đấu tranh, người tương đối khoẻ che chắn cho người yếu. Nhiều đồng chí bị kẻ thù giáng những trận mưa roi, áo quần đẫm máu, ngã ngất bất tỉnh. Nhưng người này ngã thì người khác xông lên thay thế, khiến kẻ thù kinh ngạc, thán phục trước tinh thần kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Chúng đã phải nương tay và cuối cùng buộc lòng phải chấp nhận yêu sách của anh em tù chính trị như bỏ lệ cúi đầu, khoanh tay lúc điểm danh, tù chính trị được tham gia nấu ăn, giờ chia cơm nới lỏng hơn, hàng tháng gia đình người tù được thăm nuôi người thân…
Phòng biệt giam nữ chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quang Thái được chị em bầu là đại diện ngoại giao trực tiếp đề đạt với mụ gác điêng những việc cần thiết của chị em. Gặp trường hợp mụ gác điêng cúp phạt vô lý hoặc mắng chửi thô bạo, chị đã dũng cảm dùng tiếng Pháp tranh cãi cho ra lẽ. Đôi mắt sáng cương nghị và lời lẽ mạch lạc của chị Thái đã khiến mụ gác điêng nhiều lúc cụt hứng, hạ giọng, nương tay.
Nhưng kẻ thù thâm hiểm đã hãm hại chị Nguyễn Thị Quang Thái trong vụ dịch chấy rận năm 1943, bằng thủ đoạn nhân lúc chị bị bệnh, chúng bỏ mặc không thuốc thang nên chị đã chết thảm do sự độc ác, nham hiểm của kẻ thù.
Chị Nguyễn Thị Quang Thái mất đi, chúng tôi vô cùng thương tiếc và hết sức căm thù kẻ địch tàn bạo trong khi mụ gác điêng tỏ ra đắc ý một cách hèn hạ.
Trước tình hình đó, chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò cũng kiên quyết xiết chặt hàng ngũ đấu tranh. Các ban chính trị, đời sống, văn hoá, văn nghệ của tù chính trị được củng cố để tăng cường việc chăm lo sức khoẻ đời sống, giúp đỡ lẫn nhau khi ốm đau, khắc phục đau đớn sau những trận đòn thù, động viên nhau nâng cao trình độ mọi mặt, giữ vững và phát huy phẩm chất, khí tiết người cách mạng. Những hoạt động thiết thực đó đã biến nhà tù thành trường học cách mạng để vượt qua đoạ đày, tàn khốc của kẻ thù, bồi dưỡng ý chí chiến đấu của các chiến sĩ bị tù đày để sẵn sàng đợi thời cơ trở về tiếp tục phục vụ cách mạng.
Tôi không thể nào quên những tháng ngày đầy xúc động ở phòng biệt giam nữ tù chính trị tại nhà lao Hỏa Lò.
Nơi đây, chị em ra sức phấn đấu học tập văn hoá, chính trị và phát huy đức tính trung hậu, cần cù đảm đang của phụ nữ Việt Nam, tích cực chăm lo sức khoẻ đời sống chung, thương yêu giúp đỡ nhau thật thắm thiết.
Sau khi bị mật thám Hải Dương tra tấn dã man, tôi thường bị đau đầu hay choáng váng, xương khớp nhức nhối, nhất là khi thời tiết xấu. Do sức khoẻ sút kém, người thường hay lao đao. Một lần tôi bị cảm cúm nặng, sốt rất cao, chị Hoàng Thị Ái, chị Tạ Thị Câu đã tận tình chăm sóc. Nhờ bát cháo hành các chị nấu bằng cơm nguội thừa tôi đã hạ sốt, dần đỡ cảm.
Hoạt động văn nghệ như thơ ca, diễn kịch, trích đoạn chèo… của phòng nữ khá sôi nổi. Trong các buổi trình diễn, chị Hoàng Thị Ái đóng vai nam rất đạt, được “khán giả” hoan nghênh nhiệt liệt. Với đức tính hiền hậu, chị được chị em thương mến, chúng tôi thường gọi chị là “chú Ái”.
Tôi đã tham gia ban đời sống do chị Trương Thị Viếng (tức Trương Thị Mỹ) làm trưởng ban.
Như đã nêu trên, do địch nới rộng giờ chia cơm, chúng tôi đã tranh thủ thời gian cố gắng nhặt bớt những hạt sạn, cục cơm chua gạo mốc, gỡ những con cá khô thối rữa, xé từng miếng thịt trâu “quai guốc”, nhặt những ngọn rau muống ở bè rau “dải rút” mong sao bữa cơm tù bớt cực khổ để chăm lo sức khoẻ đồng đội.
Tôi thích thơ Tố Hữu và phần nào biết về thơ nên đã cùng chị em nhóm thơ trình diễn thơ và thường đọc thơ ban đêm để các bạn bên cạnh cùng nghe. Trong đó bài thơ “Chị nhắn em” của tác giả Hồng Quang (Nguyễn Văn Trạch) đã gây cho chị em nhiều xúc cảm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thuộc lòng bài thơ trong đó có đoạn:
“Em ơi! ruột chị rối như tơ
Nước mất nhà tan cám cảnh chưa?
Đất Tổ làm hang nuôi hổ báo
Con Tiên lộn kiếp hoá trâu lừa
Trận mưa chuyên chế bao người chết
Tiếng gọi công bình mấy kẻ thưa
Chị quyết ra tay liều một kiếp
Cho thiên hạ biết mặt đào tơ
Biết mặt đào tơ giữa lúc này
Lẽ nào đành chịu nuốt chua cay
Sống không phấn đấu cùng non nước
Chết cũng thêm buồn với cỏ cây”.
Sống trong tình đoàn kết yêu thương và năng động tập thể nữ tù chính trị nhà lao Hỏa Lò, tôi càng nhận thức sâu sắc bản chất vô cùng tàn ác, nham hiểm của kẻ thù, thêm tin tưởng mãnh liệt sức mạnh đoàn kết đấu tranh để vững bước trên con đường cách mạng.
Đầu năm 1944, khi địch trả lại tự do, có thể nói tôi phải trải qua những “cửa ải” để trở về với đời thường.
Từ nhà lao Hỏa Lò, tôi được chuyển sang Sở Mật thám Hà Nội để bọn mật thám tra soát hồ sơ, căn cước và làm thủ tục lăn tay lần cuối rồi chúng còn hỏi lục vấn mang tính điều tra, dò xét nội bộ của ta, được các đồng chí cho biết trước, nên tôi đã tỉnh táo tránh rơi vào thủ đoạn của chúng.
Hơn một tuần lễ nằm chờ ở Sở Mật thám, tôi gặp chị Nguyên và chị Lê Minh Đức cùng ra tù, chúng tôi thành những người bạn đồng chí đồng hành.
Trở về gia đình ở thị xã Hưng Yên còn chân ướt, chân ráo, tôi lại bị Chánh cẩm Hưng Yên bắt giam, tra hỏi về việc khi ở đề lao Hưng Yên đã vận động lôi kéo lính gác đề lao, lính coi tù chính trị và trong lúc làm cỏ-vê vườn hoa trước toà sứ để trồng cây lá gấm thành khẩu hiệu cách mạng v.v... 
Như tôi đã viết trong hồi ký - đây là những hoạt động khi bị giam ở Hưng Yên. Để giữ bí mật công tác binh vận của Đảng, tôi có đủ lý lẽ để cãi lại Chánh cẩm: Chúng tôi là người tù với quản đề lao và người coi tù có sự cách biệt hẳn hoi, làm sao tôi có thể chuyện trò với họ được. Việc trồng cây lá gấm là do người trông coi vườn hoa bảo tôi làm, sao các ông lại đổ cho chúng tôi trồng khẩu hiệu cách mạng?... Tên Chánh cẩm mặc dù rất tức tối, nhưng không đủ bằng chứng buộc tội nên hắn phải thả tôi về.
Nhưng chỉ ít ngày sau đó, Chánh cẩm gọi tôi đến Sở Cẩm đọc quyết định của chánh sứ buộc tôi phải quản thúc vô thời hạn tại nguyên quán làng Nga Thượng, Lý Nhân, Hà Nam. Trao quyển sổ quản thúc cho tôi, tên Chánh cẩm đe doạ: “Nếu cô không an phận thủ thường ở nơi quản thúc thì có ngày Nhà nước sẽ đưa đi Căng không có ngày về”.
Tôi lúc này là một Đảng viên cộng sản đã qua tù đày rèn luyện tự hiểu rõ mình phải làm gì nên bình tĩnh nhận sổ quản thúc.
Về quản thúc ở Lý Nhân đã đặt cho tôi nhiều khó khăn phải vượt qua. Trước hết là lo sinh kế và chăm nuôi em Lê Quang Phục đang bị bệnh lao phổi rất nặng ở Hưng Yên. Quan trọng hơn là làm sao tạo chỗ đứng để tiếp tục hoạt động. Lý Nhân tuy là quê hương nhưng từ bé tôi không sống ở đây, mọi việc phải làm từ đầu. Tôi đã quyết tâm gắn bó với gia đình bác ruột Lê Thành Mai (ông Hào Xuyên) và tâm tình với các chị Lê Thị Hà, Lê Thị Ba, chị dâu là vợ anh Lê Thành Giang tranh thủ sự ủng hộ của các chị. Qua đó, triển khai công tác vận động chị em trong xã hội đã vừa công tác cách mạng, vừa đan len thuê xuất khẩu lấy tiền nuôi em ốm.
Giữa lúc này, cuộc tổng khởi nghĩa đang đến gần thì tháng 11 năm 1944, em Lê Quang Phục qua đời. Cố nén vô vàn đau thương để mai táng chu đáo em tại nghĩa trang thị xã Hưng Yên. Sau đó, tôi vội trở về Lý Nhân để tiếp tục việc tổ chức phụ nữ địa phương khẩn trương tham gia phong trào, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và tôi đã làm tròn nhiệm vụ, đóng góp tích cực với cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại quê hương đảm nhận nhiệm vụ Bí thư đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hà Nam, kiêm Bí thư huyện ủy huyện Bình Lục, hoàn thành những nhiệm vụ khẩn cấp Đảng giao phó sau khởi nghĩa. Tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống xâm lược Pháp, bảo vệ độc lập Tổ quốc.
Viết những trang hồi ức này, tôi vô cùng xúc động và tự hào ôn lại những năm tháng tù đày cam go thử thách và quá trình hoạt động cách mạng đầy gian khổ, anh dũng. Đó chính là nhân tố cơ bản để tôi vững bước trên con đường cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, gia đình.
                                                                     Lê Chân Phương
Chia sẻ:
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm tháng không bao giờ quên (phần 3)

Từ năm 1940, chị em vào Hỏa Lò ngày một đông, cuộc sống tập thể nhiều mầu sắc, tính cách. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải tổ chức thực hiện những quy định của mình làm cho cuộc...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 2)

Cuộc sống trong tù đối với nam giới đã khổ, đối với nữ giới còn khổ hơn gấp bội phần. Từ những lời kể chân thực, mộc mạc của 45 nữ tù, cuộc sống của nữ tù nhân ở nơi địa ngục tăm tối hơn 70 năm về...

Năm tháng không bao giờ quên (phần 1)

“Năm tháng không bao giờ quên” là tựa đề hồi ký của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945. Người chấp bút là bà Hoàng Thị Minh Thảo, một trong 45 nữ tù. Ẩn...